Người Hoa nổi tiếng ở New York bác bỏ bài báo sai sự thật của The New York Times



Tác giả: Lâm Đan

[ChanhKien.org]

Ảnh chụp tòa nhà The New York Times ở Manhattan, New York vào ngày 05/02/2024. (Samira Bouaou/The Epoch Times Anh ngữ)

Ngày 06 tháng 8, Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp (Falun Dafa Information Center,FDIC) đã công bố báo cáo “Vũ khí hóa mạng xã hội – Kế hoạch toàn cầu mới của Đảng Cộng sản Trung Quốc nhằm ‘tiêu diệt’ Pháp Luân Công”, tiết lộ âm mưu của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) – chuẩn bị triển khai đặc vụ ở nước ngoài, sử dụng mạng xã hội, thao túng dư luận nhằm mục đích làm mất uy tín của Pháp Luân Công và Đoàn Nghệ thuật Biểu diễn Shen Yun. Trong vòng vài ngày, The New York Times đã tấn công Shen Yun. Một số người nổi tiếng ở New York và người Mỹ gốc Hoa đã di cư sang Hoa Kỳ nhiều năm nói rằng The New York Times đã không tiếc bút mực để công kích Pháp Luân Công và Shen Yun, nhưng bài báo này hời hợt, giả tạo và không đủ sức thuyết phục.

Bài báo của The New York Times nêu bật tầm ảnh hưởng to lớn của Shen Yun

Bức ảnh chụp ông Ô Kim San, lãnh đạo Quận 65D, thành viên Đảng Dân chủ Thành phố New York, tuyên bố tái tranh cử vào ngày 13/02/2023. (Lâm Nghi Quân/The Epoch Times)

Ông Ô Kim San (Yu Jinshan), cựu Chủ tịch Văn phòng Trung Hoa và Chủ tịch Hiệp hội Đông Hoa, người đã nhiều lần thưởng thức các buổi biểu diễn của Shen Yun, nói rằng bài báo tấn công của The New York Times là “hời hợt, giả tạo” và không đáng một hào, nhưng ngược lại nó đã phản ánh tầm ảnh hưởng to lớn của Shen Yun. Ông nói: “Nhìn từ một góc độ khác, The New York Times đã quảng cáo miễn phí về Shen Yun. Chúng tôi không biết rằng Shen Yun lại thành công đến vậy, mỗi năm có doanh thu phòng vé và quy mô ấn tượng như vậy. Cảm ơn The New York Times đã đưa tin ‘tích cực’ trong bài báo mang tính tiêu cực. Đây thực sự là cơ hội ngàn vàng khó kiếm”.

Ông Ô Kim San đã hai lần giữ chức Chủ tịch Văn phòng Trung Hoa ở New York và hoạt động tích cực trong cộng đồng Khu phố người Hoa ở New York trong hơn 40 năm. Ông nói: Không phải là cá nhân hay tập thể nào The New York Times cũng “nhắm tới”, “[cá nhân, tập thể ấy] nhất định phải có tầm quan trọng, có tiền bạc, có uy tín, có trình độ, thì The New York Times mới “nhắm đến”. “Nếu quý vị không là gì cả, họ sẽ không bao giờ ‘mắng’ quý vị. Nếu không có ai xem buổi biểu diễn của Shen Yun, nếu Shen Yun đào tạo không tốt như thế, họ có ‘mắng’ không? Nếu như họ cho rằng họ mạnh hơn bạn rất nhiều, thì họ căn bản sẽ không đụng đến bạn”.

Tại sao The New York Times tấn công Shen Yun? Ông Ô nói: “Bởi vì Shen Yun đã có thành tựu. Nếu The New York Times muốn tạo ra tin tức mới, thì họ nhất định phải tìm được đối tượng, nên Pháp Luân Công và Shen Yun mới xuất hiện”. “Hoặc là do kênh truyền thông này đặt ra một mối uy hiếp đáng kể cho họ. Dù là The Epoch Times ấn bản Anh ngữ hay Hoa ngữ, họ sẽ chỉ mắng bạn nếu bạn có mối uy hiếp đáng kể với họ”. Tại sao The New York Times lại cảm thấy bị uy hiếp? Ông Ô Kim San nói: “Bởi vì họ cảm thấy có thể gây tổn hại đến uy tín của mình, nhưng những lời cáo buộc của họ là không hợp lý”.

Ông Ô Kim San cũng là một nhà truyền thông cấp cao ở New York. Ông dẫn ra những ví dụ trong lịch sử của The New York Times “dung túng đối với những kẻ độc tài và làm ngơ trước các chính sách tàn bạo”: “Trong cuộc Cách mạng Liên Xô năm 1917, The New York Times có chỉ trích Đảng Cộng sản Liên Xô không? Những năm 1930, Liên Xô gây ra nạn đói ở Ukraine khiến hàng chục triệu người thiệt mạng, The New York Times có đưa tin không? Năm 1948, The New York Times ca ngợi cuộc cách mạng nông dân Trung Quốc. Còn năm 1957, họ gọi ông “Castro” của Cuba là một nhà đấu tranh dân chủ. Trước Thế chiến thứ hai, The New York Times không lên tiếng dù biết rằng Đức Quốc xã đàn áp người Do Thái và chế độ Sandinista ở Nicaragua đã tước đoạt quyền tự do tín ngưỡng của người dân”.

Theo dữ liệu lịch sử, trong nạn đói lớn ở Ukraine vào những năm 1930, phóng viên Walter Duranty của The New York Times đã hạ thấp thảm kịch trong các bài báo của mình và thậm chí còn phủ nhận mức độ nghiêm trọng của nạn đói, nói rằng “không có trường hợp tử vong hàng loạt”. Tuy nhiên, ông ấy lại đạt giải Pulitzer, sự việc gây ra những tranh cãi và chỉ trích lớn. Ông ấy được cho là đã đánh lừa cộng đồng quốc tế và che đậy chính sách tàn bạo của chế độ Stalin. Nhiều người yêu cầu thu hồi giải thưởng, nhưng sau đó chưa có quyết định thu hồi chính thức.

Ông Ô Kim San nói rằng nếu dùng lẽ thường để đánh giá bài báo công kích của The New York Times, thì sẽ thấy rằng chúng chẳng có chút sức nặng nào. “Bài báo của The New York Times đều là nothing [tầm thường, không đáng kể]”. “Khi biểu diễn nghệ thuật và vận động thể thao, đều sẽ có người bị thương. Chấn thương trong thể thao là một kiểu học vấn chuyên ngành. Trong đoàn múa ba-lê không có người bị thương sao? Có bao nhiêu vận động viên Hoa Kỳ bị thương khi múa ba-lê dưới nước? Nhưng The New York Times cho biết các diễn viên không được điều trị chấn thương. Nếu vậy thì Shen Yun không thiếu diễn viên sao?” Trên thực tế, Shen Yun đã phát triển từ một đoàn lên tám đoàn, với ngày càng nhiều diễn viên, [vậy nên] “đánh giá theo lẽ thường thì họ [The New York Times] đã sai rồi”.

“Họ phỏng vấn một số cựu diễn viên, trong một nhóm lớn như vậy luôn có người bất mãn. Trên đời không có chuyện gì, không một người hay một nhóm nào, mà tất cả mọi người đều hài lòng. Làm sao có thể có một nhóm người 100% hài lòng?” Ngay cả trong một nhóm lớn như Giáo hội Công giáo, ngay cả trong Cơ Đốc giáo, cũng có một số người không hài lòng và khó chịu, đặc biệt là những người rời khỏi nhóm này. Họ sẽ không nói bản thân họ sai mà là nhóm này không đúng nên họ mới rời đi. Vì thế, logic của The New York Times là có vấn đề”.

Ông Hồ Bình: The New York Times lặp lại tuyên bố của ĐCSTQ

Bức ảnh chụp ông Hồ Bình, biên tập viên danh dự của tờ “Mùa xuân Bắc Kinh”, đồng thời là học giả về các vấn đề Trung Quốc và Pháp Luân Công, trong một cuộc phỏng vấn độc quyền vào ngày 20/7/2019. Ông nói rằng sau 20 năm bị đàn áp tàn bạo bởi ĐCSTQ, Pháp Luân Công đã vượt qua thử thách của lịch sử. (Ảnh: Truyền hình Tân Đường Nhân)

Ông Hồ Bình (Hu Ping), nhà bình luận chính trị và biên tập viên danh dự của tờ “Mùa xuân Bắc Kinh”, cho rằng việc The New York Times lặp lại các tuyên bố của ĐCSTQ mà không nghiên cứu kỹ là không thỏa đáng. Sau khi bài báo trên The New York Times được xuất bản, vào ngày 17 tháng 8, ông Hồ Bình đã đăng một bài báo mà ông viết cách đây 23 năm (năm 2001) trên nền tảng X, “Pháp Luân Công không cho phép mọi người tiêm thuốc và uống thuốc sao? Đính kèm giới thiệu về Khoa học Kitô giáo”.

Tại sao lại đăng một bài viết từ 23 năm trước? Ông Hồ Bình nói trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times rằng: “Tôi thực sự đã sớm phân tích các vấn đề mà The New York Times đưa ra. Họ nên xem những gì chúng tôi đã nói trước đây. Trước đây, ĐCSTQ đã đưa ra một số tuyên bố để tấn công Pháp Luân Công, nhưng một số người đã bác bỏ chúng, The New York Times nên xem xét liệu những lời bác bỏ này có hợp lý hay không. Nếu những lời bác bỏ đó là hợp lý, nhưng bạn lặp lại tuyên bố của ĐCSTQ thì đó là điều không hợp lý”.

“The New York Times lẽ ra phải chuẩn bị tài liệu kỹ càng, hiểu rõ mọi chuyện và trước tiên hãy đọc những gì những người đi trước đã nói về vấn đề này, thay vì lặp lại những gì ĐCSTQ nói”.

“Tôi đã trả lời tất cả những câu hỏi này cách đây 20 năm. Hãy xem rốt cuộc ai đúng, ai sai. Pháp Luân Công truyền ra công chúng được hơn 30 năm và ĐCSTQ đã bức hại Pháp Luân Công trong hơn 25 năm. Trên thực tế, hầu hết người dân Trung Quốc đều đã chán ghét nó [ĐCSTQ]. Vào thời điểm đó, trong số các quan chức Trung Quốc mà chúng tôi liên hệ được, tôi thấy rằng không ai trong số họ tán thành việc ông Giang Trạch Dân đàn áp Pháp Luân Công… Sau khi bài viết của tôi được xuất bản, những người chuyên nghiên cứu tôn giáo ở Trung Quốc đã khen ngợi rất nhiều, nhưng họ không dám nói ra. Họ cho rằng những gì tôi nói rất sâu sắc và họ rất tán thưởng”.

Ông Hồ Bình theo học chuyên ngành triết học phương Tây khi còn là nghiên cứu sinh tại Khoa Triết học, Đại học Bắc Kinh. Ông cho biết bản thân đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu triết học tôn giáo. Ông tin rằng, nếu như theo logic và quan điểm của The New York Times, lấy quan niệm thế tục để đối đãi với tôn giáo, thì tất cả các tôn giáo sẽ bị chỉ trích nặng nề. “Các tôn giáo khác chủ trương cấm dục, chủ trương xuất gia, cả ngày cầu nguyện và tụng kinh, không tham gia vào bất kỳ loại lao động nào. Theo quan điểm của người bình thường, [người tu hành/tu luyện] không tham gia vào bất kỳ lao động vật chất nào, cả ngày chỉ tụng kinh và cầu nguyện, còn chủ trương hoàn toàn siêu thoát thế tục, không nhập thế, có thái độ hoàn toàn xuất thế. Nhưng Pháp Luân Công không chủ trương như vậy. Các tôn giáo khác chủ trương như thế, mọi người đều cho rằng như thế là rất chính thường, và không nói gì [chỉ trích] trên mạng cả. Nếu bạn muốn đưa lên mạng – bạn chủ trương cấm dục, vậy chẳng phải là bạn đang kêu gọi sự tuyệt chủng của nhân loại sao? Cái kia còn tệ hơn, bạn chủ trương không cần có gia đình, điều này quả thực là dùng ngàn vạn mũi dao để chia cắt, bạn đang phá hoại gia đình đấy. Có phải tất cả các hòa thượng đều là người xấu không? Bạn rũ bỏ đi quan hệ thân nhân, bạn vốn là một người cha, một người chồng mà, sao bạn có thể rũ bỏ [vai trò ấy] được? Nhưng không ai vì thế mà phê phán Phật giáo, Đạo giáo, bởi vì trong lòng mọi người đều hiểu rõ. Còn một số tôn giáo chủ trương tu khổ hạnh. Đạt Ma tổ sư quay mặt vào vách mười năm, hiện tại bạn nói xem đây không phải là hành hạ người ư, không phải là tàn phá sinh mệnh sao? Bạn còn kêu gọi mọi người đều nên học tập theo ư? Lẽ nào có cái lý ấy? Nhưng đây là một câu chuyện xưa, không ai cảm thấy việc này đáng ghét, đáng trừng phạt hay đáng chỉ trích.”

“Vậy nên lúc ấy tôi đã nói rằng: Bạn chỉ trích Pháp Luân Công, nhưng có rất nhiều điều về những tôn giáo kia có vẻ không phù hợp với người thường, tại sao bạn không chỉ trích họ? Pháp Luân Công ôn hòa hơn những tôn giáo kia gấp trăm lần. Bạn có thể nêu những lý do để chỉ trích Pháp Luân Công, thì những lý do chỉ trích các tôn giáo kia càng nên phải có, đúng không? Trong đó có cái gì là hành vi ngược đãi trẻ em. Chẳng hạn như quán quân Olympic bộ môn nhảy cầu Toàn Hồng Thiền. Cô ấy đã tập luyện từ lúc sáu, bảy tuổi. Một đứa trẻ suốt ngày phải nhảy, nhảy hàng trăm lần, theo logic đó, chẳng phải cô ấy đang bị tra tấn ư? Cô ấy đã thành công và nổi tiếng rồi, nhưng rất có thể tám, chín phần mười người cùng tập luyện giống như cô ấy đã bị tàn tật, không đạt được thành tựu gì, việc học hành còn bị chậm trễ. Tại sao bạn không gọi đây là hành vi ngược đãi trẻ em? Nhưng mọi người đều tích cực ca ngợi nó, mệt mỏi gì chứ, thân thể cảm thấy đau đớn những vẫn phải kiên trì nhảy, kiên trì tập luyện. Mọi người đều ca ngợi, xem đó là câu chuyện ý nghĩa của những người anh hùng, không phải là nực cười sao? Cho nên, chuyện gì khẳng định cũng phải có giới hạn. Cái gì gọi là ngược đãi? Mỗi loại nghề nghiệp, mỗi loại công việc đều có những yêu cầu nghiêm khắc phải không? Yêu cầu ấy là hợp lý, là chính thường, thậm chí là đáng phải như thế. Để làm tốt công việc thì bạn phải có tính kỷ luật rất nghiêm khắc và không ngại gian khổ. Thế nên, điều này nhất định phải được thuyết nói và phân biệt rõ ràng”.

“Cho nên xét từ sự việc này, những hành động của Pháp Luân Công tuyệt không hề cực đoan hơn so với các tôn giáo khác. Nếu so sánh thì Pháp Luân Công ôn hòa hơn những tôn giáo khác rất nhiều. Vậy còn gì để nói? Theo cách nói của rất nhiều người tin vào Pháp Luân Công, điều đặc biệt là Pháp Luân Công không phải là một tổ chức chính quy, điều đó có nghĩa là bạn không phải đăng ký. Đảng viên Đảng Cộng sản bắt buộc phải kết nạp đảng, có tên trên danh sách thì mới được tính. Còn đối với Pháp Luân Công, bạn muốn tham gia thì tham gia, không tham gia thì không tham gia. Hồi đó Pháp Luân Công rất phổ biến ở Trung Quốc, nhiều người tu luyện như vậy nhưng không bị ràng thuộc vào quyền lực. Căn bản là không có quyền lực, mọi người đều là tự nguyện tham gia”.

The New York Times không lên án ĐCSTQ mà thay vào đó tấn công Pháp Luân Công và đứng về phía ĐCSTQ

Bà Helen Chen là một Hoa kiều đến từ Khu phố người Hoa và là nhân viên truyền thông cấp cao đã nhập cư vào Hoa Kỳ hơn 40 năm. Bà cho biết trong tám đến mười năm qua, bà đã tiếp xúc với một số người bạn tu luyện Pháp Luân Công, đặc biệt là sau khi đọc The Epoch Times và xem các buổi biểu diễn của Shen Yun, bà rất ngưỡng mộ. Bà Helen Chen nói: “Các học viên Pháp Luân Công vẫn kiên trì đức tin của mình trong một môi trường khắc nghiệt như vậy ở Trung Quốc đại lục; điều đặc biệt hiếm có là các giá trị ‘Chân, Thiện, Nhẫn’ đã thu hút mọi người từ khắp nơi trên thế giới và tạo ra sức ảnh hưởng rất lớn”.

Bà nói: “Trong bất kỳ tổ chức hoặc đoàn thể nào, một số người có thể có quan điểm khác nhau hoặc thậm chí phản đối vì những lý do đặc biệt của riêng họ. Đây là một hiện tượng bình thường. Nhưng The New York Times không chỉ trích việc đàn áp của ĐCSTQ, mà ngược lại là tấn công Pháp Luân Công và Shen Yun – những nhóm người đã phát triển lớn mạnh trong khó khăn và dẫn dắt mọi người quay về với các giá trị “Chân, Thiện, Nhẫn”. Điều này thể hiện rõ rằng, The New York Times đã đứng về phía ĐCSTQ”.

“The New York Times có một chi nhánh ở Trung Quốc đại lục và đang cố gắng cải thiện mối quan hệ với ĐCSTQ. Ngay cả khi các phương tiện truyền thông và trang web nước ngoài khác buộc phải rút khỏi Trung Quốc, The New York Times vẫn có được một chỗ đứng ở Trung Quốc. Điều này khiến mọi người nghi ngờ về lập trường của tờ báo”.

Bà Helen Chen nói thêm rằng: “The New York Times nói rằng Shen Yun kiếm được rất nhiều tiền, Shen Yun là bán vé. Thu nhập của họ được dùng để hỗ trợ các hoạt động chống lại ĐCSTQ và quảng bá văn hóa Trung Hoa. Điều này có gì không tốt? Tiền của họ không phải là tiền trộm cắp, không phải tiền cướp đoạt mà có”. “Đó là vì Shen Yun có chất lượng cao và những gì họ quảng bá là chính xác nên nhận được rất nhiều sự ủng hộ của mọi người, rất nhiều người xem và có những đánh giá tốt như vậy”.

Nhà văn gốc Hoa ở New York, kiêm nhà bình luận của Mạng lưới hải ngoại Đài Loan Vu Bản Thiêm. (Ảnh: The Epoch Times)

Ông Vu Bản Thiêm (Wu Bentian), một nhà văn New York đã di cư sang Hoa Kỳ gần 50 năm và là nhà bình luận của Mạng lưới hải ngoại Đài Loan, cho biết: “Trước hết tôi sẽ không phân tích các yếu tố đằng sau bài báo của The New York Times, nhưng nó đóng vai trò làm hài lòng ĐCSTQ, và nó có thể được sử dụng để tìm kiếm sự công nhận từ ĐCSTQ. Điều này trùng hợp với mưu đồ của ĐCSTQ. ĐCSTQ không có cách nào để đánh bại Pháp Luân Công, vì vậy nó dựa vào việc tạo ra thông tin sai lệch để tạo ấn tượng tiêu cực về Pháp Luân Công”.

Ông Vu cho rằng ĐCSTQ rải tiền ra bên ngoài, còn trong nước thì sống chật vật. Hiện tại, nó đang ở tình cảnh bên trong lục đục, bên ngoài rối ren. Trên chính trường quốc tế, ĐCSTQ tiếp tục tạo ra thông tin sai lệch và sự phồn vinh giả tạo. Nó phát triển các đặc vụ, triển khai những người thân cộng sản trong cộng đồng và tiến hành xâm nhập, “khi đến thời cơ chín muồi, những người này sẽ lên tiếng thay cho nó. Ví dụ, nếu sau này có chuyện gì xảy ra với Đài Loan, Hoa Kỳ muốn gửi quân đến hỗ trợ Đài Loan, thì những người đứng bên lề này sẽ nổi lên phản kháng. Mà những người phản đối này có thể là người của ĐCSTQ. Đây là thủ đoạn nhất quán của ĐCSTQ”.

Liệu The New York Times có thể tuyên bố “trung lập” khi đối mặt với ĐCSTQ?

Ông Trần Sấm Sáng là một luật sư hành nghề ở New York và Los Angeles. Ông cũng là Giám đốc điều hành của Ủy ban Quốc gia Đảng Dân chủ Trung Quốc. (Ảnh: Hồng Đạt/The Epoch Times)

Ông Trần Sấm Sáng (Chen Chuangchuang), một luật sư hành nghề ở New York, Los Angeles và New Jersey, cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng, bài báo của The New York Times đã đề cập việc trong hai thập kỷ qua, Pháp Luân Công đã tự đặt mình “đối lập trực tiếp với ĐCSTQ cầm quyền”. Ông nói: “The New York Times đã hiểu sai về ngọn nguồn cơ bản này.”

“Không phải Pháp Luân Công muốn trở thành kẻ thù của chính phủ Trung Quốc hay Đảng Cộng sản. Nguồn cơn của tất cả những điều này đã bị The New York Times bóp méo. Nguồn gốc rất rõ ràng: Các học viên Pháp Luân Công đã đến Trung Nam Hải để thực hiện các quyền lợi chính đáng của mình – bất kể bạn đồng ý hay không đồng ý thì bất kể họ đến từ tín ngưỡng tôn giáo nào, mọi người đều có quyền bày tỏ quan điểm của mình một cách hòa bình… Đã có một cuộc thỉnh nguyện ôn hòa như vậy vào năm 1999, nhưng địa điểm là Trung Nam Hải, địa điểm trung tâm dưới sự cai trị của ĐCSTQ. Họ lập tức bị ĐCSTQ và Giang Trạch Dân bắt giữ, những kẻ coi Pháp Luân Công là kẻ thù, bôi nhọ Pháp Luân Công là giáo phái X và đàn áp một cách tàn bạo”.

Ông Trần nói: “Chẳng lẽ mọi người phải nhẫn nhục chịu đựng? Cứ phải nói rằng các ông đã trấn áp rất tốt, các ông đem chúng tôi và những người khác đi giết, bỏ tù, tra tấn, và chúng tôi sẽ không làm gì cả? The New York Times đưa ra bối cảnh cơ bản nhất, bóp méo nguồn gốc cơ bản nhất của sự việc… Có vẻ như Đảng Cộng sản đã không làm gì cả và Pháp Luân Công đã thách thức chính quyền Trung Quốc (ĐCSTQ). Nhưng sự thật không phải như thế”.

Ông Trần Sấm Sáng cũng chỉ ra rằng The New York Times dường như đang khoe khoang rằng họ có thể “trung lập” khi đối mặt với ĐCSTQ. Nếu đúng như vậy thì lập trường này là sai lầm. Ông nói: “The New York Times dường như khoe rằng họ có thể ‘trung lập’ giữa cuộc đàn áp Pháp Luân Công và chính phủ Trung Quốc cũng như Đảng Cộng sản Trung Quốc; nhưng căn bản là không thể có sự trung lập nào cả. Giữa những kẻ phát xít, Đức quốc xã và những người khác, quý báo có giữ được sự trung lập không? Điều này căn bản là không thể! Tôi nghĩ đây mới là vấn đề cơ bản”.

Ông Trần nói rằng trong hơn 20 năm qua, các học viên Pháp Luân Công đã kiên trì để hoạt động trong một môi trường khó khăn như vậy. Điều đó thực sự không dễ dàng chút nào. “Bản thân tôi biết điều đó. Các kênh truyền thông của Pháp Luân Công từ lâu đã chống lại tường lửa Internet của ĐCSTQ. The Epoch Times, The Epoch Times ấn bản Anh ngữ, Đài truyền hình Tân Đường Nhân cũng làm rất tốt, giờ đây họ đã có ảnh hưởng lớn. Điều này không phải đột nhiên xuất hiện mà vì họ đã làm việc đó từ lâu. Những người trong chúng ta nắm rõ tình hình đều biết rằng chính các học viên Pháp Luân Công đã phó xuất cực lớn trong nhiều năm như vậy, đó không phải là sự hỗ trợ tài chính từ thế giới bên ngoài”.

“Trong khoảng 20 năm qua, các học viên Pháp Luân Công đã làm việc rất chăm chỉ, làm rất nhiều công việc trong những hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Tôi biết rất nhiều học viên Pháp Luân Công. Tôi biết rõ và cũng tin rằng họ sẽ tiếp tục làm điều đó”.

Bài báo của The New York Times phiến diện, lập luận không thể đứng vững nếu báo cáo một cách toàn diện và trung thực các quan điểm hiện có.

Shen Yun hiện có tám đoàn nghệ thuật. Theo ông Larry Liu, Phó giám đốc Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp, tổng số diễn viên hiện tại và trước đây đã vượt quá 1.000 người. Ông Trần Sấm Sáng nói rằng Shen Yun có rất nhiều diễn viên như vậy, nhưng The New York Times cho biết họ chỉ phỏng vấn hơn 20 người và chỉ viết về một vài ví dụ, hơn nữa chỉ viết về những điều bất mãn của những người này. Tại sao cảm thụ của đại đa số diễn viên của Shen Yun lại không viết ra? Có thể thấy rằng bài báo này phiến diện. Họ cũng biết rằng nếu phỏng vấn và đưa tin về Shen Yun một cách toàn diện, trung thực, thì bài viết của họ sẽ không thể đứng vững và kết luận sẽ ngược lại.

Ông Trần cho biết: “Bài báo của The New York Times không thể tạo ra bất kỳ làn sóng nào. Pháp Luân Công và Shen Yun sẽ tiếp tục hoạt động bình thường trên toàn thế giới. Mọi nỗ lực gây tác động tiêu cực đều sẽ không thành công”.

Ông Trần Sấm Sáng đã thưởng thức hai buổi biểu diễn của Shen Yun. Ông nói rằng nếu mọi người muốn hiểu Shen Yun, họ có thể đến rạp để xem trực tiếp: “Được rồi, chúng ta hãy tự mình đi xem. Nội dung của Shen Yun là gì? Vũ điệu của Shen Yun như thế nào? Quý vị sẽ biết ngay thôi. Nhiều khán giả mua vé đi xem như vậy, cảm nhận của khán giả nhiều như thế, chẳng lẽ đều là do người khác nhét vào miệng để họ nói hay sao. Không thể như thế được”.

Trang web “Shen Yun Zuo Pin” (shenyuncreations.com) và nền tảng X có một số lượng lớn video về quá trình đào tạo, cuộc sống, sáng tác và biểu diễn của các diễn viên Shen Yun. Ông Trần nói: “Quý vị cũng có thể xem các video do Shen Yun phát hành. Shen Yun cũng phát hành các video về quá trình đào tạo và cuộc sống của các diễn viên. Hãy tự mình xem các diễn viên của Shen Yun nói gì. Tôi cũng hy vọng rằng Shen Yun sẽ tiếp tục làm tốt việc của mình, hãy kiên trì!”

Dịch từ: https://big5.zhengjian.org/node/292185



Ngày đăng: 30-08-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.