Lão Tử truyền Đại Đạo, Trung Cộng xuyên tạc gây nguy hại vô cùng (Phần 2)
Tác giả: Lâm Huy
[ChanhKien.org]
Xuyên tạc và diễn giải sai về Lão Tử (1950-1966)
Kể từ khi ĐCSTQ thành lập chính quyền, việc nghiên cứu Đạo Đức Kinh của Lão Tử có thể tạm chia thành ba giai đoạn: giai đoạn đầu tiên là từ năm 1950 đến năm 1966; giai đoạn thứ hai là từ năm 1967 đến năm 1975; giai đoạn thứ ba là từ sau Cách mạng Văn hóa năm 1976 đến nay.
Vào những năm 1950 và 1960, không biết có phải vì Mao thích Lão Tử hay không, giới triết học của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tiến hành rất nhiều nghiên cứu về tư tưởng của Lão Tử và cho xuất bản gần một trăm bài báo, với nội dung chủ yếu tìm hiểu Lão Tử là người thời nào, cuốn sách Lão Tử ra đời lúc nào, tư tưởng Lão Tử là duy vật hay duy tâm, Lão Tử rốt cuộc đại diện cho lợi ích giai cấp nào, “Đạo” của Lão Tử là cái gì.
Một trong những nhân vật tiêu biểu nghiên cứu Lão Tử đương đại của Trung Quốc là Phùng Hữu Lan, nguyên giáo sư khoa Triết học Đại học Bắc Kinh. Có thể lấy nghiên cứu của Phùng Hữu Lan về Lão Tử qua các giai đoạn làm ví dụ để xem xem Trung Cộng đã xuyên tạc và phê phán Lão Tử như thế nào.
Giai đoạn đầu tiên là trước năm 1949, vì Phùng Hữu Lan chưa chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa Marx-Lenin, do đó chưa dùng phương pháp phân tích giai cấp để nghiên cứu Lão Tử. Khi đó, ông ta cho rằng Lão Đam, người mà Khổng Tử hỏi về Đạo, và Lão Tử không phải là cùng một người, Lão Tử là người xuất hiện sau thời Khổng Mặc, tác giả của cuốn Lão Tử có tên là Lý Nhĩ.
Ngoài ra, Phùng Hữu Lan đứng từ góc độ quan điểm về Thiên Đạo, phép biến hóa của sự vật để luận thuật tư tưởng Lão Tử, đồng thời cũng so sánh với Khổng Tử, Mặc Tử, Mạnh Tử để làm nổi bật những cống hiến của Lão Tử. Mặt khác ông ta cũng chỉnh lý một số luận thuật về Lão Tử liên quan đến “Đạo” và “Đức”, quan hệ giữa đạo đức và vạn vật, phương pháp xử thế và tu dưỡng nhân cách, lý tưởng xã hội và trình bày về các phương diện khác, đã khẳng định về trạng thái xã hội lý tưởng “tiểu quốc quả dân”.
Tuy nhiên về việc Lão Đam và Lão Tử có phải là cùng một người hay không, giới học thuật có những cách nhìn khác nhau, tuy nhiên lý giải của Phùng Hữu Lan đối với tư tưởng Lão Tử còn rất nông cạn, nhưng chí ít nghiên cứu khi đó còn giới hạn trong giới học thuật, chưa chịu ảnh hưởng của các quan điểm chính trị.
Sau khi ĐCSTQ thành lập chính quyền vào năm 1949, liền bắt đầu quá trình tẩy não và “cải tạo xã hội chủ nghĩa” đối với phần tử trí thức. Phong trào “Chống Hồ Phong” và “Chống cánh hữu” vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức của thế hệ trí thức cũ, đã hại chết rất nhiều người và cũng làm cho nhiều trí thức sợ hãi, không dám nói lên quan điểm của mình, trong đó bao gồm cả Phùng Hữu Lan và những người khác.
Trong “Bản thảo thử nghiệm mới về lịch sử triết học Trung Quốc” (1960-1964) do Phùng Hữu Lan biên tập vào những năm 1960, ông ta vẫn kiên định quan điểm là Lão Tử xuất hiện sau Khổng Tử, nhưng vì ông tiếp thụ học thuyết đấu tranh giai cấp và đường lối triết học của chủ nghĩa Marx nên bị ảnh hưởng bởi những quan điểm đấu tranh, ông ta đã có một cách nhìn mới để luận thuật và phân tích tư tưởng của Lão Tử, nghiêng về nhấn mạnh gốc rễ của giai cấp, và căn cứ vào đó để tiến hành phân tích nội dung. Đây cũng là phương pháp phân tích phổ biến của các học giả nghiên cứu Lão Tử thời bấy giờ.
Phùng Hữu Lan cho rằng, “Lão Tử” là hình thái triết học trong quá trình quá độ từ chế độ nô lệ sang chế độ phong kiến, Lão Tử là đại biểu cho quý tộc chủ nô. “Đạo” của Lão Tử là “chủ nghĩa duy vật chất phác”; tư tưởng chính trị của Lão Tử cũng là biểu hiện tư tưởng của quý tộc suy thoái, ngôn luận trong đó “chứa đầy phê phán của giai cấp quý tộc suy thoái đối với giai cấp địa chủ mới nổi đang thống trị đương thời”, ví dụ như trạng thái “nước nhỏ ít dân” là “thụt lùi, phản động, lịch sử quan của chủ nghĩa phục cổ”,… Ông ta còn tiến hành phê phán “Đạo” của Lão Tử. Rõ ràng, Phùng Hữu Lan đã phủ định thành quả nghiên cứu của mình trước năm 1949.
Còn có một số học giả khác, hoặc là cho rằng Lão Tử đại diện cho tư tưởng công nông suy thoái, hoặc là phản ánh yêu cầu của tiểu chủ nô đương thời, còn “Đạo” của Lão Tử là chỉ thực thể vật chất,…
Tuy nhiên, bất kể là quan điểm của Phùng Hữu Lan hay của những người khác như thế nào, đều không thoát khỏi phương pháp phân tích giai cấp, nói cách khác, một bộ những thứ của Trung Cộng đã thành công trong việc tẩy não phần tử trí thức, cũng khiến phân tích của họ thoát ly thực chất tư tưởng của Lão Tử, thoát ly nội hàm liên quan mật thiết giữa “Đại Đạo” và “Đức” của Lão Tử, thế tục hóa Lão Tử, mà dùng lý luận sai lầm của Marx-Lenin để phân tích, Lão Tử không còn là Thần Tiên được dân chúng tín ngưỡng nữa, mà những phân tích của giới học giả sau khi bị tẩy não lại gia tăng thêm những tuyên truyền cố ý của Trung Cộng, tư tưởng của Lão Tử cứ như vậy bị xuyên tạc và giải thích sai lệch.
Trong Cách mạng Văn hóa, “Phá tứ cựu”, nơi Lão Tử giảng kinh bị phá hủy
Sau khi ĐCSTQ thành lập chính quyền, Đạo giáo, giống như các tôn giáo khác, bị coi là mê tín và bị phê phán. Khi Cách mạng Văn hóa diễn ra vào năm 1966, “phá tứ cựu” lan khắp cả nước, Lão Tử và các bậc hiền triết khác cũng bị coi là “tứ cựu”. Rất nhiều đạo quán đền chùa của Đạo giáo bị đốt phá, nhiều người tu Đạo bị bức hại đến chết hoặc bị ép phải hoàn tục. Vô số văn vật trân quý cũng bị phá hủy, trong đó có cả nơi Lão Tử giảng kinh cùng với rất nhiều đạo quán, miếu tự.
Lịch Đạo Nguyên đời Bắc Ngụy viết trong Thủy kinh chú: Sông Tựu Thủy chảy ra Tựu cốc núi Nam Sơn, chảy về phía Bắc qua phía Tây thành Đại Lăng, người đời gọi là mộ Lão Tử. Mộ Lão Tử ở khi núi Tựu bên bờ Tây sông Tựu Dục Hà, lăng dựa vào núi, núi Lăng Sơn có độ cao 730 mét so với mực nước biển, đỉnh núi có hang động đá tự nhiên tên là “Ngô Lão Động”, sâu không thể dò được. Theo “Bia ký trùng tu đền Ngô Lão Động” đời Minh có chép, trong động có hòm đá, an táng xương sọ Lão Tử.
Đỉnh Lăng Sơn có Đạo quán Ngô Lão Động, còn có “Bia ký trùng tu đền Ngô Lão Động” đời Minh và mộ bia Lão Tử do Tuần phủ Thiểm Tây Tất Nguyên lập năm Càn Long thứ 41 đời Thanh (năm 1776). Tuần phủ Thiểm Tây Tất Nguyên là học giả trứ danh đời Thanh đã viết bia đá chữ “Chu Lão Tử Mộ”.
Nơi cách mộ Lão Tử 5 km có “Lâu Quán Đài”, chính là nơi năm xưa Lão Tử giảng kinh và viết Đạo Đức Kinh, trong vòng 10 dặm, còn có hơn 50 di tích cổ và Đạo quán. Trong Cách mạng văn hóa, Lâu Quán Đài và các di tích cổ bị phá hoại, các đạo sĩ đều bị ép rời đi.
Nói về núi Lao Sơn – Sơn Đông, đây là thánh địa của Đạo gia. Các tượng Thần, đồ thờ, kinh sách, văn vật, bia miếu trong Thái Bình Cung, Thượng Thanh Cung, Hạ Thanh Cung, Đẩu Mẫu Cung, Hoa Nghiêm Am, Ngưng Chân Quán, Quan Đế Miếu trên núi toàn bộ đều bị đập phá, hủy hoại, thiêu đốt.
Trong bầu không khí như vậy, rất nhiều trí thức bị đả đảo, người không bị đả đảo thì im bặt, run sợ, lúc này những nghiên cứu về Lão Tử cũng rơi vào thời kỳ đình trệ.
Các nghiên cứu Lão Tử đương đại vẫn không cách nào thoát khỏi sự tẩy não của ĐCSTQ
Sau khi Cách mạng Văn hóa kết thúc, một số học giả lại bắt đầu nghiên cứu Lão Tử. Ngoài việc càng coi trọng khảo chứng tư liệu lịch sử, giải thích lại một số tư tưởng của Lão Tử như “vô vi”, một số nghiên cứu cho đến nay vẫn chưa thoát khỏi phương pháp phân tích giai cấp và tranh chấp giữa chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm của Trung Cộng, vẫn là tiến hành cái gọi là phân tích trên phương diện triết học, một số bài viết mới khai thác nghiên cứu Lão Tử từ góc độ nhân loại học, mỹ học, y học, quản lý học, ngôn ngữ học, xã hội học, khoa học… đều chỉ nắm bắt được một nhánh nào đó trong tư tưởng của Lão Tử, lại lệch khỏi thực chất tư tưởng của Lão Tử. Nói cách khác, nghiên cứu của các học giả hiện nay về cơ bản đều không hiểu được cốt lõi “Đại Đạo” của Lão Tử là gì.
Ví dụ như Phùng Hữu Lan lại xuất bản một cuốn sách mang tính tổng kết Biên tập lại lịch sử triết học Trung Quốc (1982-1990), phương pháp luận thuật không còn bắt đầu từ thiên đạo, quan niệm tự nhiên nữa, mà bắt đầu từ nguồn gốc giai cấp. Ông ta vẫn cho rằng Lão Tử là tác phẩm tiêu biểu của quý tộc chủ nô sa sút, đứng trên lập trường của giai cấp chủ nô, phản ánh hai thái độ của quý tộc sa sút đối với giai cấp địa chủ mới nổi lúc bấy giờ, một là lấy lùi làm tiến, một là trốn tránh hiện thực, ông ta cũng giải thích nội dung cụ thể, như “Nhu nhược thắng cương cường”, “Lấy vô sự mà có được thiên hạ”,… chính là sách lược lấy lùi làm tiến, lấy yếu thắng mạnh,… mà Lão Tử áp dụng đối với giai cấp địa chủ mới nổi,… Tức là trước tiên phải bảo tồn thực lực, đợi ngày khác thực lực thành thục lại cùng giai cấp địa chủ tranh cao thấp.
Phùng Hữu Lan còn coi tư tưởng của Lão Tử quy về “chủ nghĩa duy tâm khách quan”, nhưng lại một lần nữa khẳng định lý tưởng xã hội “nước nhỏ ít dân” của Lão Tử, cho rằng đây là một loại cảnh giới tinh thần mà Lão Tử theo đuổi.
Nếu dựa theo kết luận nghiên cứu sau năm 1949 của Phùng Hữu Lan, Đạo Đức Kinh của Lão Tử thật sự không có giá trị gì, ngược lại còn dễ dẫn dắt thế nhân lầm đường. Nhưng hiển nhiên, người thật sự lừa dối thế nhân chính là Phùng Hữu Lan, một học giả bị Trung Cộng tẩy não như vậy, không những không lý giải sâu sắc “Đại Đạo” của Lão Tử, ngược lại còn dùng lý luận giai cấp do đảng cộng sản nhồi nhét để phân tích, kết quả có thể tưởng tượng được.
Điều đáng sợ nhất là, kết luận nghiên cứu của học giả như Phùng Hữu Lan vẫn xuyên suốt trong giáo trình của các trường đại học, trung học và tiểu học ở Đại Lục hiện nay.
Ngày đăng: 26-06-2023
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.