Tứ đại phát minh của Trung Quốc cổ đại: Kỹ thuật làm giấy



Do NTDTV sản xuất

[ChanhKien.org]

1. Giấy Thái Hầu

Vào năm Hưng Nguyên thời Đông Hán (năm 105), Thái Luân tấu trình kỹ thuật làm giấy lên Hán Hòa Đế (Hoàng đế thứ tư của nhà Đông Hán), được Hoàng đế ban thưởng lớn và cho phép sử dụng rộng rãi. Năm 116, Thái Luân được tấn phong làm Long Đình Hầu. Trí tuệ của Thái Luân đã mang lại lợi ích cho muôn dân, nên người ta gọi giấy do Thái Luân làm ra là “giấy Thái Hầu”, lưu danh thiên hạ.

Thái Luân tự Kính Trọng, là người gốc Quý Dương thời Đông Hán, hiện nay là thành phố Sâm Châu, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Ông là Thái giám thời Đông Hán, mất năm 121.

Sách “Hậu Hán thư – Thái Luân truyện” ghi: “Từ xa xưa, chữ viết đa phần được viết trên thẻ tre, có người viết trên lụa nên gọi là chỉ (giấy). Lụa thì đắt tiền còn thẻ tre thì nặng, không thuận tiện cho con người. Thái Luân liền nảy ra ý tưởng sử dụng vỏ cây, cây gai dầu, vải cũ và lưới đánh cá để làm giấy”.

Kể từ thời Thái Luân, kỹ thuật và nguyên liệu làm giấy đã không ngừng phát triển qua các triều đại, nhưng nguyên lý làm giấy của Thái Luân vẫn được sử dụng cho đến tận ngày nay.

2. Mắt nhìn tâm hiểu và sự thể hiện trên mai rùa, xương thú, thẻ tre và lụa

Trải qua nạn hồng thủy cùng sự trôi dạt và thay đổi của các lục địa, trên các lưu vực sông tại Ai Cập cổ đại, La Mã, Ấn Độ và vùng Trung Nguyên lần lượt xuất hiện nền văn minh nhân loại.

Cách đây 5.000 năm, vào thời đại Tam Hoàng Ngũ Đế cổ đại (khoảng thế kỷ 26 TCN ~ đầu thế kỷ 21 TCN), chữ tượng hình đã được lưu truyền ở vùng Trung Nguyên. Trong các đồ gốm sứ và các bản giáp cốt khai quật được, người ta có thể tìm thấy các ghi chép về việc cổ nhân quan sát thiên tượng. Cách đây 4.500 năm người xưa đã biết quan sát mặt trời, mặt trăng và sông núi, còn cách đây hơn 3.000 năm, trên thế giới đã xuất hiện những ghi chép bằng văn tự sớm nhất về “nhật thực”.

Cuốn sách “Hoàng Đế Nội Kinh” xuất hiện sớm nhất vào thời Chiến Quốc đã ghi lại các câu hỏi của Hoàng Đế về hiện tượng tự nhiên, thân thể con người, những câu trả lời và giải thích của đạo sĩ Kỳ Bá và Lôi Công trên cơ sở vận dụng học thuyết âm dương ngũ hành. Cuốn sách này được coi là cuốn sách kinh điển đầu tiên của y học Trung Quốc.

Chương đầu tiên “Thượng Cổ Thiên Chân Luận” của sách “Hoàng Đế Nội Kinh” viết:

Ngày xưa Hoàng Đế sinh ra đã là Thần linh, sức yếu nhưng có khả năng ăn nói, lúc nhỏ thì gọn gàng chỉnh tề, khi lớn thì đôn hậu minh mẫn, đến khi công thành danh toại thì lên trời. Hoàng Đế hỏi Thiên Sư (Kỳ Bá) rằng: Ta nghe người thời thượng cổ đều sống tới trăm tuổi mà sức khỏe không kém sút, người đời nay tuổi mới năm mươi mà sức khỏe đã kém sút. Đó là vì thời thế khác hay là lỗi tại người chăng?

Kỳ Bá thưa rằng: Người thời thượng cổ biết Đạo, chiểu theo âm dương, điều hòa với thuật số, ăn uống có chừng mực, sinh hoạt điều độ, không làm quá sức, cho nên gìn giữ được cả hình hài và tinh thần, sống trọn số trời, hơn trăm tuổi mới thác.

Hoàng Đế quan trắc quy luật vận hành của mặt trời, mặt trăng và các vì sao để lập ra lịch, phù hợp với quy luật bốn mùa của trời đất, suy đoán sự biến hóa của âm dương, lý giải đạo lý về sự sống và cái chết. Đến thời trị vì của Nghiêu Thuấn, người dân được giáo hóa, tôn kính Trời và kính trọng Thần linh, tự ước thúc bản thân. Tương truyền lúc đó trời đầy sao sáng, sương ngọt rơi xuống, người người nhường nhau đi đường, chó không sủa to, lúa mọc hai bông, đêm mưa ngày nắng.

Ngay từ khi văn tự và công cụ viết còn ở thời kỳ sơ khai nguyên thủy, học thuyết âm dương của Đạo gia đã trở thành lý niệm trong cuộc sống con người, hình thần đầy đủ, khẩu thụ tâm truyền trở thành cách mà mọi người giao lưu trao đổi với nhau. Sách “Thiên công khai vật” ghi: Tinh hoa của vạn vật, vi diệu của trời đất được truyền từ xưa đến nay, từ Hoa Hạ truyền ra bốn phương, để người đời sau có thể mắt nhìn mà tâm hiểu. Vậy thì truyền tải bằng cách nào đây? Nhà vua và thần dân trao đổi với nhau, thầy giáo truyền thụ bài học cho học sinh, nếu chỉ dựa vào lời nói truyền miệng thì có thể truyền được cho bao nhiêu người. Nhưng chỉ cần một tờ giấy dài một tấc hoặc một nửa cuộn sách thì sự việc được trình bày rõ ràng thông suốt, mọi nghi vấn đều tan biến.

Theo phương thức giao lưu trao đổi đơn giản và rõ ràng này của người xưa, phương tiện chuyển tải chữ viết đã trải qua một quá trình phát triển lịch sử hơn 3.000 năm từ chữ giáp cốt, thẻ tre, lụa cho đến giấy.

Năm 1972, hơn 900 sách thẻ tre, một cuốn sách lụa với hơn 120.000 ký tự và năm bức tranh lụa màu tinh xảo đã được khai quật trong lăng mộ thời Tây Hán ở Mã Vương Đôi, Trường Sa, Hồ Nam, Trung Quốc.

Sách “Sử ký – Lão Tử Hàn Phi liệt truyện” viết: Năm 516 TCN, trước khi Lão Tử rời khỏi cửa ải Hàm Cốc, tướng canh Doãn Hỉ nhìn thấy những đám mây màu tím ở phía Đông tụ lại thành hình rồng bay, trong tâm biết Lão Tử sắp đến, bèn sai người quét dọn đường và thắp hương hai bên đường. Cảm nhận được tấm chân tình của ông, Lão Tử đã viết cuốn “ Đạo Đức Kinh” 5.000 chữ, sau đó cưỡi trâu xanh đi về phía Tây.

Sau gần 2.500 năm, toàn văn cuốn “Đạo Đức Kinh” của Lão Tử tổng cộng 91 chương, hình thức chữ Lệ viết trên lụa đã được người đời sau biết đến. Lúc đó dường như mây tía của Lão Tử năm xưa đã đến phương Đông, khiến các học giả và chuyên gia phương Đông và phương Tây được mở rộng tầm mắt. Đây cũng là hình thức chuyển tải văn tự trên sách lụa sớm nhất trên thế giới cho đến nay.

Thẻ tre và lụa mỏng được sử dụng làm phương tiện viết chữ mãi cho đến triều đại nhà Tần và nhà Hán. Sách “Trang Tử – Thiên Hạ” viết: “Huệ Thi là người hiểu sâu biết rộng về mọi mặt, sách của ông chất năm xe”, ghi lại rằng danh sĩ Huệ Thi thời Chiến Quốc chu du thiên hạ để học hỏi, sách mà ông mang theo chất đầy năm xe. Sách “Sử Ký – Tần Thủy Hoàng bản kỷ” ghi: “Mọi sự việc trong thiên hạ dù lớn hay nhỏ đều do đức vua quyết định, vua cân đá mà biết được số sách đã đọc”. Một hòn đá là 120 cân, nghĩa là Tần Thủy Hoàng một ngày đã đích thân phê duyệt 120 cân văn bản bằng thẻ tre mà các quan văn đã viết ra.

3. Kỹ thuật làm giấy thời cổ đại

                                       Công nghệ làm giấy thời nhà Hán

Giấy trừng tâm đường

 

Giấy thời nhà TốngGiấy Tuyên – nguồn gốc từ thời Đường

Nghề làm giấy bắt đầu xuất hiện vào thời nhà Tần và nhà Hán. Năm 1973, giấy gai dầu sử dụng vào thời Tây Hán đã được khai quật ở Kim Quan, Cam Túc, Trung Quốc. Tác phẩm “Thiên công khai vật” của Tống Ưng Tinh thời nhà Minh ghi lại quá trình làm giấy ở Trung Quốc cổ đại như sau: Băm nhỏ tre ngâm dưới ao, cho vào nồi nấu sôi đủ lửa, dùng tấm màn nhúng vào nước chứa bột tre, (bột giấy kết thành lớp mỏng bám trên mặt tấm màn), tách lớp giấy ra khỏi tấm màn, đặt tấm gỗ lên trên tờ giấy để ép hết nước, hong khô qua lửa.

Thợ cả dạy cách làm giấy Tuyên thủ công thời cổ đại:

“Trước và sau tiết Thanh Minh Cốc Vũ (tre) được đốn hạ, ném xuống ao ngâm hơn 100 ngày. Ngâm xong vớt ra, chặt thành từng khúc, tước vỏ, bỏ mắt, rồi cho vôi sống vào nấu cùng, thường phải nấu khoảng một tuần.

Nấu xong thì lọc và rửa sạch, dội nước, nghiền nát, còn phải nấu lần thứ hai, có thể chưng thay nấu, như vậy là sạch cơ bản, sau khi cọ rửa và dội nước thì còn lại sợi tinh khiết. Giống như vừa nói vì sao những tấm giấy không dính, bản thân sợi không có độ dính, chỉ giống như bông, không dính, bạn kéo lên không hỏng, rất mềm mại dẻo dai mà lại phòng chống côn trùng, vì nó không có thêm chất gì cả, không có gì có thể ăn được, không có chút tinh bột hay tạp chất nào, chuột có ăn cũng không hết đói thì nó cắn làm gì. Trước đây hoàng thượng ở trong cung lo lắng không yên về các bức ngự bút ngự họa của mình, còn phải trộn thêm một ít dược liệu vào trong đó.

Thực tế giấy Tuyên bảo quản tốt, hơi ẩm một chút, thì sẽ không hỏng, ít nhất trên 200 năm mới hơi ngả sang màu vàng nhưng không bị mục nát; hiện tại rất nhiều thứ trong bảo tàng đều được làm bằng giấy Tuyên. Sách và thư họa đều dùng giấy Tuyên.

Đây là giá để ép giấy (xem hình phía trên), dùng đòn bẩy ép hết nước trong giấy ra, hong khô. Các lớp giấy sẽ không bị dính vào nhau vì vải trơn ở đây được làm bằng len, đợi khô nước sau gần một ngày đêm thì chuyển đến đây”.

4. Sự trùng hợp thời gian với việc truyền bá Phật giáo sang phương Đông

Năm 111 TCN, sau khi Hán Vũ Đế chính thức thành lập quận Đôn Hoàng, ông đã bố trí bốn đô úy để trấn giữ bốn cửa ải cổ là Ngọc Môn, Dương Quan, Trung Bộ và Nghi Hòa. Vào năm Vĩnh Bình thứ 11 triều đại Đông Hán (năm 68), hai nhà sư Ấn Độ đã mang kinh Phật đến tặng cho kinh thành Lạc Dương nhà Đông Hán, và bắt đầu xây dựng chùa Bạch Mã. Với vai trò truyền tải văn minh, thuật làm giấy không lâu sau bước vào thời đại Phật giáo thịnh hành – thời Nam Bắc triều.

5. Sự truyền bá kỹ thuật làm giấy

Bắt đầu từ thế kỷ thứ 4, kỹ thuật làm giấy đã truyền đến Đông Á, Nam Á, Trung Á và đến tận châu Phi. Vào thế kỷ 12 nó được truyền sang châu Âu và Tây Á.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/30354



Ngày đăng: 05-05-2022

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.