Giải mã “Phong Thần diễn nghĩa” (Phần 1)



Tác giả: Phất Trần

[ChanhKien.org]

“Phong Thần diễn nghĩa” là một bộ tiểu thuyết thần thoại của Trung Quốc cổ đại, có thể sánh ngang với ba bộ “Chúa tể của những chiếc nhẫn” của phương Tây, từ góc độ văn hóa của Trung Quốc mà xét, nó không chỉ là một bộ tiểu thuyết Thần ma, cũng không giống với tứ đại danh tác, kể từ khi ra mắt vào triều đại nhà Minh cho đến nay, nó đã trở thành một cái tên quen thuộc mà nhà nhà đều biết, người người đều hay. Bộ tiểu thuyết này lấy bối cảnh thời nhà Thương bị diệt vong, nhà Chu thành lập, cốt truyện đề cập đến đủ loại các nhân tố như Thần, ma, người, yêu, Phật, Đạo, kết hợp với chiến tranh, những việc ly kỳ quái dị, cảnh vật, nhân vật, tình cảm, thơ từ, ca phú. Tất cả các yếu tố này được miêu tả đan xen với nhau tạo thành một câu chuyện sống động, đáng để người đời sau suy ngẫm và thưởng thức. Hôm nay, tôi sẽ giải thích cuốn tiểu thuyết này dưới góc nhìn của một người tu luyện, để thế nhân có thể hiểu sâu hơn về nền văn hóa Thần truyền cổ xưa và nội hàm trong đó.

Một, ai là tác giả bộ tiểu thuyết

Có một vài giả thuyết cho rằng tác giả của bộ tiểu thuyết này là Hứa Trọng Lâm thời nhà Minh, có người lại cho rằng đó là một người tu Đạo họ Lục. Từ góc nhìn của mình, tôi cho rằng tác giả cụ thể là ai không quan trọng, quan trọng là tác giả của bộ sách này cần phải có rất nhiều kiến thức và tu dưỡng của Đạo gia, mới có thể viết ra được bộ tiểu thuyết có nội hàm phong phú, diễn đạt tài tình, chân thực sống động khiến quảng đại quần chúng yêu thích như vậy. Đây là một loại phương thức kế thừa và tôn vinh văn hóa Thần truyền của Trung Hoa. Tức là những người tu hành hoặc là văn nhân có hiểu biết sâu rộng về văn hóa, thông qua loại phương thức văn học thông tục này, lấy lịch sử làm cơ sở, sáng tác ra một kiệt tác có thể giáo hóa nhân tâm, minh tỏ thiện ác, hoằng dương chính khí, tìm về cội nguồn và có ảnh hưởng sâu rộng như vậy. Đúng như câu nói: Dĩ văn tải Đạo (lấy văn để truyền tải Đạo).

Hai, thay đổi triều đại lấy đây làm hình mẫu

Lịch sử sụp đổ của Thương Trụ và sự trỗi dậy của Chu Võ là một thời đại quan trọng của văn minh thượng cổ, trong đó, sự đối lập giữa thiện và ác, vị trí của con người và Thần, sự thay thế của cái cũ và cái mới, số kiếp trời định, tôn ti quý tiện, sự thay đổi của vương hầu, quan hệ nhân duyên ở trong đó. Đối với bất kỳ lần thay đổi vương triều nào trong lịch sử 5000 năm, đều mang tính điển hình và đại biểu, đều đáng để tổng kết kinh nghiệm, tiếp thu giáo huấn, có thể nói đây là hình mẫu tốt nhất và kinh điển nhất của lịch sử.

Mà suy nghĩ ở một tầng thâm sâu hơn nữa chính là: nhân, Thần, yêu, ma vừa hay gặp kiếp nạn, trong quá trình con người thượng cổ từ đơn sơ mộc mạc đi tới văn minh, từ trị lý tới ly loạn, từ thái bình tới giết chóc, mỗi một sinh mệnh đều cần phải trong hiện thực và hoàn cảnh luân lý cương thường bị mai một mà đưa ra lựa chọn và quyết định của bản thân mình, vì bản thân, vì dòng tộc, vì bách tính một phương, vì tổ tiên cho đến đời sau, trong hoàn cảnh thiện ác đan xen, chính tà khó phân biệt, dùng cách nghĩ và phương thức tư duy gì để đưa ra quyết định như thế nào, diễn dịch ra kết quả như thế nào. Từ người cho tới Thần, từ Thần cho tới yêu, từ trời đến đất, từ Triều Ca cho tới Tây Kỳ, từ vương hầu cho tới người bắt cá gánh củi, từ miền núi tới hải đảo, từ hồng trần tới ngoài thế gian, không ai có thể đứng ngoài cuộc, đều chủ động hoặc bị động mà lựa chọn nhân quả đằng sau, mâu thuẫn thiện ác, giao tranh chính tà trong quá trình nhân quả, hoặc là xung động, hoặc là do dự, hoặc là mê mang, hoặc là quyết liệt, mỗi một thái độ của sinh mệnh đều trực tiếp hay gián tiếp quyết định tương lai của mình. Một bộ “Phong Thần diễn nghĩa” chứa đựng đằng sau đó không biết bao nhiêu duyên do và hình mẫu truyền kỳ.

Ba, người vô đạo tất sẽ không kính Thần

Thế cuộc nghìn thu, đạo đức ở vị trí cao nhất, triều đại nhà Thương kế thừa đạo đức của Thành Thang, Thành Thang có thể cầu hiền tài là Y Doãn, lưới mở một mặt cho sinh linh, khoan dung nhân từ, có đức lớn, bảo hộ và cứu vớt sinh mệnh, mưa thuận gió hòa mà truyền ngôi vị 600 năm. Thương Trụ Vương đỡ xà thay cột trụ, sức mạnh vô song, văn có Thương Dung, Tỳ Can, Triệu Khởi, võ có thái sư Văn Trọng, Hoàng Phi Hổ, trong tam cung có hoàng hậu hiền lương thục đức, bốn chư hầu lớn uy chấn tám phương. Vốn dĩ có thể sáng tạo ra một điều kiện thịnh thế, nhưng Trụ Vương lại là một người vô đạo.

Người vô đạo tất sẽ không kính Thần. Từ thời đại thượng cổ, con người đều kính thiên địa, kính quỷ Thần, trọng đạo đức, coi trọng nhân luân, Nữ Oa Thị là Thần thủy tổ của Trung Hoa, vậy mà Thương Trụ lại dám có ý khinh nhờn, từ đó mà xúc phạm Thần linh, tạo ra một nhân quả xấu, vì tâm sắc dục mà chiêu dẫn yêu hồ nghìn năm, bị mê trụ bản tính, mất đi giang sơn xã tắc.

Mở đầu “Phong Thần diễn nghĩa”, nói về một người vô đạo (Thương Trụ) không kính Thần, gióng lên một hồi chuông cảnh báo. Tất cả những người vô đạo thường bắt đầu từ việc không kính Thần, không kính Thần tất sẽ phóng túng dục vọng thất đức, gieo xuống một hạt giống diệt vong sau này.

Bốn, thời kỳ con người và người tu hành đồng thời tồn tại

Con người thời kỳ thượng cổ, bởi vì tiêu chuẩn đạo đức cao, tác phong thuần hậu, tin vào lời giáo huấn của Thần, những kỳ tích của Thần, Đạo cũng triển hiện một cách tương ứng cho thế nhân. Văn hóa Trung Hoa khởi nguồn từ Đạo gia, người tu hành thời đó được mọi người tôn trọng. Từ việc Trụ Vương tiếp kiến Vân Trung Tử, có thể thấy rằng thiên tử tôn kính Đạo, Văn Thái Sư cũng từng tu hành trong Triệt Giáo, Hoàng Phi Hổ, Trương Quế Phương, Sùng Hắc Hổ, Trương Khuê, các chư hầu võ tướng phần nhiều là những cao nhân dị sĩ, có mối liên hệ mật thiết với người tu hành ngoài thế tục. Lý Tịnh, tướng canh giữ Trần Đình Quan, từng theo học đạo Độ Ách ở phía Tây núi Côn Luân, Na Tra bái sư phụ là Thái Ất Chân Nhân ở núi Càn Vân, những đứa trẻ có căn cơ lớn thường được sư phụ Đạo gia nhận làm đồ đệ, đi vào núi tu luyện khắc khổ, có người xuất thế tu thành Đạo trở thành Thần Tiên, có người học thành phò tá quân vương, có người ẩn cư ở dân gian tu thân dưỡng tính, điều này ở triều đại nhà Thương lúc đó là một chuyện phổ biến, từ giáo dục, dùng binh, kỹ nghệ, tuyển chọn nhân tài, tục lệ dân gian, chế độ cai quản, ở mọi phương diện đều có thể nhìn thấy văn hóa vào cuối triều Thương là một loại văn hóa nửa Thần nửa nhân điển hình, đó không phải là truyền thuyết mà là lịch sử chân thực, tồn tại trong sinh hoạt hiện thực của người thời kỳ đó.

Sự diệt vong của triều Thương, báo trước sự kết thúc thời đại người và người tu hành cùng tồn tại ở thời thượng cổ, nguyên nhân chủ yếu là vì chỉnh thể đạo đức của thế nhân trượt xuống, cần phải sản sinh một loại văn hóa và quy tắc thích ứng với thời đại mới, lần lượt những thay đổi như vậy, một mạch cho tới hôm nay, năm tháng lâu dài, thế nhân còn cho rằng đó là truyền thuyết hư cấu.

Năm, vì sao Thương Trụ lại trở nên hung ác

Thương Trụ sức địch trăm người, có thể giết gấu đập hổ, hùng tài cái thế, vì sao có thể hung tàn ác độc đến mức cổ kim không ai sánh bằng? Bởi vì bị hồ ly ngàn năm mê trụ bản tính.

Thế nào gọi là người phóng túng dục vọng chiêu mời ma? Yêu ma không phải tự dưng sinh ra, mà vốn là ma tính phóng túng dục vọng vô hạn của Thương Trụ, tâm phóng túng sắc dục, khinh nhờn Thần linh, chế tạo bào lạc hành hình để ngăn chặn lời nói trái ý, giết vợ giết con tiêu diệt tông miếu nhân luân, xây sái bồn để rắn độc ăn thịt cung nhân, giết chư hầu thất tín thiên hạ. Xây lộc đài tiêu tốn tiền tài của thiên hạ, vô liêm sỉ làm nhục vợ của thần tử, tàn hại sinh mệnh để làm trò tiêu khiển, moi bào thai của phụ nữ mang thai, cắt thận của đồng nam để nấu canh, làm tuyệt tự dòng dõi của vạn họ.

Quân vương được hưởng phú quý cao nhất ở nhân gian, cần phải giữ đức của vua, thực hành nhân luân, bảo hộ sinh mệnh, tránh xa sắc dục, tiếp nhận lời trung, biết liêm sỉ, tiết kiệm tiền tài vật lực, kính trời và thương dân, thuận với thiên ý. Thương Trụ đã làm trái Đạo, cuối cùng nước mất nhà tan, tự thiêu mất thân xác ở trên đài cao.

Thương Trụ đã quy tụ đủ các loại tội nghiệt cổ kim, đã lưu lại bài học thiên cổ cho người đời sau. Con người không thể làm việc ác, phóng túng dục vọng, nghịch thiên lý, diệt nhân tính, quân vương lại càng phải giữ vững. Tội ác chồng chất như Thương Trụ, cuối cùng chiêu dẫn yêu ma. Khi thế nhân đạo đức bại hoại, phóng túng dục vọng, yêu ma tất sẽ lại đến.

Sáu, người và Thần đều không dám xem nhẹ lời thề

Thân Công Báo vốn dĩ là người tu hành ở núi Côn Luân, bởi vì tâm đố kỵ mà gây xích mích giữa Xiển Giáo và Triệt Giáo, ở trước mặt sư tôn đã lập một lời thề, nếu vi phạm lời thề sẽ bị dìm ở biển Bắc Hải. Ân Giao, Ân Hồng là con của Trụ Vương, đã phụ ân cứu mệnh của Đạo gia Côn Luân, quên đi mối hận giết mẹ đau thương, không nghe lời sư tôn khổ tâm phó thác, làm ngược với ý trời, trợ Trụ vi ngược, hai người Ân Giao, Ân Hồng lập lời thề độc, nhưng hai người đều nghe theo lời xúi giục của Thân Công Báo, cuối cùng vi phạm lời thề, một người bị Thái Cực Đồ hóa thành tro, một người bị kẹp dưới núi cày nát thân.

Trong bộ “Phong Thần diễn nghĩa” có rất nhiều câu chuyện những người lập lời thề mà không thực hiện lời thề, cuối cùng khó thoát khỏi nhân quả, người đời sau cần phải suy nghĩ sâu sắc trước những lời thề.

Thiên Thần còn như vậy, huống hồ là con người.

Bảy, nhân thân nan đắc

Tranh chấp giữa Xiển Giáo và Triệt Giáo bắt nguồn từ chuyện có Đạo diệt trừ vô Đạo, ứng với kiếp nạn nhân Thần 1500 năm, khí số nhà Thương đã tận, Chu Võ đang hưng, mà mấu chốt của sự bất đồng trên thượng giới có thể là việc liệu động vật có thể tu thành chính quả hay không.

Người của Triệt giáo rất nhiều là động vật tu hành, đắc được linh tính của trời đất, nhưng động vật không thể tu thành chính quả, vừa hay gặp kiếp số, rất nhiều người của Triệt giáo không giữ vững tâm tính, bị đánh hiện nguyên hình, đạo hạnh 1000 năm bị hủy trong chốc lát.

Ô Vân Tiên bị hóa thành con rùa vàng và được Chuẩn Đề đạo nhân đưa về hồ Bát Đức ở Tây Phương, Cù Thủ Tiên bị đánh thành con sư tử lông xanh, trở thành thú cưỡi của Văn Thù Quảng Phát Thiên Tôn, Linh Nha Tiên bị đánh thành con voi trắng bị Phổ Hiền Đạo Nhân thu phục, Kim Quang Tiên bị Từ Hàng Đạo Nhân đánh hiện nguyên hình thành con Hống lông vàng, Quy Linh Thánh Mẫu bị đánh hiện nguyên hình thành con rùa,…

Dã thú cũng có những người tu luyện có thành tựu, ở núi Mai Sơn có thất quái, họ là vược trắng, lợn, dê, trâu, chó, cừu, rắn, rết, bảy loại động vật, tu luyện mà thành. Nhưng do động vật không thể tu thành chính quả, nên khi Vũ Vương phạt Trụ, họ không nhẫn chịu được sự cô độc, đã xuất sơn cầu công danh, một trường đại chiến, thất quái bị tiêu diệt.

Động vật không được phép tu thành chính quả, dù có tu nghìn năm cũng sẽ có kiếp nạn. Thông Thiên Giáo Chủ, Nguyên Thủy Thiên Tôn, Lão Tử và Tây Phương Giáo Chủ ở trong trận Vạn Tiên, thiên số đã là vậy cũng ứng với thiên lý động vật không được tu thành chính quả.

Trời cao nhân từ, tu hành không dễ, căn cơ không giống nhau, đạo hạnh có sâu có nông, mỗi người đều có nơi trở về. Tam đại sĩ sau khi thu nhận được ba thú cưỡi đã đại hưng Thích giáo, Khổng Tuyên Đại Minh Vương và một số khác theo Chuẩn Đề Đạo Nhân tới thế giới Tây Phương, có người có tên trên Phong Thần Bảng, nơi quy về không giống nhau, cũng là để an ủi công sức khổ tu.

Hàng trăm nghìn năm nay, đắc được thân người khó, động vật không được phép tu thành chính quả, nhiều câu chuyện của những sinh mệnh trong Bảng Phong Thần đã cho người ta một lời giải thích toàn diện đầy sinh động.

Tám, tâm đố kỵ của Thân Công Báo

Thân Công Báo cho rằng đạo thuật của Khương Tử Nha không bằng ông ta, vô cớ sinh ra tâm đố kỵ, đố kỵ Tử Nha được đi phong Thần, còn mình thần thông quảng đại, tại sao lại không được. Chính bởi cái tâm này, ban đầu giỡn cợt Khương Tử Nha, bị Nam Cực Tiên Ông trừng phạt, không biết hối cải, không ngừng kích động mâu thuẫn giữa Triệt giáo và Xiển giáo, dẫn đến việc vô số nhân sĩ tu đạo bị chết trong cuộc sát phạt Thương Chu. Phát ra lời thề độc, sau đó lại vi phạm lời thề, cuối cùng bị dìm chết ở biển Bắc.

Kiếp nạn định số trong “Phong Thần diễn nghĩa”, có một nhân khởi chính là tâm đố kỵ của Thân Công Báo. Có thể thấy tâm đố kỵ của người tu hành đáng sợ như thế nào, là bước đầu dẫn tới tội ác vô biên.

Người xưa dùng cái tâm của Thân Công Báo để cảnh tỉnh tâm đố kỵ của người tu hành, không bỏ đi tâm đố kỵ thì tu hành sẽ chắc chắn không đắc được chính quả.

Chín, tinh thần nhân nghĩa của thần tử nhà Ân Thương

Cơ Tử bị bắt làm nô bộc, Tỳ Can vì khuyên can mà chết, Vi Tử phải bỏ đi, đây là những người được gọi là “Ân Thương tam nhân”, tại sao người xưa lại khen ngợi không ngớt đối với tinh thần của ba vị cựu thần tử này, đây chính là luân lý và quan niệm coi trọng xã tắc, coi trọng tổ tiên, coi trọng quốc gia, văn hóa của người Trung Quốc xưa.

Chế độ quân vương cho rằng nhà tức là nước, nước tức là nhà, khi nước nhà hỗn loạn, bại vong, tất có quân vương nghịch thiên hại nhân, làm mất đức, loạn tính, mất lòng dân, mà họ thân là hoàng tộc, họ nên lựa chọn điều gì?

Hai anh em Ân Giao và Ân Hồng đã trợ Trụ vi ngược, giúp phụ vương cũng là giúp đỡ cái ác, Tỳ Can, Vi Tử, Cơ Tử cũng giống vậy, cũng có lựa chọn của mình. Vi Tử là huynh trưởng của Trụ Vương, đã nhiều lần khuyên can mà không có kết quả, đành phải rời bỏ Trụ Vương, sau này giúp Võ Vương diệt Trụ, đã bảo lưu huyết mạch của nhà Thương, Vi Tử trở thành vua của nước chư hầu Tống. Cơ Tử là thúc phụ của Trụ Vương, tính ngay thẳng, có tài năng, nhiều lần khuyên can nhưng Trụ Vương không nghe, không cách nào đành phải rời bỏ đất nước đi xa, giả điên cuồng làm nô lệ, quy ẩn bi thương gảy đàn. Say này Võ Vương hỏi đạo Cơ Tử, Cơ Tử đã lưu lại “Hồng phạm cửu trù”, dẫn theo 5000 quan dân cũ của nhà Ân Thương qua Triều Tiên, mang theo văn hóa Trung Nguyên tiên tiến. Tỳ Can là thúc phụ của Trụ Vương, là trọng thần phụ chính, thấy Trụ Vương vô đạo đã can gián mạnh mẽ, làm chọc giận Trụ Vương, muốn thấy trái tim thất khiếu linh lung của thánh nhân, nên bị moi tim chết thảm.

Ba vị thần tử cũ nhà Ân Thương, khi nước mất nhà tan, một người thì lưu lại huyết mạch, một người lưu lại văn hóa, một người dùng cái chết để khuyên gián vua, đều là vì họ trung với tổ tiên của mình, trung với đạo đức của tiên vương, trung với văn hóa vương đạo, ba loại thái độ, ba loại lựa chọn, đã lưu lại tư tưởng quốc gia cổ xưa của dân tộc Trung Hoa, đã bảo tồn tinh thần quý giá của một vương triều đã mất.

Mười, pháp khí, thú cưỡi và đạo thuật

Thú cưỡi của Hoàng Phi Hồ là bò thần ngũ sắc, thú cưỡi của Khương Tử Nha là tứ bất tượng, thú cưỡi của Văn Thái Sư là con kỳ lân đen, thú cưỡi của Hanh Cáp nhị tướng là con thú mắt vàng, Vân Tiêu tiên tử và Long Cát công chúa cưỡi thanh loan, Triệu Công Minh cưỡi hổ đen, thú cưỡi của Đạo Đức Chân Quân là thú mây ngũ sắc.

Khương Tử Nha có pháp khí đả thần tiên, hạnh hoàng kỳ, Na Tra chân cưỡi bánh xe phong hỏa, tay cầm vòng càn khôn, Triệu Công Minh dùng định hải châu, dây trói rồng, ba vị nương nương Quỳnh Tiêu, Bích Tiêu, Vân Tiêu có hỗn nguyên kim đấu và kim giảo tiễn, Kim Tra dùng độn long trụ, Tiếp Dẫn Đạo Nhân có tòa sen vàng 12 tầng, tiếp dẫn bảo phiên, Thông Thiên Giáo Chủ có lục hồn phiên, chu tiên kiếm, Nữ Oa Nương Nương có giang sơn xã tắc đồ, Lục Áp có đinh đầu thất kiếm thư, Quảng Thành Tử có phiên thiên ấn, Xích Tinh Tử có kính âm dương, Nhiên Đăng đạo nhân có càn khôn thước, linh cữu đăng, Vi Hộ có giáng ma xử,…

Đạo thuật trong “Phong Thần diễn nghĩa” khiến người ta hoa mắt chóng mặt, ba đầu sáu tay, bát cửu huyền công, ngũ hành độn thuật, kỳ môn độn, ngũ sắc thần quang, thiên lý nhãn, thuận phong nhĩ,…

Bất kỳ một bộ tiểu thuyết thần thoại nào trong lịch sử cũng không thể có trí tưởng tượng kỳ diệu và thần kỳ đến vậy, có thể đem những pháp khí, thú cưỡi, đạo thuật của thế giới Thần Tiên miêu tả một cách sống động, chi tiết, không chỉ đơn giản là vấn đề tưởng tượng của văn nhân, tác giả còn phải được trang bị những kiến thức và tu dưỡng rất thâm sâu của Đạo gia, mới có thể viết ra được những vũ khí và công năng như vậy, khiến cho người Trung Quốc có thể quen thuộc với những thuật ngữ thần bí của giới tu hành, còn lưu lại cho người đời sau những nhân tố Thần truyền phong phú, lưu lại văn hóa tất yếu cho thời đại tối hậu.

Mười một, Trung Hoa là vùng đất được lựa chọn đầu tiên của chúng sinh

Trên thế giới chưa từng có bất kỳ bộ sách nào có thể biểu đạt được nội hàm như vậy: văn minh Trung Hoa cổ xưa, dòng chảy dài của lịch sử, năm tháng lâu dài thương tang, chúng sinh người và Thần, các giới thiên địa, vùng đất được lựa chọn đầu tiên khi đến phàm trần là Trung Hoa, sau khi kết duyên ở Trung Hoa, liền chuyển sinh đến các nơi trên thế giới, đặt định nền văn hóa đạo đức cho nhân loại. Đệ tử Đại Pháp đều biết rằng thiên cơ trong quá khứ này, mà trong các cuốn sách ở cổ đại, chỉ có trong “Phong Thần diễn nghĩa” mới từng xuất hiện những miêu tả tương tự.

Cù Lưu Tôn gia nhập Thích giáo thành Phật, Văn Thù Quảng Pháp Thiên Tôn sau này trở thành Văn Thù Bồ Tát trong Phật giáo, Phổ Hiền đạo nhân sau này trở thành Phổ Hiền Bồ Tát, Từ Hàng đạo nhân sau này trở thành Quan Thế Âm Bồ Tát, Tây Phương Giáo Chủ thu nhận Khổng Tước Đại Minh Vương, Trưởng Nhĩ Định Quang Tiên, rất nhiều nhân sĩ có duyên với Thích giáo,…

Thương Chu thay đổi, chính tà khó phân, tranh chấp giữa Triệt Giáo, Xiển Giáo khiến cho những kẻ sĩ đạo hạnh cao thâm gặp phải kiếp sát thân, người có duyên không ở trên bảng phong thần, sẽ kết duyên với Tây phương giáo, tiếp tục tu hành.

Người học Phật, người học Đạo, rất nhiều pháp môn, nhưng học Đạo xong gia nhập Phật, ngược lại, người học Phật cũng có thể học Đạo, cần xem duyên phận, cần xem lựa chọn của bản thân. Văn minh Đông phương từ sớm đã kết duyên với văn minh Tây phương, có rất nhiều người có duyên, người ở trong chốn hồng trần, trước hết tại Trung Hoa kết duyên, sau đó ở Tây phương thành tựu sự nghiệp công đức.

Câu chuyện trong phong thần bảng, không xét về tính chân thực, lại tiết lộ một tín tức độc đáo. Mảnh đất Trung Quốc này, lịch sử lâu dài, nhân khẩu đông, núi sông tráng lệ, văn hóa Thần truyền hệ thống nhất, phong phú nhất, là vùng đất lựa chọn đầu tiên của chúng sinh, có lẽ còn ẩn tàng nhiều hơn nữa những thiên cơ không để cho con người biết!

Mười hai, âm nhạc thời cổ đại câu thông với Đạo

Cổ cầm được tạo ra bởi tiên hoàng Phục Hy, chế tạo dựa theo thân hình của phượng hoàng, lấy chiều dài tượng trưng cho 365 ngày trong một năm, ban đầu có năm dây, tượng trưng ngũ hành kim mộc thủy hỏa thổ, Văn Vương sau này vì thương nhớ con trưởng Bá Ấp Khảo mà tăng thêm một dây, Vũ Vương sau khi phạt trụ, vì để tăng thêm sĩ khí, lại tăng thêm một dây, do đó, cổ cầm có tên gọi là “Văn Võ thất huyền cầm”.

Bá Ấp Khảo là con trưởng của Văn Vương, ấu chủ của Tây Kỳ, phụ thân bị giam cầm tại Triều Ca bảy năm, biết rõ là thiên số, vì để tận hết lòng trung hiếu của thần tử, không nghe theo lời khuyên ngăn của chúng quan, gặp Trụ Vương hiến bảo vật để thay cha “chuộc tội”.

Bá Ấp Khảo giỏi cổ cầm, trên thế gian không có người thứ hai, phong tư tuấn nhã, khiến yêu hồ khởi sắc tâm, lệnh cho Bá Ấp Khảo dạy đàn, và cùng Bá Ấp Khảo nói chuyện nhạc đạo. Nội ngoại ngũ hành, sáu luật ngũ âm, tay trái mắt rồng, tay phải mắt hổ, theo ngũ âm cung, thương, giác, trưng, vũ, lại nói về tám pháp: mạt, khiêu, câu, dịch, phiết, thác, đả, trích. Có sáu điều kỵ: nghe khóc kể, mình rơi lụy, chuyên tâm sự, đang giận hờn, đang kinh hãi, tưởng việc tà. Bảy điều không dám đàn: mưa vạy gió may, có tang than khóc, áo mão chẳng ngay, say rượu loạn tính, nhơ uế không sạch, chẳng xông hương là khinh nhờn, không kẻ biết nghe là tục, gặp những điều này không thể đàn.

Một vài lời của Bá Ấp Khảo, đã bàn đến được thủ pháp, âm luật, hoàn cảnh, tâm thái, tu dưỡng trong cổ cầm, phản ánh ra việc cổ nhân thông qua nhạc đạo để tu thân, thông qua nhạc đạo để di tình, thông qua nhạc đạo mà học lễ, dùng lễ nhạc giáo hóa, âm nhạc, cổ cầm có thể trở thành công cụ để tu thân.

Bá Ấp Khảo lấy âm để cự tuyệt sắc dụ dỗ, dùng ca nhạc để tiếp cận quân vương, tận chữ hiếu của người con, chữ trung của thần tử, cam nguyện bị băm nhỏ thịt. Người đời sau là Bá Nha và Chung Tử Kỳ đàn khúc “cao sơn lưu thủy”, Kê Khang thời Tấn đến pháp trường đàn khúc “Quảng Lăng”, Cao Tiệm Ly gảy đàn và Kinh Kha “Gió thổi vi vu, Dịch Thủy lạnh, Tráng sĩ một đi không trở về!”,…

Chính là: Kỷ khúc cổ cầm thanh, đa thiểu du du ý (Vài thanh âm cổ cầm mà ẩn chứa biết bao nhiêu ý tứ ở trong).

Mười ba, Sùng Hắc Hổ đại nghĩa diệt thân

Sùng Hắc Hổ là đệ đệ của Sùng Hầu Hổ, một trong tứ đại chư hầu của triều Thương, Sùng Hầu Hổ là trọng thần của nhà Thương, làm rối loạn triều chính, mê hoặc thiên tử, tàn hại bách tích, bóc lột tiền tài của nhân dân để làm giàu cho bản thân, nhẫn tâm thất đức, tội ác chất chồng. Văn Vương vì dân chúng mà thảo phạt Sùng Hầu Hổ, Khương Tử Nha viết thư cho Sùng Hắc Hổ, Sùng Hắc Hổ hiểu rõ đại nghĩa, thà đắc tội với tổ tông, chứ không thể đắc tội với bách tính, bắt anh trai, sửa lại luật, bảo hộ tông miếu, lưu lại huyết mạch Sùng thị, bảo vệ binh lính và dân thường tránh khỏi nạn binh đao.

Hành vi của Sùng Hắc Hổ là hình mẫu của việc đại nghĩa diệt thân, trung với vạn dân chứ không trung với người thân, trung với bách tính chứ không trung với quân vương, đây mới là giải thích toàn diện về trung nghĩa của bậc đại trượng phu, có được tấm lòng và sự lựa chọn này, Sùng Hắc Hổ mới có thể xả thân vì nhân nghĩa, sau này được phong Ngũ Nhạc chính thần.

Mười bốn, đức hạnh của Văn Vương chiếu rọi thiên cổ

Trong bảng phong thần có trung thần lương tướng, đại la thần tiên, kỳ nhân dị sĩ, duy chỉ có Văn Vương là không có tên trên bảng phong thần, cũng không có duyên với Thích giáo, địa vị của ông đặc thù, đức hạnh huy hoàng cổ kim.

Văn Vương nhân nghĩa giáo hóa vạn dân ở Tây Kỳ, khiến phượng hoàng ở Kỳ Sơn cất tiếng hót, nhân tâm thuần phác, đi đường không nhặt của rơi, ở nhà không cần khóa cửa, ba lần đến kinh thành nhà Thương can gián, bị giam ở Dũ Lý bảy năm, bị bắt giam mà vẫn diễn dịch tám tám sáu mươi tư quái, bên bờ sông Vị Thủy cầu người hiền là Khương Tử Nha, lưu lại giai thoại nghìn thu quân thần, cho tới lúc chết vẫn giữ trọn tiết của thần tử, không thảo phạt Thành Dương, có phúc trăm con, gần trăm tuổi mới mất.

Văn Vương có thể nói là nghìn năm mới có một người, vốn dĩ đều là kết duyên cùng với chúng nhân, Thần, diễn một vở đại kịch để lưu lại văn hóa Thần truyền.

(Còn tiếp)

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/129513



Ngày đăng: 29-07-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.