Thoát khỏi mê mờ, quay về chính lộ



Tác giả: Đệ tử Đại Pháp Toronto

[ChanhKien.org]

Con kính chào Sư phụ từ bi vĩ đại!

Xin chào các bạn đồng tu!

Tôi là một đệ tử Đại Pháp trẻ tuổi. Dưới sự an bài từ bi của Sư phụ, vào năm 2021 khi 14 tuổi, tôi đã may mắn có được một hoàn cảnh tu luyện rất tốt. Nhìn lại những sự việc đã qua, trong lòng tôi tràn đầy cảm ân. Trước đó, tuy rằng tôi sinh ra trong gia đình đệ tử Đại Pháp, trong mắt của người ngoài thì dường như tôi cũng là một “đứa trẻ ngoan”, nhưng tôi biết rõ trạng thái của bản thân: tranh cãi với cha mẹ, luôn miệng nói dối, thậm chí còn yêu sớm, tư tưởng từ lâu đã rời xa yêu cầu của Đại Pháp rồi.

Tuy nhiên, Sư phụ đã không từ bỏ tôi. Thông qua những an bài của Sư phụ, tôi đã có thể quay lại con đường tu luyện ngay chính. Bây giờ tôi đã tốt nghiệp cấp ba và sắp bước vào đại học. Trong những năm qua, cuộc sống của tôi xảy ra những thay đổi vô cùng to lớn. Từ một đứa trẻ ngỗ ngược lạc lối, tôi đã trở thành một người tu luyện Đại Pháp kiên định.

Những trải nghiệm trong đoạn thời gian đó khiến tôi thực sự nhận ra sự quý giá của việc tu luyện, cũng giúp tôi hiểu rõ hơn trạng thái của bản thân trước kia. Ở đây, tôi muốn chia sẻ với mọi người một số tâm đắc tu luyện của mình, hy vọng có thể truyền cảm hứng cho các đồng tu, và cũng để nhiều người hơn nữa hiểu được sự tốt đẹp của Đại Pháp.

1. Trước khi chân chính đắc Pháp

Tôi sinh ra trong một gia đình đệ tử Đại Pháp. Từ nhỏ, cha mẹ đã dạy tôi tin tưởng và tôn kính Đại Pháp, nhưng thực sự trong tâm tôi chưa liễu giải được. Tôi chỉ là vì nghe cha mẹ bảo rằng Đại Pháp tốt, cần làm một đứa trẻ tốt, cần phải chân thành, thiện lương, nhẫn nại. Chỉ vì cha mẹ bảo tôi phải làm vậy nên tôi mới làm như vậy. Tôi nghĩ làm như vậy có thể khiến họ hài lòng.

Khi tôi học lớp sáu, vì không muốn tôi tiếp thụ nền giáo dục trong thể chế của Trung Cộng nên cha mẹ đã chuyển tôi sang một trường học quốc tế. Tuy nhiên, nơi đó lại giống như một xã hội thu nhỏ. Các học sinh trong trường đều con của gia đình giàu có, nhưng học hành lại thường không tốt. Trong hoàn cảnh như thế, ganh đua so sánh đã trở thành xu hướng. Mọi người không chỉ thông qua ăn mặc để so sánh xem nhà ai có tiền hơn, mà còn so bì các mối quan hệ xã hội: ai quen biết được nhiều giáo viên hơn, ai có mối quan hệ tốt với giáo viên, ai được giáo viên ưu ái, v.v. đã sớm trở thành vốn liếng để khoe khoang. Nếu như ai không yêu sớm, sẽ bị cười nhạo, bị coi thường, bị bài xích. Tranh đấu gay gắt xảy ra giữa các bạn học trong trường. Gọi là “bạn bè tốt”, nhưng khi đụng chạm đến lợi ích của bản thân, họ sẽ ngay lập tức đẩy bạn ra. Bề ngoài mỗi ngày dường như yên bình, hòa thuận, nhưng ẩn tàng những toan tính phức tạp.

Bây giờ nghĩ lại, những đứa trẻ mười mấy tuổi nhưng lại có tâm cơ, tâm kế, giống như những người trưởng thành mấy chục năm đặt chân nơi xã hội vậy. Trong hoàn cảnh như thế, tôi từng cho rằng nếu chiểu theo Đại Pháp mà làm thì cơ bản là tôi không thể “sinh tồn”.

Từ đó trở đi, tôi bắt đầu “lối sống hai mặt” của mình: trong trường thì giống như các bạn học, yêu sớm, tranh đấu với bạn học, so bì, trong lòng đầy những điều đen tối và toan tính. Quay về nhà thì dựa vào nói dối để ngụy trang thành một “đứa trẻ ngoan”, và vẫn “học Pháp luyện công”. Thậm chí để khiến cha mẹ vui vẻ, tôi còn khéo tạo ra lời nói dối, nói rằng sau khi phát sinh mâu thuẫn với bạn học, tôi dùng Pháp lý “hướng nội tìm” và “tu” bỏ chấp trước như thế nào. Đương nhiên cũng có lúc tôi nghĩ rằng không thể mãi như vậy, đây là điều không đúng. Nhưng trong hoàn cảnh như thế, nếu muốn không bị nước cuốn theo dòng thì thật sự rất khó khăn.

Mâu thuẫn như vậy khiến tôi càng ngày càng bức bối, thân tâm mệt mỏi, mỗi ngày loay hoay giữa “nỗi lo lắng sợ hãi vì sợ bị cha mẹ phát hiện” và “một chút niềm vui có được qua việc lấy khổ làm vui”… Mãi đến năm 2021, cha mẹ gửi tôi đến chỗ một giáo viên là đồng tu ở hải ngoại.

2. Bước ngoặt cuộc đời

Lúc tôi mới đến, trong lòng rất phản đối với việc cha mẹ gửi tôi đến đây. Bởi vì tôi nghĩ rằng bản thân không có vấn đề gì lớn, tôi chẳng qua chỉ giống như các bạn học mà thôi, so ra thậm chí còn làm được tốt hơn, học hành cũng không tệ. Vì sao cần đưa tôi đến đây? Nhưng theo thời gian, ở đây càng lâu, tôi càng dần hiểu được quyết định của cha mẹ là rất đúng đắn.

Ở nơi này, ngoài học tập tri thức bình thường ra, các đồng tu giáo viên chú trọng hơn đến việc giáo dục cho chúng tôi các phương diện như văn hóa truyền thống, mối quan hệ nhân quả, thiện ác hữu báo, sự tồn tại của Thần. Cùng theo việc gia tăng tín ngưỡng đối với Thần, thì đối với Đại Pháp tôi cũng có nhận thức sâu sắc hơn: Đại Pháp dạy con người phải đối xử tốt với người khác và trở thành một người lương thiện thực sự; đồng thời việc tu luyện cũng không mâu thuẫn với những việc trong đời thường.

Dần dần, tôi từ một người oán hận và chỉ trích người khác, trở thành người biết thừa nhận sai lầm và thiếu sót của bản thân; từ việc chỉ cải biến hành vi bề mặt, đến bắt đầu hiểu rằng điều cần sửa đổi chính là cái tâm đó. Lương thiện thật sự phát ra từ nội tâm, và được bộc lộ ra một cách tự nhiên. Điều làm tôi xúc động sâu sắc nhất chính là khi tâm thái khác nhau thì dù cùng một câu nói cũng sẽ cho kết quả hoàn toàn khác nhau. Khi tôi bắt đầu chân thành nghĩ cho người khác, thì dù những gì tôi nói hay làm vẫn như xưa, nhưng lại thực sự có thể sưởi ấm lòng người khác.

Tất nhiên, duy trì loại thiện niệm như vậy trong tâm không phải là việc dễ dàng. Điều đó yêu cầu chúng ta không ngừng suy ngẫm, đồng thời phải luôn nhắc nhở bản thân trong cuộc sống thường ngày. Thật ra đó chính là hướng nội tìm. Là một người tu luyện, chúng ta cần luôn luôn xem xét bản thân, tìm ra những chấp trước và thiếu sót của bản thân, đem các chấp trước phơi bày dưới ánh mặt trời. Sư phụ muốn chúng ta phải “chân tu”, chúng ta phải có can đảm để đối mặt với những thiếu sót của bản thân, từ trong Pháp lý mà không ngừng đưa bản thân quay về con đường ngay chính. Chỉ bằng cách này thì chúng ta mới có thể thực sự đề cao, bước đi thật tốt con đường tu luyện.

Trước khi đến chỗ đồng tu giáo viên, cha mẹ đã cho tôi đọc các bài giao lưu chia sẻ. Họ nói với tôi rằng “trên đầu ba thước có Thần linh”. Nhưng lúc ấy, khi nghe được những nội dung có liên quan đến Thần tích, tôi chỉ cảm thấy thật thần kỳ, đồng thời còn có chút hoài nghi: “Điều này có thật hay không? Có lẽ là thật”. Đến bây giờ tôi biết rằng, xuất hiện những suy nghĩ này chính là vì tôi không thực sự tin vào sự tồn tại của Thần Phật. Tôi chỉ đem những điều nghe được như những câu chuyện thần kỳ, chưa bao giờ suy xét rằng “đây chính là Thần tích, điều này chứng minh sự tồn tại của Thần”.

Ở đây, mỗi ngày chúng tôi đều cùng nhau đả tọa, học Pháp, đọc sách, giao lưu tâm đắc thể hội. Thông qua việc không ngừng học Pháp, niềm tin và nhận thức của chúng tôi đối với Pháp cũng dần thâm sâu hơn. Tuy nhiên, điều này tùy thuộc vào hoàn cảnh của mỗi người. Ví dụ, đối với những đứa trẻ mới đến, sẽ không lập tức để các em đọc sách Đại Pháp, mà trong một khoảng thời gian sẽ tập trung đọc rất nhiều các sách về văn hóa Thần truyền và nhân quả báo ứng. Trước tiên, giúp các em dựng lập tín ngưỡng đối với Thần, sau đó mới dần dần từng bước dẫn dắt các em bước vào Đại Pháp. Tại đây, khi các đồng tu giáo viên cho chúng tôi đọc những câu chuyện xưa về thiện ác hữu báo, nhân quả báo ứng, thì đồng thời họ cũng luôn nhấn mạnh với chúng tôi rằng chữ “cố” trong hai chữ “cố sự” (故事) là chỉ quá khứ, và “sự” là chỉ sự việc phát sinh. Tóm lại, chính là chỉ những sự việc có thật đã xảy ra trong quá khứ chứ không phải ý nghĩa đã bị Trung Cộng thay đổi, cho rằng cố sự là chỉ những sự việc viển vông mơ hồ do con người tạo ra.

Việc thay đổi ý nghĩa của hai từ này khiến biết bao người dân Trung Quốc khi đối diện với rất nhiều câu chuyện có thật được người xưa ghi lại đã nghĩ rằng đó đều là những thứ do người xưa bịa đặt ra. Văn hóa đảng của Trung Cộng làm hại rất nhiều tiểu đệ tử Đại Pháp, làm hại biết bao nhiêu người dân Trung Quốc. Theo cách giải thích như thế, khi chúng tôi đọc và nghe lại những chuyện cổ này thì tâm thái đã hoàn toàn đổi khác, có thể dần xây dựng được tín ngưỡng đối với Thần Phật cũng như niềm tin vào nhân quả báo ứng. Chuyển biến về nhận thức này khiến tôi bắt đầu lý giải Đại Pháp bằng một tâm thái hoàn toàn mới. Chúng tôi thực sự tin tưởng, đồng thời cũng cảnh giác với từng suy nghĩ của bản thân, nỗ lực yêu cầu bản thân chiểu theo tiêu chuẩn Chân, Thiện, Nhẫn.

3. Đề cao tầng thứ

Khi tôi thực sự xem tu luyện là mục tiêu cuối cùng của đời mình, tôi lại may mắn xiết bao khi được đến với đại gia đình hãng phim New Century. Hoàn cảnh và con người nơi đây đã cho tôi một tầng hiểu biết thâm sâu hơn về tu luyện. Lần đầu tiên đến với đại gia đình này, các anh chị trong hãng New Century Films đã để lại cho tôi ấn tượng sâu sắc. Họ có phong thái tự tin, năng lượng tràn đầy, ăn mặc trang điểm xinh đẹp. Nhìn dáng vẻ rạng ngời đáng ngưỡng mộ của họ, tôi ngộ ra rằng đó là phản ánh diện mạo tinh thần của một người tu luyện. Điều này càng khiến tôi ý thức được rằng tu luyện không phải là thoát ly khỏi xã hội người thường, từ bỏ cuộc sống giữa đời thường, mà là không ngừng đề cao bản thân trong cuộc sống hàng ngày. Điều này đã cho tôi một cách nhìn mới về học tập và lập kế hoạch cho tương lai.

Trước đây, tôi luôn cảm thấy rằng truy cầu thi vào một trường đại học tốt và tìm được một công việc tốt là mâu thuẫn với việc tu luyện. Nhưng giờ đây tôi hiểu rằng những điều này không mâu thuẫn với nhau. Điều quan trọng là chúng ta dùng tâm thái nào để làm những việc này. Tôi cố gắng học tập, thi đỗ một trường đại học tốt không phải để thỏa mãn cái tâm hư vinh của mình, mà để có được kiến ​​thức chuyên môn ở cấp độ cao hơn, cuối cùng có thể dùng những kiến ​​thức đó để chứng thực Đại Pháp và cứu người. Tìm được một công việc tốt, có mức lương tốt cũng là để chứng thực Pháp và cứu người tốt hơn. Cũng giống như diện mạo tinh thần của các anh chị trong hãng phim New Century, việc họ theo đuổi những điều tốt đẹp, hoàn toàn không phải là vì họ chấp trước vào cái đẹp, mà là để mọi người thấy được phương diện tốt đẹp trong tu luyện của các đệ tử Đại Pháp, là vì trợ giúp Sư phụ cứu nhiều người hơn nữa.

Hầu hết thời gian tôi chỉ đảm nhiệm vai diễn quần chúng. Ban đầu tôi luôn cho rằng vai diễn như vậy không quan trọng, và nghĩ rằng chỉ có diễn viên chính mới có thể thể hiện được vẻ đẹp của Đại Pháp, mới chứng thực Pháp một cách hiệu quả. Nhưng trải qua nhiều lần tham gia quay phim, tôi dần hiểu rằng mỗi vai diễn dù lớn hay nhỏ đều là cơ hội tu luyện, đều có thể thể hiện phong thái của một đệ tử Đại Pháp.

Dù chỉ là diễn viên quần chúng, nhưng tôi thực sự cảm nhận được thái độ ấm áp như ánh mặt trời của các diễn viên New Century đối với chúng tôi. Họ quan tâm đến việc ăn uống và cảm nhận của chúng tôi. Trước và trong khi quay phim, luôn có các dì, các anh chị đến thăm hỏi xem chúng tôi có khát không, có mệt không. Điều đó khiến tôi cảm nhận được sự ấm áp của đoàn thể tu luyện này. Tôi ngộ rằng, mặc dù trong tu luyện đòi hỏi chúng ta phải tự mình vượt quan, nhưng sự giúp đỡ lẫn nhau giữa các đồng tu cũng rất quan trọng. Đặc biệt là khi tôi gặp phải những trở ngại rất khó vượt qua trong quá trình tu luyện, khi tôi không ngừng tìm kiếm sự giúp đỡ và đột phá từ trong Pháp, những khi ấy, các anh chị đã ấm áp quan tâm, dựa trên Pháp lý để khích lệ và nhắc nhở tôi. Điều này đã giúp tôi nhân đôi tín tâm. Mặc dù con đường tu luyện cần tự mình bước đi, nhưng sự khích lệ và giúp đỡ lẫn nhau giữa các đồng tu có thể khiến chúng ta bước đi vững vàng và xa hơn trên con đường này.

Tất nhiên, trong quá trình này, nhất định phải luôn nhắc nhở bản thân, cảnh giác không để bị can nhiễu bởi tâm danh lợi và những chấp trước khác. Mục đích căn bản của chúng ta khi làm những việc này là để tu luyện và chứng thực Đại Pháp tốt hơn, không phải vì lợi ích cá nhân hay hư vinh. Mỗi lần quay phim, mỗi dự án đều là cơ hội để chúng ta tu luyện. Chúng ta dùng hình thức nghệ thuật hướng đến thế nhân để triển hiện vẻ đẹp của Đại Pháp.

Trong quá trình tu luyện, việc tu tâm tính, loại bỏ chấp trước chắc chắn không phải là điều dễ dàng. Bất cứ khi nào chúng ta đối mặt với nhân tâm, chấp trước cùng những can nhiễu từ xã hội người thường, thì đều yêu cầu chúng ta phải cảnh giác và quyết tâm, dùng tiêu chuẩn của Đại Pháp để đo lường bản thân. Tuy rằng trong quá trình này có lúc cảm thấy gian nan và thống khổ, nhưng khi chúng ta thực sự chiểu theo Pháp lý Chân, Thiện, Nhẫn để làm các việc, thì trong tâm sẽ có được sự bình yên không thể diễn tả bằng lời, và niềm hạnh phúc đến từ việc đồng hóa với Đại Pháp là không gì có thể so sánh được. Chúng ta không thể quên niềm vui và hạnh phúc mà tu luyện mang đến cho chúng ta. Bây giờ tôi cảm nhận sâu sắc rằng, mục đích thực sự của đời người là tu luyện. Không có lý do gì mà chúng ta không trân quý cơ hội chưa từng có này.

4. Lời kết

Trong quá trình viết bài chia sẻ này, tôi đã luôn hồi tưởng về những trải nghiệm trước đây của mình. Khi tôi nghĩ đến những trẻ em từng là “tiểu đệ tử Đại Pháp” giống như tôi, thì trong lòng tràn đầy cảm thán. Vì nhiều lý do khác nhau, hiện tại nhiều người trong số họ không còn tin vào Đại Pháp, thậm chí một số còn phát sinh hiểu lầm Đại Pháp. Tôi vô cùng tiếc nuối khi thấy họ bỏ lỡ cơ hội tu luyện hiếm có này. Đồng thời, tôi càng nhận ra bản thân vô cùng may mắn khi vào lúc cần kíp đã gặp được hoàn cảnh tu luyện tốt, đồng thời tham dự vào đại gia đình ấm áp của hãng phim New Century!

Cảm ơn sự từ bi cứu độ và khổ tâm an bài của Sư tôn! Đệ tử biết rõ rằng cơ hội tu luyện này rất khó có được, đệ tử nhất định sẽ càng trân quý hơn nữa. Trên con đường tu luyện từ nay về sau, chỉ có tinh tấn và tinh tấn, đệ tử mới có thể hoàn thành thệ ước khi đến thế gian, viên mãn theo Sư phụ trở về!

(Bài chia sẻ trong hội giao lưu tâm đắc tu luyện Pháp Luân Đại Pháp của hãng New Century Films năm 2024).

Dịch từ: https://big5.zhengjian.org/node/291793



Ngày đăng: 23-08-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.