Mẹ của một đứa trẻ tự kỷ chứng kiến kỳ tích của sinh mệnh



Tác giả: Y Linh

[ChanhKien.org]

“Sự thay đổi của con thực sự là một thần tích”. Vạn Lực nói, “Tôi không biết nói gì hơn ngoài lòng cảm ân và vô cùng biết ơn đối với Shen Yun và Học viện Nghệ thuật Phi Thiên (Fei Tian Academy of the Art)”. (trích lời Vạn Lực)

Ngay từ khi sinh ra Thiểu Điển đã không bình thường

Vào một ngày cuối tháng 10 năm 2008, tại phòng sinh của một bệnh viện ở Toronto, Canada, các bác sĩ và y tá hộ sinh ra vào với sắc mặt căng thẳng khẩn trương, ai nấy đều sốt ruột chờ đợi một em bé sắp chào đời.

Vạn Lực, người đang nằm trên giường sinh, là giám đốc chi nhánh của một công ty truyền thông quốc tế Canada. Đây là đứa con thứ hai của cô, và ngày dự sinh đã qua hơn một tuần. Sáng hôm đó, bác sĩ đã cho cô uống thuốc kích thích chuyển dạ, nhưng đến tận 5:00 giờ chiều đứa bé vẫn chưa chào đời.

Đột nhiên, nhịp tim của thai nhi giảm từ 150 nhịp/phút xuống còn dưới 50 nhịp, rõ ràng là thai nhi đang bị thiếu oxy. Tình hình cực kỳ nguy cấp và em bé phải được sinh ra càng sớm càng tốt.

Sau một hồi bận bịu khẩn trương của các bác sĩ và y tá, đứa bé cuối cùng đã được chào đời. Đó là một bé trai, toàn thân tím tái, đôi tay nhỏ bé đang nắm chặt lấy dây rốn, đã không còn hô hấp hay nhịp tim nữa…

Thời gian vô cùng cấp bách không thể chậm trễ, các bác sĩ và y tá nhanh chóng tiến hành cấp cứu. Cuối cùng, một tiếng kêu yếu ớt vang lên, phá vỡ bầu không khí căng thẳng trong phòng sinh, mọi người đều cảm thấy nhẹ nhõm, ai nấy đều mỉm cười vui vẻ. Một trận chiến sinh tử kinh tâm động phách cuối cùng đã giành được thắng lợi!

Sau cả một ngày sinh nở, Vạn Lực đã kiệt sức. Nhìn đứa con trai trước mặt, trắng trẻo, non nớt, với đôi mắt to tròn đảo quanh, trông vô cùng đáng yêu, vẻ an tâm vui mừng hiện rõ trên khuôn mặt Vạn Lực.

Sự ra đời của Thiểu Điển mang lại cho gia đình thêm nhiều niềm vui và tiếng cười. Bố, mẹ và chị gái của cậu bé đều rất yêu thương cậu. Ngày tháng trôi qua, Thiểu Điển ngày càng lớn, càng đẹp hơn, cậu bé có lông mi dài, đôi mắt to và nụ cười rạng rỡ. Cậu là một đứa bé khả ái mà mọi người đều yêu mến.

Thiểu Điển thời thơ ấu (Được cung cấp bởi Vạn Lực)

Cú sốc từ một lá thư

Chẳng bao lâu sau, Thiểu Điển đã được 4 tuổi. Vạn Lực phát hiện những đứa trẻ ở cùng độ tuổi đã có thể nói chuyện được với cha mẹ, nhưng Thiểu Điển thì vẫn chưa nói được lưu loát. Cậu nói chậm chạp và cứ sau mỗi lần phát âm vài từ là lại nói lắp, không thể diễn đạt hết những ý tứ còn lại. Vạn Lực cũng không nghĩ nhiều, cô cho rằng Thiểu Điển vẫn còn nhỏ, cũng không có vấn đề gì lắm.

Thời gian thấm thoát trôi qua, thoáng chốc Thiểu Điển cũng đã vào tiểu học. Bất kể là ở trường học hay ở nhà, Thiểu Điển đều là một cậu bé ngoan, rất vâng lời. Tuy nhiên, trở ngại về năng lực ngôn ngữ và học tập của cậu đã biểu hiện một cách rõ ràng. Cậu không thể diễn đạt ý tưởng của mình một cách trôi chảy, không thể tập trung học và thành tích cũng không đạt yêu cầu.

Một ngày nọ, giáo viên và hiệu trưởng trường hẹn gặp Vạn Lực. Họ nói với cô rằng con cô có thể mắc chứng tự kỷ nhẹ và đề nghị cô gửi cháu đến trường giáo dục đặc biệt.

Y học hiện đại nhìn nhận rằng chứng tự kỷ là do một chuỗi các rối loạn phát triển bất thường bẩm sinh của não bộ. Trẻ mắc chứng tự kỷ chủ yếu thể hiện ra các mức độ khiếm khuyết và khó khăn khác nhau trong các phương diện tương tác xã hội, giao tiếp và hành vi.

Vạn Lực không nghe theo lời khuyên của nhà trường, cô tin rằng con mình không có vấn đề gì. Theo quan điểm của cô, trẻ nhỏ giống như hạt giống, mỗi hạt giống có thời kỳ nở hoa khác nhau. Thiểu Điển có thể là một trong những hạt giống nở muộn, một chú chim vụng về. Chỉ cần phẩm chất của cậu tốt, thể nào cũng có thời kỳ ra hoa, một ngày nào đó sẽ khai nở. Cô quyết định vẫn để mọi việc diễn ra thuận theo tự nhiên.

Vào một ngày nọ, khi Thiểu Điển đang học lớp 3 tiểu học, Vạn Lực nhận được một lá thư từ nhà trường, trong đó nói rằng trường sẽ tham gia kỳ thi EQAO do Cục Giáo dục Ontario, Canada tổ chức. Cục Giáo dục sẽ xếp hạng các trường dựa trên thành tích kỳ thi. Ngày mai trường sẽ có một kỳ thi như vậy và Thiểu Điển được yêu cầu không đến tham dự vì kết quả bài kiểm tra của cậu sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến thứ hạng của trường.

Lá thư như một tia sét giữa trời quang, khiến Vạn Lực vô cùng sửng sốt. Nhà trường sao có thể làm như vậy? Đây chẳng phải rõ ràng là phân biệt đối xử sao? Cô không biết nên phải đối mặt với con mình như thế nào.

Tại Ontario, các học sinh tiểu học công lập đều phải tham gia kỳ thi chung vào lớp 3 và lớp 6. Bài kiểm tra này do Văn phòng Chất lượng và Trách nhiệm Giáo dục (Education Quality and Accountability Office), một cơ quan giáo dục độc lập tại Ontario phụ trách quản lý, được gọi là bài kiểm tra EQAO.

Đánh giá EQAO là một phần của chương trình giáo dục Ontario, được sử dụng để giúp đánh giá tiến độ và kết quả học tập của học sinh, xác định xem có cần hỗ trợ thêm hay không. Nếu như học sinh không đạt tiêu chuẩn, giáo viên và phụ huynh sẽ thảo luận về cách giúp học sinh thu hẹp khoảng cách học tập và cải thiện điểm số. Mặt khác, đánh giá EQAO cũng để tăng cường tính trách nhiệm của hệ thống giáo dục công lập Ontario.

Sáng hôm đó, Thiểu Điển đứng trước cửa với chiếc cặp nhỏ trên lưng chờ cha mẹ đưa cậu đến trường như thường lệ.

Lúc này, cha cậu bước đến bên và nói: “Thiểu Điển à, hôm nay con không phải đi học”.

Thiểu Điển ngẩng đầu, mở to mắt nhìn cha: “Tại sao vậy? Cha?”

Cha nhìn cậu và ân cần bảo rằng: “Hôm nay ở trường có một buổi kiểm tra. Chỉ những đứa trẻ tốt bụng nhất, giỏi nhất và ngoan ngoãn nhất mới không cần phải tham gia. Và con là đứa trẻ xuất sắc nhất, ngoan ngoãn và thiện lương nhất. Vậy nên hôm nay con không phải đi học và có thể ở nhà chơi cả ngày”.

Thiểu Điển nghe cha nói vậy thì vô cùng kinh ngạc, nói: “Thật sao? Cha, có phải thật không?”

Người cha nghiêm túc gật đầu và nói: “Đúng vậy, thật mà!”

Cậu bé Thiểu Điển ngây thơ lập tức quay lại, tỏ vẻ phấn khích vui mừng, nhảy chân sáo trở vào trong nhà, đặt cặp xuống và tự chơi một mình.

Vạn Lực đứng gần đó nghe được cuộc trò chuyện giữa hai cha con, nhìn khuôn mặt ngây thơ vô tội của đứa bé, cô không thể kiềm lòng được nữa mà bật khóc nức nở…

Vạn Lực khóc suốt cả ngày hôm đó, trong đầu chỉ toàn phảng phất hình ảnh đôi mắt trong sáng, ngây thơ của Thiểu Điển và cuộc đối thoại giữa hai cha con.

Sự việc này như một đòn giáng mạnh vào Vạn Lực, cô mới nhận ra được mức độ nghiêm trọng của vấn đề. Kể từ ngày đó, cô rơi vào nỗi lo lắng ưu phiền sâu sắc: Tương lai của đứa bé rồi sẽ ra sao? Tiền đồ của con sẽ thế nào?

Áp lực không thể tránh khỏi

Không lâu sau chuyện ấy, Vạn Lực đã nhanh chóng đưa ra quyết định: chuyển nhà.

Năm 2017, Vạn Lực đã bán ngôi nhà của mình ở Billionaires Hill, Toronto và chuyển đến Oxbridge, một thị trấn nhỏ nằm tương đối xa ở phía đông bắc Toronto. Theo cô, trường học ở một thị trấn nhỏ có thể không đến mức áp lực như vậy và con trai cô có thể lớn lên vui vẻ ở đó.

Thiểu Điển tốt bụng, thật thà, hướng nội, nhút nhát và không bao giờ tranh hơn thua. Thêm nữa vì gặp khó khăn trong học tập, giao tiếp và thành tích cũng không tốt, cậu thường bị cô lập, phân biệt đối xử và thậm chí còn bị các bạn cùng lớp bắt nạt.

Vạn Lực thường xuyên nhận được cuộc gọi từ giáo viên, yêu cầu gửi quần áo sạch cho Thiểu Điển thay vì em bị các bạn cùng lớp đẩy xuống vũng nước trong trường. Thỉnh thoảng khi Thiểu Điển về nhà, trên người cậu bé có mùi khai vì một số đứa trẻ cứ tiểu vào người cậu.

Thiểu Điển không bao giờ phản ứng lại khi bị bạn học bắt nạt. Khi bị người khác ức hiếp cậu chỉ tìm cách trốn đi. Mẹ dặn rằng lần tới nếu bạn cùng lớp bắt nạt, cậu phải báo với giáo viên. Nhưng mỗi khi Thiểu Điển gặp vấn đề và tìm gặp giáo viên, cậu bé không thể diễn đạt rõ ràng và giáo viên cũng không đủ kiên nhẫn để lắng nghe.

Vạn Lực là một học viên tu luyện Pháp Luân Công. Năm 1996, Vạn Lực tốt nghiệp đại học và tình cờ có cơ hội biết đến Pháp Luân Công, và từ đó cô bắt đầu bước vào con đường tu luyện. Cô đã đích thân chứng kiến ​​”Cuộc thỉnh nguyện ôn hòa ngày 25 tháng 4 của các học viên Pháp Luân Công” vào năm 1999 và cuộc đàn áp toàn diện Pháp Luân Công của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vào ngày 20 tháng 7 cùng năm đó, nhưng cô chưa bao giờ dao động với đức tin của mình và vẫn luôn là người tín tâm kiên định và duy hộ “Chân, Thiện, Nhẫn”.

Ở nhà, Vạn Lực cũng cùng con trai đọc cuốn “Chuyển Pháp Luân” của Pháp Luân Công. Mặc dù điều này tương đối khó khăn với Thiểu Điển, nhưng hai mẹ con vẫn kiên trì thay phiên đọc từng câu một. Bình thường mỗi khi Thiểu Điển bị bắt nạt, cha cậu đều nói với cậu rằng nếu có người đánh mình thì mình phải đánh lại họ, nếu có vấn đề gì thì cha cậu sẽ chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, Vạn Lực thường dạy con trai rằng là người tu luyện không nên giống người thường, khi người khác bắt nạt mình, sẽ phải cấp cho mình đức và trừ bỏ đi vật chất màu đen là nghiệp lực của mình. Nhưng Thiểu Điển nghe không hiểu nên cô chỉ có thể giảng cho cậu ấy rằng vật chất màu trắng là tốt, vật chất màu đen là xấu.

Mỗi lần gặp giáo viên, Vạn Lực đều nghe họ bảo rằng: Con trai của cô là một đứa trẻ rất ngoan, rất đáng yêu, thích giúp đỡ người khác và thường xuyên chủ động giúp đỡ bạn bè và giáo viên, nhưng thành tích của cháu lại không tốt.

Làm thế nào đây? Mỗi lần nghe vậy, Vạn Lực đều không biết trả lời ra sao. Đây là trạng thái tự nhiên của đứa trẻ, cô cũng bất lực và không có cách nào buộc con phải thay đổi bất cứ điều gì. Chỉ có điều tương lai của cậu bé thì tính sao đây? Mai sau của cậu sẽ thế nào đây?

Nỗi lo lắng ngày một tăng lên như một lời nguyền không thể xóa bỏ, luôn bao trùm trong tâm trí Vạn Lực, khiến cô cảm thấy phiền muộn như đang bị một loại áp lực vô hình bủa vây.

Nộp đơn vào Học viện Nghệ thuật Phi Thiên

Thiểu Điển học hết lớp tám thì tốt nghiệp. Những đứa trẻ khác đã giành giải thưởng Toán học xuất sắc nhất, giải thưởng Vật lý xuất sắc nhất và giải thưởng Tốt nghiệp ưu tú nhất, Thiểu Điển giành giải thưởng Giúp đỡ người khác tốt nhất. Cả gia đình Vạn Lực đều đến chúc mừng và vỗ tay tán dương cho Thiểu Điển.

Thiểu Điển rất khỏe mạnh có khả năng vận động thiên phú. Cậu tham gia tập luyện taekwondo, bơi lội, bóng rổ và thể hiện rất xuất sắc. Bức ảnh Thiểu Điển đang chơi ván trượt tuyết. (Ảnh do Vạn Lực cung cấp)

Thiểu Điển rất khỏe mạnh có khả năng vận động thiên phú. Cậu tham gia tập luyện taekwondo, bơi lội, bóng rổ và thể hiện rất xuất sắc. Bức ảnh Thiểu Điển đang được đào tạo chuyên nghiệp tại một câu lạc bộ bơi lội. (Ảnh do Vạn Lực cung cấp)

Thiểu Điển chơi bóng rổ rất giỏi và huấn luyện viên của cậu hy vọng cậu sẽ theo đuổi sự nghiệp chuyên nghiệp. (Ảnh do Vạn Lực cung cấp)

Mặc dù bị hạn chế về năng lực ngôn ngữ và học tập, nhưng Thiểu Điển lại có năng khiếu về thể thao và được gửi đi học taekwondo, bơi lội và bóng rổ từ khi còn nhỏ. Cậu thể hiện rất xuất sắc trong thể thao. Cả huấn luyện viên bóng rổ và bơi lội đều muốn cậu theo đuổi con đường chuyên nghiệp. Hồi ấy Thiểu Điển đã được đào tạo tại một số câu lạc bộ chuyên nghiệp.

Thiểu Điển đã xem Shen Yun từ khi còn nhỏ và mỗi năm cậu đều xem vài buổi biểu diễn. Cậu bé thực sự thích các anh múa trên sân khấu và còn nói với mẹ rằng: “Sau này khi lớn lên, con cũng muốn đến Shen Yun”.

Thoáng chốc Thiểu Điển đã sắp vào bậc trung học. Một ngày nọ, Vạn Lực hỏi cậu: “Con có muốn đến Shen Yun không?” Thiểu Điển gật đầu và nói: “Có, con rất muốn.” Họ nhanh chóng nộp hồ sơ đăng ký vào Học viện Nghệ thuật Phi Thiên.

Tháng 8 năm 2022, Vạn Lực đi cùng con trai đến trường để phỏng vấn.

Vị giám khảo hỏi cháu: “Vì sao con muốn đến Shen Yun?”

Thiểu Điển đáp: “Để trợ Sư chính Pháp.”

Vị giám khảo nói: “Hãy nhớ kỹ những gì con đã nói hôm nay”.

Ngày hôm đó diễn ra rất suôn sẻ và Thiểu Điển đã được nhận vào học. Trong lúc điền đơn, Thiểu Điển vừa khóc vừa viết, và cậu khóc mãi trên đường về. Vạn Lực hỏi cậu: “Sao con lại khóc?” Cậu trả lời mẹ: “Con phấn khích quá”.

Thiểu Điển rất nhanh sau đó đã được nhập học vào Học viện Nghệ thuật Phi Thiên. Đêm hôm đó trời mưa rất to, giáo viên của trường Phi Thiên dẫn theo mấy học sinh đến đón Thiểu Điển. Cậu bé ngày thường rất quấn mẹ, nay thậm chí còn quên cả chào tạm biệt, kéo vali và vui vẻ đi theo giáo viên vào trường.

Vừa kinh ngạc vừa vui mừng

Sau khi Thiểu Điển vào Học viện Nghệ thuật Phi Thiên, Vạn Lực thường xuyên đến thăm cậu, mỗi lần đón cậu về, trước tiên sẽ dẫn đi ăn uống, mua sắm, sau đó mới đưa cậu về trường. Cứ mỗi lần đến đó, cô đều lại thấy sự thay đổi ở con, nụ cười trên khuôn mặt đứa trẻ ngày càng rạng rỡ hơn. Thiểu Điển cũng kể với mẹ rằng mọi người ở đây đều rất tốt bụng, thân thiện và cậu bé rất thích nơi này.

Khi cậu vào học được khoảng ba tháng, Vạn Lực lại đến thăm cậu. Lần này, khi Thiểu Điển xuất hiện, Vạn Lực lập tức cảm thấy trước mắt sáng ngời. Thay đổi thật lớn! Cậu đã giảm 9 kg, làn da trắng hồng, dáng người cứng cỏi đĩnh đạc, cao ráo và tuấn tú, toát lên vẻ tự tin chưa từng có, trông hệt như một vũ công chuyên nghiệp.

Sau khi trở về khách sạn, Thiểu Điển nói: “Mẹ ơi, chúng ta cùng học Chuyển Pháp Luân trước rồi hãy ra ngoài nhé?” Sau đó, cậu lấy cuốn Chuyển Pháp Luân phiên bản tiếng Trung ra và đọc một cách lưu loát.

Vạn Lực nhìn con trai, kinh ngạc đến nỗi thậm chí không dám tin vào mắt mình. Tiếng Trung của cậu vẫn luôn rất kém, trước đây khi cô dẫn dắt cậu đọc Chuyển Pháp Luân, họ phải đọc từng câu từng câu một, cậu vừa đọc vừa ấp a ấp úng. Sau ba tháng ở Phi Thiên, cậu thực sự đã có thể chủ động học Pháp và có thể đọc phiên bản tiếng Trung phồn thể; hơn nữa lại còn rất lưu loát, chỉ thỉnh thoảng hơi vấp khi gặp phải những từ lạ.

Nhìn thấy vẻ mặt ngạc nhiên của mẹ, Thiểu Điển mỉm cười nói: “Mẹ ơi, mẹ thấy tiếng Trung của con có tiến bộ hơn không?”

“Đúng, đúng vậy, con trai, mẹ không ngờ điều này lại có thể xảy ra. Con thật sự rất cừ”. Vạn Lực vội vàng đáp. Nhìn đứa con 13 tuổi, cô vô cùng vui mừng: “Thật không thể tin được, đúng là thần kì, đúng là thần tích”.

Thiểu Điển đang theo học tại Học viện Nghệ thuật Phi Thiên (Ảnh do Vạn Lực cung cấp)

Đề cao tâm tính

Kể từ đó, kỹ năng chuyên nghiệp của Thiểu Điển không chỉ đề cao nhanh chóng mà khả năng ngôn ngữ cũng tiến bộ rất mau. Cậu có thể nói chuyện với mẹ về những suy nghĩ và những cảm thụ trong tâm của mình, và nói về những vấn đề của mình trong quá trình tu luyện, chẳng hạn như: làm thế nào để vượt qua khảo nghiệm tâm tính, làm thế nào để đề cao tâm tính, v.v.

Trước đây Thiểu Điển ra ngoài thường bị bắt nạt; nhưng ở nhà, bố, mẹ và chị gái đặc biệt yêu thương và che chở cậu, điều này đã khiến cậu hơi yếu đuối một chút. Quá trình huấn luyện vũ đạo rất gian khổ, đặc biệt là các bài tập yêu cầu nhào lộn trên thảm. Lúc đầu, cậu hơi sợ, nhưng cậu đã vượt qua nỗi sợ hãi và trở nên dũng cảm hơn.

Hai mẹ con thường xuyên trao đổi về tu luyện. Vạn Lực nói với con trai: “Có tâm chấp trước là chuyện rất bình thường. Chính vì chúng ta không hoàn hảo nên mới cần phải tu luyện. Tu luyện không phải là chuyện một sớm một chiều mà đắc được, mà đó là cả một quá trình. Dần dần loại bỏ chấp trước, chúng sẽ càng ngày càng ít đi”.

Thiểu Điển sau đó trở thành trưởng nhóm nhỏ rồi trưởng nhóm lớn. Quá trình này là một thử thách lớn đối với cậu. Khi một số bạn cùng lớp không tuân theo chỉ dẫn, cậu cũng đã tức giận và mất bình tĩnh. Nhưng cậu đã rất nhanh chóng nhận ra sự tức giận và nóng nảy đều là hướng ngoại, và cậu nên hướng nội tìm. Cậu nhận ra rằng mình nên quan tâm nhiều hơn đến các bạn cùng lớp, chú ý hơn đến những khó khăn và nhu cầu của các bạn, thấu hiểu cảm thông với các bạn khi đứng tại góc độ của họ. Khi giao lưu với các bạn cùng lớp, Thiểu Điển chủ động ước thúc bản thân, loại bỏ tâm so đo với người khác, tâm tật đố và tâm tranh đấu.

Thiểu Điển trong tu luyện càng ngày càng trở nên thành thục, mỗi khi gặp phải bất kỳ chuyện gì, bất kể là trên thân thể hay trong tâm lý, cậu đều có thể lập tức từ góc độ của người tu luyện mà hướng nội tìm, mỗi thời mỗi khắc đều đặt nhất tư nhất niệm vào việc tu luyện. Tất cả những chuyện này đều không hề có cho tới trước khi cậu đến Học viện Nghệ thuật Phi Thiên, đây là sự thay đổi lớn nhất của cậu. Vạn Lực rất vui mừng về điều này.

Thiểu Điển đang theo học tại Học viện Nghệ thuật Phi Thiên. Ảnh chụp vào đêm Giáng sinh năm 2024. (Ảnh do Vạn Lực cung cấp)

Con thay đổi, Vạn Lực cũng đã thay đổi. Những lo lắng thường trực trong tâm trí cô bấy lâu nay đã tiêu biến hoàn toàn, cô như được giải thoát khỏi những âu lo, phiền muộn và áp lực căng thẳng.

Một ngày nọ cách đây nửa năm, Thiểu Điển đã gọi điện cho mẹ nói: “Mẹ ơi, cuối cùng con cũng hiểu được những lời Sư phụ giảng rồi”. Cậu bé còn nói: “Giá như con hiểu được lời Sư phụ sớm hơn thì tốt biết mấy!”

Ngày hôm ấy, Thiểu Điển dường như đột nhiên khai ngộ tại thế gian, tựa như quá khứ chỉ là một giấc mộng, cậu đã hoàn toàn tỉnh lại, hết thảy mọi thứ đều khôi phục trở lại bình thường.

Hiện tại Thiểu Điển đang là sinh viên năm hai tại Học viện Nghệ thuật Phi Thiên, và cũng là diễn viên thực tập theo Shen Yun đi lưu diễn cùng đoàn.

“Sự thay đổi của con thực sự là một thần tích”, Vạn Lực nói. “Tôi vô cùng biết ơn và cảm ân Shen Yun cùng Học viện Nghệ thuật Phi Thiên”.

“Ai có thể đem con của mình ra thử nghiệm chứ?”

Gần đây, tờ New York Times đã đăng một loạt các bài viết công kích nhà sáng lập Pháp Luân Công và Shen Yun, chuyện này đã khiến cho Vạn Lực thực sự rất sốc. Cô muốn chia sẻ những trải nghiệm cá nhân của mình và con với độc giả, và cũng muốn thông qua The Epoch Times hỏi tờ New York Times rằng: “Ai có thể đem con của mình ra thử nghiệm chứ?”

Thứ nhất, vấn đề hoàn cảnh môi trường

Vạn Lực cho biết, bất kể là tín ngưỡng hay văn hóa nào, tấm lòng của các bậc cha mẹ trên khắp thế giới đều giống nhau, đó chính là tình yêu thương dành cho con cái. Không có người mẹ nào lại không mong muốn con mình được vui vẻ, khỏe mạnh, cũng không có người mẹ nào không muốn con mình được sống trong một môi trường thân thiện và phát triển trong hoàn cảnh tốt đẹp hơn. Bởi vì đây không phải là một việc nào khác, không phải công việc, cũng không phải kinh doanh, mà chính là đứa con của mình.

Cho dù cha mẹ muốn cho con em mình học trường công hay trường tư, họ đều trước hết sẽ phải tìm hiểu và xem xét ngôi trường đó. Nếu phụ huynh không có thông tin, không có sự tin tưởng hoặc ấn tượng tích cực về trường, làm sao họ có thể gửi gắm con của mình đến đó? Không có một người mẹ nào lại muốn dùng con mình làm vật thí nghiệm. Đây là lẽ thường tình và hiển nhiên về mặt logic.

Vạn Lực cho biết trước khi vào Học viện Nghệ thuật Phi Thiên, Thiểu Điển là một đứa trẻ có vấn đề. Cậu bé gặp nhiều trở ngại và khó khăn trong học tập, giao tiếp xã hội. Cậu bé đã phải chịu rất nhiều áp lực ở trường và không được khỏe mạnh về cả thể chất lẫn tinh thần. Cậu không vui vẻ và thoải mái. Nhưng sau khi đến Học viện Nghệ thuật Phi Thiên, trong môi trường tu luyện ở đó, ngoài việc được học các kỹ năng về chuyên môn, mối quan hệ giữa mọi người cũng rất thân thiện, lành mạnh, thoải mái và rất tích cực, cá nhân cậu cảm thấy vô cùng thoải mái và thích cuộc sống như vậy.

Cô cho biết sau hai năm học, Thiểu Điển đã thay đổi hoàn toàn. Cậu đã trở nên vui vẻ hơn nhiều, khả năng học tập cũng được cải thiện đáng kể, thêm nữa là cậu vốn yêu thích vũ đạo, nên có nhiều không gian để thể hiện tài năng của mình tại đây”. Là một người mẹ, tôi cảm thấy nhẹ nhõm khi thấy con mình đã thay đổi và tiến bộ như thế. Trong tâm tôi cảm thấy thật thoải mái an tâm”.

Vạn Lực cho rằng tờ New York Times đã bóp méo các giá trị xã hội của Shen Yun. Trong thời đại mà hoàn cảnh xã hội cho các buổi biểu diễn nghệ thuật đang rất tệ, thì Shen Yun đã nổi lên như một lực lượng mới, phát triển từ một đoàn lên thành tám đoàn và rất được hoan nghênh chào đón. Đây là sự thật hiển nhiên mà ai cũng thấy.

“Là một đoàn biểu diễn xuất nghệ thuật đẳng cấp thế giới, Shen Yun mang đến những cảm thụ thẩm mỹ và sự kế thừa từ các giá trị đạo đức truyền thống có lợi cho toàn xã hội”, cô nói. “Con trai tôi đã được thụ ích rất nhiều từ Shen Yun”.

Vạn Lực chân thành hy vọng các biên tập viên và ký giả của tờ New York Times sẽ giữ thái độ có trách nhiệm, có thể ngồi tại rạp Shen Yun để xem trực tiếp buổi biểu diễn, và thử hỏi bạn bè xung quanh đã từng xem Shen Yun hoặc liên hệ gặp gỡ một số phụ huynh có con tại Shen Yun để có thể lắng nghe những cảm thụ của họ. Từ đó có thể nhận ra các bài viết mà họ đăng tải đã bỏ qua sự thật và mang đầy những nhận thức và định kiến ​​sai lầm như thế nào.

Thứ hai, vấn đề thù lao rẻ mạt

Tờ New York Times chỉ trích Shen Yun sử dụng diễn viên là sinh viên và trả lương rẻ mạt, vì vậy Vạn Lực đã tiến hành một cuộc điều tra và nghiên cứu đặc biệt về vấn đề này.

Nếu một đứa trẻ như Thiểu Điển, đang học trung học cơ sở hoặc trung học phổ thông, đến học tại trường nghệ thuật chuyên nghiệp, cha mẹ của em trước tiên sẽ phải trả học phí, chi phí sinh hoạt, phí chỗ ở và tất cả các trang phục và vật dụng liên quan đến chuyên ngành vũ đạo. Trong tình huống thông thường, những khoản chi phí này sẽ tốn khoảng 100.000 đô la Mỹ một năm.

Nếu đứa trẻ đi thực tập ở một thành phố hoặc một quốc gia khác, cha mẹ cũng sẽ phải bỏ tiền trả vé máy bay, khách sạn, ăn uống và trang phục biểu diễn cho trẻ, đây cũng là một khoản tiền khá lớn.

Ngoài ra, sẽ không có ai trả tiền cho bạn trong thời gian thực tập. Vì thực tập là cách để tích lũy kinh nghiệm, nên việc trao cho bạn cơ hội thực tập đã là sự giúp đỡ lớn nhất dành cho bạn. Không có tổ chức hay cơ sở nào trả lương cho bạn và bạn có thể phải trả rất nhiều tiền để có được cơ hội thực tập này.

Nhưng ở Phi Thiên và Shen Yun, phụ huynh không phải trả học phí, chỗ ở hoặc phí trang phục biểu diễn. Họ không phải trả một xu nào cho các việc liên quan đến thực tập như thuê khách sạn, vé máy bay, trang phục biểu diễn, v.v. hơn nữa trẻ còn được nhận trợ cấp hàng tháng.

Nói cách khác, cha mẹ không phải trả bất cứ khoản phí nào cho con em mình, và trẻ không chỉ có được kinh nghiệm thực tập mà còn được mở rộng kiến thức về các địa phương trên khắp thế giới. Trong quá trình này, trẻ sẽ phải đối mặt với nhiều thử thách khác nhau và cần tự mình giải quyết. Vì vậy, bất kể ở khía cạnh nào, đứa trẻ đều sẽ có sự tiến bộ và phát triển vượt bậc.

Thật khó để tìm được cơ hội thực tập như vậy ở bất cứ đâu. Shen Yun hoàn toàn có thể từ chối chu cấp và yêu cầu phụ huynh trả mọi chi phí. Bởi vì đó là điều mà các trường nghệ thuật đều làm.

Vạn Lực cho biết, là một tờ báo lớn có lịch sử hàng thế kỷ tại Bắc Mỹ, tờ New York Times hẳn đã phải rất quen thuộc với hệ thống giáo dục của Mỹ. Thật sự rất sốc khi tờ báo này lại đưa ra kết luận như vậy.

Thứ ba: Các vấn đề về an ninh

Vạn Lực cho biết, tại Hoa Kỳ, bất kỳ trường nội trú hay tư thục nào, nhà trường đều là người giám hộ của học sinh vị thành niên. Chỉ cần là một ngôi trường có trách nhiệm, coi trọng chất lượng giáo dục với phụ huynh và con trẻ thì sẽ làm rất tốt công tác an ninh. Nhà trường phải có trách nhiệm với trẻ và không có trường tư nào lại có thể cho phép người lạ vào trường một cách tùy tiện.

Học viện Nghệ thuật Phi Thiên được xây dựng trên núi, hòa hợp với thiên nhiên, vì sự an toàn của trẻ, tất nhiên phải có ranh giới để phụ huynh yên tâm.

Hơn nữa còn có một nguyên nhân quan trọng khác, cuộc đàn áp tàn bạo của ĐCSTQ với Pháp Luân Công đã kéo dài trong suốt 25 năm qua và chưa bao giờ dừng lại, đến nay vẫn liên tục phá hoại và đe dọa. Hiện nay cuộc đàn áp này đã lan ra cả nước ngoài. Ví dụ, đặc vụ của ĐCSTQ đã đến rạp hát nơi Shen Yun diễn xuất để khủng bố và đe dọa đánh bom, lốp xe buýt đi lưu diễn của Shen Yun bị rạch, và còn các hình thức xâm nhập và phá hoại khác nhau đã xảy ra gần Phi Thiên và Chùa Long Tuyền của Shen Yun. Những hành động này của đặc vụ của ĐCSTQ vẫn chưa bao giờ dừng lại.

“Biện pháp an ninh này là cần thiết và thiết yếu với Học viện Nghệ thuật Phi Thiên; nó cũng là cần thiết và không thể thiếu với các bậc phụ huynh”, Vạn Lực cho biết.

Cô cho biết 25 năm trước, ĐCSTQ đã làm ra những thủ đoạn tàn ác để “bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính và hủy hoại thân thể” với Pháp Luân Công, chúng còn bịa đặt “vụ tự thiêu Thiên An Môn” và sự việc 1.400 trường hợp tử vong để vu oan hãm hại Pháp Luân Công. Bây giờ chúng lại lặp lại những thủ đoạn cũ, chỉ có điều phương pháp của chúng gian trá hơn và thủ đoạn thì tà ác hơn. Chúng mưu đồ lợi dụng luật pháp và các phương tiện truyền thông Hoa Kỳ để tiến hành chiến tranh dư luận và chiến tranh pháp lý. Nhưng đây chỉ là lần giãy chết cuối cùng của chúng, căn bản sẽ không thể thành công.

(Theo The Epoch Times)

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/294734



Ngày đăng: 02-05-2025

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.