Đôi lời về: “Thông – Trí – Huệ”



Tác giả: Nguyên Hinh

[ChanhKien.org]

Chữ Hán của Trung Quốc rất đặc biệt, chúng không phải dùng phương thức chữ cái sắp xếp theo đường thẳng để biểu đạt, mà là phương thức triển hiện kết cấu theo mặt phẳng bằng cách dung hợp hình thanh, hội ý, tượng hình…, vừa giàu tính hình tượng vừa có hàm nghĩa sâu sắc. Có những chữ nhìn bề ngoài thì ý nghĩa trông như gần giống nhau, nhưng mỗi chữ không giống nhau mang theo nội hàm cũng không giống nhau, đủ để thấy văn tự Thần truyền huyền diệu và siêu thường đến thế nào. Ở đây, xin được mượn ba chữ “thông”, “trí”, “huệ” cùng chia sẻ với mọi người.

Chữ “thông”(聪), bên trái là “nhĩ”(耳), bên phải là “tổng”(总). Từ kết cấu có thể hiểu ra ý nghĩa, nhĩ (tai) là hình ảnh thu nhỏ của cơ thể con người, điều này phù hợp với Trung y giảng tai là nơi tụ họp của tông mạch, sự biến hóa tổng thể của thân thể sẽ phản ánh đến các điểm tương ứng trên vành tai vừa khít một cách tự nhiên, có phải là rất thần kỳ không? Một chữ “thông”(聪) còn nêu bật mọi nhu cầu về đời sống vật chất của con người, hoàn toàn là nhằm thỏa mãn tổng thể và toàn bộ cảm quan. Nhưng mà chức năng cảm quan của con người tất nhiên có giới hạn, chỉ có thể tiếp xúc đến tầng ngoài của vật chất, vì thế một số người hiện nay lấy sự thông minh để truy cầu tích lũy vật chất, hoặc coi trọng dục vọng cá nhân “được ngày nào xào ngày nấy”. Nhưng chúng ta đã từng lúc nào nghĩ đến khi thân thể vật chất mệt mỏi và già đi, thì thực sự rất khó duy trì trạng thái “nhĩ thông mục minh” (tai thính mắt tinh) này hay chưa?

“Trí” (智), có nghĩa là “tri” (知) chỉ tri thức, là một quá trình hiểu biết và học tập kiến thức. Vậy thì từ đâu có thể “tri”? “Thức” cái gì đây? Chữ “nhật” (日) ở bên dưới cho chúng ta thấy rõ: trong phạm vi ánh sáng có thể nhìn thấy, được chiếu sáng bởi mặt trời, chúng ta có thể nhận thức và hiểu được tầng không gian vật chất của mình, nhưng hầu hết cũng không vượt qua được tầng vật chất bề mặt của vũ trụ. Vì thế người ta thường nhận thức rằng những kiến thức, kĩ năng học được rất dễ hình thành tư duy cố định. Đặc biệt trong thời đại công nghệ phát triển nhanh chóng như hiện nay, rất nhiều người đều đang bận rộn học tập, làm việc, làm nghiên cứu khoa học để làm nổi bật “tài trí” của mình, nhưng thường rơi vào trạng thái cạnh tranh, làm cho thân tâm của mình mệt mỏi, đồng thời làm xấu đi môi trường tự nhiên và con người, vì thế đây dường như không phải là trạng thái tốt đẹp mà con người thật sự nên tìm kiếm.

Chữ “huệ” (慧) có chữ “tuệ” (彗) ở bên trên, có thể hiểu là “cái chổi”, tổng thể của chữ là đặt cái chổi ở trong tâm, ý là quét hết những ham muốn dục vọng cá nhân, quan niệm cố hữu… “Nhân chi sơ, tính bản thiện”, khi tâm trí bị kích thích bởi thế giới bên ngoài, nó sẽ biểu hiện ra cảm xúc yêu thích hoặc chán ghét, nếu như không thường xuyên quét dọn thanh lý, thì tâm sẽ dần dần bị vật chất bên ngoài cám dỗ che đậy, thậm chí đánh mất đi lương tri để thỏa mãn dục vọng cá nhân, đặc biệt khi lý tính của con người bị thay thế bởi tình cảm, thì chính khí sẽ không đủ, dễ chịu nhận quấy nhiễu của tà khí. Các ngành nghề của người xưa đều giảng điều tức tịnh tâm, trọng đức tu thiện, để đạt được sự hòa hợp và cộng hưởng với trời đất, sở dĩ gọi “huệ” là từ tâm sinh ra.

Có thể thấy dưới sự dẫn động của thông minh, vì thỏa mãn dục vọng của thân thể mà sinh ra tâm trí, nhưng lại bị phủ bụi che mờ mất chân ngã tiên thiên. Chỉ có kính thiên tri mệnh, trọng đức tu tâm, mới có thể minh huệ bất hoặc, quay trở về bản tính chân ngã, đồng hóa với vũ trụ đại khung mỹ hảo thù thắng vô hạn. Vậy thì chữ “huệ” có phải đang chứa đựng sự từ bi khải ngộ của Thần đối với nhân loại không?

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/279280



Ngày đăng: 09-06-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.