Kịp thời phát hiện những chấp trước ẩn giấu



Tác giả: Một đệ tử Đại Pháp ở Trung Quốc Đại Lục


[Chanhkien.org] Một số bài tâm đắc thể hội có nhắc đến việc nhiều học viên trường kỳ bị nghiệp bệnh can nhiễu mà vẫn không biết nguyên nhân vì sao. Một số học viên thậm chí còn đột ngột qua đời. Tôi cũng có một trải nghiệm tương tự. Tôi từng bị ho kéo dài suốt 3 năm. Gần đây, tôi nhận ra rằng khi phát chính niệm nhằm vào nghiệp bệnh, tâm của tôi không thuần tịnh, mà vẫn còn xen lẫn tâm “lo lắng và sợ chết”. Đương nhiên, đó không nhất định là nguyên nhân căn bản khiến tôi bị can nhiễu, nhưng tôi cảm thấy  mình cần phải chia sẻ về chấp trước vào nghiệp bệnh của bản thân.

Thứ nhất, quan niệm về bệnh và cái chết vẫn còn ẩn giấu trong tôi

Tôi bắt đầu ho và thở khò khè từ 2 năm trước. Tôi cảm thấy bên trong phổi của mình như có tiếng gà gáy, điều ấy có nghĩa là nghiệp đã di chuyển vào sâu trong phổi. Đôi khi, tôi còn bị triệu chứng hen suyễn. Là một học viên lâu năm, tôi biết rõ người tu luyện là không có bệnh. Nếu có, thì cũng chỉ là vật chất đen còn lưu lại đang được đẩy ra hoặc là sự can nhiễu và bức hại của cựu thế lực. Chỉ cần tôi kiên trì học Pháp, hướng nội và phát chính niệm phủ nhận, nó sẽ phải biến mất. Vậy mà nghiệp bệnh vẫn còn đó và thậm chí còn tệ hơn. Tôi không hiểu tại sao người thường chỉ cần niệm “Pháp Luân Đại Pháp hảo” là có thể hồi phục, nhưng tôi thì không?

Hướng nội sâu, tôi phát hiện rằng trước kia khi đối phó với một lượng nghiệp lực nhỏ thì tôi vẫn ổn. Tuy nhiên, khối nghiệp lực lớn trường kỳ lần này đã khiến nhiều chấp trước của tôi nổi lên bề mặt, như tâm “sợ bệnh suyễn và sợ chết”. Tôi đã nghĩ rằng mình không còn những chấp trước đó nữa. Nhưng dường như quan niệm về “bệnh, lo lắng và sợ chết” vẫn còn trong tâm trí tôi. Nó nổi lên bởi vì mẹ tôi đã từng bị bệnh hen suyễn nặng trước khi bà qua đời. Chị tôi cũng từng ở trong tình trạng tương tự. Chị từng nói rằng chị ấy sợ sau này cũng phải chịu đựng bệnh giống mẹ. Bệnh hen suyễn của họ như một cái bóng đè nặng trong tôi, nó đã khiến bệnh của tôi xuất hiện.

Thứ hai, tôi không nhận ra rằng “bệnh”, “lo lắng” và “sợ chết” là những chấp trước

Suốt nhiều năm, tôi vẫn liên tục giữ quan niệm rằng những triệu chứng bệnh này cũng chỉ là trạng thái bình thường, tuy nhiên, chính niệm không đầy đủ của tôi đã khiến tình trạng này kéo dài một cách trường kỳ. Tôi đã không đề cao được tầng thứ của mình qua những ma nạn này.

Tôi cũng ngộ ra một thực tế rằng bản thân mình thậm chí còn không ý thức được những chấp trước này. Là một đệ tử lâu năm mà ngộ tính của tôi lại thấp kém như vậy. Một phương diện khác chính là, làm sao tôi lại bị mắc kẹt trong mê cung, bị lừa dối bởi “thùng thuốc nhuộm lớn” như lời Sư phụ giảng. Chẳng trách tại sao các vị Thần thà độ động vật còn hơn độ nhân.

Tôi phát hiện mình còn có những chấp trước khác liên quan đến nghiệp bệnh này. Ví dụ, tôi rất thích bông đùa và cảm thấy vui khi mọi người vui vẻ và cười đùa. Mãi gần đây tôi mới nhận ra đây là một thói quen xấu, là tâm hiển thị sự hài hước, là tu khẩu không tốt. Tôi đã để thói quen này tồn tại trường kỳ mà không chịu thay đổi.

Sư phụ đã đề cập (không nguyên văn) rằng một số học viên còn mở to mắt mà nói dối. Tôi nghĩ, những học viên này không nhận ra đó là một chấp trước. Trong một bài chia sẻ, một học viên nói rằng anh đã bị nghiệp bệnh can nhiễu trong suốt sáu năm cho đến tận khi cơ bắp toàn thân teo tóp. Anh đã học Pháp, hướng nội, luyện công, phát chính niệm và giảng chân tướng hàng ngày, tuy nhiên, anh vẫn không hồi phục. Gần đây, anh phát hiện rằng đó là vì anh sợ sự bức hại của cựu thế lực. Tôi nhận ra rằng việc anh hướng nội để tìm ra chấp trước chuẩn xác thật không hề dễ dàng. Tu luyện có mấy cái “sáu năm” đây?

Tôi tự hỏi có bao nhiêu học viên bị can nhiễu bởi nghiệp bệnh mà ở sâu trong tâm vẫn còn quan niệm “sợ chết”. Tôi tin rằng họ vẫn còn quan niệm như vậy.
Nếu một học viên lâu năm đi viện, có nghĩa là anh ta muốn sống với chấp trước “sợ hãi và lo lắng về cái chết”. Cho dù anh ta không đến bệnh viện, nhưng nếu vẫn còn ôm giữ quan niệm đó trong đầu, thì anh ta vẫn không thể vượt qua được quan nghiệp bệnh này. Các học viên khác đến hỗ trợ phát chính niệm không thể biết được điều đó, bởi vì ngay cả bản thân người học viên kia cũng không ý thức được chấp trước đó trong nhiều năm.

Thứ ba, phát hiện và loại bỏ những chấp trước ẩn giấu

Làm thế nào để một người có thể nhận ra những chấp trước mà họ không ý thức tới? Tất nhiên, học Pháp nhiều hơn sẽ có tác dụng vì Pháp có khả năng phá trừ hết thảy tà ác. Tôi nghĩ mình đã học Pháp đủ. Nhưng tại sao tôi vẫn không tìm thấy những chấp trước của mình về nghiệp bệnh và sợ chết trong suốt hai mươi năm? Lý do là tôi đã không toàn tâm toàn ý học Pháp. Sư phụ giảng trong bài “Thế nào là Đệ tử Đại Pháp” rằng:

[Là] đệ tử Đại Pháp chư vị phải suy xét.

Tôi tin rằng chừng nào tôi toàn tâm học Pháp, tôi sẽ có thể tìm thấy những chấp trước hoặc đề cao ngộ tính từ trong Pháp. Từ đó tôi có thể kịp thời phát hiện chấp trước ẩn giấu của bản thân.

Đồng thời, tôi luôn chú ý đến hoạt động tư tưởng của mình. Nếu có thứ gì đó khiến tôi động tâm, nếu tôi vui hay buồn, đắc ý, phẫn hận, hay lo lắng, tôi có thể nói đó là vì chấp trước của bản thân. Sau đó, tôi sẽ tìm hiểu nó là gì và tự hỏi mình xem liệu một vị Phật có như thế này không? Tôi cố gắng giữ cho tâm của mình không bị nhiễu loạn bởi những thứ của người thường  như bệnh tật, khổ nạn, tiền tài, v.v.

Khi tâm không động, tôi có thể cảm thấy phát chính niệm rất thuần tịnh, rất có lực lượng. Cũng giống như việc lau sạch bụi bẩn trên bàn. Trong khi đó, sự can nhiễu của tà ác cấp thấp không thể chạm tới tôi, tâm tôi vững như bàn thạch, bất kỳ điều gì của người thường cũng không khiến tôi dấy khởi phản ứng (chẳng hạn như vừa hen suyễn liền sợ hãi, mẹ vừa rơi vào tình trạng nguy kịch liền ưu tư lo lắng, con cái có thành tích tốt liền kiêu ngạo… Phật sẽ không có những biểu hiện như vậy. Đây cũng là lý do tại sao tà ác cấp thấp coi thường chúng ta). Tà ác khi cảm thấy sự can nhiễu của chúng không khởi được tác dụng thì sẽ rời đi.

Hiện tại chúng ta chưa phải là Phật, nhưng đang trên con đường hướng đến tu thành Phật, tư tưởng nhất định phải chú ý không được có những thứ phụ diện, bao gồm cả bệnh tật hay các chủng chấp trước…

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/157634

 



Ngày đăng: 05-09-2017

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.