Một chút thiển ngộ về Pháp lý “phân nhà” của Sư phụ
Tác giả: Đệ tử Đại Pháp Đại Lục
[ChanhKien.org]
Sư phụ giảng:
“Lấy một ví dụ; một hôm đơn vị [công tác] phân nhà, lãnh đạo nói: ‘Ai thiếu nhà ở hãy qua đây, trình bày hoàn cảnh, nói xem cá nhân cần nhà ở như thế nào’. Mỗi người đều nói về mình, riêng anh kia không nói gì cả. Cuối cùng lãnh đạo xét qua liền thấy rằng anh này khó khăn hơn mọi người khác, cần cấp nhà cho anh ta. Người khác nói: ‘Không được, nhà ấy không thể cấp cho anh ta, cần cấp cho tôi, tôi cần căn hộ như thế như thế’. Anh ta nói: ‘Thế thì ông lấy đi’. Nếu người thường xét, thì cá nhân kia thật ngốc. Có người biết rằng anh ta là người luyện công, bèn hỏi anh ta: ‘Người luyện công các anh không muốn gì cả; hỏi anh muốn gì?’ Anh ta nói: ‘Điều người khác không muốn, tôi muốn’. Thực ra anh ta không ngốc chút nào hết, rất tinh minh. Chính về mặt lợi ích thiết thân của cá nhân, thì đối đãi như vậy; anh ta giảng tuỳ kỳ tự nhiên”. (Chuyển Pháp Luân)
Sau khi tu luyện, trong quá trình làm kinh doanh tôi thường dùng đoạn Pháp này của Sư phụ để đo lường chính mình. Tôi cảm thấy đoạn Pháp này làm tiêu chuẩn để đánh giá một người tu luyện khi đối diện với lợi ích trước mắt, nếu đồng hóa được với Pháp thì đó chính là một người đắc Đạo.
Thử lý giải một chút, tại sao khi phân nhà người khác tranh giành thì tranh không được còn lãnh đạo lại muốn cấp nhà cho anh ta? Trước đây khi đọc đoạn Pháp trên tôi thường cảm thấy rằng vị lãnh đạo này là người có lòng thông cảm, có nghĩa khí, chính trực, có thể xử sự công bằng. Sau này, tôi chợt ngộ ra: Vấn đề không phải là vị lãnh đạo tốt và chính trực như thế nào, mà là khi người tu luyện này buông bỏ tâm lợi ích, không đi tranh đoạt với người khác, xem danh lợi thật đạm bạc thì vị ấy đã phù hợp với các tiêu chuẩn của Phật Pháp, Thần ở không gian khác sẽ khống chế vị lãnh đạo đưa ra quyết định. Mọi thứ đều là sự an bài có trình tự của Thần, con người xưa nay chưa từng tự quyết định được. Bất kể là người phàm tục hay là người tu luyện, Thần sẽ không vì việc bạn có thể tranh đoạt được mà cấp cho bạn nhiều hơn, cũng sẽ không vì việc bạn không tranh đoạt được mà cấp cho bạn ít hơn. Sư phụ giảng:
“Như vậy những người tu luyện chúng ta lại càng không nên thế; những người tu luyện chúng ta giảng ‘tuỳ kỳ tự nhiên’; cái gì của chư vị thì sẽ không mất, cái gì không của chư vị thì chư vị [dù có] tranh [giành] cũng không được”. (Chuyển Pháp Luân)
Trong quá trình nhiều năm làm kinh doanh tôi đã có thể hội sâu sắc về đoạn Pháp này của Sư phụ, lúc mới bắt đầu tôi thường dùng trí huệ và năng lực của con người để giành lấy thương hiệu, giành thị trường, nhưng bây giờ đã không tranh không giành chi nữa, cứ “tuỳ kỳ tự nhiên” mà làm, thu nhập cũng không thiếu đi chút nào. Lấy một thí dụ: Có một thương hiệu nổi tiếng khắp cả nước và những người cùng ngành trong khu vực của chúng tôi đều cạnh tranh quyền đại lý cho sản phẩm này. Lúc đó cái tâm của tôi rất đạm bạc, cảm thấy người tu luyện không nên đi tranh, có gì bán nấy, cũng không để tâm tới sự việc này. Và việc kinh doanh vẫn tiến triển tốt. Tuy nhiên trong một lần tham gia triển lãm sản phẩm các ngành nghề trên toàn quốc, giám đốc kinh doanh của tôi bất ngờ phát hiện ra công ty sản xuất sản phẩm ấy đang tìm đại lý ở khu vực chỗ tôi, họ cũng nghe nói công ty tôi rất có uy tín nên chỉ đích danh muốn hợp tác với chúng tôi. Điều này làm tôi ngạc nhiên vì những người cùng ngành trong khu vực của chúng tôi cũng có tham dự triển lãm. Nhưng họ không nhìn thấy gian hàng trưng bày sản phẩm của công ty có thương hiệu kia. Tôi ngộ ra rằng Sư phụ thấy tôi đã đạt tiêu chuẩn về phương diện lợi ích, tâm đã buông rồi nên đã để tôi làm, tu luyện Đại Pháp là có phúc phận. Sau sự việc đó những người làm trong nghề của tôi đều cảm thấy kỳ lạ, tại sao tôi không đi tranh đoạt mà việc tốt lành như vậy lại rơi xuống đầu tôi? Mặc dù trong xã hội ngày nay nhân tâm rất phức tạp, thương trường cũng rất hỗn loạn nhưng là người tu luyện, chỉ cần là tâm tính đạt đến tiêu chuẩn thì điều gì Sư phụ cũng có thể làm cho chúng ta. Nhưng mà, khi chúng ta thực sự đắc được điều gì đó của người thường chúng ta lại thấy danh lợi đối với người tu luyện thật chẳng có ý nghĩa gì cả.
Bên cạnh tôi có một đồng tu mà công việc kinh doanh không được tốt cho lắm và anh ấy rất lo lắng. Có lần tôi mơ một giấc mơ: Tôi tay cầm một cây gậy gỗ (tiền) cố gắng đuổi kịp người phía trước (bạc) nhưng đuổi thế nào cũng không kịp. Càng đuổi họ càng cách xa tôi hơn. Nhân tâm càng mạnh thì càng xa rời Đạo, càng dễ bị tà ác dùi vào sơ hở. Người thường chẳng phải có câu “tranh lui đấu tới tay trắng tay” sao? Còn có một đồng tu mà đơn vị không bình xét tăng lương trong nhiều năm. Nhiều người xung quanh anh ấy đã sử dụng giấy tờ chứng nhận giả, tạo mối quan hệ để được bình xét. Dưới áp lực từ gia đình và người thân anh ấy cũng làm giấy tờ giả để tham gia bình xét, kết quả rất thê thảm. Tuy rằng đồng tu cũng ngộ ra được không nên làm như vậy, cũng đã tu bỏ được một số nhân tâm rồi, nhưng tôi nghĩ nếu chúng ta dùng Pháp lý “phân nhà” để yêu cầu chính mình, đo lường chính mình thì chẳng phải sẽ đề cao nhanh hơn? Đồng hoá được với Pháp thì đã là người đắc Đạo rồi.
Ngày đăng: 31-12-2023
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.