Suy nghĩ về tu luyện: Bực bội, khó chịu là do tính toán được và mất
Tác giả: Đệ tử Đại Pháp
[ChanhKien.org]
Thỉnh thoảng tôi lại thấy cáu kỉnh, bực bội và khó chịu trong người, gần đây tôi đã có nhận thức rõ hơn về việc này rằng đằng sau việc bực bội đó là sự tính toán được – mất, được thì vui mừng, mất thì khó chịu, chịu thiệt thòi, tổn thất thì trong lòng phiền não, kỳ thực căn nguyên chính là cái tâm không muốn chịu thiệt.
Khi các con còn nhỏ, tôi thường khó chịu khi chăm sóc chúng, đơn giản là vì tôi cảm thấy con cái bất tiện và chiếm hết thời gian của tôi, thấy ảnh hưởng đến việc học Pháp luyện công của mình, hơn nữa cho rằng phải dỗ dành trẻ như thế là việc làm có “giá trị thấp”, trong lòng cảm thấy không vui, liền phát cáu, tức giận với con cái. Khi dành thời gian chăm sóc chúng, cũng chỉ hy vọng chúng có thể ngoan ngoãn nghe lời đến học Pháp luyện công chứ không sẵn lòng chơi với chúng. Đằng sau đó vẫn là sự tính toán được – mất.
Khi tham gia dịch một bản thảo, lúc dịch được thuận lợi thì thấy vui vẻ, khi cần phải làm công đoạn cắt gọt bài cho nuột nà thì tôi lại cáu kỉnh. Tôi cảm thấy việc dành ít thời gian để hoàn thành một bản dịch sẽ có lợi và kiếm được khoản hời, nhưng dành nhiều thời gian hơn để hoàn thành một bản dịch dường như là một sự mất mát. Đó cũng là một cái tâm được – mất rất mạnh mẽ. Đằng sau đó còn là một tư duy áp đặt chung của văn hóa Đảng, cảm thấy đều là dịch một bài văn cả thôi, kết quả giống nhau, thành tích như nhau, nhưng thời gian sử dụng lại khác nhau… bàn tính gẩy đang nhảy nhót trong đầu, đây khác nào tính toán nhỏ nhặt kia chứ? Nhưng kỳ thực làm sao có thể nghĩ như vậy được? Bởi vì tình huống cụ thể rất khác nhau.
Khi dọn dẹp vệ sinh, tôi ước mình có thể hoàn thành công việc ngay lập tức, gặp phải việc gì phải dùng nhiều thời gian thì lại cáu kỉnh, đôi khi vì thiếu kiên nhẫn mà va vào đồ vật làm cho chúng kêu leng keng. Đằng sau đó lại là cái tâm được – mất, cảm thấy như mình đã lãng phí thêm thời gian, phải chịu tổn thất, mất mát rồi.
Khi giao lưu với đồng tu cũng như vậy, khi chia sẻ của đồng tu có ý nghĩa đối với mình, thì cảm thấy có thu hoạch, liền vui mừng, khi đồng tu chia sẻ không phù hợp với mình, thì lại cảm thấy không có lợi ích gì, lãng phí thời gian, vậy liền không vui, cáu kỉnh hoặc là phản ứng, cảm thấy giao lưu như vậy lãng phí thời gian của mình mà không mang lại lợi lộc gì, mình đã phải chịu thiệt mất rồi.
Bực bội khó chịu, không chỉ biểu hiện ra ở việc đối đãi với người khác hay đối đãi với các sự việc, mà nó còn thể ra ở việc đối đãi với bản thân. Ví dụ, thức dậy bị muộn, thì đi liền với nó là vừa thức dậy đã cáu kỉnh, cảm thấy lãng phí mất thời gian rồi. Kỳ thực, đây không phải là thể hiện tinh tấn hơn, mà là biểu hiện của nhân tâm nặng nề, đối với sai lầm của mình và người khác đều không lượng thứ cũng không thấu hiểu, chỉ cần ai đó làm mình tổn thất phải chịu thiệt là không làm, là có thái độ, mà không duy trì tâm thái bình tĩnh, bình hòa. Trên thực tế, con người làm sao tránh khỏi mắc sai lầm chứ? Đều là từ trong sai lầm mà ngộ đạo, sau khi ngã rồi thì lại bò lên bước tiếp, không ngừng trải qua quá trình này. Tự mình vừa xuất hiện sai sót liền khó chịu, đây chẳng đúng là tâm được – mất rất nặng sao, chính là thể hiện của nhân tâm, quan niệm và cái tình của con người, đằng sau nó chính là tâm chỉ muốn được mà không muốn mất. Cách làm đúng đắn nên là, từ trong sai lầm mà suy nghĩ một cách lý tính, tổng kết rút kinh nghiệm, hơn nữa còn phải cho mình có thời gian để sửa chữa, thay vì chỉ hy vọng thay đổi sau một đêm.
Có những đồng tu, cảm thấy có con rồi thì sẽ ảnh hưởng đến làm ba việc, nên quyết định sau khi kết hôn không cần sinh con, dốc toàn lực cho việc tu luyện, làm như vậy cũng không có gì đáng trách. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, theo tôi quan sát thấy, trong những đồng tu này, có một số người rất coi trọng tính toán được – mất, họ sẽ mang nhân tâm được – mất này vào trong hạng mục, nếu phải dành thêm chút thời gian cho một mắt xích nào đó thì khi phối hợp sẽ khó chịu, oán trách, cảm thấy làm ảnh hưởng đến các việc khác của mình rồi. Ngược lại lại có một số đồng tu làm mẹ rất kiên nhẫn, thì khi phối hợp trong hạng mục cũng không tính toán được – mất, thể hiện ra sự phó xuất vô điều kiện và tâm tính không sợ chịu thiệt. Từ đó tôi ngộ ra rằng, tu luyện là tu tâm, xem tâm tính cao thấp ra sao, chứ không phải là tích luỹ thời gian và “thành quả”, tâm tính toán được – mất cần phải vứt bỏ.
Một câu thoại trong bộ phim “Trở lại thành Thần” đã chỉ thẳng vào cái tâm của tôi, Bạch Phượng nói với Triệu Hải Phong rằng: “Bởi vì anh luôn tính toán, luôn chỉ muốn đạt được thôi”. Sau khi nghe xong tôi có cảm giác, chẳng phải đây là đang nói về mình sao? Vô tình tôi đã chuyển toàn bộ tâm được – mất vào trong tu luyện, chẳng qua cũng là từ tính toán lợi ích ở trong người thường mà chuyển sang thành tính toán được – mất lợi ích trong tu luyện mà thôi, cái “lợi ích” trong tu luyện quả là nhiều, bao gồm cả thời gian của cá nhân, sự cân nhắc giữa phó xuất và kết quả thu được v.v…
Tâm lý “luôn mong muốn đạt được” thực sự là không thiện, bởi vì mọi lợi ích trên thế gian đều mâu thuẫn với nhau, bản thân chỉ muốn được, vậy có lẽ vô tình sẽ chiếm lợi ích của người khác, người khác sẽ phải chịu mất mát. Ví dụ như cá nhân không muốn dành thời gian chơi với các con, thu được nhiều lợi ích hơn trong quỹ thời gian của mình, nhưng kỳ thực lại là chiếm mất lợi ích của con cái. Một số nghiên cứu đại khái nói rằng, sự bầu bạn, đồng hành của cha mẹ dành cho con cái chính là thứ đáng quý nhất. Khi dọn dẹp nhà vệ sinh bản thân luôn vội vàng, không muốn mất nhiều thời gian, như thế, những người liên quan có thể sẽ phải nhận tổn thất, môi trường không được giữ sạch sẽ, nếu là vì vội vàng mà làm hư hỏng đồ vật, vậy càng làm tổn hại đến sinh mệnh khác.
Xung quanh tôi có những đồng tu hay tức giận, dễ cáu kỉnh, luôn mong muốn thay đổi tính khí, kỳ thực tôi cảm thấy rằng, nguồn gốc có lẽ cũng liên quan đến tâm được – mất, cũng có thể là cần tu luyện ở phương diện chấp trước vào được và mất, tâm không chịu tổn thất. Có thể nên tìm một chút từ phương diện này, xem xem rốt cuộc là vì sao lại bực bội, cáu kỉnh như vậy.
Trên đây là một số thể hội của tôi gần đây, phơi bày ra chấp trước vào được – mất của mình, đồng thời cũng hy vọng có thể mang đến cho các đồng tu một số bài học. Nếu có điểm nào chưa thỏa đáng, xin từ bi chỉ chính.
Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/287053
Ngày đăng: 19-12-2023
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.