Hướng nội trong mọi việc, thời thời tu tâm tính



Tác giả: Vũ Lệ

[ChanhKien.org]

Trên con đường tu luyện của mỗi chúng ta, không có chuyện gì xảy ra một cách ngẫu nhiên cả. Sư phụ giảng:

“Đệ tử Đại Pháp từ ngày bắt đầu tu luyện, một đời này của chư vị đã được an bài lại mới rồi. Cũng nói, đời này của chư vị đã là một đời của người tu luyện, việc gì cũng đều không ngẫu nhiên nữa, cũng sẽ không xuất hiện những việc ngẫu nhiên; hết thảy những gì trên đường đời con người với sự đề cao và tu luyện của chư vị là có quan hệ trực tiếp”. (Giảng Pháp tại Pháp hội thành phố Los Angeles)

Gần đây có nhiều việc xảy ra kích động đến nhân tâm của tôi, tôi xin chia sẻ để cùng giao lưu với mọi người, mục đích là từ đó có thể tìm ra những chấp trước và dục vọng mà người tu luyện chúng ta cần loại bỏ, tẩy tịnh bản thân, đạt được sự thăng hoa của sinh mệnh. Bây giờ tôi sẽ viết ra những trải nghiệm và thể ngộ của bản thân để cùng giao lưu với các đồng tu, để mọi người tham khảo, hy vọng mọi người cùng nhau đề cao, và đi tốt con đường Chính Pháp cuối cùng này.

Sự việc thứ nhất

Vài ngày trước, tôi đến nhà đồng tu A học Pháp, thuận tiện đem theo tài liệu chân tướng mà đồng tu B cần. Do lần trước, để đề phòng đầu phun máy in của đồng tu A có thể bị tắc do lâu ngày không in, đồng tu B lại sắp xếp để đồng tu A in một số tài liệu là tờ rơi. Ban đầu, đồng tu B vốn nhờ đồng tu A in tài liệu, tôi và đồng tu D trợ giúp in ấn. Giấy in của hai người chúng tôi đều ít, đồng tu A nói cô ấy có giấy và chúng tôi có thể lấy nó từ cô ấy nếu cần.

Tôi nghĩ: “Hôm nay học Pháp xong, thuận tiện tôi sẽ mang về một tập giấy in”. Tôi đã chia sẻ suy nghĩ của mình với đồng tu A, đồng tu A mang ra nửa gói giấy loại bóng cho tôi. Tôi nói: “Tôi cần giấy A4 thường để in tờ rơi”, cô ấy nói không có. Nhưng lần trước cô ấy nói rõ ràng là có. Tôi đã không giữ vững được tâm tính, có chút tức giận. Tôi đi vào nhà trong của cô ấy, trên bàn có một chồng giấy A4 lớn, nhìn kỹ hơn, cô ấy đang dùng những tờ giấy này để chép Pháp. Trên một trang giấy chỉ chép được mười mấy dòng, chữ vừa to vừa thưa, để chép được một quyển (Chuyển Pháp Luân) thì cần bao nhiêu giấy đây? Cô ấy cũng không nghiêm túc với Pháp. Đây chẳng phải là lãng phí rồi sao? Lúc này, đồng tu D đến, lời nói của tôi đem theo đầy sự chỉ trích và bất mãn. Đồng tu D nói, bạn không biết chuyện gì đang xảy ra sao? Tất cả đều là có nhân tâm cần tu bỏ, chúng ta hãy học Pháp trước đã.

Sau khi học Pháp xong, tâm tôi tĩnh trở lại, tâm bình khí hòa mà giao lưu với đồng tu A, tôi khuyên cô ấy nên dùng một cuốn sổ tay hoặc giấy rời để chép Pháp, giấy rời có dòng kẻ trên đó có phải là tốt hơn không? Tôi nghĩ việc dùng giấy in để chép Pháp, vẫn là không phù hợp cho lắm, mong cô ấy hãy nghĩ lại. Cô ấy không nói lời nào, và sự việc này đã qua đi.

Sau khi về nhà, tôi cẩn thận xem xét kỹ nội tâm và hành vi của mình, rất nhiều thiếu sót đã được phản ánh ra và nó cũng thể hiện ra sự tu luyện chưa chắc chắn của tôi. Những tâm này biểu hiện ở:

Một là, từ việc đồng tu A không giữ chữ tín, nhân tâm của tôi lập tức nổi lên cuồn cuộn, điều này cho thấy rằng sự tu luyện của tôi không vững chắc, định lực không đủ, và không đứng ở phương diện của đối phương mà suy xét. Vẫn là vì khi không thể đạt được đầy đủ yêu cầu của bản thân, mà nhân tâm phản ánh ra một cách kịch liệt, và đặt cái tôi lên hàng đầu, cơ điểm đặt không đúng. Sư phụ giảng:

“La Hán cần phải vô vi, tâm bất động; vị này bị rớt xuống, tu lại như không [tu]”. (Chuyển Pháp Luân)

Tiếp nữa là, học viên A nói cô ấy có giấy, tôi liền toan tính nghĩ như vậy tiện quá, mình đỡ phải ra ngoài đi mua, tâm ỷ lại và lười biếng của tôi bộc lộ ra. Vẫn là vì sự tự tư, cơ điểm lại đặt nhầm chỗ.

Ba là, từ việc đồng tu A không trân quý tài nguyên, tôi tự vấn lại bản thân có tâm trân quý quá với mọi vật không, đôi khi tôi cũng rất quý trọng những thứ không dùng đến, bất cứ việc gì mà tôi gặp đều không phải là vô duyên vô cớ, đồng tu có phải là đang diễn ra cho tôi xem hay không? Tôi cảm thấy hơi tiếc vì lãng phí giấy, nó phản ánh nhân tâm của bản thân cần buông bỏ.

Bốn là, khi nhìn thấy mọi hành vi của đồng tu A không phù hợp với mình, lại sinh ra tâm trách móc, tâm tự cho là mình đúng mà áp đặt quan niệm của mình lên người khác, đây đâu phải là trạng thái của người tu luyện, nên lập tức phát chính niệm thanh trừ nó. Điều chúng ta tu là Thiện, chúng ta nên đối xử với đồng tu bằng tâm thái từ bi và bao dung.

Sự việc thứ hai

Gần đây chồng tôi thường bất mãn với những việc tôi làm, anh nói mỗi một việc đều có nhân tâm mà tôi cần tu bỏ. Một là, mỗi lần nấu cháo là tôi lại nấu thật nhiều để ăn cho mấy bữa, điều này phản ánh sự lười nhác của tôi, tâm mong cầu tiện lợi; hai là, mua nho ở hàng rong vừa nhỏ vừa dập, phản ánh ra tâm ham rẻ của tôi; ba là, mua bánh bao bị mốc về hấp ăn trong vài ngày, nó phản ánh ra tâm làm việc hời hợt, không nghiêm túc, mà vẫn là có tâm ham rẻ trong đó.

Từ những điều này có thể thấy tâm lợi ích và tâm tham rẻ của tôi đều bộc lộ ra rất nặng, sau này tôi cần chú ý tu bỏ chúng; tiếp theo là tâm an dật của tôi cũng không hề nhỏ, đặc biệt là khi thân thể cảm thấy mệt mỏi thì sẽ không muốn luyện công, đây chẳng phải bị nhân tâm chi phối sao? Người tu luyện chân chính, tu luyện thật sự cần coi chịu khổ làm niềm vui và hạnh phúc, tôi tu luyện còn kém rất xa, thực sự cần phải đặc biệt chú ý đến điều này.

Sự việc thứ ba

Một ngày nọ, mẹ tôi gọi điện đến và nói: “Hai hôm trước, đêm mẹ nằm mơ, trong mộng nói rằng nhà của chúng ta vừa nhỏ lại vừa dột. Mẹ gọi và hỏi xem chuyện gì đã xảy ra ở nhà”. Tôi nói: “Không có gì ạ”.

Gặp tình huống như thế này cũng không phải là ngẫu nhiên. Tôi phân tích một cách cẩn thận: Đây chẳng phải là nhắc nhở tôi mở rộng sự bao dung và đề cao tâm tính sao? Nhà nhỏ, đồng nghĩa với sự bao dung nhỏ, lòng dạ hẹp hòi? Mưa dột chẳng phải là tâm tính có lậu sao?

Nhớ lại mấy hôm trước, gia đình em gái tôi tổ chức đám cưới cho con trai, chúng tôi lại ở cùng thành phố, tôi muốn qua giúp đỡ, nhưng cô ấy đã không chịu để tôi qua giúp, cô ấy lo lắng tôi giảng chân tướng sẽ ảnh hưởng đến chuyện vui của gia đình cô. Tôi có chút không vui, tâm oán trách lại nổi lên, lâu ngày không thể buông bỏ, tâm hư vinh, tâm tranh đấu, tâm tật đố cũng theo đó mà nổi lên, tôi thực sự không còn giống người tu luyện nữa. Mẹ đã gọi điện đến kịp thời nhắc nhở rằng tôi nên quy chính bản thân. Đây chẳng phải là cơ hội tốt để đề cao tâm tính bản thân sao? Sư phụ dạy chúng ta rằng con người vì những thứ của con người mà tranh mà đấu, buông bỏ cũng là buông bỏ những thứ của con người, chỉ có buông bỏ những thứ của con người mới có thể có những điều thần thánh.

Sư phụ giảng:

“Kỳ thực, khi chư vị cảm thấy danh – lợi – tình nơi người thường đang chịu phương hại mà khổ não, thì đã là tâm chấp trước người thường đang chưa buông bỏ được đó. Chư vị hãy nhớ cho kỹ! Tu luyện tự nó không hề khổ, điểm chốt là không buông bỏ được chấp trước người thường. Khi danh – lợi – tình của chư vị cần buông bỏ thì mới cảm thấy khổ”. (“Chân tu” – Tinh tấn yếu chỉ)

Tất cả những gì xảy ra với tôi hết thảy đều không phải là ngẫu nhiên. Khi xảy ra can nhiễu, chính là cơ hội tốt để chúng ta hướng nội tìm, tu tâm tính để đề cao và thăng hoa. Chúng ta chiểu theo tiêu chuẩn người tu luyện để tu, làm việc gì cũng cần nghĩ đến người khác trước, đặt ra cơ điểm đúng đắn và thực sự xem xét lại bản thân, như một đồng tu đã nói: “Đứng bên Sư phụ, đứng tại Pháp”. Câu này nhắc nhở chúng ta phải đồng hóa với Đại Pháp, và hướng nội tìm một cách vô điều kiện. Cho dù có gặp bao nhiêu can nhiễu và khổ nạn, chỉ cần chiểu theo Pháp mà làm, đều có thể làm được không oán hận, không hối tiếc và vô chấp vô ngã.

Con xin cảm tạ ân cứu độ của Sư phụ!

Trên đây là những trải nghiệm và cảm ngộ cá nhân gần đây của tôi, có chỗ nào không phù hợp, xin đồng tu từ bi chỉ chính. Hợp thập!

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/285139



Ngày đăng: 29-09-2023

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.