Tu bỏ chấp trước vào cái đẹp
Tác giả: Đệ tử Đại Pháp Tử Đích
[ChanhKien.org]
Trước giờ tâm truy cầu cái đẹp vẫn luôn bám theo tôi và càng ngày tôi càng phải không ngừng tự an ủi mình rằng “ai cũng yêu cái đẹp mà”; từ khi tu luyện tôi phát hiện rằng đây đã trở thành trở ngại lớn nhất của mình; quay đầu nhìn lại “con đường yêu cái đẹp” mà tôi đã đi qua, nỗi đau khi phải dứt bỏ nhân tâm, nỗi khổ khi vướng vào chấp trước, niềm say mê ngắn tạm được thỏa mãn, nỗi thương tâm không thể giải thích được khi chịu mất mát, khi trong cuộc chiến giữa nhân tâm và chính niệm thì trường không gian của bản thân chẳng khác gì chiến trường của trận đại chiến chính-tà. Tu luyện là nghiêm túc, là đem bản thân giao cấp cho Sư phụ hay là thuận theo nhân tâm và tất cả những nhân tố phụ diện của cựu vũ trụ mà trượt xuống? Tôi thể nghiệm rằng trong quá trình không ngừng lựa chọn đồng hóa với Pháp, tôi đã nhận được sự gia trì từ Sư phụ.
Tôi vẫn luôn muốn chia sẻ trải nghiệm này của mình với các đồng tu, do tầng thứ có hạn nếu có điều chi không đúng xin các đồng tu từ bi chỉ chính.
1. Chấp trước và quan niệm về việc yêu cái đẹp ngày càng lớn dần, ăn sâu vào tận xương tủy
Từ nhỏ tôi đã quen với việc được nhiều người thân ưu ái, được bố mẹ hết mực cưng chiều, cho tôi ăn mặc, chải chuốt thật đẹp để được người thân, bạn bè khen ngợi; khi lớn lên ngành học mà tôi yêu thích cũng là “nghệ thuật làm đẹp”, nhận thức về cái đẹp đã từ cảm tính thăng hoa thành lý tính, từ hình thức đến bản chất, với tôi cái đẹp đã tượng trưng cho một loại giá trị quan và nhân sinh quan, quan niệm và chấp trước vào cái đẹp dường như đã thấm vào xương cốt của tôi rồi.
Kinh văn “Tồn tại vì ai” trong “Tinh tấn yếu chỉ” Sư phụ giảng:
“Điều con người khó bỏ được nhất là quan niệm, có người thậm chí vì giả lý mà hy sinh sinh mệnh chứ không cải biến, ấy thế mà quan niệm là hậu thiên hình thành. Người ta vẫn luôn nhìn nhận loại niệm đầu vốn khiến bản thân không cân nhắc thêm nhưng lại không tiếc gì mà hy sinh hết thảy mà không dao động ấy là tư tưởng của chính mình, ngay cả thấy chân lý cũng bài xích. Kỳ thực, ngoại trừ phần thuần chân của tiên thiên ra, hết thảy quan niệm đều là hậu thiên hình thành, thật sự không phải bản thân mình đâu”.
Trong tu luyện, do nhu cầu của chỉnh thể và nhân tố môi trường tôi không thể không buông bỏ sở thích và chuyên môn của mình. Vì để cân bằng nhân tâm, thay vì tận dụng cơ hội này để tu bỏ những quan niệm hình thành hậu thiên tôi lại chuyển từ yêu cái đẹp sang “lối ăn vận”, mọi phong cách trang phục phù hợp về màu sắc, hoa văn và kiểu dáng đều động tới tâm tôi. Bằng cách này, việc tránh né và bảo vệ một cách có chủ ý hay vô ý khi nhân tâm vừa chớm bộc lộ khiến chấp trước vào quan niệm hình thành hậu thiên về cái đẹp dưới sự bồi đắp của nhân tâm, chấp trước lại càng mặc ý phình to hơn nữa.
2. Chấp trước vào cái đẹp cản trở bản thân đồng hóa với Pháp, tạo ra nguy hại cho tu luyện
Dưới sự dẫn động của quan niệm hậu thiên tôi bị mê lạc và phải trả giá vì những giả lý, nhưng tôi không những không thấy đau khổ mà còn cảm giác mình đang tận hưởng chấp trước, kỳ thực đó là đang bị bức hại mà không tự biết.
Có mang theo nhân tâm thì khi học Pháp sẽ tìm kiếm sự bảo hộ cho nhân tâm từ Pháp. Học Kinh văn “Giảng Pháp tại Pháp hội miền Trung Mỹ Quốc [1999]” đến đoạn đệ tử hỏi Sư phụ:
“Đệ tử: Con gái [con] thích đẹp là thiên tính, hay là chấp trước?
Sư phụ: Tôi nghĩ cháu gái thích trang điểm một chút tôi thấy hiện nay cũng không thể nói cháu là [có] chấp trước. Có người nói nữ giới có thiên tính này, kỳ thực tôi thấy nữ giới là nên chú ý phương diện này, lôi tha lôi thôi thì ai nhìn thấy cũng không thấy đẹp. Nhưng quá diễm lệ lả lướt thì lại phản tác dụng. Không phải [chỉ] tôi nói [rằng nó] không tốt, có thể người thường cũng cảm thấy không đẹp. Quần áo ăn mặc của con người là cần trang điểm”.
Lòng tôi thầm phấn khích, kỳ thực đó là do bị nhân tâm cực lực che đậy nên tôi chỉ nhìn được Pháp ở bề mặt, hoàn toàn không lĩnh hội được nội hàm thực sự của Pháp.
Vì từ hồi còn rất nhỏ tôi đã mơ làm “tiên nữ”, sau khi tu luyện tôi lại theo đuổi vẻ đẹp cổ điển tao nhã thoát tục nên đôi khi tôi tự thiết kế trang phục và phối trang sức cho mình. Có lần một cô gái hỏi tôi: “Sao quần áo của chị không giống những bộ đồ trên phố vậy? Cứ như thời cổ đại ấy”. Tôi nghĩ bản thân cứ “tận lực” như thế thì không có gì sai. Mùa hè năm nọ tôi thường mặc váy và một chị đồng tu đã nói với tôi: “Em ăn mặc thực sự trông giống Shen Yun”. Nghe xong lời này lòng tôi có cảm giác dịu ngọt hơn ăn mật, tuy nhiên lúc đó tôi đã quên mất rằng Thần Vận là cứu người, còn tôi thì vị tư, là vì bản thân. Cho dù tôi có thực sự mặc trang phục của Shen Yun (Thần Vận) thì cũng chỉ là bề ngoài, đây là minh chứng cho sự khác biệt giữa người và Thần.
Trong khoảng thời gian tôi đang vui vẻ “hưởng thụ cái đẹp” thì một vị đồng tu điều phối nói với tôi rằng: “Lần đó chúng ta tham dự Pháp hội do các đồng tu ở nông thôn tổ chức, vì cô mặc chiếc váy trắng trông quá thuần khiết nên hai nữ đồng tu (nông thôn) đã không dám tới tham dự. Người tu luyện có cần phải thích ăn diện đến vậy không?” Tôi gần như sững sờ không nói được gì. Ngay sau đó có một đồng tu khác trong khi chia sẻ, thảo luận với tôi đã đột nhiên nói: “Tôi muốn bộc bạch một chút. Trước đây nhìn chị ăn mặc, trang điểm tôi cứ mãi thấy không thuận mắt nên suốt thời gian đó tôi đã không đến tìm chị. Phải tận sau này tôi mới phát hiện ra chị thực sự rất từ bi, hôm nay tôi bèn lấy hết can đảm để nói với chị”. Tôi lại sững sờ thêm một lần nữa. Tôi ý thức ra được trường không gian của tôi không được chính: bề ngoài dù có thuần khiết nhưng nội tâm không thuần tịnh thì càng ra sức “cố gắng” sẽ càng làm bản thân đánh mất bản tính thuần chân, càng xa rời Đạo, nếu không có sự gia trì của Pháp thì ngộ tính cũng không nâng lên được, khi cố giữ ngu kiến của mình thì không thể nào tự biết được trạng thái của bản thân.
Cũng vào giai đoạn đó tôi có một giấc mơ: quần áo trong cửa hàng rất đẹp. Tôi đang vui vẻ thử quần áo trong phòng thử đồ thì đột nhiên thấy mình lại đang ở trong nhà vệ sinh! Tôi giật mình tỉnh dậy, người toát mồ hôi lạnh và trong đầu có một suy nghĩ: đây chẳng phải là xú và mỹ sao? Chữ Hán là văn hóa Thần truyền, xú 臭 (hôi, thối) và sửu 丑 (xấu) là hai từ đồng âm (lần lượt đọc là chòu và chǒu), yêu thích cái đẹp quá mức lại hóa ra xấu, hơn nữa vật chất và tinh thần là nhất tính, cái tâm yêu thích cái đẹp một cách mãnh liệt phản ánh ra ở không gian khác chính là vật chất bốc mùi hôi thối! Tôi nghĩ Thần không thể chịu đựng được nữa nên Ngài đã phản ánh cảnh tượng này cho tôi.
Tôi hạ quyết tâm tu bỏ chấp trước này. Bình thường ngoại trừ thời gian làm ba việc mà Sư phụ yêu cầu ra tôi hiếm khi đi sắm sửa, không mua không nhìn, không còn quá xem trọng vấn đề thẩm mỹ nữa, trong hai năm tiếp theo mọi thứ trở nên rất bình thường, không có gì đặc biệt cả, có vẻ như tôi đã làm được thuận theo tự nhiên rồi.
3. Đào sâu chấp trước căn bản, tu tâm đoạn dục, trở nên thật sự thanh tịnh
Mãi đến khi có một “sự cố bất ngờ” xảy ra tôi mới nhận ra rằng tôi chưa từng tìm thấy chấp trước căn bản mà chỉ dừng lại ở mức ức chế nó trên bề mặt mà thôi.
Tôi mới mua một chiếc áo khoác “ưng ý nhất”, cầm nó trên tay và ở bên ngoài nhà đồng tu giao lưu với họ một lúc, vài phút sau tôi rời đi thì chiếc áo đã biến mất khỏi tay tôi tự khi nào! Tôi ngơ ngác tìm kiếm nhưng không biết nó bị lạc mất ở đâu, cảm thấy bối rối khó hiểu, cuối cùng thì khó chịu bực tức đến bật khóc to. Vị đồng tu thân thiết bảo: “Để tớ đưa tiền cho cậu mua cái khác đẹp hơn nhé!” Lại một đồng tu thân thiết khác bảo: “Nếu mua thêm cái nữa cậu sẽ bị bức hại gấp đôi. Cậu đã thử hướng nội chưa?”
Tôi quyết định không mua nữa, bởi vì việc tôi cảm thấy khó chịu khi bị mất chiếc áo rõ ràng là không bình thường, sau khi bình tĩnh lại tôi bắt đầu dùng Pháp đối chiếu với bản thân một cách cẩn thận và lời giảng của Sư phụ đã hiện lên trong đầu tôi:
“Chư vị từ thế giới thánh khiết và tốt đẹp không gì sánh nổi rơi rớt tới đây, là vì chư vị tại tầng thứ đó mà có tâm chấp trước. Khi rơi rớt xuống thế giới bên dưới và, nếu so sánh, là dơ bẩn nhất này, chư vị không nhanh chóng tu trở về, lại còn bám cứng những thứ dơ bẩn trong thế giới dơ bẩn ấy mà không buông bỏ, thậm chí thiệt hại một chút đã thống khổ không chịu nổi” (Chân tu, Tinh tấn yếu chỉ).
Tôi phảng phất nghe được những lời dạy trang nghiêm mà tha thiết của Sư phụ, những giọt nước mắt xấu hổ chợt tuôn rơi. Trong khoảnh khắc ấy tôi dường như đã đột nhiên nhận thức được “tự kỷ” của mình, tôi thực sự thấy được “cái tôi” tự tư tự lợi, là một “cái tôi” với quan niệm hậu thiên sâu dày và mang thuộc tính vị tư vị ngã của vũ trụ cũ; tôi còn phát hiện một bất ngờ khác: tôi từng cho rằng mình đối với danh lợi tình và đủ loại tâm đều xem rất nhẹ, giống như một “người tu luyện chuyên nghiệp”, thậm chí cuộc sống của tôi ngoài tu luyện thì hầu như không có nội dung nào khác, đến nỗi đôi khi có người thường hỏi tôi: “Cuộc sống của chị thú vị chứ?”, tuy nhiên ngay khoảnh khắc ấy tôi đột nhiên minh bạch được những nhân tâm kia đã tự chuyển thành tâm truy cầu “cái đẹp” mà tôi yêu thích và chú tâm, tâm “yêu cái đẹp” vốn dĩ lại là biểu hiện tập trung của những nhân tâm chưa dứt bỏ được.
Tôi cũng ý thức được rằng đây là một loại sắc tâm, một loại vật chất thuộc phạm trù “sắc”, với các nhân tố môi trường khác nhau và tại những cảnh giới khác nhau người tu luyện có những vấn đề khác nhau trong việc tu bỏ sắc tâm. Với tôi, tri thức giáo dục liên quan đến cái đẹp mà tôi đã tiếp thụ nơi con người, những quan niệm hậu thiên về cái đẹp được hình thành đã mang lại cho tôi vô số truy cầu vị tư vị ngã, tất cả đều đang làm tăng cường chủng vật chất sắc này.
Trong Kinh văn “Đệ tử Đại Pháp nhất định phải học Pháp” Sư phụ đã giảng:
“Tư tưởng chư vị miễn là phù hợp với sinh mệnh loại hình nào, thì nó lập tức khởi tác dụng, ấy vậy mà chư vị không biết được tư tưởng ấy của chư vị có nguồn xuất ra từ đâu, chư vị còn cho rằng đó là tự mình muốn làm thế. Kỳ thực chỉ là vì chấp trước của chư vị dẫn đến việc nó khởi tác dụng, từ đó tăng cường chấp trước của chư vị”.
Loại chấp trước về cái đẹp này đã phát triển thành một thứ “tình” biến dị, nó sẽ biểu hiện ra tự ngã, thói tự kỷ, tự yêu mình và chính thuộc tính “tư” có tính biệt lập này đã khiến các đồng tu muốn rời xa tôi. Tôi cũng ngộ được: không phải là sinh mệnh không có hiểu biết về xấu và đẹp, các tầng thứ khác nhau có tiêu chuẩn về cái đẹp khác nhau và vũ trụ cũng tự có phép tắc riêng để đo lường đẹp, xấu, đó có thể là biểu hiện cấu thành của Pháp ở các tầng thứ khác nhau, giống như sinh mệnh ở các cảnh giới khác nhau có những triển hiện về ngoại hình khác nhau, tầng thứ sinh mệnh càng cao thì hình tượng càng thánh khiết, mỹ hảo, ngược lại tầng càng thấp thì trông càng xấu xí, âm ám. Tiêu chuẩn về cái đẹp vốn tồn tại một cách tự nhiên.
Trong sách “Chuyển Pháp Luân” Sư phụ giảng:
“Hễ tâm tính chư vị đề cao, thì thân thể chư vị sẽ phát sinh biến đổi to lớn; hễ tâm tính chư vị đề cao lên; thì vật chất của thân thể chư vị bảo đảm sẽ biến đổi”.
Trong Kinh văn “Thế nào là đệ tử Đại Pháp”, Sư phụ cũng giảng:
“Tư tưởng con người được đưa vào cái gì đều sẽ ảnh hưởng ngoại hình con người, nhất định vậy”.
Tôi nghĩ, cảnh giới nội tại của người tu luyện sẽ phản ánh từ trong ra ngoài, người có nội tâm thuần tịnh vô tư sẽ tự nhiên khiến mọi thứ, kể cả từng cử chỉ của họ đều chứa đầy vẻ tươi đẹp, trong sáng, đó mới là “bảo tướng trang nghiêm” thực sự của những người tu luyện Đại Pháp, là điều khiến chư Thần và chúng sinh trong vũ trụ khen ngợi, bởi vì đây là thể hiện của năng lượng từ người tu luyện Chính Pháp, là tái hiện của từ bi và uy nghiêm của Đại Pháp.
Tôi tĩnh tĩnh cảm nhận được, cảm thấy bản thân đã từng ngu ngốc vô tri và hẹp hòi đến thế, nhưng giờ đây hết thảy mọi thứ bất hảo đã được gỡ bỏ, với sự gia trì của Sư phụ tôi cảm thấy như thể mình đang bước từ bóng tối ra ánh sáng, thể nghiệm được sự thanh tịnh khó tả hết bằng lời, hơn nữa từ đấy tôi dường như lĩnh ngộ được sự mỹ hảo và vinh dự khi làm ba việc mà Sư phụ giao phó. Khi viết bài chia sẻ này, nghĩ đến lòng từ bi khôn tả của Sư phụ những giọt nước mắt cảm kích đã rơi xuống biết bao lần. Đệ tử không có gì báo đáp ân Sư, từ nay về sau duy chỉ có cách trở nên tinh tấn hơn.
Dịch từ: https://big5.zhengjian.org/node/81032
Ngày đăng: 16-10-2024
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.