Tâm tật đố trong luân hồi



Tác giả: Ức Trần

[ChanhKien.org]

Trong tu luyện, các đồng tu nhờ tu luyện mà quen biết nhau, đó là một loại duyên phận thánh khiết, nhưng nhiều lần, tôi thấy rằng duyên phận giữa các đồng tu đã bị cựu thế lực cố ý thao túng. Trong một lần tình cờ tôi thấy được tâm tật đố giữa tôi và một đồng tu, đó là vào thời Tống, cựu thế lực đã nhiều lần cố ý tạo ra trong luân hồi.

Chuyện kể rằng vào thời Bắc Tống có một gia đình giàu có ở Sơn Đông, chủ nhân là Khang Thành Hải có một người con trai tên là Khang Nhiêu, 17 tuổi, tướng mạo tuấn tú lịch thiệp, hiểu kinh sách biết lễ nghi, lời nói cử chỉ đều được mọi người khen ngợi. Khang Thành Hải có một người bạn tốt là Lam Mật Bình, con gái của Lam Mật Bình là Lam Hinh, tuổi vừa 15, tính cách dịu dàng đáng mến, rất có khí chất. Khi Khang Thành Hải đến nhà Lam gia, nhìn thấy Lam Hinh đã hết lời khen ngợi, lập tức muốn xin làm thông gia với nhà bạn, mong muốn một cuộc hôn nhân hạnh phúc, Lam Mật Bình đã đồng ý ngay.

Khang Thành Hải ghi nhớ ngày sinh tháng đẻ của Lam Hinh, khi trở về, ông đem ngày sinh tháng đẻ của cô gái đặt cạnh ngày sinh tháng đẻ của con trai mình rồi nhờ người gieo quẻ. Người gieo quẻ nói: “Hai người rất hợp để thành hôn, nhưng cô gái e rằng hơn 10 năm sau sẽ có điềm không may, còn đứa con trai được sinh ra sau này sẽ có tiền đồ rộng lớn”. Khang Thành Hải lặng lẽ suy tư rồi giấu kín chuyện này trong lòng. Hai nhà bắt đầu chuẩn bị hôn sự, trong tiếng trống nhạc rộn ràng, Lam Hinh được gả vào nhà họ Khang.

Lam Hinh vào nhà họ Khang rồi thì rất hiếu kính với cha mẹ chồng, lễ nghĩa chu toàn, lại thêm khéo léo việc nữ công gia chánh, cầm kỳ thi hoạ cũng đều tinh thông nên được cha mẹ chồng vô cùng yêu quý. Khang Nhiêu yêu vẻ đẹp của Lam Hinh, cũng yêu cả tài hoa của cô, bên hoa dưới trăng hai người quấn quýt chàng chàng thiếp thiếp; nơi khuê các thư phòng, hai người khi thì đàm cổ luận kim, khi thì thưởng trà bình thơ, cuộc sống trôi qua trong những ngày an nhàn mãn ý.

Từ khi Lam Hinh bước chân vào nhà họ Khang, Khang mẫu luôn mong rằng cô sẽ mang thai, sinh cho bà một đứa cháu trai. Nhưng ba năm đã trôi qua mà Lam Hinh vẫn chưa mang thai, Khang mẫu trong lòng thấy sốt sắng, muốn con trai mình nạp thiếp. Khang phụ đã cản lại: “Bà chớ có nóng lòng, nhớ lại năm xưa chẳng phải chúng ta kết hôn cũng phải năm năm rồi mới có được Nhiêu nhi sao? Tôi thấy con dâu có tướng sinh con trai, nên trước hết đừng vội sốt ruột”. Đầu năm thứ tư, Khang phụ bị bệnh qua đời, trước lúc lâm chung ông căn dặn vợ rằng: “Sau khi ta chết, dẫu chuyện gì xảy ra, vị trí chính thất của con dâu quyết không bị lung lay”. Khang mẫu đã gật đầu đồng ý.

Qua một năm nữa, Khang mẫu lại nói với con trai rằng: “Đêm qua mẹ nằm mơ, mơ thấy cảnh con cháu quây quần bên nhau mẹ rất hạnh phúc, tỉnh dậy lại cảm thấy thê lương gấp bội. Con kết hôn đã năm năm rồi lại không có con, nhà ta vắng con vắng cháu. Con thấy con gái nhà ai được hãy nói với mẹ, mẹ sẽ làm chủ hôn cho con, nhà ta sẽ nạp cô ấy làm thiếp”. Khang Nhiêu thấy vẻ mặt nghiêm túc của mẹ cũng không dám nói gì, chỉ vâng dạ lui về, nhưng anh không tài nào mở lời được với Lam Hinh.

Thấy con trai không nói gì, Khang mẫu liền đích thân nói với con dâu. Lam Hinh quỳ trước mẹ chồng nói: “Hinh nhi vô đức, kết hôn rồi lại không sinh được con, đã để mẹ lo lắng, con thật hổ thẹn với sự yêu quý của mẹ, việc này xin để mẹ quyết định, Hinh nhi tuyệt không cãi nửa lời”. Thế là Khang mẫu nhờ người mai mối, Khang Nhiêu không dám trái ý mẹ nên đã cưới Tịch thị làm thiếp trong sự áy náy. Tịch thị là người rất xinh đẹp nhưng lại nhiều tâm kế, khi ở bên cạnh Khang Nhiêu thì ra sức nũng nịu, Khang Nhiêu có cảm giác khác biệt đối với Tịch thị.

Khi Khang Nhiêu cùng Lam Hinh đang thưởng trà vẽ tranh, thì Tịch thị trang điểm lộng lẫy tiến đến, nói là đến thỉnh giáo, nhưng lại ngả vào người Khang Nhiêu, cử chỉ lẳng lơ, lời nói thân mật. Lam Hinh đột nhiên thấy ý hoạ tình thơ của mình bị phá mất, trong lòng sốt ruột, Tịch thị lại dùng dằng mãi chẳng chịu đi, Lam Hinh đành mượn cớ rời đi. Việc này lặp lại mấy lần như vậy, Lam Hinh chẳng thể cùng chồng thưởng trà làm thơ nữa, chỉ đành rời đi chỗ khác.

Buổi tối Khang Nhiêu ngủ lại phòng của Lam Hinh. Tịch thị lấy cớ gặp ác mộng và ăn uống không tiêu, sai nha hoàn đi tìm Khang Nhiêu, Lam Hinh liền giục Khang Nhiêu đi xem Tịch thị ra sao. Một buổi tối Khang Nhiêu đang ở chỗ Lam Hinh, miệng liên tục ngáp, Lam Hinh cười bảo: “Chàng hãy đến chỗ muội muội, kẻo đã nằm xuống lại phải ngồi dậy”. Khang Nhiêu liên tục nói: “Không được, không được”. Lam Hinh dùng hơi thổi tắt ngọn đèn, nói: “Tướng công hãy ngồi xuống một chút, xem xem thế nào”. Không bao lâu thì nha hoàn của Tịch thị đến gõ cửa nói: “Nhị nương bị đau ngực, thỉnh lão gia ghé qua”. Khang Nhiêu đành phải rời đi.

Tịch thị vào nhà họ Khang được năm tháng thì mang thai, vậy nên Tịch thị lại càng muốn chồng kề cận bên mình, nói là có chồng ngủ bên cạnh thì trong lòng thấy an tâm, ăn ngủ cũng ngon. Khang mẫu cũng để con trai thường xuyên kề cận Tịch thị. Đến ngày Tịch thị sinh con, cả nhà đều vui mừng. Khang mẫu dồn hết cả tâm tư vào đứa cháu trai, Khang Nhiêu lần đầu được làm cha nên cũng rất vui, bèn đặt tên cho đứa bé là Khang Lạc. Lam Hinh đến xem đứa bé, Tịch thị liền nói, lời nói nửa vô tình nửa cố ý chà đạp Lam Hinh: “Tỉ tỉ thích em bé như vậy hay là tự mình sinh một đứa, kẻo Lạc nhi lại không có bạn để chơi”. Lam Hinh nghe xong trong lòng rất không thoải mái.

Vào ngày lễ trong nhà tràn ngập không khí vui vẻ, Tịch thị cố ý muốn khoe công lao, Lam Hinh thấy mình không có trong đó nên uống thêm mấy chén, nhưng tửu lượng kém nên lui về nghỉ trước. Tịch thị bế đứa bé lượn quanh Khang Nhiêu, Khang Nhiêu cũng không dậy nổi để đến ở cùng Lam Hinh. Lam Hinh là người xem trọng tình cảm, nhưng lại không được chồng thương yêu, không được mẹ chồng công nhận, lòng thấy đau khổ cô quạnh, thường lặng lẽ một mình, thân thể ngày càng gầy mòn.

Có lúc Lam Hinh làm thơ nhưng phong cách thơ ngày xưa của cô đã không còn, trước đây lời thơ, vần điệu đều thanh nhã, ngữ khí bình hoà. Giờ đây đặt bút làm thơ, lời thơ càng có ý chua chát. Chẳng hạn như: “Quyện cầm họa, lại sơ trang, tâm lí địa nhi bội thanh lương, kỉ khỏa châu ngọc lạc tai bàng” (Dịch nghĩa: Chán chơi đàn vẽ tranh, lười chải chuốt điểm trang, trong lòng càng lạnh lẽo, châu ngọc rơi bên má). Hay như “Tiếu ngữ ôn tình kim khứ liễu, tịch mịch hựu nhiễm thê lương” (Dịch nghĩa: Tiếng cười và tình cảm ấm áp nay đâu còn nữa, cô đơn tịch mịch lại thê lương), hoặc: “Hương xa lan chu không thặng mộng, yến nhi song phi tiếu nô thương, nhất chẩm hoàng lương” (Dịch nghĩa: Xe hương, thuyền lan chỉ còn trong mộng, đôi én cùng bay cười thi bi thương, giấc mộng hoàng lương) (giấc mộng hoàng lương chỉ vinh hoa chỉ như giấc mộng). Khang Nhiêu đọc những bài thơ Lam Hinh viết cũng cảm thấy chạnh lòng.

Lam Hinh có lúc lấy cớ tiểu muội xuất giá, em trai có con nhỏ v.v.. để về nhà mẹ đẻ ở lâu thêm được chút. Một năm sau Tịch thị lại sinh con gái, đặt tên là Khang Mai. Đến lúc này Tịch thị miệng gọi con trai mồm kêu con gái, trong lòng hết sức đắc ý. Tịch thị có ý muốn được làm chính thất nên mở lời dò xét, Khang Nhiêu không đáp trả đề nghị này, mẹ chồng cũng không nói gì, Tịch thị càng thêm sốt ruột.

Vào năm thứ chín sau khi Lam Hinh kết hôn, cha cô bị bệnh nặng, Lam Hinh ở lại nhà mẹ đẻ một thời gian lâu để chăm sóc cha. Khi cha cô khỏi rồi Lam Hinh lại vất vả lâu ngày thành bệnh, nằm trên giường không dậy nổi. Khang Nhiêu đến đón Lam Hinh, Lam Hinh không ra gặp Khang Nhiêu mà để mẫu thân chuyển lời với Khang Nhiêu rằng khi nào mình khỏi bệnh rồi sẽ gặp, Khang Nhiêu chỉ đành quay về. Biết Khang Nhiêu đi rồi Lam Hinh lòng đau như dao cắt, nước mắt lặng lẽ tuôn rơi.

Bệnh tình Lam Hinh cứ trì trệ không khỏi khiến cha mẹ cô phải âu lo. Một hôm có một tăng nhân vân du đi đến, Lam phụ thỉnh vị tăng nhân ấy vào nhà, kính cẩn mời dùng tiệc chay. Vị tăng nhân dùng cơm xong, thấy Lam phụ mặt mày ủ rũ nên hỏi có việc gì. Lam phụ nói về bệnh tình của con gái. Vị tăng nhân nói mình có thể trị khỏi bệnh, Lam phụ hết sức vui mừng, dẫn vị tăng nhân đến bên ngoài phòng Lam Hinh, vị tăng nhân đứng ở cửa, cất cao giọng hát:

Thế nhân giai vi tình sở nhiễu, bất tri tự thân nãi thị bảo

Nhĩ khứ hà nhân nhạc khai hoài, thế thượng tình duyên tri đa thiểu

Ngã khuyến giai nhân mạc phiền não, tĩnh tu khứ tình ác tự liễu

Thử thân kí dĩ nhập trần thế hình, tiêu cốt lập không tự nhiễu

Vạn sự khán khai tâm cảnh khoan, nhãn tiền thiên địa tẫn tri hiểu

Diễn nghĩa:

Con người thế gian đều bị tình quấy nhiễu, lại không biết thân thể mình vốn là bảo vật

Cô đi rồi ai người vui vẻ ai người nhớ nhung, tình duyên trên thế gian biết được bao nhiêu

Ta khuyên giai nhân chớ phiền não, tĩnh tu bỏ tình ác tự tiêu

Tấm thân này đã nhập hồng trần, thân hình gầy guộc do tự mình vướng bận

Mở rộng tâm cảnh nhìn vạn sự, thì thiên địa trước mắt đều hiểu cả

Lam Hinh nghe xong, trong lòng có cảm giác mát dịu, vị tăng nhân lại hát một lần nữa, Lam Hinh gắng ghi nhớ lời ông. Lam phụ dẫn vị tăng nhân ra phòng khách ngồi, vị tăng nhân nói: “Bệnh tình của tôn nữ là tâm bệnh, là do tình mà ra, ta quan sát chốn khuê phòng ấy thấy căn phòng tràn ngập khí ưu oán, cần dùng tình công kích tình, khắc sẽ tự giải. Ở đây ta có hai vật, có thể giúp tôn nữ khoẻ lại”. Nói xong ông lấy từ trong túi ra một cái lọ nhỏ, rồi lại lấy ra một viên thuốc màu đen, dặn rằng: “Trong bình này chứa hơi nước tụ lại từ tình duyên bốn bể, còn viên thuốc này là kết tinh của tình duyên chín châu nơi trần thế, trộn lẫn với tạp vật của thế gian rồi đem uống. Khi có được cảm giác giải thoát rồi, nhớ niệm Phật hiệu cho nhiều, đó là điều quý báu nhất”. Vị tăng nhân nói xong còn chẳng từ biệt chủ nhân đã một mạch đi thẳng, Lam phụ vội chạy theo sau đưa tiễn, chỉ nghe vị tăng nhân vừa đi vừa xướng một bài kệ rằng:

Thế gian tình duyên thị cá bảo, tiêu tai tiêu nan khổ tội tiêu

Ngô lai điểm tỉnh mộng trung nhân, tha nhật tương tụ vật vong liễu

Diễn nghĩa:

Tình duyên nơi thế gian là bảo vật, tiêu tai tiêu nạn tiêu tội khổ

Ta đến đánh thức người trong mộng, ngày sau gặp lại xin chớ quên

Lam phụ gắng ghi nhớ bốn câu kệ ấy, lúc trở về đã chép ra giấy.

Lam Hinh uống thuốc xong, lập tức tỉnh lại và nói rằng nhớ Khang lang, muốn quay về nhà chồng, Lam mẫu nói: “Con ta thân thể yếu nhược, sẽ chịu không nổi đường đi vất vả. Đợi bệnh khỏi rồi hẵng quay về”. Sau mấy hôm Lam mẫu phát hiện con gái mình đã ăn được nhiều hơn, tinh thần cũng phấn khởi lên. Lam Hinh nói: “Con muốn được mau khỏi bệnh, để quay về gặp lại Khang lang”. Lam mẫu nghe vậy rất kinh ngạc, bà suy ngẫm lại lời vị tăng nhân, trong lòng thầm nghĩ: “Đây chẳng phải là lấy độc trị độc, lấy tình trị tình sao, để Hinh nhi nhà ta xem nhẹ tình”. Bà bèn nói với con gái rằng: “Con gái ta quay về nhà ấy rồi, Khang lang chắc gì đã ở bên con, chẳng phải sẽ ở bên mẹ con Tịch thị hay sao?” Lam Hinh nghe vậy bỗng hoảng hốt, những giọt lệ chầm chậm lăn xuống. Lam mẫu nói: “Con ta từ khi kết hôn xong cuộc sống ngọt ngào viên mãn nên hiếm khi về nhà. Từ ngày Tịch thị bước vào căn nhà đó, con ta lại hay về nhà, mặt mũi u sầu ủ rũ, cái khổ trong lòng nữ nhân sẽ làm con buồn đến chết mất”. Lam Hinh hỏi: “Mẫu thân biết nỗi khổ sở trong lòng nữ nhi sao?” Lam mẫu gật gật đầu. Lam Hinh nói: “Nỗi khổ của con đã bao trùm lấy con, những đêm dài đằng đẵng, nỗi cô đơn như từng lớp từng lớp kén bao lấy con, những tháng ngày trôi qua thật quá ảm đạm, con người cũng chẳng còn ánh sáng. Trái tim con thực sự bị dằn vặt. Nghe thấy tiếng cười nói của Khang lang và Tịch thị con vội tránh đi, nhưng âm thanh ấy cứ theo con như bóng với hình, níu lấy trái tim con. Có lúc ở cạnh bờ ao con đã nghĩ: Nếu ngã ngay xuống đó, bị chết chìm, rồi thì sẽ không biết khổ nữa. Con vô cớ nghĩ ra mấy cách tự tử nhưng lại không dám chết, sợ cha mẹ đau lòng, đành phải gắng gượng qua ngày, chẳng biết khi nào mới thoát ra được”. Lam mẫu nghe những lời ấy xong lòng đau như dao cắt, bà nén chặt nỗi đau của mình xuống, nói: “Ngày mai mẹ dẫn con tới Phật đường niệm kinh, Phật Chủ từ bi sẽ cho con ta được giải thoát”.

Ngày hôm sau hai mẹ con Lam Hinh đến quỳ trước Phật đường niệm kinh, họ đang niệm đang niệm thì Lam Hinh cảm thấy đầu nặng trĩu. Trong lúc mê man trước mắt cô hiện ra cảnh những ngày cùng Khang lang phu thê ân ái, niệm ấy vừa mới động cô không tránh được việc nhớ lại quá khứ tươi đẹp, đang nghĩ ngợi như thế thì hình ảnh chồng cô và Tịch thị ở bên nhau lại đột nhiên xuất hiện, từng hình ảnh cứ nối tiếp nhau hiện ra. Lam Hinh bỗng thấy khó thở, trái tim như thắt lại, toàn thân vô lực, đành ngồi bất động trên sàn Phật đường. Lam mẫu nhìn cô với vẻ mặt nghiêm túc, miệng không ngừng niệm kinh, Lam Hinh mở miệng niệm nhưng không niệm nổi thành tiếng, mồ hôi lạnh tuôn ra đầm đìa, Lam mẫu vội đỡ con gái, để cô dựa vào người mình rồi lại tiếp tục niệm kinh như cũ. Lam Hinh chỉ thấy trời đất quay cuồng trước mắt, tạo thành một vòng xoáy màu đen và cô bị cuốn vào trong đó. Càng tiến vào càng thấy vòng xoáy sâu hun hút, trái tim cô như đang rơi xuống, nhưng rơi mãi mà chẳng chạm đến đáy.

Trong quá trình rơi xuống vô cùng khủng khiếp này, Lam Hinh lại cảm thấy rõ ràng rằng cả gia đình nhà chồng đang nói nói cười cười bên cạnh cô, hoàn toàn chẳng để tâm đến việc Lam Hinh gặp nguy hiểm, vậy nên cô càng thêm tuyệt vọng, cảm thấy sinh mệnh mình sắp phải kết thúc rồi. Bỗng nhiên Lam Hinh nhìn thấy mẫu thân đang trang nghiêm niệm kinh, từ miệng của bà tuôn ra những sợi chỉ vàng kim, những sợi chỉ vàng kim ấy càng lúc càng dài ra, chúng quấn lấy cô, kéo cô lên trên, trong lòng cô bấy giờ mới thấy an tĩnh. Cũng không biết đã qua bao lâu, Lam Hinh cảm thấy toàn thân kiệt quệ, hệt như một con cá nằm trên bãi cát, hơi thở thoi thóp, hết sức đáng thương. Cuối cùng, khi cảm thấy mọi thứ trước mắt đã trở lại bình thường, cô nói: “Con cảm thấy như mình đã chết rồi vậy”. Lam mẫu nói: “Con à, con hãy suy nghĩ cho kỹ. Nếu con không còn nữa, người đau khổ nhất chính là cha mẹ. Một người sống trên đời không đơn thuần là chỉ sống vì chính mình, mà còn vì người khác. Con phải kiên cường lên, mở rộng lòng mình ra, không ai có thể làm con gục ngã, chỉ e con tự làm mình gục ngã”. Lam Hinh nói: “Con sẽ tốt lên thôi, nhưng cần một thời gian, xin mẹ hãy giúp con”. Lam mẫu nhìn thấy sắc mặt nhợt nhạt của con gái, khẽ gật đầu.

Cứ như vậy Lam Hinh cùng mẹ ở Phật đường niệm kinh suốt nửa tháng, trong khoảng thời gian ấy đã có mấy lần Lam Hinh cảm thấy suy sụp. Có lần Lam Hinh buột miệng nói: “Con hận đã không thể giết chết Khang lang”. Lam mẫu mặt mày kinh hoảng thất sắc nói: “Con ta từ đâu mà có những lời này? Bị ma tình can nhiễu, đầu óc hôn mê rồi chăng?” Lam Hinh khóc lớn: “Con nói như vậy vì trong lòng thấy quá khổ, nếu con nói muốn mình chết đi, mẹ có thấy dễ chịu không?” Lam mẫu rơi nước mắt, không nói được lời nào. Lam Hinh nói: “Con không muốn niệm kinh nữa, vừa mới niệm thì đủ thứ suy nghĩ lại ào ạt tuôn ra, con không giữ cái tâm của mình được nữa, không muốn ở lại Phật đường một khắc nào nữa, cứ muốn chạy ra ngoài thôi”. Lam mẫu nói: “Con ta nhất định phải chiến thắng các chủng vọng niệm, phải diệt những niệm đầu của mình thì cái tâm của con mới có thể giải thoát được”. Lam Hinh gật đầu.

Rồi lại thêm 10 ngày trôi qua, một hôm Lam Hinh nói với mẹ: “Trong một tháng này thân tâm con đã mỏi mệt vì phải bài xích các chủng vọng niệm. Hôm nay con đã có được cảm giác giải thoát, trong tâm con đã thấy mình đã không còn bị cái tình dẫn động mạnh mẽ nữa”. Lam mẫu vui mừng nói: “Phật Chủ thương xót con ta, con ta đã chiến thắng được các chủng vọng niệm, bản chất của sinh mệnh là thuần tịnh, thiện lương. Nếu con tĩnh tâm lại sẽ phát hiện Khang lang đối với con vẫn như xưa. Con người nếu khăng khăng ôm giữ cái tình, không muốn nó mất đi chút nào, thì không thể được. Phải mở rộng lòng ra”. Lam Hinh nói: “Tư tâm của con thực sự đã làm hại con, con hy vọng cùng Khang lang ở bên nhau trọn đời, nhưng từ khi Tịch thị bước chân vào nhà con đã ngày càng cảm thấy thống khổ, tâm tật đố cùng cảm giác đau lòng đã khiến con quên mất phụ đức, hiếu nghĩa. Giờ thì ổn rồi. Nhưng bây giờ nếu gặp lại Khang lang con sẽ vẫn còn bị động tâm. Nếu như không động tâm chắc sẽ tốt”. Lam mẫu nói: “Con ta nếu như vậy, e là chẳng tu thành. Phu thê vốn là do duyên phận định đoạt, trong lòng có thiện, có sự bao dung đại độ thì sẽ tốt hơn. Nếu như con đổi mình thành chị gái hay em gái của Khang lang thì con sẽ đối đãi với Tịch thị như thế nào?”. Lam Hinh đáp: “Ý niệm này thật tốt, nếu như con có niệm này thì sẽ không sinh ra vô số phiền não nữa. Đa tạ mẫu thân đã thức tỉnh con”. Lam mẫu cười bảo: “Sao lại nói những lời cảm ơn? Con gái sống tốt thì mẹ càng sống tốt, con gái không ổn thì mẹ an lòng được sao?”

Lại nói về Khang gia, Khang mẫu một đêm nằm mộng thấy trong sân nhà có hai cây hoa, một cây hoa rất xinh đẹp còn cây hoa kia thì rất thanh nhã. Cây hoa xinh đẹp đã ra hoa kết quả, quả trên cây trông thực rất bắt mắt. Bà thầm nghĩ: “Cây hoa thanh nhã này sao không kết quả nhỉ? Thật đáng tiếc”. Bà đương nghĩ như vậy thì phát hiện cây hoa thanh nhã vừa trổ ra một quả, quả to mập mạp, trong chớp mắt quả cây biến thành một đứa bé mặc yếm, đứa bé trông hết sức đáng yêu, nó vừa cười vừa chạy bổ đến, Khang mẫu rất đẹp lòng. Bà giơ tay định đón đứa bé thì chợt tỉnh mộng, tiếng cười của đứa bé vẫn còn vang vọng bên tai. Khang mẫu phát hiện hai tay mình vẫn còn đang giơ ra, bà tiếc rẻ thả tay xuống. Suy ngẫm về giấc mộng này bà lập tức minh bạch, hai cây hoa chẳng phải ám chỉ hai cô con dâu nhà này sao, xem ra giấc mộng này ám chỉ rằng con dâu lớn sắp có em bé. Khang mẫu nghĩ đến đây trong lòng rất vui mừng, lại thấy mấy năm qua bản thân đã không đối xử tốt với Lam Hinh.

Ngày hôm sau, Khang mẫu đến chùa dâng hương, thắp hương xong, bà rút xăm, thấy trên lá xăm có viết: “Tử thù phụ vinh, gia đạo phong doanh; triều khuyết chi mệnh, ngũ tuế vô đắc đổ từ dung” (Con xuất chúng, cha được vinh quang, gia đạo sung túc; mệnh làm quan triều đình, năm tuổi e rằng phải mất đi người hiền lành). Khang mẫu xem xong lá xăm trong lòng vô cùng mừng rỡ, nghĩ: “Đứa cháu này của ta có mệnh làm quan, sau này rời nhà đi làm quan, vài năm không gặp thân nhân cũng là chuyện bình thường”.

Khang mẫu trở về nói với con trai: “Hinh nhi vắng nhà đã lâu, mẹ cũng nhớ con bé”. Khang Nhiêu nói: “Con chuẩn bị đi đón cô ấy ngay đây”. Khang mẫu nói: “Đi đi, mau đưa Hinh nhi về đây, kẻo mẹ lại lo lắng. Con đem nhân sâm Liêu Đông tặng cho nhạc phụ, chọn tơ tằm loại thượng hạng tặng cho nhạc mẫu. Hinh nhi về đây rồi con phải ở cạnh Hinh nhi nhiều hơn, mấy năm qua chúng ta cũng đối xử tệ với Hinh nhi rồi”. Khang Nhiêu cảm thấy khó hiểu, những việc nhỏ nhặt này sao mẹ anh cũng xen vào, nhưng dù sao anh vẫn nghe mẹ. Khang Nhiêu không chú ý đến nét mặt Tịch thị đang chảy dài.

Khang Nhiêu đến đón Hinh nhi, gặp được Hinh nhi Khang Nhiêu vừa vui mừng vừa ngạc nhiên; mừng vì Hinh nhi đã khoẻ lại, ngạc nhiên vì thấy khí chất Hinh nhi không giống như trước. Trong nét đẹp ôn nhu của Hinh nhi phần nhiều toát lên vẻ thanh nhã, thoát tục, có một loại cảm giác ôn hoà khó tả bằng lời. Lúc chỉ có hai người, Khang Nhiêu nắm lấy tay Hinh nhi nói: “Ta rất nhớ nàng, nàng đã thay đổi rất nhiều, trong lòng nàng đã không còn phiền não nữa!” Hinh nhi nở một nụ cười đầy hàm ý, đáp rằng: “Vui hay không vui, đó là cảnh giới tâm tính; phiền não hay không phiền não, tất cả là ở sự độ lượng; không còn bị cái tâm câu thúc thì vẻ mặt cũng rạng rỡ”. Khang Nhiêu cứ ngây người ra, không nói được lời nào.

Lam Hinh trở về, cả nhà họ Khang trên dưới đều kinh ngạc. Khang mẫu thấy con dâu cao quý thanh nhã, hiền huệ, phóng khoáng rộng lượng. Tịch thị thấy đại phu nhân càng trở nên xinh đẹp, còn kẻ hầu người hạ đều thấy đại phu nhân trong vẻ ôn nhu có sự mạnh mẽ. Tâm tư của Khang Nhiêu đặt hết cả vào Lam Hinh. Lam Hinh buổi sáng thỉnh an mẹ chồng xong, sắp xếp các việc trong nhà rồi đến Phật đường niệm kinh, ăn uống cũng rất thanh đạm. Buổi trưa chợp mắt một lúc rồi Lam Hinh lại ở trong thư phòng chép kinh Phật. Có lúc ở bên Lam Hinh, Khang Nhiêu thấy cử chỉ của Lam Hinh mang vẻ thản đãng và thoát tục.

Lam Hinh trở về được hai tháng, một hôm đang ăn sáng, nhìn bàn ăn đầy thức ăn, Lam Hinh đột nhiên cảm thấy ăn không ngon, không muốn động đũa. Mẹ chồng nói: “Hinh nhi, con làm sao vậy? Ăn đi chứ”. Lam Hinh vừa định nói thì đột nhiên cảm thấy buồn nôn, vội vàng rời khỏi bàn ăn và nôn thốc một trận. Nét mặt Khang mẫu lộ vẻ vui mừng: “Hinh nhi, con có thai rồi phải không?” Lam Hinh kinh ngạc đến mức mở to mắt, nhìn Khang Nhiêu mà không nói được gì. Biểu hiện của Lam Hinh làm Khang Nhiêu cảm thấy rất đáng yêu, miệng nở một nụ cười, nhưng Tịch thị trong lòng lại không được thoải mái lắm.

Ăn sáng xong Khang mẫu sai quản gia đi mời lang trung. Thầy lang trung đến, chẩn mạch xong, quay sang phu nhân và đại phu nhân chúc mừng, nói đó là hỷ mạch. Khang mẫu căn dặn Khang Nhiêu phải chăm sóc Hinh nhi cho tốt. Cả nhà họ Khang thảy đều vui mừng, chỉ riêng Tịch thị là không vui. Thấy Khang Nhiêu quan tâm Lam Hinh, Tịch thị lại bất mãn. Có lúc Tịch thị ở trước mặt mẹ chồng nói mấy câu, mẹ chồng Tịch thị đáp: “Ta thấy Nhiêu nhi quan tâm Hinh nhi và quan tâm con chẳng có gì khác biệt cả, con có hai đứa con, mấy năm nay con cũng đã nói những lời khiêu khích Hinh nhi, nhưng con bé chẳng đáp lại nửa câu, lần này con nhất định phải rộng lòng”. Tịch thị chẳng nói gì thêm, trong lòng lại càng bất mãn.

Chín tháng sau, Lam Hinh hạ sinh một bé trai, đứa bé nặng bốn cân, trán và cằm đầy đặn, tai to dày, đầy vẻ phúc tướng. Khang mẫu vui mừng khôn xiết, Khang Nhiêu càng yêu quý chẳng rời, đặt tên cho con trai là Khang Chu. Khang mẫu và Khang Nhiêu quây quanh mẹ con Lam Hinh, vui đến mức không khép miệng lại được, Tịch thị trong tâm đầy bất mãn, tức giận không chịu được.

Lam Hinh sinh con xong dung nhan càng rạng rỡ, khuôn mặt càng tỏa sáng, tình cảm mà Khang Nhiêu dành cho cô càng tăng thêm mấy phần, đối với đứa con trai lại càng xem như viên minh châu trong tay. Ngược lại Lam Hinh vẫn thường nói với Khang Nhiêu rằng: “Chớ dành quá nhiều ân phúc cho đứa bé, hãy quan tâm nhị phòng và hai đứa trẻ nhiều hơn”. Cả nhà từ lớn đến bé đều ca ngợi tấm lòng rộng lượng và thiện tâm của Lam Hinh. Nhìn thấy sự quan tâm của Khang lang dành cho đại phu nhân và nghe thấy sự ngợi khen của gia nhân trong nhà đối với Lam Hinh, trong lòng Tịch thị nảy sinh oán khí.

Lam Hinh vẫn thường đến Phật đường niệm kinh như thường lệ, đôi khi có một số cảnh tượng hiển hiện trước mắt cô, khi Lam Hinh liên kết những cảnh tượng này lại với nhau, cô mới minh bạch được mối quan hệ nhân duyên giữa mình và Khang lang, Tịch thị. Cảm khái rằng đời người không gì hơn là do nhân duyên tác hợp, nên Lam Hinh càng đối tốt với Tịch thị hơn. Còn Tịch thị ngoài mặt tỏ ra thân thiết, nhường nhịn chị là lớn, em là nhỏ nhưng sau lưng thì vẫn cứ bất mãn với Lam thị.

Lam Hinh đem những tình cảnh mà mình nhìn thấy được lúc niệm kinh kể cho nha hoàn thân thiết nhất là Vũ Khỉ nghe như kể những câu chuyện. Chuyện kể rằng trong một gia đình giàu có nọ có hai cô con gái, cô chị tên là Ánh Bình, cô em tên là Thải Bình. Hai chị em gần trạc tuổi nhau, đều có dung mạo xinh đẹp và tài năng, cô chị tính tình đôn hậu còn cô em thì khá mạnh mẽ. Cô chị lấy được đấng lang quân như ý là Thành Nam, sinh được một đứa con trai, sớm đã đảm đương việc nhà, khéo xử lý mọi việc nên được cha mẹ chồng quý mến, được chồng yêu thương. Còn cô em đi lấy chồng, chưa được một năm thì chồng lâm bệnh qua đời nên cô em thường xuyên về nhà mẹ đẻ. Có một lần Thải Bình đến nhà chị gái, ngưỡng mộ việc chị mình được thương yêu, lại nắm giữ được công việc trong nhà, rồi lại buồn phiền cho vận mệnh không may, nên đâm ra tật đố với chị gái. Em chồng của Ánh Bình là Thành Hạo đã kết hôn, khi gặp Thải Bình đã bị Thải Bình làm mê mẩn, muốn nạp Thải Bình làm thiếp. Khi Thành Hạo nói với mẫu thân chuyện này, đã bị mẫu thân phản đối. Thải Bình về rồi, Thành Hạo vẫn lén lút qua lại với Thải Bình, qua mấy dịp gió thổi trăng đưa thì Thải Bình đã có thai. Thành Hạo đem chuyện này nói với chị dâu, cầu xin chị dâu giúp mình. Ánh Bình suy nghĩ mấy lượt rồi đành cầu xin với mẹ chồng, mẹ chồng cô miễn cưỡng đồng ý cho Thải Bình bước chân vào nhà. Thành Hạo đối xử với Thải Bình rất tốt, Thải Bình lại sinh được một đứa con trai, xem như đã lấy lại được thể diện.

Ánh Bình khi quán xuyến gia đình xử sự rất công bình, nhưng Thải Bình luôn muốn chị gái quan tâm tới mình hơn, khi thấy các khuê phòng được đối xử bình đẳng thì lại dần bất mãn với chị gái. Hai năm sau, chính thất của Thành Hạo bị bệnh qua đời, Thải Bình được lên làm chính thất. Nhưng không hiểu vì sao Thải Bình lại càng tật đố ghê gớm, đến cái vòng ngọc trên tay Thải Bình luôn cảm thấy vòng của chị gái đẹp hơn, muốn đổi vòng với chị gái; với y phục được làm ra từ cùng một loại vải Thải Bình luôn thấy chị gái mặc đẹp hơn. Có lúc khi hai chị em ở bên nhau Ánh Bình thấy lời nói của em gái thật khiêu khích, Ánh Bình chỉ biết nhường nhịn em, có lúc Ánh Bình cũng thấy em gái thật không biết đủ. Khi hai chị em về nhà mẹ đẻ, người mẹ phát giác ra sự tật đố của Thải Bình, đã mắng riêng Thải Bình một trận, lời nói, hành vi của Thải Bình đã có phần kiềm chế lại, tâm tật đố không dễ biểu lộ ra ngoài nữa. Rồi ngày vui chóng tàn, Thành Hạo bị bệnh qua đời. Mẹ chồng rất bất mãn với Thải Bình, cho rằng Thải Bình có tướng khắc chồng nên rất không thích cô. Riêng phần Thải Bình, thấy chị gái được anh rể thương yêu, mẹ chồng cũng xem trọng chị mình nên càng tật đố không chịu được. Đồng thời, trong lòng Thải Bình vẫn còn một điều hối tiếc, đó là cả đời chưa được quán xuyến gia đình.

Nghe xong câu chuyện này Vũ Khỉ nói: “Con người ấy, sao lại không biết đủ vậy chứ, vận mệnh đã được an bài đến đấy. Em thấy Thải Bình thật giống nhị phu nhân”. Lam Hinh không nói gì, cô biết rằng nhân vật Ánh Bình trong câu chuyện là chính mình, Thải Bình chính là Tịch thị, Thành Nam là Khang Nhiêu, còn mẹ chồng, đời này vẫn là mẹ chồng cô. Ôi vận mệnh sao mà được an bài xảo hợp đến như vậy!

Không lâu sau Lam Hinh lại kể cho Vũ Khỉ nghe một câu chuyện khác:

Tương truyền rằng có một gia đình quan lại hành nghề y dược, người chủ nhà ngồi ở y đường chẩn bệnh, hai người con trai giúp ông lo liệu các việc bên ngoài, hai cô con dâu thì phụ giúp mẹ chồng ở sau nhà. Nàng dâu cả hiền thục, giỏi giang, biết quán xuyến mọi việc, còn nàng dâu thứ thì nhanh mồm nhanh miệng, lại có tính nôn nóng, hấp tấp, nên mẹ chồng đã giao các việc trong nhà cho nàng dâu cả lo liệu, cũng vì thế mà nàng dâu thứ sinh ra bất mãn. Ông chủ nhà đã lớn tuổi, xét đến việc kế thừa gia tộc thì thấy hai người con trai đều có năng lực làm việc ngang nhau, khi xét đến nhân tố kế tiếp là hai nàng dâu, ông chủ cảm thấy nàng dâu cả có thể tương trợ con trai cả của ông, sẽ không sinh ra chuyện thị phi; nàng dâu thứ thì hấp ta hấp tấp, không phải là người tỉ mỉ, cẩn thận. Nên ông có ý bồi dưỡng y thuật cho người con trai cả. Nàng dâu thứ thấy vậy lại thêm phần bất mãn, thường nói trước mặt chồng rằng bố chồng không tốt, người nhà đối với họ cũng không tốt.

Có lần người con thứ đi ra ngoài mua thuốc nhưng lại mua phải thuốc giả, bị anh trai phát hiện, rồi ông chủ nhà biết được lại khiển trách anh một trận. Người con thứ sốt ruột thành bệnh, nằm trên giường chẳng dậy nổi, nàng dâu thứ vừa chăm lo cho chồng vừa luôn miệng càu nhàu rằng bố chồng, anh chồng và chị dâu đã không tốt thế nào. Chị dâu của cô sinh được hai đứa con, bản thân cô thì không có con, nên với chị dâu lại thêm phần bất mãn. Chứng kiến việc anh trai nắm giữ công việc bên ngoài, chị dâu lo liệu công việc trong nhà, dẫu thế nào cô cũng sẽ không có chỗ vươn lên trong nhà này. Do tâm ghen ghét oán hận mà cô đã sinh bệnh nặng, nhưng cô không có suy nghĩ muốn khỏi bệnh để trong nhà phải hao tốn vì cô, người anh cả bốc thuốc, chị dâu nấu thuốc mang đến nhưng cô không chịu uống, đều đổ đi cả. Bản thân cô cũng không muốn bệnh tình mau khỏi, cứ dây dưa mãi, rồi cô mất đi. Sau chuyện này người con trai thứ cứ mượn rượu giải sầu mà tinh thần cũng không phấn chấn lên được.

Vũ Khỉ nghe xong những câu chuyện này đã cảm thán rằng: “Con người ấy, sao lại suy nghĩ không thông như vậy! Cô chủ à, trong hai câu chuyện cô kể cho em nghe, em thấy người chị Ánh Bình và nàng dâu cả có phần giống cô, người em Thải Bình và nàng dâu thứ rất giống nhị phu nhân, hai câu chuyện này có liên hệ gì nhau chăng?” Lam Hinh không nói gì cả, cô biết rằng nàng dâu cả trong câu chuyện là chính mình, nàng dâu thứ là Tịch thị, người chồng là Khang Nhiêu, còn người mẹ chồng vẫn là mẹ chồng trong hiện tại.

Thấm thoắt Khang Chu đã được năm tuổi, đứa bé này có khí chất thông minh lạ thường, chỉ cần nhìn qua các thứ là nhớ ngay. Khang mẫu thường nói: “Đứa cháu đích tôn của ta hẳn không phải là một đứa trẻ tầm thường, sau này sẽ làm quan lớn”. Tịch thị nghe vậy trong lòng rất khó chịu, bèn nghĩ: “Nếu sau này đại phu nhân trở thành mẹ của một vị quan thì ta lại càng không có chỗ đứng nữa”. Trong lòng Tịch thị càng thêm ghen ghét đại phu nhân, do tâm tật đố mà nảy ra gian kế, muốn hại chết đại phu nhân.

Có lần Tịch thị sai nha hoàn mang canh đến cho đại phu nhân, Lam Hinh đột nhiên bị đau ngực nên không muốn uống, Vũ Khỉ nhìn bát canh trong lòng sinh nghi. Vũ Khỉ bèn rút trâm bạc ra nhúng vào bát canh, Lam Hinh vừa định ngăn Vũ Khỉ lại thì thấy cây trâm bạc rút ra đã đổi màu, hai người hết sức kinh sợ. Vũ Khỉ nói: “Chuyện này phải nói cho lão gia biết, để nhị nương thôi đi”. Lam Hinh không cho Vũ Khỉ làm lớn chuyện, bảo: “Mọi sự trên đời đều đã được định sẵn, đã 10 năm từ khi ta kết hôn, từ lúc Tịch thị bước chân vào nhà trái tim ta chưa từng có ngày không chết. Tháng ngày trôi qua có ngọt bùi rồi đau khổ, đau khổ rồi lại ngọt bùi, chẳng qua cũng vì việc không có con. Với những đau khổ chất chứa trong lòng ta đã giải khai được rồi, không muốn dây dưa thêm nữa. Nếu như đời này ta có mắc nợ nhị phu nhân, thì cũng nên hoàn trả. Em đừng nói chuyện này với ai, lỡ như hai đứa trẻ không còn mẹ nữa thì cũng thật đau lòng, cũng rất khổ, hà tất phải làm như vậy?”. Vũ Khỉ nói: “Cô thật là có tâm Bồ Tát, nhưng em thấy nhị phu nhân sẽ không buông tay đâu”. Lam Hinh nói: “Ta nghe mẫu thân ta có nói qua, có một hòa thượng vân du đã quả quyết rằng nhà ta nhiều đời niệm Phật, nên sẽ xuất hiện một người biết được quá khứ của mình, ta nghĩ, người đó chính là ta, duyên phận giữa ta và nhị phu nhân quả thật không đơn giản!” Vũ Khỉ hỏi như thăm dò: “Cô và nhị phu nhân vào các đời trước đầu tiên là chị em ruột, sau đó là chị em dâu có phải không?” Lam Hinh cau mày, gật gật đầu.

Cách một ngày sau Lam Hinh nói với Vũ Khỉ rằng: “Khỉ nhi, em theo ta đã 20 năm, nhưng không thể cứ mãi như thế này được. Ta dò hỏi được một chỗ tốt, em có muốn xuất giá không?” Vũ Khỉ liên tục lắc đầu, đáp: “Em không muốn, lỡ như mẹ chồng và phu nhân nhà đó rất ngang ngược, nhẹ thì em sẽ thương tích đầy mình, nặng thì tính mệnh khó bảo toàn, em vẫn đi theo cô là hơn!” Lam Hinh nói: “Ta và em tuy là chủ tớ nhưng tình như tỉ muội, ta nghĩ em cần có một chỗ tốt để đi”. Vũ Khỉ nói: “Em không nỡ rời bỏ phu nhân, rời bỏ tiểu công tử, em không đi đâu hết, em còn phải bảo vệ cô, phải đề phòng nhị phu nhân”. Giọng của Vũ Khỉ rất kiên quyết, Lam Hinh không nói gì nữa.

Mấy hôm sau Khang Chu đến phòng nhị nương, nhìn món điểm tâm trên bàn liền lấy một miếng. Đứa bé này có một đặc điểm là thấy món gì ngon liền nghĩ đến mẫu thân, nó bèn mang món điểm tâm mới làm đến phòng của mẹ. Ngày hôm ấy không hiểu vì sao Lam Hinh bỗng nhiên thấy trong lòng đau thắt, cứ nhăn mặt nhíu mày. Nhìn thấy con trai, nét mặt cô liền tươi tỉnh lại. Khang Chu đưa món điểm tâm cho mẹ, bảo mẹ ăn, Lam Hinh mỉm cười đón nhận món điểm tâm, chầm chậm cắn vài miếng rồi cùng chơi đùa với con trai. Chợt Lam Hinh bụng đau quặn, sắc mặt chuyển sang trắng bệch, hơi thở gấp gáp, đứng không vững nữa ngã xuống đất, Khang Chu sợ quá khóc ầm lên. Vũ Khỉ thấy vậy biết là do trúng độc, vội sai người đi tìm viên ngoại, rồi nhét nửa miếng đồ ăn điểm tâm còn lại vào tay áo, Lam Hinh nhìn thấy tay áo của Vũ Khỉ đã ra sức lắc lắc đầu, Vũ Khỉ ôm lấy Lam Hinh mà khóc.

Khang Nhiêu vội chạy tới bế Lam Hinh, Lam Hinh ra hiệu cho Vũ Khỉ lấy từ đầu giường ra một cái túi, Khang Chu chạy đến chưa kịp nhìn kỹ cái túi nên ôm cái túi trước ngực, đứa bé nhìn thấy sắc mặt mẹ mình chuyển từ trắng bệch sang tím tái thì kinh hoảng thất sắc. Thầy lang trung đến chẩn mạch, rồi bảo với lão thái thái là đại phu nhân bị trúng độc, đã vô phương cứu chữa, xin gia đình hãy chuẩn bị hậu sự.

Vũ Khỉ lấy một tấm voan mỏng đậy lên mặt phu nhân, quỳ xuống nói với Khang Nhiêu rằng: “Phu nhân không thích dung nhan không được chỉn chu, xin viên ngoại chớ nhìn”. Khang Nhiêu đạp ngã Vũ Khỉ. Vũ Khỉ đột nhiên phát điên, quyết bảo vệ đầu Lam Hinh, Khang Nhiêu khóc như mưa. Khi ấy cả nhà họ Khang bốn bề vang tiếng khóc, rồi sau đó cờ tang trắng được kéo lên.

Con người ấy, trong khi luân hồi chuyển sinh đã quên đi kiếp trước của mình, nhưng dù sao đây cũng là những kiếp nhân sinh được hữu ý an bài, Lam Hinh trong câu chuyện chính là tôi, hai vị đồng tu bên cạnh tôi là Khang Nhiêu và Tịch thị. Khi chúng tôi gặp lại trong kiếp này, dù là thân thiết cũng vậy, tật đố cũng vậy, thanh cao cũng vậy, chẳng qua chỉ là cái si mê trong chốn hồng trần. Đời người nếu chỉ là gặp nhau rồi nở nụ cười, có lẽ sẽ không có nhiều phiền não đến thế, còn nếu nhất định thường phải gặp nhau, thì sẽ nảy sinh rất nhiều phiền não.

Có lần khi ba chúng tôi ở bên nhau, tôi đột nhiên cảm thấy rất đau lòng nên vội vã quay về nhà, suốt dọc đường cứ phải chịu đựng cơn đau, về nhà rồi tôi liền giơ tay lập chưởng, vào khoảnh khắc phát chính niệm, tâm tôi đau như bị dao cắt kèm theo nỗi thống khổ của năm xưa. Hình ảnh kiếp trước đang hiện ra sống động trước mắt tôi, tôi thấy cảnh tượng “tôi” (Lam Hinh) và con trai ở bên nhau, cảnh tượng sau khi ăn điểm tâm, nỗi thống khổ của tôi, nỗi kinh sợ của Vũ Khỉ, rồi đến sự thương tâm của Khang Nhiêu, nỗi hoảng sợ tột độ của mẹ chồng. Tôi nhìn thấy mình nằm đấy mặt tím ngắt, máu chảy ra từ các khiếu, thi thể được Vũ Khỉ chăm chăm trông giữ, không để ai nhìn được dung nhan của phu nhân.

Những cảnh tượng này lần lượt xuất hiện, và cùng với mỗi cảnh tượng hiện ra đều là một nỗi đau đớn kịch liệt. Tôi gắng sức bài xích loại cảm giác đau như xé ra này, không thừa nhận sự phản ánh của tất cả những gì thuộc về quá khứ lên thân tôi, và dù đã nỗ lực bài xích như vậy, cảm giác đau khổ vẫn khiến tôi khó kìm nén lại được, nó như một loại dấu ấn hằn sâu nơi thâm tâm tôi, cả trong thân thể lẫn ký ức đều có tồn tại chủng cảm giác này. Tôi trong đời này và tôi của ký ức hợp lại làm một, vì không nén nổi nên tôi đã rơi nước mắt, tôi gắng sức khống chế bản thân, dựa người vào tường và khẩn thiết cầu xin Sư phụ gia trì, trong tâm nghĩ rằng: Ta là sinh mệnh ở trong Pháp, ta phải vứt bỏ hết mọi cảm giác của quá khứ, thanh trừ hết mọi dấu ấn trong sinh mệnh cũng như chủng loại cảm giác của quá khứ này. Sau khi nguyện vọng của tôi phát xuất ra thì loại cảm giác đau đớn kia cũng dần dần tiêu mất.

Đây là một lần trải nghiệm mà tôi có ký ức luân hồi rõ ràng, tôi biết mình đã từng trải qua kiếp luân hồi như vậy. Phần tiếp theo của câu chuyện là như thế này: Trong cái túi mà Lam Hinh đưa cho Khang Nhiêu có một phong thư, trong thư nói rằng muốn Khang Nhiêu để Tịch thị lên làm chính thất, muốn Khang Nhiêu nghe Vũ Khỉ kể hai câu chuyện, muốn Khang Nhiêu tìm một chỗ tốt cho Vũ Khỉ. Sau đó Vũ Khỉ đã kể cho Khang Nhiêu và Khang mẫu nghe những câu chuyện luân hồi, Khang mẫu cũng kể cho con trai nghe những lời trên lá xăm mà năm đó bà bốc được, cho rằng đây là thiên ý. Cuối cùng Khang Nhiêu cũng đã minh bạch được nguồn gốc của tình duyên trong luân hồi và đã để Tịch thị phù chính. Vũ Khỉ chỉ một lòng muốn chăm lo cho Khang Chu, về sau được lão thái thái làm chủ, được Khang Nhiêu nạp làm thiếp, Khang Nhiêu cũng bắt đầu chuyên tâm niệm Phật, còn Tịch thị đối với cái chết của Lam Hinh tỏ vẻ hết sức đau buồn, nhưng trong lòng lại rất nhẹ nhõm.

Trong thực tại, tâm tật đố và tâm tranh đấu của vị đồng tu mà Tịch thị chuyển sinh thành vẫn còn mạnh mẽ đến mức đáng sợ, từ tâm tật đố mà sinh ra tâm muốn chiếm hữu, trong lời nói và cử chỉ của đồng tu ấy vẫn còn mang dấu vết của quá khứ. Trong mâu thuẫn hoả khí bốc lên giận dữ, lời lẽ mang tính uy hiếp, oán hận đến nỗi chỉ muốn tôi biến mất, sự oán hận này của đồng tu đã khiến tôi phải thở dài ngao ngán. Hết thảy ký ức mà chúng ta đã trải qua trong tam giới, theo năm tháng đã ép lên thân chúng ta, in sâu đến như vậy. Kỳ thực chúng ta chỉ là những người khách qua đường trong cuộc đời nhau, hết thảy tình tiết chi li của những chuyện xưa cũ chốn hồng trần đều giống như những sợi dây thừng buộc chặt con thuyền đương muốn đi xa, khi nào chúng ta mới có thể cắt đứt hết dây trói và trở về bến cảng nơi sinh mệnh thực sự hồi quy?

Những mối duyên tình của tam giới và cái tâm tật đố trong tam giới được hữu ý tạo ra này, dù là trong tư tưởng hay trên thân thể đều đã lưu lại vết tích. Những nỗi đau khắc cốt ghi tâm trong ký ức nay được nhớ lại, những duyên tình không thể xả bỏ của ký ức vốn bị lãng quên… đều trở thành chướng ngại cho sự tu luyện của chúng ta trong đời này, chỉ khi buông bỏ tình cảm, đoạn dứt tơ tình và không ngừng được thanh tẩy trong Pháp thì chúng ta mới có thể trở nên thuần tịnh hơn.

Những sự việc không vui trong quá trình tu luyện, những sóng gió đầy ắp mà chúng ta đã trải qua, những nỗi đau khổ vô hạn chúng ta từng nếm trải… chẳng qua cũng là để trải đường cho sự tu luyện của chúng ta mà thôi. Trong những kiếp luân hồi lắm thăng trầm nơi tam giới, những mối duyên tình được hữu ý dựng nên ấy đã được Sư phụ tương kế tựu kế lợi dụng để đề cao tâm tính của chúng ta khi tu luyện ở đời này, cuối cùng cũng sẽ có một ngày chúng ta tỉnh mộng khỏi hồng trần, quay trở về gia viên thực sự của chúng ta.

Đây là một câu chuyện mà tôi biết từ lâu rồi, bản thảo của bài chia sẻ cũng đã được viết ra nhưng mãi vẫn chưa được chỉnh sửa hoàn chỉnh, tôi phải dành ít thời gian để sắp xếp lại một lượt những chi tiết trong câu chuyện xa xưa này. Thi thoảng trong lòng tôi vẫn có những cảm xúc lẫn lộn, khi phải đối mặt với cái chết của chính mình, tôi đã dừng bút trong một thời gian không muốn viết nữa, và muốn huỷ bài viết, cuối cùng tôi cũng xung phá được những nút thắt trong quá trình viết bài và kể ra câu chuyện này cho những người tu luyện vẫn còn đang vùng vẫy trong vòng luẩn quẩn của nghiệp lực được tạo ra trong lịch sử, hãy buông bỏ thành kiến, không được si mê, hãy mau chóng thoát khỏi con người!

Mong rằng câu chuyện này có tác dụng như một lời cảnh tỉnh cho những người tu luyện, đây là nguyện vọng lớn nhất của tôi.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/240009



Ngày đăng: 28-06-2023

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.