Một chút cảm nhận sau khi đọc bài viết của đồng tu



Tác giả: Sám Hối

[ChanhKien.org]

Khi tôi đọc bài chia sẻ của đồng tu “Đào sâu vào quan niệm hiện đại đằng sau chấp trước vào tình cảm nam nữ”, tôi đã bị chấn động sâu sắc. Từng chữ từng câu đều như sét đánh ngang tai, bài viết không phải là đang nói về tôi sao? Mặc dù gần đây do gặp phải can nhiễu và bức hại, trong lúc hướng nội tìm, tôi đã tìm ra manh mối của hàng loạt chấp trước loại này, nhưng việc giải thích và phân tích chấp trước này một cách có hệ thống trong một bài viết dài như vậy là ngoài khả năng của tôi. Một thời gian dài ở trong trạng thái của loại chấp trước không thể tự biết này, ở trong cái thứ sắc, dục, tình không thể gọi tên này, tôi đã đau khổ vật lộn, không cách nào giải thoát. Trong cái bẫy mà cựu thế lực dày công thiết kế, tôi lầm tưởng rằng mỗi suy nghĩ, mỗi niệm đầu chứa đầy tình, sắc, dục đều là tư tưởng của “chân ngã”.

1. Quan niệm về tình yêu nam nữ

Khi tôi vẫn còn chưa biết đến khái niệm “tình yêu nam nữ”, tôi đã bị chấp trước vào nó dưới tác động của cơ chế mà cựu thế lực cấp cho tôi. Biểu hiện là khi nhìn thấy người khác giới mà mình thích một chút sẽ thấy rất hồi hộp, sợ hãi, xấu hổ và bối rối, loại cảm giác này bắt đầu từ lúc vài tuổi và kéo dài cho đến gần 50 tuổi vẫn còn tồn tại. Đồng thời tồn tại cùng với cảm giác này là những suy nghĩ viển vông không ngừng, nghĩ xem không biết người khác phái có thích mình không, có ý gì với mình hay không, và say sưa ở trong trạng thái đó. Trong số đó có người có thể chỉ gặp một lần, hoặc chỉ là những đồng nghiệp bình thường. Có lúc, thậm chí khi người khác nhìn tôi nhiều hơn một chút, tôi liền suy nghĩ vẩn vơ, cho rằng không biết người đó có thích mình hay không.

Do đó, từ biểu hiện bên ngoài của một cá nhân vĩnh viễn cũng không thể nhìn ra nội tâm chân thực của người đó, suy nghĩ không muốn cho người khác biết đó thì chỉ có bản thân mình biết. Có lẽ trong mắt người khác, tôi là người hiền lành, an phận, sống nề nếp, không thích giao du hay đùa cợt, thậm chí trước khi gặp chồng tôi cũng chưa từng yêu ai, người khác cho rằng về phương diện này tôi không có suy nghĩ gì, kỳ thực chấp trước trong nội tâm rất thâm sâu. Cũng giống như hòa thượng chuyển sinh thành dải ghim mà đồng tu đã đề cập trong bài viết, anh ta không có lỗi gì cụ thể về phương diện sắc, chỉ là anh ta đã không kiểm soát những suy nghĩ viển vông về sắc tình trong nội tâm mình, mặc dù đã tỉnh ngộ nhưng anh ta vẫn gây ác báo khó có thể cứu vãn, kết quả là hơn 10 lần đầu thai thành động vật để chịu khổ.

Cựu thế lực đã thiết lập các cơ chế khác nhau và tạo ra nhiều an bài khác nhau cho chúng ta trong quá trình tu luyện, khi một suy nghĩ nào đó xuất hiện, chúng ta lại tưởng rằng đó là suy nghĩ của mình, trong tư tưởng chấp nhận nó mà không bài xích nó, thời gian dài mà không vượt qua được khảo nghiệm, cựu thế lực lại lấy điều này làm cái cớ để bức hại chúng ta, an bài như vậy thật là tà ác. Thời gian trước đây, tôi đột nhiên sản sinh một loại cảm tình mơ hồ khó hiểu với một đồng nghiệp trong đơn vị, khiến tôi rất lo lắng, buồn bã và mất tự nhiên, dựa vào năng lực của bản thân căn bản không bài xích nổi. Hôm đó khi nhìn thấy người đồng nghiệp này, tôi lại rất lo lắng và buồn bã, khắc chế không được loại cảm giác đó, tôi liền nhẩm Pháp của Sư phụ trong Chuyển Pháp Luân:

“Ông đã cố ý an bài cho chư vị như thế, chứ không phải nguyên trong não chư vị đã có”

Trong chốc lát, loại cảm giác này tan thành mây khói, tôi cảm thấy rất thoải mái và giao tiếp bình thường với đồng nghiệp này mà không có bất kỳ suy nghĩ nào.

2. Tâm chấp trước đối với tình cảm ấm áp nơi nhân thế

Tôi phát hiện ra rằng bản thân không chỉ có tâm hy vọng rằng người khác giới sẽ thích tôi, mà còn có tâm hy vọng rằng tất cả mọi người sẽ thích tôi, chấp trước đối với tình vô cùng mạnh mẽ. Muốn người khác thích mình, muốn thiết lập mối quan hệ thân thiết với người khác, muốn nhận được sự an ủi, yêu thương, khen ngợi, khẳng định và chú ý của người khác, muốn được người khác cưng chiều giống như công chúa, muốn nhận được sự ấm áp và tình cảm giữa người với người ở thế gian này, cho rằng chỉ có như vậy mới có thể hạnh phúc, mới có cảm giác an toàn. Một chút dịu dàng, quan tâm và yêu thương mà người khác thể hiện ra với tôi đều sẽ khiến tôi trong lòng vui vẻ, và sự ruồng bỏ, chán ghét và không hài lòng mà người khác thể hiện ra với tôi sẽ khiến tôi buồn bã và lo lắng bất an.

Dưới sự thúc đẩy bởi loại tâm chấp trước mạnh mẽ này, tôi cảm thấy rất mệt mỏi, và tôi luôn muốn thiết lập một mối quan hệ thân thiết nào đó với người khác, kiểu như một người bạn tốt, để người khác sẽ thích tôi và đối xử tốt với tôi. Vì vậy, tôi sẽ luôn nói một vài lời với người khác dù có chuyện gì hay không, vì sợ bị gạt ra ngoài lề, tôi thường xuyên giao lưu với người khác theo kiểu nịnh nọt, trên biểu hiện tôi là người dễ gần, thích giúp đỡ người khác, biết hạ mình, ăn nói khiêm tốn, tính tình vui vẻ hài hước và thích cười, nhưng điều này không phải là xuất phát từ cái thiện, càng không phải là xuất phát từ sự từ bi, mà là muốn nịnh nọt lấy lòng người khác để người khác quan tâm tôi, thích tôi, đối xử tốt với tôi, đây là chấp trước đối với tình người ấm áp, muốn nhận được sự quan tâm và tình cảm giữa người với người.

Con gái tôi đã từng không chỉ một lần nói với tôi, chúng ta ra ngoài ăn cơm, mẹ không cần phải cúi đầu khom lưng trước người phục vụ, người khác bưng trà bưng nước, mẹ đều phải tươi cười rạng rỡ nói lời cảm ơn, lại còn lấy lòng tiếp chuyện với người khác, mẹ là một người hay nịnh nọt lấy lòng người khác sao? Vốn dĩ tôi tự cho rằng tôi làm như vậy là do tố chất của người tu luyện, là tôn trọng đối với người khác, là thể hiện cái thiện đối với người khác. Kỳ thực không phải là như vậy, tôi dốc lòng muốn nói chuyện, lấy lòng người khác, là bởi vì tôi đang cầu xin những thứ của người khác, cầu xin vẻ mặt tươi cười của người khác, sự yêu thích, quan tâm và yêu thương của người khác.

Nhớ lại có một lần vào dịp nghỉ hè nên một đồng nghiệp đưa cháu bé học lớp 1 tiểu học đến văn phòng làm bài tập, cháu bé này nhìn thấy tôi, nói với tôi: “Bác có biết chữ hình thanh là gì không? Cháu dạy bác nhé”. Cháu bé thuận tay viết ra một chữ “tình” trên cuốn sổ, nói với tôi rằng, đây chính là chữ hình thanh. Tôi nghĩ rằng đây có lẽ là Sư tôn đang mượn lời của cháu bé để cảnh tỉnh tôi đã chấp trước vào tình quá nặng rồi.

Kỳ thực điểm hóa như thế này không chỉ một lần, có một lần xem ti vi, nhìn thấy một người xấu muốn hại người khác, nhưng vì để ngụy trang bản thân, anh ta giả vờ tỏ vẻ rất thân thiết và choàng tay qua vai của người bị hại, nói chuyện rất ấm áp với người bị hại kia. Lúc đó tâm của tôi rất thoải mái, nghĩ rằng người xấu kia cũng không xấu. Cứ như vậy, cái tâm mong muốn tình cảm ấm áp giữa người với người ở thế gian này đã che đậy tất cả.

3. Chấp trước vào vẻ bề ngoài trẻ đẹp

Chúng ta đều biết rằng Đại Pháp là công pháp tính mệnh song tu, là có thể khiến bản thể của con người cải biến rất lớn, phát triển theo hướng trẻ hóa, nhưng loại tâm mong muốn trẻ trung xinh đẹp này khẳng định là chấp trước cần phải trừ bỏ. Loại chấp trước này hỗn tạp các chủng các dạng nhân tâm, tâm hư vinh, tâm cầu danh, tâm hiển thị, tâm chấp trước vào tự ngã, tâm muốn biểu hiện bản thân, tâm cầu được khen ngợi, tâm hoan hỷ, tâm vui mừng, tâm muốn lợi dụng vẻ bề ngoài trẻ đẹp để có được những thứ tốt ở thế gian, tâm sợ hãi trở nên già sẽ bị xã hội đào thải trở thành vô dụng,… còn có tâm sắc dục.

Tôi biết rằng căn nguyên của chấp trước vào vẻ bề ngoài xuất phát từ tâm sắc dục, nhưng biểu hiện ở tôi phần nhiều là đến từ tâm hiển thị, tâm biểu hiện cái tôi, tâm hư vinh muốn được người khác khen ngợi. Khi tôi hơn 40 tuổi, người không biết tôi đều cho rằng tôi chỉ mới hơn 20 tuổi, sau khi tôi nói ra độ tuổi chân thực của bản thân mình, sự kinh ngạc trên khuôn mặt và lời khen trên miệng của họ khiến tôi cảm thấy vui vẻ vô cùng, tâm hoan hỷ và tâm hư vinh được thỏa mãn cực đại. Thời gian lâu rồi, loại tâm muốn được giữ vẻ bề ngoài trẻ đẹp này đã trở thành một tâm chấp trước cực lớn trong tu luyện của tôi. Và tôi đã cố gắng để trở nên xinh đẹp hơn thông qua tu luyện, khi thấy có đồng tu giao lưu trong bài viết rằng sau khi luyện bão luân hai giờ mỗi ngày, làn da đã trở nên mềm mại, tôi cũng bão luân trong hai giờ. Khi thấy trong bài viết có viết rằng đả tọa thời gian lâu hơn có thể làm cho các đường nét trên khuôn mặt trở nên nổi bật hơn, tôi liền muốn ngồi đả tọa hơn nữa.

Sư phụ trong cuốn Chuyển Pháp Luân nói với chúng ta rằng:

“Bản thân [tâm] hiển thị là một loại tâm chấp trước rất mạnh, tâm hết sức không tốt, là tâm [chấp trước] mà người tu luyện phải bỏ”

Kể từ khi bắt đầu có ý thức về tự ngã, cái “tôi giả” này liền bắt đầu muốn không ngừng tăng cường tự ngã, hiển thị bản thân, biểu hiện bản thân, khiến tự ngã càng trở nên lớn mạnh hơn. Biểu hiện cụ thể là: Thích lớn tiếng nói chuyện, lớn tiếng ồn ào, đặc biệt là trong những trường hợp đông người, lúc nói chuyện điện thoại cũng như thế, sợ người khác không chú ý tới tôi, không để ý tới tôi, sợ người khác xem nhẹ sự tồn tại của tôi; thích ngắt lời người khác một cách rất bất lịch sự, cướp lời để biểu đạt suy nghĩ và quan điểm của bản thân, tâm mong muốn bày tỏ vô cùng mạnh mẽ; có quan điểm và lời nói nào hơi có chiều sâu hoặc có tính hài hước, bản thân sẽ lặng lẽ ghi nhớ lại, sau này thuận miệng nói ra trước mặt người khác, từ đó hiển thị bản thân. Nhưng bởi vì sau khi bị bức hại vì tu Đại Pháp, trên thế gian không có thứ vật chất cụ thể nào đáng để hiển thị với người khác, tôi nghĩ rằng chỉ có dung nhan xinh đẹp không già của một người tu luyện là đáng để khoe khoang, khiến người ta coi trọng hơn. Cái tâm cầu danh, tâm hiển thị đó nặng đến mức độ nào!

Trong xã hội hiện nay, người thường ai cũng đều cho rằng bề ngoài trẻ đẹp là việc tốt, là vốn liếng, là của cải, nhưng từ góc độ tu luyện mà xét lại không nhất định là việc tốt. Đầu tiên, đây là một chấp trước rất mạnh, chấp trước vào tự ngã sẽ can nhiễu đến việc tĩnh tâm tu luyện, cả ngày bạn chỉ nghĩ làm sao để giữ được sự trẻ trung, làm sao có thể trở nên xinh đẹp hơn, tâm tư hỗn loạn, tạp niệm nổi lên, tu luyện thế nào đây; tiếp đến, bản thân vẻ bề ngoài chính là chướng ngại trong tu luyện, cổ nhân cũng đã từng nói “hồng nhan bạc mệnh”, tại sao người phụ nữ xinh đẹp thì dễ bạc mệnh, bởi vì dung mạo dẫn đến thị phi, khiến người khác động tình động niệm, từ đó khởi sắc tâm, dâm tâm, thậm chí là sát tâm mà tạo nghiệp. Nhớ lại trước đây xem qua một bài viết, viết rằng ở Nhật Bản cổ đại có một người tu luyện là nữ, cô ấy có dung mạo tuyệt thế, do đó rất nhiều người tới chùa để ngắm cô ấy, điều này gây can nhiễu cực lớn cho cô ấy. Do quyết tâm tu luyện của cô ấy rất lớn, vì để tĩnh tâm tu luyện, trừ bỏ chướng ngại, cô ấy đã dùng phương pháp hủy đi dung mạo của bản thân, trở thành một người phụ nữ xấu xí, thông qua gian khổ tu luyện, cuối cùng cô ấy đã đắc được viên mãn. Tuy rằng Đại Pháp mà Sư tôn truyền ra, người như thế nào cũng đều có thể tu, đồng thời dung mạo xinh đẹp cũng là một loại phúc báo, nhưng tuyệt đối không được chấp trước.

Tâm sợ trở nên già cũng là một loại chấp trước rất mạnh. Trong các đồng tu kỳ thực cũng có không ít, có người thậm chí nhìn vẻ bề ngoài có trẻ hay không để làm tiêu chuẩn đánh giá người khác tu tốt hay xấu. Sư tôn trong cuốn Chuyển Pháp Luân đã nói với chúng ta:

“Tâm tính cao bao nhiêu công cao bấy nhiêu, đó là chân lý tuyệt đối”

Sự việc gì cũng đều phải đối chiếu với Pháp để đo lường.

Đồng tu trong bài viết nói rằng, rất nhiều đồng tu tuổi cao không muốn bị gọi là cô, hơn nữa còn rất khổ não. Xem đến đây tôi thấy buồn cười, bởi vì tôi cũng như vậy, tuy rằng tuổi tác tôi không phải rất lớn, những có lúc ở trong công việc, có một số người đến làm việc, nhìn thì không ít tuổi hơn tôi là bao nhưng cũng kêu tôi là cô, lúc đó tôi cũng không thể bình tĩnh được, cơn bực dọc liền nổi lên, trong tâm nghĩ: “Sao năng lực nhìn người lại như vậy, tôi nhìn già như vậy sao? Không thể gọi là người đẹp hay chị được sao?” Kỳ thực, người khác nâng bạn lên làm trưởng bối không tốt sao? Trước đây, nếu bạn gọi người lớn tuổi là nhỏ, họ sẽ chỉ vào mặt bạn mà mắng. Nhưng hiện tại đều phản ngược lại rồi, gọi là chị, cô đều không vui, gọi là tiểu cô nương, tiểu mỹ nữ mới vui, tiềm tàng ẩn sâu trong đó là nhân tố sắc, dục, tình.

Tại sao lại sợ trở nên già, chính bởi vì trong quan niệm hiện đại cho rằng trẻ là tốt, già là xấu, sợ trở nên già chính là sợ đi xuống dốc, sợ khô héo như cây cỏ, chết đi giống như động vật, Kỳ thực trong cuốn Chuyển Pháp Luân, Sư tôn nói:

“Xuất [hiện] công năng [thường] ở hai đầu, trẻ em không có chấp trước, người già, nhất là các cụ bà không có tâm chấp trước, dễ xuất hiện công năng, dễ bảo trì”

“Giống hệt như con người: vào thời trẻ tâm chấp trước rất nhiều; cho đến lúc già, thì thuận theo năm tháng trôi qua, tiền đồ vô vọng, thì những cái tâm kia đã tự nhiên dứt bỏ đi, rơi rụng đi; những loại tiểu đạo ấy cũng dùng phương pháp như vậy.”

Tôi lý giải rằng, tâm thái của người già sẽ gần với Đạo hơn. Bởi vì kinh qua sự mài mòn của năm tháng, nhìn thấu thế sự thăng trầm, một số thứ vào thời trẻ rất coi trọng liền sẽ xem nhẹ, đây là kết quả tích lũy của thời gian, là trí huệ, là hảo sự.

Nhưng hiện nay, ở nhà, người già bị coi là đồ bỏ đi chỉ ngồi ăn chờ chết, là những người bảo mẫu chăm sóc con cái, không có quyền lên tiếng về những việc đại sự, về cơ bản không có được sự tôn nghiêm và quyền quyết sách đối với việc gia đình. Cũng giống như phân tích trong bài viết của đồng tu, sợ trở nên già là tiếp nhận quan niệm hiện đại biến dị, bởi vì trong quan niệm hiện đại thì người trẻ giỏi làm việc, cơ hội để người trẻ nhận được giúp đỡ cũng sẽ nhiều hơn. Người già dường như đều là bị đào thải ra ngoài lề, là những người không làm được việc gì, giống như đồ phế thải, không có chút giá trị, cho dù là vay vốn, thuê nhà, chữa trị, đi xa đều gặp rất nhiều trở ngại, không có sự giúp đỡ của người trẻ tuổi thì rất nhiều việc đều không làm được. Là một người tu luyện cần phải nhận rõ mưu kế của cựu thế lực, tuổi tác lớn thì chính là lớn thôi, từng trải thì không tốt sao, trầm ổn không tốt sao, ung dung sau khi trải qua thế sự thăng trầm như vậy không tốt sao, cứ nhất định phải rất mệt mỏi rất thấp thỏm để ngụy trang thành người trẻ tuổi không phải chấp trước sao? Bị người khác nhìn thấu liền không vui mà còn canh cánh trong lòng, đây chính là chấp trước còn lớn hơn nữa.

Cảm tạ bài chia sẻ của đồng tu, cảm ân sự từ bi của Sư tôn, ở đây con xin sám hối trước Sư tôn.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/278481



Ngày đăng: 16-07-2023

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.