Thành phố cổ biến mất trong đêm và xuất hiện dưới đáy biển sau nghìn năm



[ChanhKien.org]

Là một trong bốn nền văn minh lớn thời cổ đại, Ai Cập cổ vẫn luôn được che phủ bởi một bức màn thần bí, dường như có vô vàn bí mật mà có nói cũng không hết được; trong nhiều tài liệu về Ai Cập cổ, đều có đề cập đến thành phố cổ Pharaon của Ai Cập “Heracleion” (Thonis-Heracleion); ngay cả trong các truyện ngụ ngôn, thần thoại và sử thi của Hy Lạp cổ cũng đều lần lượt đề cập về một thành phố cổ Pharaon có nền văn minh cao và cực kì phồn hoa nằm ở gần Địa Trung Hải; tuy nhiên thành phố cổ này lại biến mất không dấu vết chỉ sau một đêm, mất tích một cách thần bí.

Heracleion là thành phố cảng phồn hoa nhất vào thời đó, cuộc sống của người dân hết sức sung túc, nghệ thuật phát triển mạnh mẽ, thậm chí còn có đủ loại đền thờ lớn được xây dựng, hơn nữa đây còn là thánh địa tôn giáo của vùng đất Địa Trung Hải. Vào lúc chiều tối khi những ngọn đèn được thắp lên, các loại hình biểu diễn hay các hoạt động giải trí cũng diễn ra khá nhộn nhịp, nhưng quần thể thành phố cổ này lại biến mất không còn một vết tích chỉ trong một đêm, và cũng không có bất kỳ văn tự ghi chép nào về sự biến mất của nó còn lưu lại.

Vì để tìm kiếm thành phố cổ Pharaon, một nhóm các nhà khảo cổ bao gồm các nhà khảo cổ học từ nước Pháp và Ai Cập đã tiến hành một cuộc tìm kiếm và khảo sát toàn diện tại vùng biển Địa Trung Hải; cùng với sự trợ giúp của các thiết bị điện tử tiên tiến và sau hàng trăm lần lặn thăm dò dưới đáy biển, cuối cùng họ đã tìm thấy vị trí của Heracleion, nằm ở phía bắc vịnh Abu Qir gần cảng Alexandria, với độ sâu khoảng 4.000 mét dưới đáy biển Địa Trung Hải.

Khi các nhà nghiên cứu lặn xuống đáy biển, họ vô cùng sững sờ trước những cảnh tượng trước mắt, những dãy nhà san sát nối tiếp nhau, những ngôi đền nguy nga tráng lệ, những bức tượng điêu khắc khổng lồ trông sống động như thật; mặc dù trải qua ngàn năm mới gặp lại, thành phố Pharaon dưới biển vẫn tràn ngập hơi thở thần bí và trang trọng như xưa; nhưng trong lòng các chuyên gia vẫn còn một dấu hỏi chính là, thành phố cổ Pharaoh thịnh vượng một thời này đã trở thành “Atlantis” phiên bản Ai Cập như thế nào?

Một số chuyên gia suy đoán rằng có thể do những thay đổi khí hậu và địa chất ở vùng châu thổ sông Nile đã khiến thành phố cổ bị chìm xuống đáy biển; cũng có những học giả khác cho rằng có thể là do thiên tai gây ra, nhìn từ những tàn tích kiến trúc được bảo tồn toàn vẹn dưới đáy biển thì có thể thấy những trụ cột và các bức tường trong thành phố cổ hầu như bị đổ xuống về cùng một phía, nên rất có khả năng là chúng đã bị phá hủy bởi một trận động đất lớn.

Các chuyên gia phát hiện ra rằng thành phố cổ này thực sự nằm trong khu vực rất dễ xảy ra động đất được gọi là “Vành đai địa chấn Địa Trung Hải – Indonesia”, các trận động đất hàng năm ở khu vực này chiếm khoảng 15% tổng số trận động đất trên toàn thế giới, thêm nữa hầu hết các trận động đất đều ở dạng “tập trung nông” [*] và phân bố dọc theo các khu vực đông dân cư, nên sức tàn phá cũng hết sức lớn.

Về nguyên nhân khiến Heracleion chìm xuống biển, giới sử học vẫn không cách nào để có thể tìm ra câu trả lời chính xác, hơn nữa phải chăng toàn bộ cư dân trong thành cổ lúc bấy giờ cũng bị chôn vùi dưới đáy biển? Cũng chưa có ai có thể nói rõ ràng, bí ẩn này đến nay vẫn đợi các chuyên gia khám phá.

Chú thích của người dịch:

(*): Động đất xảy ra ở độ sâu dưới 70 km (43 mi) được phân loại là động đất “tập trung nông”. Các trận động đất nông thường có xu hướng gây thiệt hại nhiều hơn các trận động đất sâu hơn. Sóng địa chấn từ các trận động đất sâu phải di chuyển xa hơn lên bề mặt, mất năng lượng trên đường đi. (Trích từ Wikipedia)

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/281714



Ngày đăng: 24-07-2023

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.