Tuyết rơi tháng Sáu, Trời nhìn nhân tâm



Tác giả: Tâm Liên

[ChanhKien.org]

Kể từ khi đại dịch viêm phổi Trung Cộng bùng phát đến nay, các nơi ở Trung Quốc Đại Lục liên tiếp xuất hiện thời tiết dị thường. Kế tiếp là rất nhiều nơi ở khu vực phương Bắc có tuyết rơi hoặc mưa đá. Sau khi gây ra khó khăn cho việc thu hoạch mùa màng ở những nơi đó, thì trong tháng 4 cũng có nhiều trận mưa đá lớn xảy ra ở nhiều nơi thuộc khu vực phương Nam. Có người dân ở phương Nam nói rằng lần đầu tiên trong đời chứng kiến một trận mưa đá to như vậy, đây là thiên tai nhân họa.

Đến ngày 17 tháng 5 tuy đã lập Hạ được nhiều ngày rồi nhưng ở Linh Sơn, Bách Hoa Sơn ở Bắc Kinh lại có tuyết rơi. Cư dân mạng nói rằng: “Ngày xưa có tuyết rơi tháng 6, ngày nay có tuyết rơi ở Bắc Kinh, thời tiết đúng là biến hóa khôn lường”. Còn có người nói: “Tháng 5 bầu trời rơi đầy tuyết, nhân gian chắc chắn có kỳ oan!”

Ví như ngày 1 tháng 6 tuyết rơi dày đặc trên núi Trường Bạch, tuyết rơi dày đến mức khiến ngọn núi cao nhất là Thiên Trì bị phủ kín. Việc thời tiết dị thường xảy ra liên tục như vậy giống như lời cảnh báo của ông Trời đối với con người.

Nói đến tuyết rơi tháng 6, chúng ta không thể không nhắc đến trận tuyết rơi dày đặc tại Thạch Gia Trang tỉnh Hà Bắc năm 2001. Anh Tả Chí Cương, một học viên Pháp Luân Công ở thành phố Thạch Gia Trang chỉ vì kiên định tu luyện, chiểu theo nguyên lý Chân Thiện Nhẫn để làm người tốt và không từ bỏ đức tin của mình, vào buổi chiều trước ngày đám cưới, anh đã bị cảnh sát an ninh địa phương bắt cóc. Sau đó anh bị bức cung và bị tra tấn đến chết ngay hôm đó.

Thi thể anh đầy những vết thương, một bên tai có màu tím đen, phần eo sau lưng có hai lỗ vuông lớn (có vết tích của việc bị mổ cướp nội tạng sống), trên cổ có vết siết nhỏ của dây thừng. Ngày hôm sau Phó Cục trưởng Cục Công An địa phương Kiều Tây đã thông báo cho cha mẹ của anh Tả Chí Cương, nói dối rằng anh ấy đã treo cổ bằng chính chiếc áo sơ mi của mình.

Vào ngày anh Tả Chí Cương bị bức hại, nhiệt độ cao trong nhiều ngày ở Thạch Gia Trang đột ngột giảm xuống, bỗng chốc trở nên lạnh giá bất thường. Dù là tháng 5 nhưng tuyết lại rơi dày đặc tại khu thắng cảnh huyện Linh Thọ tỉnh Hà Bắc, dày chừng hơn một thước (hơn ⅓ mét).

Người dân trong thành phố vô cùng sợ hãi và bàn tán khắp nơi: Tuyết rơi tháng 6 nhất định có kỳ oan. Người tốt có đức tin vào Chân Thiện Nhẫn lại bị bức hại tàn nhẫn, những vụ án oan như vậy vẫn liên tiếp xảy ra trong suốt hơn 20 năm qua. Ngày nay trận đại dịch đang hoành hành, các loại thiên tai dị tượng không ngừng xảy ra. Việc tuyết rơi tháng 6 là ông trời đang chỉ cho chúng ta điều gì? Mượn câu chuyện cổ xem xét việc hiện tại, chúng ta hãy cùng nhau xem lại một câu chuyện lịch sử quen thuộc, đây cũng là nguyên mẫu của hý kịch “Oan Đậu Nga”, câu chuyện về một người phụ nữ hiếu thảo ở Đông Hải, tuy nhiên phần tiếp theo của nó mới đáng để chúng ta suy ngẫm sâu sắc hơn.

Thời Tây Hán có xảy ra một vụ “Án oan Đông Hải”. Chuyện kể rằng, ở huyện Đông Hải có một người phụ nữ hiếu thuận tên Chu Thanh, góa chồng khi còn trẻ và cũng không có con cái nối dõi, nhưng nàng vẫn hiếu thuận với mẹ chồng trước sau như một. Người mẹ chồng thấy nàng vẫn còn trẻ bèn khuyên cô nên cải giá, tuy nhiên người con dâu hiếu thảo luôn từ chối.

Người mẹ chồng vì thương xót con dâu, không muốn nàng bị liên lụy nên đã treo cổ tự vẫn. Người con dâu hiếu thảo vô cùng đau khổ, nhưng lúc đó người con gái của mẹ chồng lại báo lên quan phủ, nói rằng chính người con dâu đã giết hại mẹ mình. Quan phủ phái nha dịch đi bắt nàng. Nàng khốn khổ biện giải rằng bản thân không sát hại mẹ chồng, nhưng dưới sự bức cung của nha huyện cuối cùng nàng cũng phải nhận tội. Theo [Liệt Nữ Truyền] có ghi lại, trước khi người con dâu hiếu thảo bị chặt đầu, trên chiếc xe hành hình chất đầy những thân trúc dài mười thước để treo cờ phướn.

Người con dâu tuyên thề trước công chúng rằng: “Trời ở trên cao, thiên lý sáng tỏ, nếu tôi thực sự có tội thì giết không tha, sau khi chặt đầu máu sẽ rơi xuống đất. Nếu tôi chết oan thì máu sẽ chảy ngược”.

Sau khi đao phủ hành hình xong, máu tươi của người con dâu hiếu thảo phun thẳng lên thân cây trúc, máu phun lên đến đỉnh rồi lại chảy xuống. Về sau huyện Đông Hải xảy ra hạn hán lớn trong ba năm, hoa màu chết khô không thu hoạch được gì, người dân kêu khổ không ngừng. Thái thú nha huyện lúc đó vì có liên quan đến sự việc cũng đã bị vạch tội và bị lưu đày đến biên cương, mọi người đều nói đây chính là ác báo.

Sau khi tân Thái thú đến nhậm chức, ông đã đi thị sát dân tình và cho triệu tập các phụ lão thân hào địa phương đến phủ của ông để hỏi về nguyên nhân của trận hạn hán và cách giải quyết. Có một người trong đó nói: “Theo như tôi nhìn thấy thì lúc đó người con dâu hiếu thảo kia không nên bị kết án tử hình, người Thái thú tiền nhiệm đã giết oan cô ấy, ông trời phẫn nộ nên mới có tai họa này. Sai lầm chính là ở chỗ này”. Đây chính là Vu Công – người đã cố gắng giải oan cho người con dâu hiếu thảo khi đó. Nhưng trong đó cũng có thân hào thắc mắc hỏi: “Chu Thanh kỳ thực bị oan, nhưng cũng chỉ là do Thái thú trước kia tự làm theo ý mình, có tội cũng chỉ là mình ông ta thôi, tại sao toàn huyện Đông Hải lại bị hạn hán nghiêm trọng và liên lụy đến toàn dân thường như vậy chứ? Người dân đâu có giết người con dâu hiếu thảo kia đâu?”. Tân Thái thú nghe xong trong tâm cũng không khỏi có những thắc mắc. Vì vậy ông đã sai người lấy lại hồ sơ vụ án của Chu Thanh, muốn tự bản thân thẩm duyệt, sau đó mới định đoạt.

Vị Thái thú ngồi trước công đường mở hồ sơ vụ án xem một cách tỉ mỉ. Bất tri bất giác trời đã tối từ lúc nào rồi. Đột nhiên ông nhìn thấy hai người sai dịch bước đến công đường, chắp tay hành lễ với ông và nói: “Hoàng gia nhà chúng tôi mời ông đi một chuyến”. Vị Thái thú bất giác không làm chủ được bản thân cứ vậy mà đi theo, thì ra vị “Hoàng gia” đó chính là Thần Thành Hoàng của huyện này. Thần Thành Hoàng nói với ông: “Nghe nói tân Thái thú đang thăm dò về tai họa nên bản vương đặc biệt mời ông đến đây để nói cho ông hay: Những gì mà Vu Công nói chính là sự thật. Kỳ thực chính là bởi vì người con dâu hiếu thảo bị oan cho nên ông trời phẫn nộ, giáng xuống hạn hán nghiêm trọng mấy năm liền để cảnh cáo thế nhân”. Vị Thái thú nghe vậy liền chắp tay hỏi Thần Thành Hoàng: “Nếu nói như vậy, hạ quan có mấy điều thắc mắc hy vọng Ngô Vương có thể cho tôi một chút điểm ngộ”. Thế là ông nói ra những câu hỏi của thân hào.

Thần Thành Hoàng gật đầu trả lời: “Thật vậy, phán tử hình là quyết định của một mình Thái thú, khinh thường mạng sống con người. Thêm vào đó, làm một người quan phụ mẫu của bách tính, ông ta nên đề xướng và khen ngợi lòng hiếu đễ, chấn chỉnh phong tục nhân gian. Nhưng ông ta lại giết oan người con dâu hiếu thảo, hãm hại người tốt, như thế làm cho phong tục tập quán bất chính, nhân tâm trượt dốc, đạo đức bại hoại, nhân gian không giảng chính nghĩa, cho nên tội của ông ta là rất lớn.

Phúc phận của ông ta ở nhân gian không chỉ tiêu đi một lượng lớn, mà dương thọ của ông ta cũng giảm đi rất nhiều; sau khi chết còn phải xuống địa ngục để bồi hoàn hết thảy tội lỗi của mình. Không chỉ có vậy, nó còn liên lụy đến con cháu đời sau này.

Còn về việc tại sao trời giáng hạn hán xuống gây nguy hại cho bách tính? Bởi vì nhiều người dân ở huyện Đông Hải từ trước đến nay đều biết hiếu hạnh của người con dâu, biết rõ rằng cô ấy bị oan nhưng lại không dám nói lời công đạo mà lại im lặng, ngậm miệng không nói. Những điều này chính là chỉ vì muốn bảo vệ bản thân, không dám đứng ra vì chính nghĩa, trên thực tế đã khởi tác dụng trở thành đồng lõa, cũng được xem là bất nghĩa. Thậm chí còn có người tin tên hôn quan hồ đồ, cho rằng người con dâu thật sự đã giết mẹ chồng, đây được xem là bất nhân. Thần rất xem trọng nhân tâm, người mất đi tinh thần trượng nghĩa, lẽ nào không nên bị phạt sao? Từ góc độ này mà giảng, toàn bộ người dân huyện Đông Hải đều có tội. Cho nên đại hạn hán xảy ra toàn huyện, ông trời là có mắt, từ trước đến nay không có tai họa nào là vô cớ; thiên tai nhân họa đều là để trừng phạt những kẻ bất nhân bất nghĩa! Thiên lý rất công bằng, hết thảy đều có nguyên nhân của nó.

Tân Thái thú nghe vậy liền dạ dạ vâng vâng liên tục, mười phần tâm phục. Gật đầu lia lịa và chắp tay vái Thần Thành Hoàng nói: “Hạ quan minh bạch rồi, hạ quan đã biết nên làm thế nào rồi. Tôi xin thận trọng thọ giáo và cảm ơn Tôn Thần!”. Thần Thành Hoàng nghe vậy thì gật đầu tán dương và lệnh cho sai dịch đưa ông về phủ. Vị Thái thú này đột nhiên ngã nhào một cái, tỉnh dậy trong kinh ngạc, thì ra đây là một giấc mộng. Nhưng những tình cảnh trong giấc mộng hiện rõ mồn một trước mắt, lời của Thần Thành Hoàng vẫn còn văng vẳng bên tai. Nhìn hồ sơ vụ án của người con dâu hiếu thảo trước mắt, trong lòng không khỏi cảm thán: Ôi mắt Thần như điện, mắt Thần như điện! Thiên tâm không thể gạt, thiên lý không thể phạm!

Sang ngày thứ hai khi trời vừa sáng, Thái thú liền cho triệu tập các phụ lão thân hào đến và đem những lời của Thần Thành Hoàng giảng lại cho họ. Sau đó ông cho chuẩn bị vật phẩm tế lễ và dẫn theo phụ lão thân hào đến mộ của người con dâu hiếu thảo Chu Thanh để tế lễ. Ông cũng cho lập bài vị bằng đá và khắc lên đó biểu dương đức hạnh hiếu thảo của cô, ông còn cho viết một đoạn điếu văn trả lại sự thanh sạch cho người con dâu hiếu thảo.

Bài điếu văn cũng đại biểu cho toàn bộ người dân bách tính toàn huyện Đông Hải thành tâm sám hối và nhận lỗi. Nghi thức lễ tế vẫn chưa kết thúc thì nhìn thấy trên bầu trời mây đen dày đặc, lập tức trút xuống một trận mưa to. Huyện Đông Hải một năm đó mưa thuận gió hòa, vụ mùa bội thu. Trong việc này, Vu Công là người luôn tìm cách để giải oan cho cho người con dâu hiếu thảo, bởi vì kiên định chính nghĩa và lương tri, dám thẳng thắn lên tiếng can ngăn, không màng tới thiệt hơn của cá nhân nên đã để lại phúc đức cho đời sau. Trong Hán Thư có ghi chép lại rằng, con trai ông ấy là Vu Định Quốc được làm tể tướng, ngoài ra còn được vua phong cho chức đại phu ngự sử vĩnh viễn. Đây chính là thiện hữu thiện báo.

Trong câu chuyện này, khi đối diện với người con dâu hiếu thảo bị chịu oan, chúng ta có thể nhìn thấy ba kiểu người. Một loại là giống như Vu Công đã hiểu được chân tướng sự việc và kiên trì với chính nghĩa và lương tri, ông đã từ bỏ lợi ích cá nhân và dám thẳng thắn lên tiếng can ngăn. Kết quả của kiểu người này chính là phúc báo đời đời, để lại phúc đức cho đời sau. Còn kiểu người im lặng trước tội ác, như vậy càng làm cho kẻ tà ác ung dung ngoài vòng pháp luật. Kiểu người này có thể cũng đã biết chân tướng, nhưng sợ hãi trước cường quyền nên không dám nói lời công đạo. Cũng có thể họ cự tuyệt tìm hiểu chân tướng, trực tiếp nghe và tin theo lời nói dối, cuối cùng khởi tác dụng thêm dầu vào lửa, trợ trụ vi ngược. Điều này giống như những người dân thường được đề cập trong bài viết, khi trời giáng xuống tai họa thì sẽ không vượt qua được. Đến cuối cùng kiểu người này cũng giống như người Thái thú xét án oan cho người con dâu hiếu thảo, kết cục cuối cùng như Thần Thành Hoàng trong câu chuyện đã nói chính là phúc phận tiêu đi rất lớn, dương thọ cũng giảm xuống nhiều, sau khi chết còn bị đọa xuống địa ngục để bồi hoàn cho tội lỗi của mình.

Phản chiếu lại ngày nay, chẳng phải cũng là như vậy sao? Rất nhiều học viên Pháp Luân Đại Pháp với đức tin vào Chân Thiện Nhẫn, bởi vì kiên định làm người tốt, không từ bỏ tín ngưỡng của mình mà bị tà đảng Trung Cộng phỉ báng và bôi nhọ, còn muốn hợp lý hóa việc bức hại tàn khốc đối với những người lương thiện.

Nhưng làm như vậy thì người chịu hại cuối cùng là ai chứ? Chính là những người đã bị những lời nói dối lừa gạt, trợ trụ vi ngược. Những học viên Pháp luân Đại Pháp vì tâm tồn Chân Thiện Nhẫn, không đành lòng thấy nhiều người như vậy bị tà đảng Trung Cộng lừa dối đi theo nó đến vực thẳm của tội ác, vì vậy dưới áp lực của cuộc bức hại và lừa dối, họ đã đứng ra giảng thanh chân tướng cho mỗi người Trung Quốc, chính là hy vọng sớm ngày chấm dứt cuộc bức hại đối với nhân tính và lương tri, để mọi người minh bạch chân tướng mà lựa chọn một tương lai tốt đẹp.

Thiện ác hữu báo! Có rất nhiều ví dụ về những người đắc được phúc báo vì đã hiểu chân tướng và tin rằng Pháp Luân Đại Pháp là tốt. Ngược lại, những ví dụ về người phải chịu ác báo vì đã tham gia bức hại học viên Pháp Luân Đại Pháp cũng không có gì là lạ. Cũng như ngày nay thiên tượng dị thường, chẳng phải là ông trời đang nhắc nhở con người đại nạn đang đến gần, hãy mau mau tìm chân tướng sao?

Tuyết rơi tháng sáu nhân gian tất có oan tình, bức hại những người tu luyện lương thiện như vậy trên quy mô lớn, tội nghiệp cuồn cuộn, không phải là không có báo ứng mà chỉ là thời điểm chưa đến. Thần Phật là từ bi làm sao có thể giáng xuống những tai họa vô lý được. Những gì người tu luyện truyền đạt ở thế gian là thiên đạo, đối ứng với nhân tâm. Những người thế gian bị mê lạc bởi danh lợi mới chính là người chịu hại của oan tình này. Đột phá ngu kiến và mê lạc, thoát khỏi nanh vuốt của tà đảng và thoái xuất khỏi các tổ chức của Trung Cộng (đảng, đoàn, đội), đây mới là phương pháp tự cứu thực sự, mới chính là vì bản thân và người thân mà lựa chọn một tương lai tốt đẹp.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/259896



Ngày đăng: 08-03-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.