Ngọn tùng đẹp cô độc trên núi mùa đông: Bàn về bài thơ “Tứ Thời” của Đào Uyên Minh



Tác giả: Tiêm Tiêm

[ChanhKien.org]

Bài thơ “Tứ Thời” của Đào Uyên Minh thời Ngụy – Tấn ghi chép lại trạng thái thời tiết của bốn mùa lúc bấy giờ. Toàn bài thơ tổng cộng có hai mươi chữ:

“Xuân thủy mãn tứ trạch,
Hạ vân đa kỳ phong.
Thu nguyệt dương minh huy,
Đông lĩnh tú cô tùng”.

Tạm dịch nghĩa:

Mùa xuân nước tràn đầy bốn đầm,
Mùa hạ xuất hiện nhiều đỉnh mây kỳ lạ.
Mùa thu trăng chiếu sáng rạng rỡ,
Mùa đông trên núi có ngọn tùng đẹp cô độc.

“Xuân thủy mãn tứ trạch,
Hạ vân đa kỳ phong”.
Hai câu này miêu tả cảnh sắc mùa xuân và mùa hạ thời bấy giờ. Câu đầu tiên “Xuân thủy mãn tứ trạch” cho thấy mùa xuân khi đó có nhiều nước, so với câu nói “Xuân vũ quý như dầu” (mưa xuân quý như dầu) thời nay tạo thành sự đối lập rõ rệt. “Hạ vân đa kỳ phong”. Người xưa có vũ trụ quan thiên nhân hợp nhất, cho rằng thiên tượng có mối liên hệ với con người. Sự xuất hiện của những đỉnh mây kỳ lạ vào mùa hè là bởi vì thời đó có khá nhiều người tu luyện, mới tạo thành hiện tượng như vậy. Bản thân Đào Uyên Minh cũng là một vị ẩn sỹ, tương truyền ông có thần thông. Câu chuyện Phật gia “Hổ Khê tam tiếu” (1) cũng có liên quan đến Đào Uyên Minh.

“Thu nguyệt dương minh huy,
Đông lĩnh tú cô tùng”.
Mặt trăng mùa thu tỏa ra ánh sáng huyền bí, trên núi vào ngày đông, một cây tùng đơn độc sừng sững. Người xưa yêu thích ánh trăng, và ánh trăng thời cổ đại lại càng mang vẻ huyền bí, điều này có liên quan rất lớn đến môi trường khi đó. Mà cây tùng đơn độc đứng vững trên núi vào mùa đông thực chất phản ánh một cảnh tượng vắng vẻ, ít người. Cùng với việc dân cư thưa thớt, cây cối trên núi cũng không quá rậm rạp.

Thời Ngụy – Tấn, nước xuân tràn đầy, mây tạo thành nhiều đỉnh kỳ lạ, ánh trăng huyền bí, cây tùng đẹp đứng đơn độc. Cảnh sắc bốn mùa khi đó rất khác so với ngày nay. Sự biến hóa của thiên tượng có sự đối ứng với trạng thái sinh sống của con người. Thời Ngụy – Tấn, dân cư thưa thớt, môi trường tự nhiên vừa huyền bí vừa biến hóa, là bởi vì thời đó có sự xuất hiện của rất nhiều người tu luyện (bao gồm cả một số ẩn sỹ). Mà hoàn cảnh môi trường ngày nay vừa huyên náo vừa ác liệt, là bởi vì có sự tồn tại của vật chất bất hảo, hoặc do con người không an định tạo thành.

Hoàn cảnh tu luyện của người xưa tốt, muốn tu lên cao cũng khó, vì tiêu chuẩn đạo đức của con người khi đó tương đối cao. Hoàn cảnh bất hảo ngày nay lại trở thành cơ hội tốt cho người tu luyện. Trong xã hội hiện đại xa hoa trụy lạc đầy cám dỗ vật chất, con người sẽ đi về phía hai cực, người tốt sẽ tu luyện đắc Đạo, còn kẻ xấu sẽ bị tiêu hủy triệt để. Mọi người lựa chọn điều gì, chẳng phải nên suy nghĩ thật kỹ sao?

Chú thích của người dịch:

(1) “Hổ Khê tam tiếu” nghĩa bề mặt là ba người cười ở Hổ Khê, xuất phát từ một điển cố thời Đông Tấn. Thời Đông Tấn, pháp sư nổi tiếng Huệ Viễn tu hành trên núi Lư Sơn (nay thuộc Cửu Giang, Giang Tây) trong suốt hơn 30 năm, ông không những không xuống núi, vào thành, mà khi tiễn khách cũng không bao giờ bước qua Hổ Khê. Một ngày nọ, hai người là nho sinh Đào Uyên Minh và đạo sỹ Lục Tu Tĩnh vượt đường xa đến thăm. Ba người gặp nhau trò chuyện vui vẻ. Sau đó Huệ Viễn tiễn họ xuống núi. Khi đến Hổ Khê, ba người dù bên tai chốc chốc lại có tiếng hổ gầm từ xa truyền tới, nhưng bởi vì bàn luận quá say sưa nên hoàn toàn không phát hiện. Cho đến khi đã vượt qua Hổ Khê, cả ba mới giật mình nhận ra, nhưng họ ngay lập tức bật cười sảng khoái. Thì ra, họ đã vô tình phá bỏ chấp niệm không qua Hổ Khê. Tiếng cười ấy truyền tải niềm vui khó diễn tả bằng lời của họ và tự nhiên cũng trở thành giai thoại nổi tiếng lưu truyền muôn đời.

Bài viết tham khảo: Bức vẽ “Hổ Khê tam tiếu”

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/277407



Ngày đăng: 06-04-2025

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.