Đạo dưỡng sinh của cổ nhân
Tác giả: Đệ tử Đại Pháp
[ChanhKien.org]
Chạy bộ hay chú trọng chế độ ăn uống thì tốt cho cơ thể, hay là còn có phương pháp nào khác nữa? Mỗi người đều có quan điểm riêng của mình về vấn đề dưỡng sinh. Đương nhiên không hút thuốc, ít uống rượu, không thức khuya v.v. cũng là một loại phương pháp, nhưng chúng vẫn không phải là căn bản.
Trong cổ thư “Thượng cổ thiên chân luận – Hoàng Đế nội kinh” nói rằng: “Chí nhàn nhi thiểu dục, tâm an nhi bất cụ, hình láo nhi bất quyện, khí tòng dĩ thuận, các tòng kỳ dục, giai đắc sở nguyện”. Đại ý là một người có chí hướng thanh đạm, ít dục vọng, tâm an mà không sợ hãi, ngay cả khi rất mệt mỏi cũng không cảm thấy mệt mỏi, hơi thở thông suốt, thì người này có thể đạt được mong muốn của bản thân và sẽ đạt được bất cứ điều gì mình muốn.
Từ “chí nhàn” ở đây không có nghĩa là tầm thường, không có ý chí tiến thủ, mà là cần dựa vào tình hình hoàn cảnh và năng lực của bản thân, chứ không phải là loại chí hướng viển vông không hiện thực. “Tung kỳ dục” cũng không phải là tùy ý làm bừa, đó là một loại thỏa mãn đơn giản dưới sự ràng buộc nhất định. Ví dụ như đói thì ăn cơm, khát thì uống nước, v.v. đây đều là những nhu cầu chính đáng chứ không phải là những dục vọng vượt khỏi luân lý.
Thần tạo ra con người và sẽ cấp cho con người một phương thức sinh sống nhất định. “Hoàng Đế nội kinh” kỳ thực muốn nói với chúng ta một phương thức sinh sống mà Thần cho phép.
Trên thực tế, con người không truy cầu những điều không thiết thực kia thì hết thảy những thứ đáng có vẫn sẽ có, chứ không phải vì bạn không đi cầu nên không có.
Đáng nên làm hoàng đế thì bạn không cần đi tranh đoạt, một khi thời cơ đến thì vẫn là của bạn. Hoàng đế Lưu Hằng thời nhà Hán kỳ thực không có chút năng lực gì. Đương thời Lữ hậu tranh tranh đấu đấu với những người khác, kết quả là tất cả đều bị giết, cuối cùng chỉ còn mỗi Lưu Hằng có tư cách làm hoàng đế, cũng là giành được ngôi vị một cách rất tự nhiên. Người ta thường cho rằng ngôi vị là do tranh đoạt mà có được, kỳ thực chúng ta xem xét lại một cách cẩn thận sẽ phát hiện hết thảy đều không phải như vậy. Đáng là của bạn thì không cần đi tranh cướp vẫn sẽ là của bạn, không chỉ là đối với ngôi vị mà với những thứ khác cũng đều tương tự như thế.
Quay trở lại với thân thể con người, con người nếu không có vọng niệm thì tự nhiên sẽ không có sợ hãi, sẽ không mệt mỏi quá sức. Chúng ta đều biết loại cảm thụ này, khi trong lòng có việc tức giận chưa vượt qua được thì bụng sẽ phình ra không nuốt nổi cơm; khi trong lòng lo lắng thường cũng sẽ không ăn nổi cơm. Ngược lại, khi trong lòng cảm thấy vui vẻ thì ngay cả cơm canh đạm bạc cũng thấy ngon miệng, thân thể cũng sẽ trở nên rất tốt.
Tại sao rất nhiều người già ở nơi rừng sâu núi cao thường sống lâu và khỏe mạnh? Con người ngày nay cho rằng họ có sức khỏe tốt là vì không khí ở trong núi rất trong lành, thực phẩm sạch sẽ. Thực ra điều thực sự quyết định việc họ sống lâu và khỏe mạnh chính là ở tâm thái, cũng chính là “chí nhàn mà ít ham muốn”, mọi thứ khác chỉ là thứ yếu.
“Hoàng Đế nội kinh” giảng thuật chính là đạo sinh tồn của con người. Nhưng mục đích sinh tồn của con người hôm nay là chờ đợi Đại Pháp khai truyền, đắc Pháp và trở về thế giới thiên quốc của mình. Nếu con người có thể làm được đạo dưỡng sinh trong “Hoàng Đế nội kinh” thì sẽ dễ dàng đắc Pháp hơn bởi vì không có tham vọng. Hết thảy mọi việc đều là tương phụ tương thành với nhau chứ không phải là không có liên hệ gì.
Ngày đăng: 18-10-2024
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.