Từ sự phân biệt thật giả trong chuyện “Khổng Tử giết Thiếu Chính Mão”, bàn về nguyên nhân làm biến dị văn hóa truyền thống



Tác giả: Quan Tâm

Trong lịch sử xưa nay người ta vẫn luôn tranh luận về tính thật giả của chuyện “Khổng Tử giết Thiếu Chính Mão”, cũng như tranh luận về Đốn và Tiệm trong Thiền Tông của Phật giáo, điều này cũng rất bình thường, các cuộc tranh luận này kỳ thực đều là kiến chứng tu luyện của bản thân mình, không phải là chân lý cuối cùng. Văn hóa truyền thống là tu tâm chứng đạo, nhân tâm và nghĩa lý ở các cảnh giới khác nhau có các thể hiện khác nhau, càng thăng hoa lên càng tiếp cận với chân lý và chân tướng của sinh mệnh. Mỗi một đạo lý đều có biểu hiện ở các cảnh giới khác nhau, người có thể chứng ngộ được tự nhiên sẽ minh bạch, ai mà không thể thực tiễn chứng ngộ được thì có nói thế nào cũng vô ích. Nhưng do tính thật giả của chuyện “Khổng Tử giết Thiếu Chính Mão” có liên quan đến vấn đề các kinh sách của ba tôn giáo trong văn hóa truyền thống (Phật, Đạo, Nho) trong quá trình truyền thừa đã bị thay đổi một cách có hệ thống và đi vào mạt pháp, đây là một nguyên nhân chủ yếu và bài học giáo huấn lịch sử khiến cho văn hóa truyền thống bị suy đồi, bởi vậy vẫn phải bắt đầu tìm hiểu từ ba tôn giáo này.

Quá trình cầu đạo của con người là quá trình lĩnh ngộ một cách từ nông cạn đến thâm sâu bản chất của sự vật và đạo lý ở các tầng thứ khác nhau. Trong quá trình này, do cảnh giới thăng hoa là khác nhau nên trạng thái và tâm thái của mỗi người đều sẽ xảy ra biến hóa, đối với cùng một sự việc thì nhận thức và cách xử lý đều sẽ có biến hóa, đây gọi là “Pháp vô định Pháp”. Chính vì vậy, người ta mới cố chấp vào ý kiến của bản thân, mới xảy ra tranh luận, mới có cách xử lý và nhận thức khác nhau đối với cùng một sự việc, đặc biệt là khi sai biệt quá xa về cảnh giới thì với cùng một sự vật và đạo lý sẽ sinh ra những nhận thức hoàn toàn khác nhau, những vấn đề gây tranh luận như tính thật giả của chuyện “Khổng Tử giết Thiếu Chính Mão” là hiện tượng thường tình mà mỗi ngày chúng ta đều phải đối mặt, biểu hiện ra trong sinh hoạt thường ngày, trong các hoạt động xã hội cũng như trong công tác.

Trong Phật giáo có một câu chuyện: Vào thời kỳ Thích Ca Mâu Ni tại thế có một đại cư sĩ mắc bệnh, lúc đó vị cư sĩ này đã tu luyện đến quả vị Bồ Tát rồi. Phật Thích Ca Mâu Ni phái hai vị Bồ Tát là Phổ Hiền và Văn Thù đến thăm, trong đó có một vị mang theo một số tăng nhân đã chứng đắc quả vị La Hán.

Vị cư sĩ này nằm trên giường cùng đàm luận với Bồ Tát về Pháp trong cảnh giới Bồ Tát, họ khi không để ý mà nói chuyện thẳng thắn như vậy thì cũng là việc rất tự nhiên, tuy nhiên những vị La Hán đến thăm bệnh kia nghe được lại không chịu nổi, họ hoàn toàn không tiếp thu nổi những đạo lý trong cảnh giới Bồ Tát, đều cảm thấy rất mơ hồ, khó hiểu, thậm chí hoài nghi. Điều này thực ra rất bình thường, cũng giống như hai vị sinh viên đại học bàn luận về hàm số bậc cao, ở bên cạnh có học sinh cấp hai nghe được sẽ không lý giải nổi, khi lý giải không nổi thì học sinh bình thường biết rằng đó là những tri thức ở trình độ cao, còn những người cứng đầu thì sẽ cho rằng đó là chuyện hoang đường.

Đạo lý tương tự như vậy, cuộc tranh luận về tính thật giả của câu chuyện “Khổng Tử giết Thiếu Chính Mão” cũng từ đó mà ra, trên thực tế những tranh luận kiểu này không nên xảy ra. Người nào không lý giải nổi là do họ có nhận thức nông cạn ở cảnh giới khác nhau đối với đạo lý về Nhân và Nghĩa, muốn lý giải sự việc này thì cần phải chứng ngộ đến đạo lý của tầng đó mới biết được! Khi họ lĩnh ngộ được trạng thái và tâm thái khi Khổng Tử giết Thiếu Chính Mão thì tự nhiên sẽ minh bạch ra nguyên nhân vì sao phải diệt trừ tà, [để] tà không thắng chính thì phải có phương pháp trấn áp tà. Nếu không, khi người ta không hiểu rõ chính – tà, thiện – ác thì sẽ không hiểu lý lẽ mà lẫn lộn, điên đảo giữa thị phi, trắng đen, lúc đó người ta sẽ không điều ác nào mà không làm, luân lý xã hội đều sẽ loạn, thiên hạ cũng sẽ theo đó mà đại loạn, cũng giống như xã hội Trung Quốc thời cận đại những năm 60 vậy.

Người không hiểu những đạo lý này thì dù có tranh luận thế nào cũng vô ích, họ chỉ phản ứng một cách cảm tính, không có lý tính, trong cuộc tranh luận họ cứ luôn cho rằng bản thân mình rất lý tính, kỳ thực họ hoàn toàn không biết bản thân đang nói điều gì, bởi vì chưa chứng ngộ được đến đạo lý của tầng ấy, không đạt tới cảnh giới đó thì cũng không lý giải nổi.

Chính vì những nguyên nhân này, nên khi lĩnh ngộ về các kinh sách trong tam giáo mà chưa đạt tới một tầng thứ nhất định thì người ta sẽ chỉ nói về những gì mà bản thân có thể lý giải được, còn những gì không lý giải được họ sẽ vô tình hay hữu ý thêm vào nhận thức của bản thân mà luận giải, thậm chí xóa bỏ đi, đây chính là nguyên nhân khiến cho kinh sách của tam giáo dần dần bị cải biến và đi vào mạt pháp, “Kinh Thánh” của Tây phương cũng như vậy, vào thời hiện đại nó đều đã bị cải biến và không còn thuần chính nữa, diện mục đã thay đổi hoàn toàn, nhân loại đã tiến vào thời kỳ mạt kiếp của thời kỳ mạt pháp rồi. Khi con người không hiểu được đạo lý cơ bản của con người, khiến cho đạo đức xuống dốc thì chính là lúc vũ trụ cần tịnh hóa, đạo lý này cũng giống như câu chuyện “Khổng Tử giết Thiếu Chính Mão” vậy. Đây chính là thời kỳ nguy hiểm nhất được dự ngôn bởi người Maya cổ đại, đương nhiên cũng là thời điểm then chốt khi mà Đấng Messiah được nói đến ở Tây phương và Phật Di Lặc và Tử Vi Chân Nhân được nói đến ở Đông phương tới cứu thế, kỳ thực đều chỉ cùng một người. Đem so sánh một số kinh sách Phật giáo thời hiện đại với kinh sách thời kỳ Hán Đường thì có sự cải biến rất lớn, so sánh cuốn “Đạo Đức Kinh” hiện nay với bản sách tre khai quật được vào thời hậu Chiến Quốc thì sai khác cũng rất lớn, một phương diện nguyên nhân chính là đạo lý đã nêu ở trên.

Những người phủ nhận điển cố “Khổng Tử giết Thiếu Chính Mão” đương nhiên sẽ tìm chứng cứ và lập luận để bao biện, trong đó có một lập luận rằng điển cố này đã được chỉnh lý lại sau khi Khổng Tử qua đời khoảng 90 năm, do vậy nó không đáng tin, chỉ là chuyện cười thôi. Cuộc cách mạng Tân Hợi đã xảy ra cách đây 100 năm, về lý thuyết, vào năm xảy ra sự việc trọng đại này ai dám nói không thành có được? Bởi vì các sử gia cận đại đều biết về sự kiện này. Có người nói rằng chỉ có một chứng cứ duy nhất nên không có tính xác thực, lập luận này cũng không vững chắc! Bởi vì cuốn sách “Hựu Tọa” của Tuân Tử là cuốn sách bổ sung ghi chép lại những hành động và lời nói của Khổng Tử, những ghi chép về Khổng Tử trong quá khứ trước đó thì Tuân Tử không lặp lại nữa, đương nhiên là chứng cứ duy nhất rồi. Triều đại nhà Chu trong 800 năm có biết bao nhiêu sự tích về danh nhân và danh sĩ không được ghi chép lại? Lẽ nào đều không xảy ra?

Điều quan trọng hơn là: Trong quá khứ, truyền thống tôn sư trọng đạo là nền tảng học vấn của người đệ tử, Tuân Tử lẽ nào dám làm cái việc đại nghịch bất đạo là mượn miệng của Khổng Tử mà nói ra lời của mình hay sao? Đó gọi là khi sư diệt tổ. Nếu ông ấy làm điều dối trá như vậy thì người trong cùng thời đại tuyệt đối sẽ không tha thứ cho ông, con người thời đó không phải như con người hiện đại không biết liêm sỉ là gì! Đó là vấn đề phẩm chất đạo đức, mà ngày nay rất nhiều người không hiểu được, cho nên Chu Hi mặc dù không phải hiểu rõ về sự việc “Khổng Tử giết Thiếu Chính Mão” nhưng cũng không dám phủ nhận ghi chép của Tuân Tử.

Những người được gọi là học giả thời hiện đại lại càng quá đáng hơn, họ thường tìm đủ mọi cớ để cho rằng chuyện “Khổng Tử giết Thiếu Chính Mão” là ngụy tạo, họ dùng cái cớ chính trị dân chủ hiện đại để phê phán. Kiểu phê phán thoát ly bản chất văn hóa, bỏ qua bối cảnh lịch sử, bối cảnh văn hóa cũng như trạng thái chân thực của con người và xã hội ở các thời kỳ lịch sử khác nhau này, lối lập luận xằng bậy dùng quan niệm đạo đức biến dị hiện đại để đo lường quá khứ này đều không phải là thực tu, họ cũng không biết thế nào là chứng Đạo, bởi vậy cũng không thể hiểu thế nào là Nho gia. Dùng lối văn bát cổ lý luận suông chỉ có tác dụng làm nhiễu loạn tư tưởng con người, dùng những luận điệu xằng bậy thiếu kiến thức cơ bản để che đậy văn hóa lịch sử cũng như sự thật lịch sử, dùng thứ lý luận chính trị và “chủ nghĩa” nào đó vốn đã thoát ly khỏi cuộc sống bình thường của con người đem kết hợp với lý luận của cái gọi là triết học văn hóa phương Tây vốn chẳng ăn nhập gì mà bàn luận lung tung v.v., đó đều là những phương thức dùng để phá hoại văn hóa truyền thống, đó cũng chính là vai trò thực sự của những người được gọi là học giả văn hóa và lịch sử Trung Quốc suốt hơn 60 năm qua.

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/112655

Chú giải của người dịch:

Năm Lỗ Định Công thứ 11 (năm 499 trước Công nguyên), Khổng Tử được thăng làm chức Đại Tư Khấu nước Lỗ, bảy ngày sau giết Thiếu Chính Mão, phơi thây ba ngày, nước Lỗ lập lại trật tự. Trước những nghi hoặc của học trò, Khổng Tử nói: “Thiếu Chính Mão hiểu biết nhưng tâm địa hiểm ác, hành vi tà ác nhưng không biết hối cải, lời nói giả dối mà ngụy biện, kiến thức uyên thâm nhưng tuyên truyền tư tưởng tà ác, tán dương và che đậy cho những quan điểm sai lầm. Người ta chỉ cần có một trong năm tính cách này thì sẽ gây họa cho quân tử, vậy mà Thiếu Chính Mão lại hội tụ đủ năm tính cách tiểu nhân này, có khả năng gây loạn chính, không thể không giết”.

Trong thời kỳ vận động cách mạng Ngũ Tứ, câu chuyện Khổng Tử giết Thiếu Chính Mão từ một câu chuyện ca ngợi thánh nhân diệt kẻ gian biến thành câu chuyện bôi nhọ Khổng Tử. Trong cuộc vận động “Phê phán Lâm Bưu, phê phán Khổng Tử”, Thiếu Chính Mão lại được Đảng cộng sản Trung Quốc tô son trát phấn thành nhà lập pháp có tư tưởng tiến bộ, giết Thiếu Chính Mão trở thành một tội trạng quan trọng của Khổng Tử, ai không tin tính chân thực của câu chuyện này sẽ bị coi là phần tử phản cách mạng.

Tham khảo Chánh Kiến: http://www.zhengjian.org/node/157975

 



Ngày đăng: 09-06-2017

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.