Trí huệ của cổ đức: Trí huệ của việc thực hành đức chính, yêu thương người khác
Tác giả: Lục Văn Nông chỉnh lý
[ChanhKien.org]
Những quân vương mang trong lòng sự bao dung rộng lớn, họ không nhất định dựa vào quân đội hùng mạnh để thống nhất và trị lý quốc gia, càng không nhất định phá hủy thành quách và giết hại người dân nước khác. Họ thuận theo hình thế thiên hạ, gánh vác nguy nan và gian khổ với dân chúng, cứu trợ dân chúng khỏi thiên tai họa hại. Như thế, thiên hạ tự nhiên sẽ quy thuận và quy phục, bách tính tự nhiên sẽ siêng năng cần cù.
Thần Nông giảng rằng: “Thanh niên đang tuổi trai tráng không đi cày cấy, thiên hạ sẽ có người gặp khổ và chịu đói; nữ nhi đến tuổi trưởng thành mà không biết dệt vải, thiên hạ sẽ phải chịu lạnh chịu rét”. Vì vậy Thần Nông đích thân canh tác trồng trọt, còn vợ ông đích thân dệt vải, để thể hiện tấm lòng nhân đức trong việc mưu cầu phúc lợi cho bách tính.
Vào thời thượng cổ, trước khi Long Môn được khai quật và núi Lữ Lương được khai thông, nước sông Hoàng Hà từ núi Mạnh Môn tràn ra đã hủy hoại vô số núi đồi, ruộng vườn và đồng bằng màu mỡ, người dân phải sống lang thang nay đây mai đó. Đại Vũ đảm nhận trọng trách cứu người dân khỏi thảm họa, khai thông sông Hoàng Hà, dẫn đường cho sông Dương Tử và xây dựng đê Bành Lãi Trạch, đẩy lùi lũ lụt ở phía Đông, mang đến lợi ích cho hơn 1.800 quốc gia, triển hiện công đức thiên cổ, được dân chúng vĩnh viễn cảm phục.
Mặc Tử không quản gian khổ, ngày đêm thần tốc, bộ hành suốt mười mấy ngày đêm đến Sính Đô (kinh đô nước Sở), tìm cách ngăn cản nước Sở tấn công nước Tống, nhằm giải cứu người dân nước Tống sắp gặp nguy nan bởi chiến tranh. Mặc Tử tuy chưa phải là vua, nhưng tư tưởng “kiêm ái” (yêu thương tất cả mọi người, không phân biệt địa vị cao thấp, thân sơ, giàu nghèo, và yêu mọi người như yêu mình) của ông lại chứa đầy trí huệ bác đại tinh thâm.
Thực hành đức chính (nền chính trị nhân đức), yêu thương người khác, không chỉ mang lại lợi ích cho người khác, khiến quốc gia được yên bình phát triển, hơn nữa còn mang lại lợi ích trực tiếp cho người thực hành nền chính trị nhân đức và yêu thương người khác. Có một lần, Tần Mục Công ngồi xe ngựa ra ngoài thì xe bị hỏng, dây cương phía bên phải càng xe bị đứt khiến con ngựa chạy mất, và bị một nhóm nông dân bắt được. Đến khi Tần Mục Công đi tìm ngựa thì gặp một nhóm nông dân đang ăn thịt ngựa của mình tại phía Nam núi Kỳ Sơn. Tần Mục Công than thở, lúc đó ông không những không tức giận, mà còn cảm thấy rất thương hại người dân, ông nói với những người nông dân đó rằng: “Các ngươi ăn thịt tuấn mã của ta mà không uống rượu, thì sẽ có thể có hại cho thân thể các ngươi!” Vì vậy Tần Mục Công đã thưởng rượu cho từng người một trước khi rời đi. Một năm sau (645 TCN), chiến tranh Tần Tấn nổ ra ở Hán Nguyên. Quân Tấn bao vây xe ngựa của Tần Mục Công, quan đại phu Lương Do Mị của nước Tấn nắm được dây cương bên trái xe ngựa của Tần Mục Công, dũng sĩ bên phải xe của Tấn Huệ Công dùng ngọn giáo dài đâm thủng sáu tầng áo giáp của Tần Mục Công, tình hình khá nguy cấp. Chính tại lúc này, hơn 300 nông phu ở phía Nam núi Kỳ Sơn từng ăn thịt ngựa của Tần Mục Công đã liều mạng chạy đến bảo vệ Tần Mục Công, cuối cùng đánh bại quân Tấn, hơn nữa Tấn Huệ Công còn bị bắt. Vì vậy, người quân vương hiền đức cần phải công chính, để thể hiện lòng nhân đức của họ; quân vương cần khoan dung hậu đãi đối với bách tính, để họ hết sức phát huy khả năng của mình. Nếu quân vương yêu thương và bao dung người dân, thì người dân sẽ kính yêu quân vương.
Câu chuyện Triệu Giản Tử giết con la yêu quý của mình, lấy gan của nó để cứu mạng Tư Cừ cũng đã nói rõ điểm này. Triệu Giản Tử đặc biệt thích hai con la trắng của mình. Một đêm nọ, Dương Thành Tư Cừ, môn viên quan nhỏ ở huyện Quảng Môn, đến trước cửa nhà ông nói: “Tôi bị bệnh rồi, đại phu nói với tôi rằng ăn gan của con la trắng thì sẽ khỏi bệnh, nếu không sẽ chết”. Lính gác đã đem chuyện này trình báo lên Triệu Giản Tử, Đổng An Vu – một hạ thần đang ở bên cạnh, tức giận quát: “Ai da! Tên Tư Cừ này lại dám mưu đồ ăn thịt con la trắng của quân vương nhà ta, xin ngài hãy giết hắn ngay lập tức”.
Giản Tử nói: “Vì cứu mạng súc vật mà giết người, thế chẳng quá không nhân đạo sao? Vì để cứu mạng người mà giết động vật, chẳng phải là đang làm việc nhân ái sao?” Thế là ông liền gọi đầu bếp, giết con la trắng, lấy gan đưa cho Dương Thành Tư Cừ. Không lâu sau, Triệu Giản Tử khởi binh đánh giặc, Tư Cừ dẫn theo một đội 700 người từ bên trái và 700 người từ bên phải tiên phong công thành, dũng mãnh thiện chiến, cuối cùng đã giành được toàn thắng. Từ đó có thể thấy, quân vương thực hành đức chính, yêu thương người khác tất sẽ nhận được sự trợ giúp của dân và quân.
Trong xã hội ngày nay, con người hiện đại càng ngày càng minh bạch rõ ràng rằng, giáo hóa đạo đức chính là nhiệm vụ hàng đầu của việc giáo hóa xã hội, còn tấm lòng nhân ái lại có thần lực to lớn để giáo hóa con người và giáo hóa xã hội nhân loại.
(Trích từ “Lã Thị Xuân Thu”)
Chú thích:
Theo hiểu biết của người dịch, “cổ đức” chỉ những người có phẩm hạnh và đạo đức cao thượng thời cổ đại.
Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/253994
Ngày đăng: 06-11-2024
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.