Điều ác ẩn giấu trong sự ham ăn
Tác giả: Cẩn Tố
[ChanhKien.org]
“Gula” là một từ xuất phát từ tiếng La-tinh, giáo hội Kitô giáo dùng từ này để chỉ tội ác của việc “ham ăn”. “Người ham ăn” trong tiếng Pháp có ý nghĩa là người suy đồi về mặt đạo đức, bại hoại phóng đãng.
“Ham ăn” đã luôn là một loại triết học và là đối tượng nghiên cứu từ tôn giáo cho đến xã hội học. Trong Kitô giáo, “ham ăn” được coi là một trong bảy tội lỗi của con người.
Vậy vì sao ham ăn lại là tội lỗi? Điều này liên quan đến các tín đồ Kitô giáo trong quá trình tu hành theo hình thức ẩn tu ở sa mạc. Vì họ thực hành khổ tu, nên mỗi ngày họ chỉ ăn số lượng thực phẩm vừa đủ để đảm bảo duy trì sự sống, tránh việc bị chết đói. Bất kỳ thức ăn dư thừa nào cũng được coi là công cụ mà ma quỷ sử dụng để dẫn dụ con người. Vào khoảng năm 365 Công nguyên, nhà tu hành khổ hạnh Evager đã liệt kê tám đại tội lỗi và tà niệm mà ma quỷ dùng để cám dỗ con người. Đứng đầu trong những dụ dỗ đó là “ham ăn”, mà đứng thứ hai là “dâm dục”. “Ham ăn – dâm dục” là hai thứ họa hại ngàn năm kết hợp với nhau sản sinh ra từ địa ngục. Giống như một ngữ cảnh trong tác phẩm “Nhị khắc phách án kinh kỳ” (tập tiểu thuyết thoại bản được biên soạn bởi Lăng Mộng Sơ vào cuối đời Minh) có nhắc tới: “No ấm nghĩ đến dâm dục”. Trong nhiều tác phẩm quen thuộc với chúng ta, “ham ăn” dường như xuất hiện đồng thời cùng với “háo sắc” và Trư Bát Giới trong tác phẩm “Tây Du Ký” là một ví dụ điển hình.
Trong các tác phẩm nghệ thuật thời trung cổ, con vật xấu xí và bị coi là ghê tởm nhất, chính là con cóc ghẻ, con vật này được dùng như một công cụ trừng phạt kẻ tham ăn. Điều này có thể thấy trong bức hoạ “Nhật ký người chăn cừu” vào thế kỷ 15. Giáo đồ tham ăn bị trừng phạt bằng hình thức gọi là “cực hình Tantalus”, có một chi tiết trong đó là kẻ tham ăn phải ăn cóc ghẻ, rắn, và thằn lằn sống.
Vào thế kỷ 14, nhà thơ người Pháp Deschamps đã viết: “Hãy xông lên! Ăn thịt lợn đi!” Khi ấy, ham ăn được xem là biểu hiện của bản năng thú tính trỗi dậy và mất kiểm soát lý trí.
Người xưa có hiểu biết sâu sắc về ham ăn mà nhiều người trong xã hội hiện đại ngày nay không bằng, hoặc căn bản không nhận thức được sự liên hệ về tội ác trong vấn đề ham ăn, tham lam, phóng túng, và dâm dục. Vào thời Trung cổ, sô cô la và nhiều loại đồ ăn ngọt khác được coi là thực phẩm kích thích ham muốn tình dục, thậm chí ngay cả ớt cay cũng là một dạng thực phẩm có tác dụng liên quan đến kích thích ham muốn tình dục. Như vậy xem ra dường như không chỉ đồ ăn ngọt mà cả đồ ăn cay, đồ ăn quá mặn và thậm chí cả vị đắng của cà phê cũng là nguồn kích thích khẩu vị và từ đó gây ra sự mất lý trí của cơ thể. Người bình thường chẳng phải khi khen một cô gái xinh đẹp thường hay có kiểu nói là “bữa tiệc của đôi mắt” hay sao? Sự liên quan giữa việc ăn uống và sắc dục rất phức tạp và khó nói một cách rõ ràng mà người ta thông thường có thể không chú ý. Đối với đệ tử Đại Pháp, đây là một cám dỗ vô cùng nguy hiểm, tà ác và là một trong những nguyên nhân gốc rễ sinh ra tâm chấp trước!
Lão Tử nói: “Ngũ vị làm cho miệng sảng khoái” (Lão Tử, Chương 12). “Sảng khoái” ở đây có nghĩa là miệng và lưỡi đã mất đi năng lực phân biệt mùi vị. Đồng thời khi miệng và lưỡi đã mất đi năng lực phân biệt mùi vị thì tư duy căn bản cũng bị trở nên trì độn ngu dốt thậm chí đình trệ tê liệt. Bởi vì cảm nhận về mùi vị là do não bộ tiếp nhận tín hiệu điện truyền qua hệ thần kinh, mà các tín hiệu điện này lại được chuyển hóa từ kết cấu đặc biệt của các phân tử vị giác do các thụ thể trên đầu lưỡi cảm nhận được. Như vậy, cảm giác của miệng và lưỡi có liên quan trực tiếp đến não, sau khi ăn ngũ vị, không những miệng cảm thấy sảng khoái mà đầu não tâm trí cũng trở nên hỗn loạn. Chấp trước vào ngũ vị là thủ phạm chính dẫn đến tình trạng mù lòa về mặt tinh thần.
Tất nhiên, việc ăn uống bình thường là điều đương nhiên, là sự bảo đảm duy trì cho thân thể được khỏe mạnh, ngay cả định nghĩa của giáo hội cũng chỉ ra một cách khách quan đâu là phạm trù của ham ăn như: Những đồ ăn ngoài bữa ăn chính, khai vị trước bữa ăn, ăn uống vượt quá mức so với nhu cầu của cơ thể, những bữa ăn quá thịnh soạn, cao cấp và xa xỉ thì đều được coi là thuộc về phạm trù ham ăn.
Trong xã hội hiện nay các loại thực phẩm đẹp mắt có sự cám dỗ rất lớn xuất hiện ở khắp mọi nơi với đủ các loại quảng cáo đẹp đẽ tinh mỹ, video có các ngôi sao làm đại diện. Và như vậy dẫn đến loại quan niệm sai lầm rằng việc có thể thưởng thức những món ăn cao cấp là tượng trưng cho đẳng cấp và địa vị cao quý, làm cho đại đa số con người trong xã hội theo đuổi việc hưởng thụ ẩm thực ngon, cao lương mỹ vị đạt đến mức độ vô cùng xa xỉ. Người chế biến ẩm thực thậm chí được nâng lên tầm nghệ thuật gia, mức lương hàng năm của một số đầu bếp hàng đầu nổi tiếng nhất ở Anh có thể lên tới hàng chục triệu bảng Anh. Dân chúng thường bị hấp dẫn bởi đủ loại quảng cáo và video về đồ ăn đẹp mắt. Những điều đó so với bản thân món ăn xác thực là khảo nghiệm rất lớn về định lực đối với người tu luyện chúng ta.
Nhiều người đã từng trải qua điều này: Trước sự cám dỗ của những món hải sản họ ăn nhồi nhét đến mức điên cuồng, rồi sau khi ăn xong lại cảm thấy thèm ăn kem hoặc bánh ngọt. Theo đó sẽ dẫn đến trạng thái cơ thể trở nên buồn ngủ làm cho thân thể tích tụ nhiều mỡ hơn. Khi nhìn thấy thân hình béo ú của mình trong gương và chiếc váy đẹp không thể mặc nổi được nữa thì họ thề sẽ ngừng việc ăn uống vô độ, nhưng sau một hoặc hai ngày lại lặp lại vòng luẩn quẩn ăn – hối hận, lại ăn – lại hối hận, cứ thế liên tục lặp lại.
Mọi người đều biết rằng nguồn gốc của hết thảy mọi đau khổ vĩnh viễn không dứt là do những ham muốn dục vọng không được thỏa mãn. Còn như nói về ham muốn dục vọng trong việc ăn uống, thì xã hội ngày nay đã nâng lên đến một tầm cao mà từ xưa tới nay chưa từng thấy xuất hiện ở bất cứ nơi nào, nó khiến con người không cách nào thoát ra và rơi vào vực thẳm của dục vọng mà bản thân cũng không hề hay biết. Giáo hội Thiên chúa giáo đặt định nghĩa về những kẻ ham ăn là: “không phải thiên thần, cũng không phải cầm thú”. Bỏ qua cách người thường biện minh cho sự ham ăn của họ, nhưng chúng ta là một người tu luyện, làm sao chúng ta có để mình bị liệt vào hàng ngũ đáng sợ là “không phải thiên thần” dù chỉ một lần đây?
Vậy chúng ta đối đãi với vấn đề ăn uống như thế nào, trong “Chuyển Pháp Luân” Sư phụ đã giảng cho chúng ta một cách minh xác rằng:
“Người ta cấp cho gì thì ăn nấy; là người tu luyện thì cũng không thể lựa chọn đồ ăn”.
“Con người trong vấn đề ăn thì không chỉ là ăn thịt; chấp trước đối với bất kể đồ ăn nào cũng là không được; những thứ khác cũng như thế”.
Vì để cứu chúng sinh, có thể trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày chúng ta phải nhiều lần ăn uống cùng với người thường, như vậy cũng sẽ nhiều lần ăn các loại thịt và các món ăn ngon. Nhưng điều quan trọng là chúng ta không được để tâm đến chúng. Nếu chúng ta cũng thích và nói thao thao bất tuyệt về những món ăn ngon, cao lương mỹ vị đó, và thường ở trong trạng thái bị chúng thu hút hấp dẫn thì thật sự là một chủng chấp trước.
Người tu luyện cần phải tuân theo lời dạy của Sư phụ: “Thực nhi bất vị Khẩu đoạn chấp trước” (Đạo Trung- Hồng Ngâm), lý giải cá nhân của bản thân tôi “bất vị” không phải là “vô vị” mà là khi đối mặt với tất cả các loại kích thích vị giác như ngọt, chua, đắng, cay, thái độ chúng ta nên coi chúng như nhau – không quan tâm đến hương vị ấy của chúng, không bị hương vị của chúng dẫn động. Khi chúng ta đoạn dứt được dục vọng ham muốn về khẩu vị đồ ăn, thì đồ ăn dưới bất kỳ hình thức hay hương vị nào cũng không còn dẫn động chúng ta được nữa.
Ham ăn đối với con người là một hành vi tội lỗi xấu xa, còn riêng đối với người tu luyện, nó chính là một chủng chấp trước. Đối với những người tu luyện Pháp Luân Đại Pháp mà nói, đây là một chấp trước đáng sợ cần phải sớm tu khứ và vứt bỏ. Một ngày có ba bữa ăn, nghĩa là một ngày chúng ta phải trải qua ít nhất ba lần khảo nghiệm, làm thế nào có thể vứt bỏ hoàn toàn chấp trước vào đồ ăn, làm thế nào để bảo trì tâm thái, hành vi của một vị Thần, của một người trong tương lai sẽ tu thành Thần để đối đãi với việc ăn uống, đây hoàn toàn không phải là vấn đề đơn giản tuỳ ý muốn làm gì thì làm nấy.
Tôi chỉ muốn dùng bài viết nhỏ này chia sẻ với những đồng tu vẫn còn chấp trước trong việc ăn uống về những món ngon, cao lương mỹ vị, từ đó chúng ta có thể cùng nhau đề cao, vứt bỏ chấp trước vào sự ham ăn mà siêu thoát xuất lai.
Ngày đăng: 26-03-2025
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.