Tu bản thân một cách hết sức thực tại
Tác giả: Đệ tử Đại Pháp tại Singapore
[ChanhKien.org]
Con xin kính chào Sư phụ tôn kính!
Xin chào các bạn đồng tu!
Tôi tu luyện đã 28 năm. Trước khi tu luyện, tôi thích đọc đủ các loại sách, thậm chí xem từ đầu đến cuối những cuốn sách triết học dày cộp mà tôi không hiểu lắm. Tôi cũng có rất nhiều thắc mắc về nhân sinh và luôn tìm kiếm câu trả lời trong mờ mịt. Trong ký ức, một lần ở trường, sau khi tan học, một số bạn cùng lớp của tôi đã trò chuyện với một giáo viên dạy lịch sử văn học Anh Mỹ trong lớp. Tôi hỏi vị giáo viên này rằng: “Nhân sinh là gì ạ?” Ông ấy nói: “Nhân sinh chính là tu luyện”. Câu trả lời này đã in sâu trong ký ức của tôi. Sau khi đắc Pháp tôi mới minh bạch, điều tôi đang tìm kiếm chính là Đại Pháp và đời này chính là để tu luyện Đại Pháp.
Tu luyện trong hạng mục truyền thông
Tôi đã tham gia hạng mục truyền thông được hơn 10 năm. Lúc mới bắt đầu cái gì tôi cũng không biết, cái gì cũng là học từ đầu. Người điều phối của tôi có chuyên môn giỏi, kỹ thuật tốt, hiệu suất cao, lại thông minh biết việc. Tôi từng hỏi anh ấy không ít vấn đề và anh đều cố gắng trả lời chúng. Sau đó tôi nghe nói anh ấy phải làm việc vào ban ngày và làm hạng mục vào ban đêm, tôi cũng không dám làm phiền anh nữa. Có hai đồng tu lâu năm đã nhẫn nại dạy tôi rất nhiều thứ.
Tôi từng nghĩ mình cần làm gấp đôi tại hạng mục để xứng đáng với thời gian mà các đồng tu đã phó xuất cho tôi. Một người phụ trách là đồng tu lâu năm còn đào tạo đặc biệt cho chúng tôi và tôi đã thu được rất nhiều lợi ích. Tôi hiểu rằng tôi cần dùng thái độ nghiêm túc, thận trọng để đối đãi với công tác truyền thông. Thời gian đầu người trực ca cho hệ thống không đủ, vì vậy hầu như chỉ có mình tôi trực. Lượng công việc lớn, lại nhiều phương diện cần bảo trì, vì vậy tôi thường trong trạng thái căng thẳng suốt mấy tiếng đồng hồ. Khi đó, mọi người đều vô tư phó xuất, chỉ có tín tâm vào việc trợ Sư Chính Pháp, cứu độ chúng sinh và sự tín nhiệm lẫn nhau.
Nhớ lại một số người và việc mà tôi có ấn tượng sâu sắc nhất vào thời điểm đó, tôi thấy mình cần trân quý, trân quý hạng mục này, trân quý những đồng tu làm việc cùng tôi và càng phải trân quý hoàn cảnh mà Sư tôn đã khai sáng cho chúng tôi.
Sau khi tham gia hạng mục một thời gian, tôi cảm thấy kênh truyền thông dần dần thay đổi, những thứ văn hoá đảng bắt đầu nhiều lên, việc không chú trọng chất lượng công việc mà chỉ chạy theo số lượng lượt xem, quả thực quá chạy theo cái lợi trước mắt. Tôi thấy khó xử và khởi tâm oán hận với người quản lý về phương diện này, đồng thời trở nên tiêu cực trong tuyệt vọng. Tôi để mắt vào những chỗ chưa tốt ở bên ngoài nhưng lại không kịp thời thanh trừ vật chất bại hoại đằng sau trạng thái tiêu cực của bản thân, cũng như không kịp thời trừ bỏ nhân tâm. Kỳ thực sau khi tham gia hạng mục, trong một thời gian dài tôi luôn đặt công việc lên hàng đầu và chấp trước vào thời gian Chính Pháp kết thúc, do đó tu luyện không lên theo kịp, chính niệm cũng không đầy đủ. Ngẫm lại một cách kỹ lưỡng, tôi thấy đằng sau sự bất mãn kia còn có tâm coi người thường khác, tâm tranh đấu và tâm tật đố.
Dần dần tôi học được cách hạ thấp tư thái của mình xuống, coi bản thân như một tiểu hòa thượng nhóm bếp nấu cơm và âm thầm làm tốt. Có lần một đồng tu đến gặp tôi và nói có người bất mãn với tôi. Khi đó trên bề mặt tôi biểu hiện kiềm chế nhưng cũng bày tỏ không đồng ý với cách nói kia. Sau đó tôi cảm thấy bất bình, tôi nghĩ mình muốn chăm chỉ làm việc cũng là sai sao? Đây chẳng phải là cách họ xúm lại với nhau để kéo người khác xuống sao? Nghĩ như vậy trong tâm tôi càng bất bình hơn, tâm tranh đấu hướng ra bên ngoài.
Sau khi học Pháp, tôi ý thức được rằng đây chẳng phải là tôi chưa buông xuống được sao? Đó chẳng phải là nhân tâm sao? Tu luyện chẳng phải cần trừ bỏ nhân tâm sao? Thấy người khác mang theo danh lợi vào trong công việc, còn tôi không lấy một xu nào thì có nghĩa là tôi không có tâm danh lợi sao? Tôi thấy mình bất mãn với chất lượng công việc của người khác, trong đó có tâm oán hận, tâm cầu danh và tâm xem thường người khác, nhưng thực ra tôi chỉ đang nhấn mạnh những thứ tôi cho là đúng một cách hạn cuộc. Tôi thể ngộ rằng, ngay cả khi người khác sai thì cũng không thể nói là mình đúng, mà tu bỏ nhân tâm mới là trọng yếu. Chiếm được cái lý đúng rồi thì không nhường ai, đó cũng chỉ là lý của con người. Tôi đã thực sự đạt được yêu cầu của Pháp, hoàn toàn nghĩ cho người khác hay chưa? Tôi nhận thấy các đồng tu thực sự bị áp lực, đồng thời cũng nỗ lực phó xuất và rất vất vả khi bận rộn. Trên thực tế, họ cũng đảm nhận nhiều công việc hơn. Sau khi tĩnh tâm lại, tôi cảm thấy như không có chuyện gì xảy ra.
Năm ngoái kênh truyền thông yêu cầu nhân viên tham gia bài kiểm tra về một số phương diện như đọc soát lỗi, ngữ pháp, đưa tin và viết bài. Khi nhận được tài liệu đào tạo, vừa nhìn tôi thấy nội dung rất dài, thời gian lại có hạn, nên tôi cảm thấy e ngại. Một mặt, tôi nhận thấy kiểm tra là điều cần thiết trong việc nâng cao tiêu chuẩn nhân sự, nâng cao chất lượng công việc. Đồng thời, nếu mọi người có thể nghiêm khắc yêu cầu bản thân hơn thì môi trường của chúng tôi cũng càng chính hơn. Nhưng mặt khác tôi cảm thấy tín tâm không đủ, nhiều thứ như vậy thì làm sao nhớ hết được, cũng không biết cách thức kiểm tra thế nào, đề thi có khó quá không, trong tâm tôi rất bài xích.
Khi tĩnh tâm lại, tôi tự hỏi bản thân, nếu đây đều là những kiến thức cơ bản nhất cần nắm vững, thì tại sao ngươi lại không học? Vì vậy, tôi cố gắng đơn giản hoá cuộc sống, sắp xếp tốt những việc khác và lên kế hoạch học tập. Sau khi tâm thái ổn định, tôi đọc từng chút một, đôi khi thực sự đọc không vào. Đối với những tài liệu tôi không biết hoặc đọc không hiểu lắm, tôi sẽ cố gắng đọc lại. Đồng thời tôi cũng buông bỏ tâm suy tính thiệt hơn. Tôi nghĩ dù thi không tốt thì cũng chỉ ảnh hưởng đến bản thân; nếu xuất hiện sai sót trong công tác truyền thông thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chúng sinh. Vì vậy, bài kiểm tra không quan trọng bằng việc trực ca hàng ngày. Nếu tôi đối đãi với việc này một cách nghiêm túc, đặt tâm cho chính thì cũng không cần quá xem trọng kết quả như vậy. Cuối cùng, tôi vượt qua các bài kiểm tra một cách thuận lợi, điều này cũng làm tăng cường tín tâm của tôi.
Trong môi trường tin tức, cần chú ý đến động thái của thế giới, tôi lý giải được từ trong Pháp rằng, mặt tu tốt của người tu luyện sau khi cách khai, thì phần còn lại sẽ luôn là phần con người đang tu, và phần con người này rất dễ bị các loại nhân tố dẫn động, đồng thời cũng dễ biện hộ cho bản thân rằng: “Ai có thể từ đầu tới cuối không xuất hiện sai sót chứ?” Do đó, nếu có thể luôn quy chính cơ điểm của bản thân khi làm các việc thì sẽ khá ít xuất hiện sai lệch.
Tu luyện trong khi đưa tin Minh Huệ
Tôi đã tham gia đưa tin các hoạt động địa phương cho Minh Huệ hơn 10 năm qua. Quá trình này đã gặp phải rất nhiều bất lợi và giúp tôi dần dần trừ bỏ chấp vào tự ngã; cũng có rất nhiều kỳ tích dưới sự gia trì của Sư tôn khiến tôi vô cùng biết ơn.
Trong công việc viết bài, có lúc tôi không có mạch suy nghĩ, có lúc mạch suy nghĩ rộng mở nhưng lại phải đi làm việc khác; có lúc trở về sau khi làm xong việc khác thì đầu óc tôi lại bị trì trệ. Khi cần lập tức ghi lại một số thông tin thoáng qua, kỳ thực khi đó tôi rất sợ bị làm phiền sau khi bước vào trạng thái làm việc. Một hôm tôi đang gấp rút đưa tin, có một đồng tu nhiều lần gọi điện để hỏi tôi các việc. Tôi đã cố gắng thông cảm với đồng tu có vấn đề cần giải quyết gấp và hết sức trả lời theo sự hiểu biết của tôi, đồng thời giải thích nhiều lần rằng tôi đang bận, nhưng đồng tu vẫn liên tục gọi điện cho tôi từ sáng đến chiều.
Đến gần tối, đồng tu lại gọi điện đến, tâm tôi lập tức sôi sục lên, cảm thấy dung lượng nội tâm thực sự không đủ nữa rồi, khi đó đồng tu mới không gọi điện lại nữa. Tôi cũng làm mất một phần lớn bản thảo mà tôi đã chỉnh sửa xong, tôi đã không lưu nó lại. Trước khi chỉnh lý bản thảo hoặc thực hiện một số cuộc phỏng vấn, tôi đều sẽ lên kế hoạch đại khái về thời gian và điều chỉnh trạng thái của bản thân, tuy nhiên tôi thực sự cảm thấy rất thống khổ trong tâm khi bị làm phiền trong quá trình này.
Ban đầu tôi luôn nghĩ, mục đích phối hợp việc này là để sự việc được hoàn thành, vì vậy tôi cần cố gắng nhẫn chịu trong quá trình này, nhưng đôi khi vào những phút cuối cùng tôi vẫn bị bực mình. Ngẫm lại tôi thấy, đúng vậy, nếu mọi chuyện luôn luôn suôn sẻ thì đã không khổ như vậy, đây chẳng phải khiến ngươi chịu thêm chút khổ nữa sao? Trong buổi đào tạo truyền thông có nhắc đến một vị tác giả nói về chìa khoá để sáng tác thành công: “Đọc, đọc, đọc, viết, viết, viết, nhẫn, nhẫn, nhẫn”. Viết bài rất vất vả, sáng tác bài khó, nỗi dày vò của việc viết đi viết lại là một ngưỡng cửa đối với các nhà biên tập, nhà xuất bản, nhà bình luận. Tôi cảm thán ngay cả người thường cũng đã ngộ ra được cần phải Nhẫn.
Một lần, tôi bất đồng ý kiến với một đồng tu, mỗi người đều khăng khăng giữ quan điểm của mình. Tôi cảm thấy đối phương không hiểu nhưng lại nói là mình hiểu, còn lấy việc người khác làm chưa tốt oán trách là tôi làm, có chút ức hiếp người. Nhưng ngay trước đó có hai đồng tu lần lượt bày tỏ sự bất mãn với học viên này cạnh tai tôi. Nếu theo mạch suy nghĩ trên thì nhất định là đối phương sai rồi.
Suy xét lại bản thân, tôi cảm thấy dung lượng của mình không đủ, lại định tranh cãi, chấp trước vào tự ngã, không nguyện ý để người khác nói, thiện tâm không đủ. Chính là khi đối phương vô lý mới có thể thể hiện ra cái nhẫn của người tu luyện. Khi tôi cảm thấy mình có thể buông nhân tâm xuống, muốn phối hợp tốt hơn, Sư phụ đã để tôi nhìn thấy mặt tốt của đồng tu.
Đôi lúc tôi nhận được khen ngợi từ các đồng tu sau khi bài viết được đăng, tất nhiên được khẳng định cũng là khích lệ nhưng cũng cần cảnh giác tâm hiển thị và tâm hoan hỷ. Chính những lúc bị áp chế ngăn trở kia đã giúp tôi tìm thấy tâm chứng thực tự ngã ẩn giấu kia.
Trong những năm này, tôi thường thể hội được rằng, tôi chỉ là dụng tâm một chút, còn lại đều là Sư phụ cấp cho. Có rất nhiều sự việc mà ngẫm lại thực sự đúng là kỳ tích, Sư phụ đã trải đường xong cho rất nhiều sự việc. Một lần, trong tâm tôi nghĩ, nếu có thể tìm được một nhân chứng trong sự kiện Lục Tứ thì tốt quá, kết quả là vừa quay người lại, một đồng tu lâu năm đang đứng ngay đằng sau tôi. Tôi vừa hỏi, đồng tu đã trả lời: “Lúc đó tôi đang ở hiện trường, bạn muốn biết điều gì?” Lại một lần khác, gặp phải việc mà chưa biết trong tâm nên làm thế nào, thì tôi liên tiếp gặp được hai đồng tu vui vẻ kể cho tôi trải nghiệm cảm động của họ trước năm 1999, và đây chính là điều tôi cần. Năm 2022 kỷ niệm 30 năm Đại Pháp hồng truyền, khi tôi gặp ba học viên lâu năm và mời họ chia sẻ câu chuyện của mình, tôi vẫn chưa suy nghĩ cặn kẽ về việc đưa tin. Khi phỏng vấn tôi mới biết, tất cả họ đều đắc Pháp vào mùa xuân năm 1995, đúng vào thời điểm Sư phụ bắt đầu hồng truyền Đại Pháp ở hải ngoại. Sau khi hoàn thành bài viết, tôi càng cảm thấy tôi nên tìm họ. Những năm tháng chúng ta đi qua là những ký ức quý giá, kết hợp với những tấm ảnh cũ, mọi chuyện thực sự rất ăn khớp với nhau. Có rất nhiều ví dụ tôi không kể thêm nữa.
Tôi thường cảm động trước sự từ bi của Sư phụ và xúc động trước tâm muốn chứng thực Pháp của những đồng tu chia sẻ câu chuyện tu luyện, những tấm lòng vàng đó đã lan tỏa năng lượng và khích lệ tôi cần tinh tấn trong tu luyện.
Tu luyện trong môi trường gia đình
Môi trường gia đình là nơi tôi dễ buông lơi và bộc lộ ra những chỗ thiếu sót của bản thân nhất, đó cũng là một hoàn cảnh tốt để tu luyện. Mỗi cử chỉ, nhất ngôn nhất hành đều có thể thể hiện ra thiện và bất thiện, có câu nệ tiểu tiết hay không, có vị tha hay không, kỳ thực muốn né tránh xung đột cũng không hề dễ dàng.
Một lần, tôi hỏi chồng về vấn đề máy tính, anh ấy nói tiếng Anh, tôi nghe không hiểu. Anh buột miệng nói: “Như này còn không hiểu thì làm sao giao tiếp được?” Tôi thoạt cảm thấy có chút tổn thương, nhưng lập tức nhận ra, đây chẳng phải chính là câu mà tôi từng nói sao? Kỳ thực anh ấy chỉ là nói về một sự việc, chứ không có ý gì. Tôi nhận thấy trong những lời tôi nói trước đây thường mang tâm oán hận, tâm vị tư và rất làm tổn thương người khác.
Còn có lần xuất hiện một mâu thuẫn nhỏ, trong tâm tôi nghĩ nhất định cần phải nhẫn được vững chắc. Không lâu sau tôi nghe băng giảng Pháp của Sư phụ có nhắc đến “chân phong”, tôi lý giải rằng, người chân phong kia chính là bản thân bà nhờ chịu đựng ở đó mà tu thành, tâm tôi sáng tỏ thông suốt, lập tức minh bạch được một tầng nội hàm của Nhẫn.
Có một thời gian, người nhà tỏ ra không hài lòng với tôi nhưng tôi cũng không để ý lắm, trong tâm nghĩ ở tuổi của mình thì càm ràm một chút cũng là chuyện rất bình thường và tôi cũng chỉ nói nhiều hơn một chút với những người thân thiết. Khi loại bất mãn này lặp lại nhiều lần, tôi mới nhận ra tôi sai rồi. Biểu hiện của việc nôn nóng biểu đạt ý kiến bản thân, nói xen ngang, cướp lời, đều là những hành vi ẩn chứa tư tâm rất mạnh đằng sau, không nghĩ cho người khác và chỉ nghĩ cho cảm thụ của bản thân mình.
Việc phát tiết, truy cầu sự ấm áp đều là biểu hiện rất nặng của tình. Tôi hồi tưởng lại nhiều năm trước, rất nhiều chuyện tái hiện ra, đều là do tôi làm chưa tốt, còn coi đó là chuyện nhỏ, tôi thực sự rất xấu hổ. Mở miệng là nói, không biết đã làm tổn thương biết bao nhiêu người, trong tâm tôi tự trách, thật sự tôi rất hối hận. Thời gian đó thân thể tôi cũng xuất hiện vấn đề, tôi cảm thấy lập tức dường như không còn tín tâm nữa, thậm chí không thể nói chuyện được.
Còn nhớ đồng tu viết trong một bài chia sẻ rằng: “Bởi vì đã nói với bản thân một cách vô điều kiện trong mâu thuẫn rằng, “tôi sai rồi” và chịu đựng cái đau khoan xương xẻo tim mà tu bản thân mình. Sau vài năm kiên trì, tôi mới dần nhận ra rất nhiều thói quen, tính cách, quan niệm trong sâu thẳm sinh mệnh của bản thân đều mang theo những thứ dơ bẩn, bất thuần của cựu vũ trụ vị tư”. Đoạn chia sẻ trên khiến tôi đồng cảm sâu sắc, cũng khích lệ tôi đào sâu vào những quan niệm vị tư và tu khứ những thói quen trái ngược với truyền thống.
Rất nhiều lúc khi vừa nói lời nào đó, tôi lại phát hiện ra những lời mình vừa nói ra lại sai rồi, trong đó có mang theo tư tâm. Bằng cách này tôi đã liên tục ma luyện và tu sửa bản thân. Trong gia đình có rất nhiều chuyện vụn vặt, việc nhà nhiều không tả xiết, còn có việc trong việc ngoài cần cân đối tốt, nếu bị cuốn vào đó sẽ rất dễ bộc lộ ra tâm uỷ khuất, tâm oán hận, tâm nóng nảy, tâm cầu an nhàn, v.v. Muốn làm tốt thì chỉ có cách duy nhất là hướng nội khi có mâu thuẫn. Tôi phát hiện rằng, khi chỉ tập trung vào bản thân thì sẽ cảm thấy người khác luôn bất công đối với mình, còn khi thật sự quan tâm người khác thì hoàn cảnh sẽ chuyển biến theo hướng tốt đẹp.
Lời kết
Suy nghĩ về những thiếu sót của bản thân, tôi chần chừ không muốn viết bài, dường như đã muốn từ bỏ cơ hội chia sẻ lần này. Khi tôi nhận ra quá trình viết bài cũng là quá trình tu luyện, là quá trình tổng kết quá khứ, tìm ra những chỗ thiếu sót, quy chính bản thân, đồng thời cũng là để chứng thực Pháp, tôi mới bắt đầu hạ bút.
Sư phụ giảng:
“Dù sao đi nữa, điều mà Sư phụ muốn nói nhất ấy là, hình thế đang biến hoá, các đệ tử Đại Pháp về [phương diện] tu luyện là không thể thuận theo hình thế biến hoá. Nhất định là trong bất kể tình huống nào cũng đều bất động! Đều như một đệ tử Đại Pháp, đụng phải bất kể vấn đề gì thì đều tu bản thân mình”. (Giảng Pháp tại Pháp hội San Francisco 2014)
Hình thế hiện nay biến hoá rất nhanh, đệ tử xin ghi nhớ lời dặn của Sư tôn, tu tốt bản thân, bước đi tốt trên con đường tu luyện.
Trên đây là bài chia sẻ của tôi, chỗ nào chưa thỏa đáng mong được từ bi chỉ chính.
Cảm tạ Sư tôn!
Cảm ơn các bạn đồng tu!
Bài chia sẻ tại Pháp hội Singapore 2023
Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/280745
Ngày đăng: 17-04-2023
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.