Khi đồng tu vượt quan nghiệp bệnh



Tác giả: Đệ tử Đại Pháp Trung Quốc

[ChanhKien.org]

Một lần nọ khi giao lưu chia sẻ với đồng tu tên Mai đang vượt quan nghiệp bệnh, cô ấy nói: “Tôi không thể tu luyện tốt giống như mọi người nhưng chẳng phải tôi vẫn đang tiến về phía trước sao, tuy vậy các đồng tu sao không thể hiểu tôi nhỉ?” Lời nói này tha thiết thành khẩn khiến tôi cảm thấy chấn động mạnh.

Mai là người từ thị trấn chuyển vào ở trong thành phố, đã làm không ít công việc chứng thực Pháp, phó xuất rất nhiều. Hai năm trước cô cảm thấy cơ thể khó chịu, mơ màng, huyết áp tăng cao, khi đạt đến đỉnh điểm Mai đã tới bệnh viện và uống thuốc. Lúc đầu, cô ấy không dám mở lời nói với các đồng tu vì lo ngại bị chỉ trích và định tự vượt quan này. Tuy nhiên trạng thái không tốt liên tục kéo dài.

Sau này khi cô ấy nói chuyện này với đồng tu, rất nhanh, các đồng tu trong nhóm đều biết về việc cô ấy đã uống thuốc, không ít người ngạc nhiên và không thể hiểu nổi việc cô ấy uống thuốc. Tại nhóm nhỏ học Pháp, có đồng tu nọ đã hỏi cô ấy: “Chị đã tu luyện nhiều năm rồi mà sao vẫn còn uống thuốc chứ? Chị thật sự chân tu hay chỉ giả vờ tu vậy?”. Một đồng tu nữa nói với một giọng điệu rất lạnh lùng: “Ngộ tính của chị quá kém khiến Sư phụ hết sức lo lắng”. Lại một đồng tu khác nói: “Chẳng phải chỉ là cái chết thôi sao? Có gì mà không buông bỏ được? Muốn trở thành Thần thì chị không được uống thuốc, hãy vượt qua đi, có gì đâu mà làm không nổi chứ?”. Mai chịu rất nhiều áp lực, nên không nói thêm gì nữa, khi ai đó hỏi lại, cô chỉ đáp: “Đỡ hơn rồi”. Cô nói: “Các đồng tu không đặt mình vào hoàn cảnh của người khác mà cứ đứng ngoài nói một cách không thông cảm”.

Sau này, Mai chuyển nhà vào trong thành phố và đã tham gia nhóm nhỏ học Pháp khác. Cô ấy nói với tôi rằng: “Tôi tưởng các đồng tu ở thành phố tu luyện tốt, không giống như những đồng tu ở thị trấn đó. Tuy nhiên khi tôi nhờ mọi người giúp tôi ngộ ra thì có người giúp, cũng có người hung hăng tra hỏi: ‘Tại sao chị chưa hướng nội tìm? Chị tìm ra chưa? Rõ ràng chị có vấn đề nên mới biểu hiện ra nghiệp bệnh’. Song tôi đã không thể tìm ra. Có người còn kết luận một cách tuỳ tiện về tôi nữa… Tuy tôi ở trong nhóm nhưng trong lòng tôi tự hỏi liệu có thể vượt qua được quan nạn này không? Trong đầu tôi hết thảy chỉ nghĩ tôi phải làm thế nào đây? Tôi cảm thấy cô đơn lắm. Tựa như búp cải thảo nhỏ bị sương giá vùi dập, hết sương giá này đến sương giá khác. Tôi cần sự thấu hiểu và giúp đỡ, không phải là lớn giọng phê phán. Tôi đã không tu luyện tốt, dù các đồng tu tu luyện tốt nhưng lại đối đãi với tôi như vậy, chẳng phải là không đúng hay sao?”. Trong lúc nói ra những lời này bọng mắt cô đỏ đến mấy lần.

Thực ra, trước kia tôi quả là đã đối xử với đồng tu như thế. Khi tôi thấy đồng tu nhập viện hay không thể vượt quan, tôi nói nặng lời, chỉ trích mạnh mẽ mà không quan tâm đến cảm xúc của đối phương, thao thao bất tuyệt, rất ích kỷ. Bây giờ tôi đã thay đổi, tại sao lại thay đổi? Đó là vì tôi từ trong Pháp đã nhìn thấy được rằng bản thân mình tu luyện kém và cảnh giới thấp nên mới nói ra những lời như thế. Khi tôi nhận ra điều này, tôi cảm thấy xấu hổ về thái độ trước đây của mình đối với các đồng tu và vô cùng hối hận. Tôi đã bỏ lỡ nhiều cơ hội đề cao và không tu đến cảnh giới vô tư vô ngã, biết nghĩ cho người khác.

Nói lời chưa thiện, phê phán đồng tu, chính là trợ giúp cho cựu thế lực và rời xa tiêu chuẩn viên mãn.

Sư phụ giảng:

“Chư vị tưởng mọi người như một đàn cừu [ngoan ngoãn] nghe theo chư vị dẫn đầu sao? Đó là điều chư vị muốn, nhưng không phải điều tôi muốn.” (Giảng Pháp tại Pháp hội New York 2015).

Tôi đã ngộ ra khi đọc đoạn Pháp này của Sư phụ: Người tu luyện đều không như nhau, bởi vì họ đến từ các tầng thứ khác nhau, có an bài đi xuống khác nhau, trong luân hồi chịu các loại ma nạn khác nhau, khả năng chịu đựng cũng khác nhau, tựa như từ tiểu học đến đại học. Lấy một ví dụ, một vật có cân nặng 50 kg, nếu là một sinh viên thì dễ dàng gánh vác, nếu là học sinh cấp hai thì có thể rất mệt mỏi, còn nếu là học sinh cấp một thì có thể loạng choạng, loạng choạng không vác nổi. Bạn không thể nói cậu ấy lười biếng, không thể khinh thường hạ thấp cậu ấy được. Cậu ấy có thể đã đến giới hạn của mình, nếu bạn giúp đỡ và động viên, cậu ấy sẽ cảm thấy ấm áp và tăng thêm sự tự tin, đồng thời cảm kích bạn và tiếp tục tiến bộ hơn lên. Nếu bạn phê bình cậu học sinh ấy, phạt một gậy và đem so sánh năng lực của bản thân mình với cậu ấy, thì cậu ấy sẽ càng thất tha thất thểu. Tinh thần và vật chất là nhất tính (là một), áp lực bên ngoài và sự thiếu tự tin có thể làm cậu ấy suy sụp, khiến cậu ấy tụt lại phía sau.

Đại Pháp là một miền tịnh thổ. Sư phụ giảng:

“Đó là trạng thái của khoan dung rộng lớn, từ bi đối với các sinh mệnh, và lý giải có thiện ý đối với hết thảy mọi thứ. Dùng cách nói của con người, [họ] đều có thể lý giải được người khác.” (Giảng Pháp tại Pháp hội Boston năm 2002).

Tôi hiểu ra rằng các đệ tử phải thấu hiểu và bao dung lẫn nhau, cảnh giới này nhất định phải đạt được, có thể thấu hiểu và khoan dung người khác, vì đồng tu mà thầm lặng phó xuất, vô tư giúp đỡ đồng tu, như thế mới khiến mọi người bội phục nhất.

Đồng tu xuất hiện trạng thái không tốt, gốc rễ nằm tại cựu thế lực, cựu thế lực không muốn các đệ tử Đại Pháp tu luyện thành công. Nếu chúng ta đối đãi với đồng tu một cách thờ ơ, cựu thế lực sẽ hả hê vì việc đó trợ giúp cho cựu thế lực. Tuy nhiên có một điểm phải ghi nhớ: đừng đứng nhìn cựu thế lực bức hại đồng tu, nếu bạn biểu hiện thái độ bất thiện đối với đồng tu, cựu thế lực sẽ quay lại điều khiển bạn bởi vì chúng nắm được điểm sơ hở. “Nếu cô ta không làm được, vậy ngươi làm được phải không? Nếu thế ngươi cũng thử một lần xem”. Chúng lập tức sẽ an bài như thế. Sư phụ đã giảng:

“Cần phải biết rộng lượng với người khác, thông cảm với người khác, cần phải biết hỗ trợ lẫn nhau.” (Giảng Pháp tại Pháp hội miền Tây Mỹ quốc năm 2004).

Chỉ có thực tu mới có thể đạt tới trạng thái từ bi, [cho dù] đồng tu nằm viện cũng vậy, không thể vượt qua quan lớn cũng vậy, chúng ta nên hiểu và bao dung, cần phải tránh không đàm tiếu sau lưng, không coi thường và cố gắng hết sức để giúp đỡ, ít nhất cũng có thể giúp đỡ bằng việc phát chính niệm, với trái tim ấm áp và đôi tay ấm áp, trong lúc phó xuất thì tu xuất ra chính giác. Chúng ta càng từ bi thì các đồng tu rớt lại phía sau sẽ càng ít đi và Sư phụ càng vui mừng hơn.

Trên đây là chút kiến ​​giải, xin gửi các đồng tu tham khảo.

Dịch từ: http://big5.zhengjian.org/node/279540



Ngày đăng: 12-02-2023

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.