Trân quý mỗi từng cơ hội đề cao trong tu luyện
Tác giả: Đệ tử Đại Pháp tại Canada
[ChanhKien.org]
Kính chào Sư phụ tôn kính!
Kính chào các bạn đồng tu!
Sư phụ đã chỉ rõ trong bài giảng thứ nhất, sách “Chuyển Pháp Luân“ rằng:
“[Tôi] nói rõ cho chư vị một chân lý: toàn bộ quá trình tu luyện của người ta chính là quá trình liên tục tống khứ tâm chấp trước của con người”
Gần đây tôi có một loại cảm giác, rằng tu luyện đã đến cuối cùng rồi, khi đối mặt với các tình huống khác nhau, nếu như biết nắm bắt từng cơ hội để tu chính mình thì có thể đề cao bản thân thêm một bước nữa. Nếu không, một khi cơ hội qua đi thì sẽ rất đáng tiếc và sẽ không tìm lại được một cơ hội như vậy nữa. Do đó việc nắm chắc mọi cơ hội để tu luyện là điều mà tôi cần phải làm tốt bây giờ. Sau đây là một chút thể hội của bản thân tôi muốn chia sẻ với mọi người, nếu có điều chi không đúng xin các đồng tu từ bi chỉ giúp.
Khi phải đối diện với nhiều cấp trên
Vào đầu năm nay, hai công ty truyền thông là Epoch Times và NTDTV ở Toronto đã sáp nhập lại, tự trong lòng mình tôi cảm thấy rất vui sướng: bởi đây là nguyện vọng mà tôi đã ấp ủ trong bao năm, cuối cùng thì chúng tôi thực sự đã thành một gia đình. Chúng tôi có thể chia sẻ tư liệu với nhau, cùng nhau học Pháp luyện công, cùng nhau dùng bữa, cùng nhau vượt quan, chỉnh thể đề cao, chỉnh thể thăng hoa. Nhưng vạn sự khởi đầu nan, lúc mới sáp nhập có chút rối loạn, tôi vốn là giám đốc văn phòng của đài NTDTV giờ chuyển thành tổng quản lý của tập đoàn truyền thông Epoch Times. Bất kể quyết định nào tôi đưa ra cũng phải được sự đồng ý của các bên thì mới có thể tiến hành thuận lợi, nếu không sẽ không thực hiện được, đối với một người nóng nảy như tôi, đó thực sự là một khảo nghiệm về tính nhẫn nại và tôi cũng đã gây ra không ít rắc rối.
Nhớ có lần tôi nói chuyện riêng với các đồng tu và nhờ một vị đồng tu nhận thêm công việc bán thời gian. Một hôm, sếp C nói với tôi: “Cô làm người của tôi sợ chạy mất rồi, người ta nghỉ việc không làm nữa, bây giờ thành ra thiếu nhân sự. Cô thật biết ỷ thế, cái gì cũng cho mình là đúng, ai gặp cô cũng sợ, đều run lên cả”. Tôi biết mình đã gây hoạ, bèn vội giải thích rằng tôi có ý tốt muốn để đồng tu có thêm chút thu nhập. Sếp C hoàn toàn không muốn nghe tôi giải thích và tức giận bỏ đi. Tôi lập tức gọi cho đồng tu nọ nhưng anh ấy cứ không chịu bắt máy của tôi, vì vậy tôi phải gọi mãi. Cuối cùng anh ấy cũng nghe máy, tôi xin anh thứ lỗi cho vì giao tiếp của tôi không được tốt khiến anh hiểu lầm, tôi khóc lóc van xin anh ấy quay lại làm việc. Vị đồng tu ấy cũng rất tốt, đã vội đồng ý quay lại làm việc vào ngày hôm sau.
Ngồi trong văn phòng tôi đã khóc rất lâu, không hiểu tại sao cái tâm thì tốt mà tôi lại làm việc xấu, không hiểu tại sao sếp C, người mà tôi luôn phối hợp (trước giờ anh ấy muốn tôi làm gì tôi đều luôn gắng sức phối hợp với anh), lại chỉ trích tôi gay gắt như vậy. Về đến nhà cũng đã 12 giờ, tôi thấy trên mặt mình nước mắt vẫn lã chã rơi, tôi lại tiếp tục khóc trong nhà xe, vì tôi không muốn về nhà để chồng nhìn thấy tôi khóc. Tôi e rằng anh ấy không những không an ủi tôi mà còn rắc muối vào vết thương của tôi. Bởi vì anh ấy thường nói với tôi: “Chút quan này còn không qua được thì nói gì đến quan sinh tử?”
Tôi ngồi trong nhà xe khóc thêm nửa giờ nữa, khoảng thời gian lúc đó thật thần kỳ, tôi chia nó thành ba giai đoạn: giai đoạn đầu tiên tôi cảm thấy thật uỷ khuất. Tâm trạng của tôi đột nhiên chuyển sang giai đoạn thứ hai, không còn cảm thấy uỷ khuất nữa mà những giọt nước mắt của sự hối lỗi đang lăn xuống. Tôi cảm thấy tu luyện bao nhiêu năm mà mình vẫn còn sai kém như vậy, cảm thấy những gì sếp C nói như “thật biết ỷ thế, cái gì cũng cho mình là đúng, ai gặp tôi cũng sợ” là đúng. Bởi vì thông thường khi người khác nói về tôi tôi đều không cho đó là đúng, bây giờ lại bị người mà tôi tín nhiệm đánh cho một gậy như vậy tôi mới cảm giác thấy những gì họ nói là đúng và mới có thể nhận ra những chỗ thiếu sót của bản thân một cách triệt để, mới có thể hạ quyết tâm thay đổi. Sau đó đến giai đoạn cuối, đó là những giọt nước mắt của lòng cảm ân, cảm ân Sư phụ đã cho tôi cơ hội tiếp tục tu luyện, cảm ân các đồng tu đã có trách nhiệm với tôi, không những không sợ đắc tội với tôi mà lại nghiêm khắc chỉ ra những thiếu sót cho tôi, để tôi có được nhận thức đầy đủ về những chấp trước mà tôi cần tu bỏ. Đồng thời khi trong tâm tôi không ngừng cảm tạ Sư phụ thì đột nhiên có một luồng nhiệt chạy từ đầu xuống chân, tôi biết rằng Sư phụ đang khích lệ tôi, và đột nhiên toàn thân tôi trở nên thật nhẹ nhõm. Xin cảm tạ Sư phụ!
Ngày hôm sau tôi vẫn còn chút tâm chưa hoàn toàn buông xuống được, bèn tìm gặp sếp A và B than vãn, nói rằng tôi không thể đảm nhận vị trí này và hỏi họ liệu có công việc nào khác cho tôi không. Sếp A và sếp B đều đáp rằng: “Chị tìm đâu ra cơ hội tốt như vậy để tu luyện chứ?” Khi kể khổ với các đồng tu, họ đều cười bảo tôi: “Bây giờ chị không làm việc này thì có thể làm việc gì? Quay trở lại làm nhân viên bán hàng sao? Ngày ngày ra ngoài đi xin tiền còn bị người ta mắng? Hiện giờ có chút quan cũng chẳng vượt qua được, còn tu luyện làm sao?” Xem ra là không thể từ chức được, tôi đành tiếp tục làm việc và chỉ còn cách nhắn tin cho sếp C, nói: “Thật xin lỗi, do tôi giao tiếp kém khiến anh gặp phiền phức như vậy, tôi nhắn tin để xin lỗi anh! Xin hãy tha lỗi cho tôi! Đồng thời cũng cảm ơn anh đã nhắc nhở và phê bình! Nếu không tôi thực sự không biết mình kém đến thế, tôi nhất định sẽ quy chính”. Sếp C trả lời tôi: “Chúng ta đều đang trong quá trình tu luyện mà. Cảm ơn cô”. Tôi vô cùng biết ơn vì mâu thuẫn của chúng tôi đã được hóa giải nhanh chóng như vậy. Qua đây tôi cũng thể hội được một điều: chính là khi chúng ta có mâu thuẫn với người điều phối thì không thể dựa vào cảm xúc cá nhân mà phán đoán đúng sai, khi người điều phối chỉ trích và phê bình chúng ta, có thể nói rằng xuất phát điểm của họ là dựa trên lợi ích của chỉnh thể, nếu chúng ta ôm giữ tâm bất bình với người điều phối như là việc cá nhân thì sẽ dễ sinh ra tâm bất mãn, sau đó có thể dẫn đến xung đột, sau sẽ thành đối kháng, cuối cùng sẽ là: “Tôi không làm nữa”! Người điều phối cũng sẽ nói: “Không làm nữa thì thôi!” Khi việc này xảy ra ai sẽ là người cảm thấy cao hứng nhất? Cựu thế lực sẽ thấy cao hứng nhất. Vì vậy chúng ta đừng bao giờ để bị mắc lừa! Trong thời kỳ Chính Pháp này, là một đệ tử Đại Pháp, có điều gì thần thánh hơn việc được công tác và tu luyện trong các hạng mục Chính Pháp?!
Khi phải đối diện với thứ cần buông bỏ
Khi hai cơ quan truyền thông lớn sáp nhập lại, công việc của tôi là phải quản lý bốn đơn vị công tác nhỏ. Khối lượng công việc đã tăng lên gấp mấy lần. Sếp A bảo tôi nên chọn cho mình một văn phòng để có thể làm việc ở đơn vị đông người. Tôi vừa dọn dẹp cái văn phòng nhỏ của mình xong thì có rất nhiều đồng tu đến giao lưu, khi cánh cửa đóng lại rồi tôi thực sự vẫn có chút cảm giác về dư vị của việc “làm quan”, trong lòng nghĩ sau hơn mười mấy năm làm việc cuối cùng mình cũng ra vẻ một quan chức rồi. Nhưng ngày vui qua mau, ghế ngồi của tôi còn chưa kịp nóng thì sếp A đến bảo: “Có người phản ánh rằng bên trong chỗ cô khá ồn ào, ngoài ra rất nhiều quản lý làm việc lâu năm hiện vẫn chưa có phòng riêng”. Tôi vừa nghe đã biết chuyện gì đang xảy ra, liền nói: “Tôi sẽ rút lui khỏi văn phòng”. Lúc này sếp A lại nói: “Chúng ta mãi vẫn chưa tìm được người chịu ngồi ở quầy lễ tân, phải làm sao đây?” Nghe xong tôi đã minh bạch vấn đề hơn, liền nói: “Vâng, tôi có thể ra ngồi ở quầy lễ tân”. Tôi thấy mắt sếp A sáng lên và trên khuôn mặt nở một nụ cười hài lòng, vì tôi đã giúp cô ấy giải quyết hai vấn đề lớn cùng lúc. Đột nhiên tôi cảm thấy mình rất cao lớn, cảm thấy “vù” một cái cái công của tôi vọt lên rất cao, cảm thấy mình giống như người luyện công đã nhượng lại căn hộ cho người khác mà Sư phụ giảng trong sách:
“Cái cục đá bị đá đi đá lại trên mặt đất kia là không ai cần cả; vậy tôi nhặt cục đá ấy” (Chuyển Pháp Luân)
Nhưng khi về đến nhà rồi, nghĩ đi nghĩ lại tôi thấy sao mình lại có cảm giác như bị lừa vậy? Không được làm “quan”, mà lại thành “người gác cổng”. Tâm bất bình liền nổi lên, tối hôm ấy học Pháp tôi cảm giác cái công của mình “vù” một cái rớt xuống. Ngày hôm sau đi làm, bề ngoài tôi vui vẻ dọn đồ đạc ra quầy lễ tân nhưng khi mọi người hỏi sao lại ngồi ở đây tôi lại ngượng ngùng không dám trả lời. Điều khiến tôi càng xấu hổ hơn nữa là khi các đồng tu đi ra đi vào, họ hay gọi tôi là “tiểu muội”, “thím”, “cô Trương”, “bà Trương”, có người còn gọi tôi là “người đẹp”, tôi quả thực có chút khó chịu. Có lẽ Sư phụ thấy tôi sắp không qua được quan này nên tối ấy đã đem đến cho tôi một giấc mơ, trong mơ triển hiện trước mắt tôi là cảnh tượng “bạch nhật phi thăng”, vì tôi đang ở chỗ ngoài nhất của văn phòng phía trước nên tôi là người đầu tiên bay lên. Lúc tỉnh dậy tôi cảm động đến mức vội vàng lạy tạ Sư phụ! Cảm ơn Sư phụ đã khích lệ con! Vì nhân tâm của con còn nặng nên chưa làm tốt, đã để Sư phụ lo lắng rồi! Giờ đây tôi an nhiên ngồi ở quầy lễ tân, trong lòng cảm thấy rất vui, các đồng tu khi đi ra vào còn không ngừng đưa đồ ăn cho tôi, họ nói tôi đã trang trí quầy tiếp tân như một vườn hoa! Tôi nghĩ rằng kênh truyền thông của chúng ta đang hướng tới mục tiêu trở thành kênh truyền thông lớn nhất thế giới, quầy lễ tân của chúng ta cũng nên giống như quầy của các kênh truyền thông lớn, tất nhiên tôi cũng hy vọng rằng sẽ có nhiều các học viên trẻ tuổi hơn, xinh đẹp hơn đến đây ngồi. Tôi tin rằng cái ngày ấy nhất định sẽ đến với chúng ta.
Có một tin vui cho mọi người, kênh Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh của chúng ta bắt đầu từ ngày 22 sẽ thành trang báo có thu phí, do vậy tôi cũng có thể bán báo ở quầy lễ tân. Bây giờ tôi không chỉ là người canh cổng mà còn là chủ quầy báo.
Khi phải đối diện với sự “giúp đỡ” của đồng tu
Tôi là một người nhiệt tình, vui vẻ nhưng cũng là người hấp tấp, bộp chộp, do vậy trên con đường tu luyện việc tu bỏ cái tâm hấp tấp, bộp chộp vẫn cứ mãi gian nan. May thay, xung quanh tôi có rất nhiều đồng tu luôn giúp đỡ tôi. Lúc hai công ty vừa mới sáp nhập, có đồng tu nói: “Lần này được thăng chức rồi phải không? Chị cảm thấy thế nào?” Có người thấy tôi đến văn phòng thì nói: “Lãnh đạo đang đi thị sát à?” Có người nhìn thấy tôi đổ rác thì nói: “Ồ, lãnh đạo tự mình đổ rác, thật không tồi”. Có người nhìn thấy tôi đang rửa bát thì nói: “Chị muốn trở thành tiểu hòa thượng à? Mau tăng công nhé”. Thoạt đầu khi nghe những lời này, cũng biết rằng các đồng tu đang nói đùa, nhưng tôi vẫn cảm thấy không thoải mái lắm và phản bác lại rằng: “Thăng chức gì đâu, chẳng qua là số nhà vệ sinh tăng thêm gấp mấy lần, lượng nhân viên phải chăm lo tăng gấp mấy lần”, hay “Lãnh đạo gì đâu, chỉ là công việc tăng gấp mấy lần thôi, bạn đến mà làm đi”.
Sau này tôi ý thức ra được, kỳ thực, không nên cho là đồng tu đang chế nhạo hay châm biếm bạn, mà họ thực ra đang giúp đỡ bạn.
Có vị đồng tu mà mỗi lần gặp anh ấy, anh đều nói những lời bóng gió khó nghe. Có lần anh vào bếp rất muộn để xem còn bữa trưa không, tôi hỏi anh đã ăn gì chưa, anh dùng vẻ mặt không dễ coi mấy đáp lại: “Ăn rồi còn đến đây làm gì?” Tôi bèn hỏi anh: “Tại sao anh lại dùng thái độ này mỗi khi nói chuyện với tôi?” Anh ấy nói rất nghiêm túc: “Dù tôi đối xử với cô thế nào thì đó là việc của tôi, nhưng cô nhất định phải đối xử với tôi cho tốt đó”. Nghe xong tôi thấy câu nói này thật có lý, liền lập tức mỉm cười hoan nghênh anh: “Anh nói đúng, ở đây vẫn còn chút đồ ăn, anh có thể dùng bữa nhé”. Anh ấy cũng cười, từ đó anh không còn nói những lời mỉa mai châm chọc nữa, ngược lại tôi cũng không thấy những lời bóng gió xa xôi có ý vị gì.
Còn có lần anh ấy thành khẩn nhờ tôi giúp đỡ, tôi đã đồng ý ngay, sau khi giúp anh ấy xong tôi hỏi: “Anh có vẻ rất ghét tôi thì phải? Nếu không tại sao anh cứ vừa mở miệng lại chế nhạo tôi?” Anh bật cười đáp: “Thật ra tôi không ghét cô đến thế, chỉ là chọc cô nổi giận xong tôi cảm thấy rất vui”. Tôi lập tức nhận ra rằng mình nên hướng nội, việc này chẳng phải là đang rành rành chỉ cho tôi: Là tôi rất dễ bị nổ tung? Vậy nên tôi vội nói với anh: “Thật cảm ơn anh!” Xuất phát từ nội tâm tôi thực sự cảm ơn anh ấy, nếu không thì ai lại dại khờ đi giúp đỡ người khác tu như thế. Cái tính khí nóng nảy của tôi thật khó sửa làm sao! Và kể từ đó tôi đã hạ quyết tâm phải thay đổi tính khí nóng nảy bộp chộp của mình.
Nhưng không phải cứ nói thay đổi là thay đổi được. Tôi phụ trách phần nhạc luyện công buổi sáng của tập đoàn truyền thông, một hôm khi tôi đang đứng ở vị trí gần với âm nhạc thì vị đồng tu B nói: “Chị thật khéo chọn vị trí tốt đấy”. Tôi lập tức giận dữ trả lời: “Nhường anh đứng đó, tôi đến để phụ trách phần âm nhạc”. Đồng tu bảo: “Tôi đang khen chị mà chị không biết hay sao? Còn nóng nảy thế, là văn hoá đảng đó”. Tôi đáp: “Anh muốn khen thì cứ khen thôi, sao lại phải khiêu khích người khác? Lẽ nào đây là văn hóa truyền thống?”
Khi tôi nhận ra tính khí nóng nảy của mình vẫn đang phát tác, tôi hạ quyết tâm rằng sau này tôi phải tĩnh tâm suy nghĩ về những gì người khác nói rồi mới trả lời. Kỳ thực đồng tu ấy nói đúng, tình trạng văn hoá đảng của tôi quá nghiêm trọng (mặc dù tôi nhập cư vào Canada năm 1995, đã xuất ngoại được 24 năm) mới có kiểu biểu hiện không thể bị người khác nói như vậy. Tôi còn có tâm cảm thấy không công bằng, thấy bản thân vất vả như thế, mỗi ngày đều đến sớm như thế để chuẩn bị đầy đủ mọi thứ cho mọi người luyện công, cứ luôn đợi người khác khen một tiếng, không ngờ lời khen này không đúng với tâm ý của bản thân nên cái tâm đã bộc lộ ra. Kỳ thực tôi vẫn hay mắc phải thói quen xấu này, khi có việc không thuận tâm thì lại nổi giận với người nhà, với đồng tu.
Thực ra khi đào sâu hơn một chút tôi đã ngộ ra được vì sao các đồng tu lại thích đưa ra những lời mỉa mai tôi. Thực ra cũng do chính tôi chiêu mời chúng đến, bởi vì trong giao tiếp tôi chưa bao giờ quan tâm đến cảm xúc của người khác, có gì nói nấy và đôi khi rất xảo quyệt, làm tổn thương nhiều đồng tu. Có vị đồng tu đã từng nói với tôi: “Thực ra chị là một người tốt bụng, chỉ là khi lên cơn tức giận thì không biết mình là ai, muốn phát tiết thế nào liền phát tiết thế ấy. Chị đó, khi sắp phát hoả thì chỉ cần thầm niệm ‘Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân Thiện Nhẫn hảo’, đảm bảo chị sẽ kiềm chế được bản thân”.
Khi phải đối diện với sự khen ngợi từ đồng tu
Từ khi hai kênh Epoch Times và NTDTV sáp nhập lại thành một tập đoàn truyền thông, vì để xây dựng một môi trường tu luyện tốt hơn, vì để nhiều đồng tu tham gia kênh truyền thông có thể luyện công tập thể buổi sáng và học Pháp tập thể, mỗi ngày tôi thức dậy lúc 4:30 rồi chạy đến văn phòng trước để nấu cháo và chuẩn bị bữa sáng cho mọi người, đồng thời còn phụ trách phần âm nhạc luyện công. Về sau ngày càng có nhiều người tham gia, thành ra “tăng nhiều cháo ít”, vì tôi phục vụ mọi người, nên thường nghe đồng tu khen ngợi. May thay mỗi lần được khen thì đều có những câu nói “mỉa mai” khiến tôi không thể vui. Có đồng tu cảm thấy mỗi ngày sau khi luyện công và học Pháp lại có được một bữa sáng ngon miệng đã chân thành nói với tôi: “Có cô thật tốt!” Nhưng lập tức sẽ có đồng tu nói: “Vâng, có chị thật tốt, để mọi người có thể tu được cao hơn”. Thực ra tôi có thể hiểu được ý tứ của vị đồng tu này, là vì tôi thường giúp đồng tu vượt quan, mọi người đã đề cao tâm tính trong khi bị tôi chỉ trích. Vì vậy tôi đã nghĩ mình nhất định không được có những lời chỉ trích, oán trách trong khi phục vụ mọi người.
Một lần khác, một đồng tu hỏi tôi bao nhiêu tuổi, tôi nói tôi đã 56 và chẳng bao lâu nữa tôi sẽ 60. Vị đồng tu ngạc nhiên nói: “Tôi cứ nghĩ chị 40 thôi”. Khi tôi đang vui vẻ đắc ý thì một đồng tu khác nói: “Chị cho là người khác đang khen chị trẻ sao? Thực ra là nói bình thường ngôn hành của chị rất trẻ con, không giống người lớn tuổi chút nào. Mới thấy chị trông ít tuổi vậy đó”. Tôi rất biết ơn đồng tu đã cảnh tỉnh mình, tôi bèn nói tôi sẽ thay đổi thói xấu nói năng không kiêng kỵ gì của mình.
Cuối cùng tôi xin được chia sẻ với mọi người đoạn Pháp mà Sư phụ giảng:
“Đương nhiên, làm kênh truyền thông mà nói, cần làm tốt những việc nên cần làm, đó chính là tu tốt chính mình. Cho nên tu luyện ấy, đối với mọi người mà nói, đối với mỗi từng đệ tử Đại Pháp tham gia kênh truyền thông mà nói, thì tu luyện là ở vị trí số một. Bởi vì tu luyện của chư vị tốt-xấu thế nào là quyết định sức mạnh cứu người của chư vị, chư vị tu luyện tốt-xấu thế nào cũng quyết định hiệu quả công tác của chư vị; đây là nhất định” (Pháp hội Tân Đường Nhân và Đại Kỷ Nguyên năm 2018)
Xin cảm tạ Sư phụ!
Cảm ơn mọi người!
(Bài chia sẻ tại Pháp hội Canada 2019)
Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/253219
Ngày đăng: 04-09-2023
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.