Nhắc nhở đệ tử Đại Pháp trẻ tuổi cảnh giác rơi vào bẫy hủy người của cựu thế lực (Phần 3)
Tác giả: Đệ tử Đại Pháp tỉnh Hà Bắc
[ChanhKien.org]
Quan niệm hành vi hiện đại ô nhiễm đến người tu luyện
Người dân Trung Quốc ngày nay dưới sự cai trị của tà đảng trong nhiều thập kỷ, dưới sự truyền bá của thuyết tiến hóa, thuyết vô thần, rất nhiều quan niệm và hành vi đều là sai, đều là rời xa Thần. Đệ tử Đại Pháp trẻ tuổi tu luyện trong hoàn cảnh xã hội người thường, trong công tác, sinh hoạt, khó tránh khỏi bị ảnh hưởng. Điều này yêu cầu đệ tử Đại Pháp phải có chính niệm đầy đủ, cần nhận rõ những quan niệm và hành vi nào là không tốt, là biến dị. Chỉ nhận rõ thôi chưa đủ, vẫn cần quay trở về đi trên con đường truyền thống mà Thần truyền cho con người, cần làm được “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” và làm được “từ nơi đây mà vọt trội lên được” (Chuyển Pháp Luân)
1. Quá chú trọng đến việc học hành của con cái
Người Trung Quốc ngày nay coi trọng việc học hành của con cái đến mức độ biến dị. Bắt đầu từ học mẫu giáo, cho đến tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông. Vắt óc suy tính dồn hết tâm tư vào việc chọn trường, chọn thầy cô giáo cho con. Do bị ảnh hưởng bởi trào lưu của xã hội này nên khi con vào tiểu học tôi cũng tận dụng mình là người trong ngành, chọn cho con một giáo viên mà tôi tự cho là tốt. Kết quả chứng minh bản thân tôi đã sai.
Trong con mắt của người thường, đây là một vị giáo viên có trách nhiệm, nhưng vị giáo viên này cũng cực kỳ nghiêm khắc, làm cho con trẻ vô cùng sợ hãi, chỉ biết bảo sao nghe vậy, ngoan ngoãn phục tùng, thậm chí giáo viên sai cũng không dám đưa ra ý kiến khác. Trẻ con ở trên lớp hay sau giờ học lúc nào trông cũng ngơ ngác, không có một chút sức sống, tất cả đều biến thành cỗ máy học tập.
Sau khi tôi đề cao lên trong sự việc này, hiểu ra rằng cuộc đời con người đều được sinh mệnh cao cấp an bài hết rồi, đều căn cứ theo phúc phận, nghiệp lực và quan hệ nhân duyên của mỗi người mà an bài, tất cả đều rất khoa học, bất kỳ ai dám can thiệp vào đều là ngông cuồng vọng tưởng, đây cũng là do sự độc hại của thuyết vô thần tạo thành. Vậy nên, năm nay khi cháu gái họ của tôi tốt nghiệp tiểu học vào trường cấp hai chỗ chúng tôi thì cũng muốn nhờ tôi tìm cho cháu một giáo viên tốt nhưng tôi hoàn toàn vứt bỏ cái tâm này, tất cả đều tùy kỳ tự nhiên. Kết quả thật bất ngờ, cháu lại được phân vào lớp của một giáo viên chủ nhiệm giỏi được mọi người công nhận. Thực ra đây cũng là phúc báo của cháu sau khi làm tam thoái.
2. Quá theo đuổi hình thức bề ngoài
Người trẻ hay quan tâm đến vẻ bề ngoài và cách ăn mặc, biểu hiện của tôi chính là thích mua sắm quần áo, muốn gầy hơn, cũng là để mặc quần áo trông đẹp hơn. Trên đường phố thấy có người ăn mặc thời thượng, đẹp mắt, phong cách Tây thì cũng muốn nhìn thêm một lúc. Tôi biết đây là tâm sắc dục. Nhưng sau khi đào sâu vào tâm này tôi mới phát hiện ra, việc chú trọng vào cách ăn mặc của mình không chỉ là vì thu hút sự chú ý của người khác giới, mà còn cảm thấy đây là biểu tượng cho thân phận hoặc địa vị. Nếu một người khoác nguyên một bộ hàng hiệu trên người thì trong vô thức sẽ coi trọng người ta hơn, nói trắng ra là khinh nghèo ưa giàu. Nếu thấy một cô gái trắng trẻo, xinh đẹp, trong lòng sẽ cảm thấy ngưỡng mộ, tán dương không ngớt.
Thật ra đây đều là do chịu sự ảnh hưởng của việc theo đuổi nhan sắc và ngoại hình quá mức của xã hội, đồng thời trào lưu xã hội này còn trộn lẫn với sự tôn thờ tiền bạc, truy cầu ham muốn hưởng thụ vật chất. Hiện tượng chỉ chú trọng bên ngoài, không chú trọng nội hàm bên trong của xã hội cũng là một loại quan niệm biến dị. Người Trung Quốc không có truy cầu về tinh thần tín ngưỡng và đạo đức thì nội tâm trống rỗng cực độ, từ đó sẽ mang lại hậu quả vô cùng đáng sợ. Người xưa sống đơn giản mà nội tâm phong phú, người Trung Quốc ngày nay giàu có về vật chất nhưng nghèo nàn về tinh thần. Người xưa rất chú trọng theo đuổi cuộc sống tinh thần, có câu nói về Nhan Hồi như thế này: “Một giỏ cơm, một bầu nước, ở nơi ngõ hẻm, với người khác thì ưu sầu không chịu nổi, riêng Nhan Hồi thì không hề thay đổi niềm vui”. Lưu Vũ Tích thời nhà Đường có bài thơ “Lậu Thất Minh’’ (tạm dịch: Bài thơ nhớ về căn nhà quê mùa) lưu truyền thiên cổ, đó mới là phương thức sinh sống chính thống của nhân loại. Làm một người tu luyện, cần phải quay trở về con đường truyền thống, nhân loại sau này cũng cần quay trở về đi trên con đường truyền thống này.
3. Chấp trước vào tồn tiền, tiết kiệm tiền
Xã hội Trung Quốc ngày nay, ai ai cũng muốn làm giàu sau một đêm. Những người thuộc tầng lớp thấp của xã hội không thể làm giàu nhanh thì vắt kiệt sức lao động của họ, liều mạng kiếm tiền, tiết kiệm tiền, làm nô lệ cho nhà, cho xe, và cho con cái. Đệ tử Đại Pháp đương nhiên không thể như vậy, đều biết danh và lợi là thứ đầu tiên mà người tu luyện phải buông bỏ. Nhiều đệ tử Đại Pháp thậm chí còn lấy tất cả tiền tiết kiệm của họ dùng vào việc của Đại Pháp. Nhưng làm một đệ tử Đại Pháp trẻ tuổi, vì có con nhỏ nên việc lên kế hoạch lo cho tương lai học hành của con cái sau này là điều không thể tránh khỏi. Do đó trong vô thức cũng bị ảnh hưởng bởi trào lưu này, cũng muốn tồn tiền. Đệ tử Đại Pháp có tiền tiết kiệm thì không sai, nhưng nếu chấp trước thái quá sẽ không thể từ trong người thường bước ra được.
Tiền của đệ tử Đại Pháp đều là tài nguyên của Đại Pháp, tương lai của con cái cũng không phải là điều chúng ta có thể an bài, mà đều được Sư phụ an bài cả rồi. Điều mà đệ tử Đại Pháp cần làm được chính là buông bỏ mọi chấp trước, tín Sư tín Pháp. Có bao nhiêu đệ tử Đại Pháp khi bị bức hại có thể bước ra khỏi hang ổ của tà ác với chính niệm mười phần đầy đủ, nhưng trong hoàn cảnh an dật, vì chấp trước vào hôn nhân của con cái, hoặc chấp trước vào việc tích góp tiền để mua nhà cho con mà bị cựu thế lực lấy đi nhục thân, bài học giáo huấn này thật sâu sắc.
4. Xem nhẹ chuyện hôn nhân
Ở Trung Quốc ngày nay, ly hôn đã trở thành trào lưu mang tính phổ biến, gây ra quá nhiều vấn đề xã hội. Tất nhiên điều này xảy ra là do chịu nhận sự độc hại của thuyết vô thần, không hiểu rõ hôn nhân là thần thánh, đem hôn nhân ra làm trò đùa con trẻ, coi việc ly hôn rất tùy tiện. Vợ chồng chỉ hơi không hợp liền ly hôn, không muốn thấu hiểu hay giảng hòa, và cũng chẳng muốn chịu đựng hay chấp nhận nhau, dùng ly hôn để giải quyết mâu thuẫn. Tôi phát hiện ra rằng mình cũng chịu ảnh hưởng của quan niệm hiện đại này, trong tư tưởng thỉnh thoảng hiện ra niệm đầu như vậy, đặc biệt là khi bất mãn với chồng, tâm chấp trước quá mạnh sẽ bị quan niệm hiện đại biến dị này thừa cơ mà xâm nhập vào. Là một người tu luyện, tôi biết rõ sự nghiêm túc và thần thánh của hôn nhân, cũng biết rõ đây không phải là những gì mình thực sự nghĩ, cần phải nhanh chóng bài trừ và loại bỏ nó đi.
5. Điện thoại di động
Điện thoại di động – thứ phát minh của người ngoài hành tinh thực sự gây hại quá lớn, người Trung Quốc ngày nay mỗi người một chiếc điện thoại trên tay, một phút cũng không rời. Có điện thoại coi như có cả thế giới, không có điện thoại thì hồn xiêu phách lạc. Giữa người với người không có giao lưu, giữa cha mẹ và con cái cũng không có sự giao lưu, đây đã không còn là hành vi của con người nữa rồi. Là một đệ tử Đại Pháp, ai cũng biết sự nguy hại của nó, các đồng tu cũng đã có rất nhiều bài viết chia sẻ về phương diện này, tôi cũng muốn triệt để tránh xa điện thoại hoàn toàn.
Nhưng do là một đệ tử Đại Pháp trẻ tuổi còn vướng bận công việc và học hành của con cái nên tôi khó lòng buông bỏ ngay được, công việc hiện giờ đều không thể tách rời khỏi điện thoại di động, hết thông báo từ trường học của con đến việc tải bài tập về nhà lên đều cần đến điện thoại. Do đó muốn tránh xa điện thoại căn bản là việc không thể được. Nhưng thậm chí chỉ xem tin tức của đơn vị và thông tin ở trường học của con, tôi cũng thấy mình bị phụ thuộc vào điện thoại di động ở mức độ nhất định. Kỳ nghỉ ở nhà, ngay cả khi không lướt web hay xem video, thì cũng thường muốn xem điện thoại, dường như sợ bỏ lỡ thông báo quan trọng nào đó của trường học. Cứ một lúc không nhìn thấy điện thoại đâu liền đi tìm, dường như sợ bỏ lỡ tin tức quan trọng. Trong thời gian dịch bệnh, trẻ con ở nhà học trực tuyến, công việc của trường chốc việc này, lát việc khác, tôi cứ như thế vô tri vô giác đã bị điện thoại chiếm dụng một lượng lớn thời gian. Thực ra đây đều là mưu đồ hiểm ác của cựu thế lực. Xã hội chính là như vậy, đệ tử Đại Pháp nếu như không thể từ hoàn cảnh xã hội này mà bước ra, bạn sẽ không thể từ trong người thường mà bước ra được.
6. Bất hiếu với cha mẹ chồng
Trung Quốc hiện nay, từ thành phố đến nông thôn, mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu đều vô cùng bất thường. Con dâu hoàn toàn không coi mẹ chồng là người nhà của mình, không kính trọng, không phụng dưỡng mẹ chồng. Mẹ chồng còn phải làm trâu làm ngựa cho con dâu, hết trông cháu, lại làm ruộng. Đã thế con dâu cũng không nói được câu tử tế tốt đẹp nào, chỉ cần không đánh đập, không mắng mỏ mẹ chồng, có thể chung sống hòa bình thì đã được tính là tốt rồi. Trong thời cổ đại, dân tộc Trung Hoa vô cùng coi trọng chữ hiếu, con dâu hiếu thảo với mẹ chồng như mẹ ruột, luôn bên cạnh phụng dưỡng mẹ chồng. Có rất nhiều câu chuyện mỹ đức truyền thống nói về phương diện này. Làm người tu luyện, tuyệt đối không được cho rằng những gì đại đa số người trong xã hội ngày nay làm thì cho rằng nó là đúng; không thể cứ thế nước chảy bèo trôi, thuận theo dòng mà chảy được. Xin được nhắc nhở các đồng tu hãy phân biệt rõ ràng, đừng bị ô nhiễm bởi những quan niệm và hành vi biến dị này.
Tất cả những hành vi và quan niệm biến dị này trong xã hội đều là do cựu thế lực cố ý an bài. Mục đích là gia tăng độ khó cho việc tu luyện của đệ tử Đại Pháp, đồng thời hủy diệt toàn nhân loại.
Tầng thứ của bản thân có hạn, có điểm gì không phù hợp với Pháp, xin các đồng tu từ bi chỉ rõ.
Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/279913
Ngày đăng: 05-07-2023
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.