Lão Tử truyền Đại Đạo, Trung Cộng xuyên tạc gây nguy hại vô cùng (Phần 1)
Tác giả: Lâm Huy
[ChanhKien.org]
“Đạo, khả đạo, phi thường đạo”. Hơn 2.000 năm trôi qua, ảnh hưởng của Lão Tử, người truyền ra “Đại Đạo”, đối với người xưa và người nay, ở trong và ngoài nước, vẫn chưa bao giờ ngưng, ở Trung Quốc và ngoại quốc, có hơn 3000 cuốn sách giải thích tác phẩm Đạo Đức Kinh nổi tiếng của ông. Những câu nói như “Họa là chỗ dựa của phúc, phúc là chỗ ẩn nấp của họa”, “Hành trình vạn dặm, bắt đầu từ một bước chân” v.v. xưa nay vẫn luôn là câu cửa miệng của con người thế gian. Tư tưởng của ông không chỉ được Khổng Tử cho là như rồng trong mây, “Hôm nay ta gặp Lão Tử, ngài thực là rồng vậy!”, có không ít đế vương, quan tướng, nhà hiền triết, học giả từ trong đó cũng được gợi mở, mà không tiếc lời ca ngợi, ngay cả giới học giả phương Tây hôm nay cũng vô cùng sùng bái đối với tư tưởng của Lão Tử.
Đường Thái Tông nói: “Đạo Đức Kinh cốt yếu ở tu thân trị quốc, trị quốc chính là bỏ đi những thứ phô trương xa xỉ, dùng vô vi bất ngôn mà dạy dỗ giáo hóa. Tu thân thì là ít tư lợi và dục vọng, quan trọng ở lòng phải trống mà bụng phải đặc”.
Thanh Thế Tổ Thuận Trị khen rằng: “Đạo Lão Tử thấu suốt trời và người, phẩm đức cao siêu, sách tuy chỉ hơn 5.000 chữ, nhưng nói rõ ý nghĩa thanh tịnh và vô vi. Tuy vậy lại thiết thực với thân và tâm, rõ ràng trong mối quan hệ giữa vạn vật, từ xưa đến nay hiếm người có thể biết như vậy”.
Nhà tư tưởng đời nhà Thanh Ngụy Nguyên Như nói: “Sách của Lão Tử, bậc thượng có thể hiểu rõ về Đạo, bậc trung có thể tu thân, mở rộng ra thì có thể quản lý con người”.
Vào đầu thế kỷ 19, châu Âu đã bắt đầu nghiên cứu Đạo Đức Kinh, các nhà triết học người Đức Hegel, Nietzsche, Heidegger và nhất đại văn hào Tolstoy cũng vô cùng tôn sùng Lão Tử. Tiến sĩ người Anh Joseph Needham, người hai lần đoạt giải Nobel, đã viết trong tác phẩm “Lịch sử khoa học và công nghệ Trung Quốc” như sau: “Trong tính cách người Trung Quốc, rất nhiều nhân tố hấp dẫn nhất đều có nguồn gốc từ tư tưởng của Đạo gia. Nếu Trung Quốc không có tư tưởng Đạo gia, nó cũng giống như một cây đại thụ có rễ sâu bị mục nát. Những cây lớn này ngày nay vẫn tràn đầy sức sống”. Quả đúng như vậy, nguồn gốc tư tưởng của trăm trường phái xuất hiện trong thời kỳ “bách gia tranh minh” trong lịch sử Trung Quốc đều xuất phát từ Đạo gia, đều là từ Đạo gia phân hóa mà thành, chúng đều là các loại biểu hiện và phản ánh của “Đạo” khi vận hành tại thế gian.
Trong hơn hai nghìn năm qua, vô số người đã theo bước chân của Lão Tử, hiểu được yếu nghĩa của “trị quốc, tu thân”, thậm chí còn hiểu thấu “Đạo” của Lão Tử không phải là “đạo thường”, và dấn thân vào con đường tu Đạo. “Văn Cảnh chi trị” triều Hán và “Trinh Quán chi trị” triều Đường nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc chính là những ví dụ kinh điển về dùng Đạo của Lão Tử để trị quốc và giáo hóa thiên hạ.
Ngoài ra, kể từ thời nhà Hán, các môn phái Đạo gia như Phù Lộc, Đan Đỉnh… đều tôn thờ Lão Tử, đã lưu lại các thần tích người tu Đạo bạch nhật phi thăng như Trương Đạo Lăng, Khâu Hoằng Tế, Hứa Tinh Dương, Cát Hồng… Các đế vương của các triều đại trong lịch sử thường coi các Đạo sĩ là quốc sư, Trương Lương tự nhận mình là “lấy ba tấc lưỡi mà làm thầy bậc đế vương”, những người khác như Gia Cát Lượng của Thục Hán, Viên Thiên Cang, Lý Thuần Phong của triều Đường, Miêu Quang Nghĩa triều Tống, Lưu Bá Ôn triều Minh,… đều được các đế vương khai quốc đối đãi bằng nghi lễ quốc sư. Thời nhà Minh dường như nhà nhà hướng Đạo. Trong những năm cuối đời, Thành Cát Tư Hãn cũng đã không quản đường xa vạn dặm để mời Trường Xuân Tử Khưu Xứ Cơ đến giảng Đạo. Trong các triều đại số người tu Đạo cũng là nhiều không đếm xuể.
Thế nhưng, tại Trung Quốc đại lục khi mà đạo đức bại hoại như hiện nay, còn có bao nhiêu người có thể nhìn xuyên qua hình tượng Lão Tử bị Mao và ĐCSTQ xuyên tạc để bước trên con đường phản bổn quy chân?
Lão Tử truyền Đại Đạo
Con người hiện đại đa số coi Lão Tử là một nhà triết học gia, và coi cuốn Lão Tử do Lão Tử để lại (tức là Đạo Đức Kinh, còn được gọi là Đạo Đức Chân Kinh, Lão Tử Ngũ Thiên Văn) như là một tác phẩm triết học để phê phán học thuật và làm ra cái gọi là nghiên cứu, như vậy trên thực chất là đánh đồng Lão Tử với những người bình thường trong thế tục. Thực ra, điều mà Lão Tử truyền ra là “Đại Đạo” và điều mà ông dạy cho mọi người là Pháp để phản bổn quy chân.
Thời đó, cùng với sự trượt dốc của đạo đức nhân loại, Đại Đạo thời Tam Hoàng Ngũ Đế đã dần dần mất đi, Lão Tử chính vào lúc này giáng lâm xuống thế gian con người, một mặt đem đạo “thanh tĩnh vô vi” và “đắc đạo phi thăng”, truyền xuống cho “Hậu Thánh” Doãn Hỉ, đặt định nền văn hóa tu luyện cho người đời sau, cho người đời biết được cánh cửa “tu Đạo” và “trường sinh”, dùng đó để phản bổn quy chân, siêu phàm chứng đắc thánh vị, thoát khỏi cái khổ sinh tử luân hồi.
Mặt khác, Lão Tử còn giảng về tầm quan trọng của đức hạnh và việc tích đức của con người đối với tu luyện và làm người. Năm 1973, ở đồi Mã Vương đã đào được những cuốn sách lụa Lão Tử, trong đó đều là đặt phần “Đức kinh” ở trước, phần “Đạo kinh” ở sau. Bản chép tay Đức Đạo Kinh trong Động Tàng Kinh Đôn Hoàng, cũng lấy “Đức kinh” làm quyển thượng, “Đạo kinh” làm quyển hạ. Điều này chỉ rõ rằng người đắc Đạo nhất định là người có đức, kẻ vô đức không cách nào đắc được Đạo. Hậu thế đã đem Đức Đạo Kinh sửa thành Đạo Đức Kinh, rõ ràng đã che đậy ý nghĩa chân thực của nó.
Trong Đạo Đức Kinh, Lão Tử còn nói: “Mất Đạo mới có Đức, mất Đức mới có Nhân, mất Nhân mới có Nghĩa, mất Nghĩa mới có Lễ”. Rõ ràng Lão Tử cho rằng Đạo Đức cao hơn nhân nghĩa rất nhiều, do đó ông nói: “Đại Đạo mất, có nhân nghĩa”. Ý nghĩa là, vì Đại Đạo không còn nữa, mới truy cầu “nhân nghĩa”. Trong khái niệm của người hiện đại, sự xuất hiện của nhân nghĩa, trí tuệ, hiếu tử, trung thần đều là việc vui đáng ăn mừng, nhưng Lão Tử lại cho rằng những điều này đều là kết quả của Đại Đạo không còn, xã hội hỗn loạn, đạo đức trượt dốc.
Ngoài ra, Lão Tử còn hướng dẫn Khổng Tử, gợi mở trí tuệ cho ông, Khổng Tử nhờ vậy mà thành tựu Nho môn, hoàn thành đạo cách vật, thành ý, chính tâm, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ, nội thánh ngoại vương. Trong Trang Tử · Thiên Vận chép rằng: “Khổng Tử gặp Lão Đam trở về, ba ngày không nói”. Đối với Khổng Tử mà nói, bản thân ông không thể với tới tư tưởng của Lão Tử.
Lão Tử được tôn thờ là Thần Tiên
Trên thực tế, tư tưởng của Đạo gia đã có từ thời xa xưa. Từ thời Hoàng Đế kính Trời thờ tổ tiên đến thời nhà Thương sùng bái Thần linh, từ Đạo gia của Lão Tử thời Xuân Thu Chiến Quốc đến các phương sĩ Thần Tiên được dân gian tín ngưỡng thời Tần Hán, cho đến “Thái Bình Đạo” của Trương Giác, “Ngũ Đấu Mễ Đạo” của Trương Đạo Lăng thời Đông Hán,… Mãi cho đến ngày nay, vẫn có rất nhiều người ẩn cư tu luyện trong núi sâu rừng già. Có thể nói, tín ngưỡng đối với Đạo của người Trung Quốc xưa nay chưa từng bị đoạn tuyệt.
Mà tu luyện Đạo gia bắt đầu tiến nhập vào tầng diện thế tục là từ thời Đông Hán. Trương Đạo Lăng sáng lập Đạo giáo và tôn xưng Lão Tử là hóa thân thứ 18 của của Đạo Đức Thiên Tôn, một trong Tam Thanh Tôn Thần chí thượng (Tam Thanh Tôn Thần gồm Nguyên Thủy Thiên Tôn, Linh Bảo Thiên Tôn và Đạo Đức Thiên Tôn), hay còn được gọi là “Thái Thượng Lão Quân”, Đạo Đức Kinh của ông trở thành kinh điển nền tảng của Đạo gia. Điều này hoàn toàn khác biệt với nhìn nhận của những người vô thần hiện đại, rằng về mặt ý nghĩa tôn giáo thì Đạo Đức Kinh thuộc về Đạo giáo còn mặt ý nghĩa triết học thì Đạo Đức Kinh thuộc học thuyết Đạo gia.
Liệt Tiên truyện ghi chép các thần tích thời Tiên Tần, lần đầu tiên liệt Lão Tử vào hàng ngũ Thần Tiên, viết rằng, Lão Tử đưa ra triết lý vô vi, vô vi nhi vô bất vi (vô vi không phải là không làm gì). Dấu tích ông xuất thần nhập kỳ, nhắm mắt lắng nghe nội tu, cảnh giới vô thượng không tư duy, đắc đạo hợp với nguyên khí, trường thọ cùng trời đất. Liệt Tiên toàn truyện và Thái bình quảng ký đời sau đều ghi chép thân thế thần kỳ của ông.
Thời Đông Hán, Vương Phụ người Thành Đô viết sách Lão Tử Thánh mẫu bi, gộp Lão Tử với Đạo làm một, coi Lão Tử là Thần linh thiên địa hóa sinh. Đây là hình thức ban đầu của thuyết Đạo gia sáng thế.
Thời Hán Hoàn Đế, Hán Hoàn Đế đích thân thờ tế Lão Tử, coi Lão Tử trở thành ông tổ của Tiên Đạo. Hoàng đế đời Đường đã tôn phong Lão Tử là “Thái Thượng Huyền Nguyên Hoàng Đế”, đời Tống gia phong là “Thái Thượng Lão Quân Hỗn Nguyên Thượng Đức Hoàng Đế”. Các vị minh quân hữu đạo của triều đại Hán, Đường, Tống, Minh, Thanh thời Trung Quốc cổ đại đều coi “vô vi mà trị” của Lão Tử trở thành lý niệm trị quốc an bang, biết rõ đạo lý “người đắc đạo sẽ được lòng dân”, “người được lòng dân sẽ được thiên hạ”. Do đó, các triều đại này đều từng xuất hiện thời kỳ thịnh thế, như Văn Cảnh chi trị thời Tây Hán, Trinh Quán chi trị thời Đường Thái Tông, Khai Nguyên chi trị, Vĩnh Lạc thịnh thế thời nhà Minh và Khang Càn thịnh thế thời nhà Thanh.
Tuy nhiên, trong thời hiện đại, đặc biệt là sau khi ĐCSTQ giành được chính quyền, ĐCSTQ tin vào chủ nghĩa vô thần của Marx – Lenin, không chỉ đem Lão Tử, Khổng Tử và các nhà hiền triết khác tiến hành phân tích giai cấp, xuyên tạc, kéo họ ra khỏi điện thờ, mà còn phê phán họ một cách bừa bãi.
Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/239521
Ngày đăng: 11-06-2023
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.