Phương pháp đọc sách học tập của các nhân vật anh hùng thiên cổ, từng câu thụ ích cả đời (1)
Tác giả: Ngưỡng Nhạc
[ChanhKien.org]
Việc học hành hành vất vả để ứng phó với kỳ thi tại trường vẫn còn là ký ức như mới của không ít người. Thời đó, tôi cũng từng ngưỡng mộ những học sinh hạng ưu có thành tích vượt trội trên lớp, rõ ràng đều là cùng một thầy dạy, tại sao thành tích của họ lại đặc biệt tốt nhỉ?
Kỳ thực, dù đã ra trường, chúng ta cũng vẫn đối mặt với rất nhiều những thứ như: học bồi dưỡng tại chức, chứng nhận, khảo thí quốc gia. Vốn dĩ việc học tập không phải sẽ kết thúc khi chúng ta rời xa trường học…….
Nhìn vào những bạn học, đồng nghiệp ưu tú, bạn có nghĩ rằng: Có phải họ có phương pháp học tập nào khác biệt với mọi người không?
Chúng ta hãy xem những anh hùng kiệt xuất nhất qua các thời đại đã đọc sách như thế nào, sau khi xem xong biết đâu bạn cũng sẽ như họ!
Gia Cát Lượng
Có thể nói Gia Cát Lượng là hóa thân kiệt xuất nhất của trí tuệ và tài thao lược được công nhận trong lịch sử Trung Quốc (theo Wikipedia).
“Học tập cần phải an tĩnh chuyên nhất, tài năng cần phải thông qua học tập mới đạt được; không học tập thì không có cách nào tăng trưởng tài năng của bản thân. Không có chí hướng (xác định mục tiêu) thì không thể có được thành tựu trong học tập. Buông lơi, coi nhẹ thì không thể phấn chấn tinh thần, mang theo tinh thần đã tốt nhưng muốn tốt hơn nữa; ngược lại muốn cho nhanh, nông nổi thì không thể bồi dưỡng tính tình”.
(Nguyên văn: Phu học tu tĩnh dã, tài tu học dã; Phi học vô dĩ quảng tài, phi chí vô dĩ thành học. Đãi mạn tắc bất năng lệ tinh, hiểm táo tắc bất năng dã tính. (trích Giới tử thư))
“Gia Cát Lượng trong thời gian ở Kinh Châu, lúc này vào những năm Kiến An, cùng với mấy bạn thân là Thạch Quảng Nguyên, Từ Nguyên Trực người Dĩnh Xuyên, Mạnh Công Uy người Nhữ Nam và mấy người khác cùng nhau đọc sách tìm tòi học hỏi. Ba vị bạn học đều chuyên chú học đến thuần thục tinh thông, còn Gia Cát Lượng chỉ đọc chỗ tinh hoa, ý tứ đại khái của sách”.
(Nguyên văn: Lượng tại Kinh Châu, dĩ Kiến An sơ dữ Dĩnh Xuyên Thạch Quảng Nguyên, Từ Nguyên Trực, Nhữ Nam Mạnh Công Uy đẳng câu du học. Tam nhân vụ ư tinh thục, nhi Lượng độc quan kỳ đại lược”. (trích Tam Quốc Chí – Nguỵ Lược))
Tổng kết: Trọng tâm của việc học là đặt mục tiêu rõ ràng, yên tĩnh dốc lòng học tập chỗ tinh hoa, có trọng điểm.
Tào Tháo
Chân dung Tào Tháo (Phạm vi công cộng)
“Phụ thân (Tào Tháo) yêu thích thi thư văn tịch, tuy rằng ở trong quân đội nhưng tay vẫn không rời sách, chuyên cần ham học. Tôi sớm tối vào lúc thỉnh an phụ thân, phụ thân thường nói với tôi: “Lúc tuổi còn trẻ học dễ dàng hơn, bởi tạp niệm ít hơn, dễ dàng tập trung suy nghĩ, nhưng đến khi tuổi lớn thì thật dễ quên đi những gì đã học”. Mà ta nghe nói rằng tuổi tác lớn rồi mà vẫn chuyên cần ham học thì chỉ có ta (Tào Tháo) và thứ sử Dương Châu Viên Bá Nghiệp mà thôi”.
(Nguyên văn: Thượng nhã hảo thi thư văn tịch, tuy tại quân lữ, thủ bất thích quyển, mỗi mỗi định tỉnh thung dung, thường ngôn nhân thiểu hảo học tắc tư chuyên, trưởng tắc thiện vong, trưởng đại nhi năng cần học giả, duy ngô dữ Viên Bá Nghiệp nhĩ. (Trích Điển luận – Tự Thuật, Tào Phi))
Tổng kết: Trọng điểm của việc học là thời thời khắc khắc giữ được thói quen học tập, đồng thời giữ được suy nghĩ chuyên nhất.
Đường Thái Tông
Chân dung Đường Thái Tông (Phạm vi công cộng)
“Truyền rộng phong hóa, đạo dẫn tập tục, không có gì tốt hơn là sử dụng thuật văn trị; muốn tuyên dương giáo hóa dạy bảo thần dân, không gì tốt hơn là thông qua giáo dục trong trường học. Bởi vì thông qua thuật văn trị có thể hồng dương đạo đức, thông qua học tập, có thể làm rạng ngời danh tiếng bản thân. Không tận mắt nhìn thấy dòng suối nơi thung lũng sâu, sẽ không biết đất dày bao nhiêu; không học rộng xem nhiều, sẽ không thể biết được nguồn gốc của trí tuệ. Mặc dù thân tre được sản xuất tại đất Ngô có chất lượng tốt, nhưng nếu không có lông vũ làm đuôi tên thì không cách nào tạo thành mũi tên tốt”.
“Cho dù sự thông tuệ trời ban có thể giúp phân biệt thị phi, nhưng không học tập thì không cách nào đạt được sự sáng suốt thánh minh chân chính. Bởi vậy, các bậc tiên thánh đã thiết lập Minh Đường có công dụng giáo hóa, xây dựng trường học để bồi dưỡng nhân tài. Nhất định phải đọc nhiều sách vở, nghiên cứu bàn luận sâu những nét tinh túy của lục nghệ, mới có thể tăng thêm kiến thức. Bảo trì nội tâm nhàn nhã thanh tịnh, không cố ý mà có thể học xưa biết nay. Nếu muốn thanh danh lan xa, để thiên hạ lưu truyền đức hạnh của ngươi, từ đó làm cho bản thân bất hủ ở thế gian, hết thảy những điều này không dựa vào học tập thì làm sao đạt được?”
(Nguyên văn: Hoành phong đạo tục, mạc thượng ư văn; phu giáo huấn nhân, mạc thiện ư học. Nhân văn nhi long đạo, giả học dĩ quang thân. Bất lâm thâm khê, bất tri địa chi hậu. Bất du văn hàn, bất thức trí chi nguyên. Nhiên tắc chất uẩn ngô can, phi quát vũ bất mỹ; tính hoài biện tuệ, phi tích học bất thành. Thị dĩ kiến minh đường, lập tịch ung. Bác lãm bách gia, tinh nghiên lục nghệ, đoan củng nhi tri thiên hạ, vô vi nhi giám cổ kim. Phi anh thanh, đằng mậu thực, quang ư bất hủ giả, kỳ duy học hồ? Thử văn thuật dã. Tư nhị giả, đệ vi quốc dụng. (Trích Đế Phạm, quyển tứ))
Ảnh màu Đường Thái Tông Lý Thế Dân (Phạm vi công cộng)
“Cổ nhân nói, cái khó không phải là minh bạch đạo lý bề mặt, cái khó là phải thực hành; và cái khó hơn không phải là có thể thực hành một giai đoạn thời gian, mà là có thể kiên trì thông suốt từ đầu đến cuối hay không. Cho nên nói, vị vua hoang loạn bạo ngược không phải chỉ có một lựa chọn là con đường làm điều ác; bậc quân chủ thánh minh sáng suốt, cũng không phải không có khuyết điểm và sai lầm. Bởi vì đi đúng đường làm đúng Đạo là việc rất khó, ngược lại đi theo đường tà lại quá dễ dàng”.
“Kẻ tiểu nhân chỉ bằng lòng lựa chọn những việc dễ dàng để làm, không muốn nỗ lực làm những việc khó khăn hơn, do đó tai họa và thất bại vĩnh viễn luôn theo sát họ. Người quân tử nguyện ý cần cù mà làm những việc khó khăn, không muốn làm những việc dễ dàng một cách không tốn công sức, vậy nên phúc lợi và may mắn cũng luôn quây quanh họ”.
“Vì thế, phúc hay họa giáng xuống đều do sự lựa chọn của tự thân mỗi người quyết định. Nếu thấy hối tiếc vì những sai lầm tổn thất trong quá khứ, vậy chỉ có thể trong tương lai làm việc cẩn thận hơn mới không chiêu mời tai họa. Ngươi phải chọn lựa những quân chủ thánh minh để làm tấm gương cho bản thân học tập, không chỉ lấy ta làm gương răn bảo”.
“Ngươi thiết lập mục tiêu rất cao học từ cái tốt nhất, thì thường thường chỉ đạt được tới mức độ trung bình; nếu như ngươi bắt đầu từ việc thiết lập mục tiêu ở mức rất vừa phải, thì thường chỉ đạt được được mức độ thấp. Bởi vì ta cho rằng đức hạnh của ta còn chưa đạt tới tiêu chuẩn đức hạnh cao thượng, vậy nên không đáng để các ngươi học tập noi theo”.
(Nguyên văn: Nhân hữu vân, phi tri chi nan, duy hành chi bất dị; hành chi khả miễn, duy chung thực nan. Thị dĩ bạo loạn chi quân, phi độc minh ư ác lộ; thánh triết chi chủ, phi độc kiến ư thiện đồ. Lương do đại đạo viễn nhi nan tuân, tà kính cận nhi dị tiễn. Tiểu nhân phủ thung kỳ dị, bất đắc lực hành kỳ nan, cố hoạ bại cập chi; quân tử lao xứ kỳ nan, bất năng lực cư kỳ dị, cố phúc khánh lưu chi. Cố tri hoạ phúc vô môn, duy nhân sở triệu. Dục hối phi ư ký vãng, duy thận hoạ ư tướng lai. Đương trạch thánh chủ vy sư. Vô dĩ ngô vy tiền giám. Thủ pháp ư thượng, cận đắc vy trung; thủ pháp ư trung, cố vy kỳ hạ. Tự phi thượng đức, bất khả hiệu yên. (Trích Đế Phạm, quyển tứ))
Tổng kết: Trọng tâm của việc học là đọc rộng, bảo trì nội tâm thong dong thanh tịnh, và cần học hỏi phương pháp hay của người xuất chúng, nỗ lực kiên trì học tập tới cùng, tuyệt đối không được hành sự tùy tiện, nhất định phải duy trì thói quen cần cù.
Lý Bạch
Chân dung Lý Bạch trong bộ sưu tập Cung đình nhà Thanh (Phạm vi công cộng)
“Lý Bạch lúc còn nhỏ đọc sách, học chưa xong đã chạy ra ngoài chơi. Vừa hay trên đường nhìn thấy một bà lão đang mài cái chày sắt. Lý Bạch hỏi: “Lão bà, bà đang làm gì vậy?” Bà lão đáp: “Ta đang mài kim thêu”. Lý Bạch hiểu được hàm nghĩa của việc bà lão gắng sức mài kim, vậy nên cũng quay lại nỗ lực gắng sức đọc sách”.
(Nguyên văn: Lý Bạch thiểu độc thư, vị thành khí khứ, đạo phùng lão ẩu ma chử, Bạch vấn kỳ cố, viết: “Tác châm”. Bạch tự cảm kỳ ngôn, toại tốt nghiệp. (Trích Tiềm Xác Loại Thư))
“Lý Bạch đọc hết những quyển thơ văn của tiền nhân, liên tục nghiên cứu những điều sâu xa huyền diệu trong các tác phẩm của thánh hiền xưa. Cho dù là chỉ lĩnh ngộ được đôi chữ vài lời, cũng sẽ cao hứng tới mức không thể không gấp sách lại mà cười”.
(Nguyên văn: quan thư tán di pho, thám cổ cùng chí diệu. Phiến ngôn cẩu hội tâm, yểm quyển hốt nhi tiếu. (Trích Hàn lâm độc thư ngôn hoài trình tập hiền chư học sĩ))
“Lý Bạch cầu học, trước tiên nghiên cứu thánh hiền cổ xưa, sau quan sát cái lý của thế nhân, sau cùng thì xét chi tiết đạo lý giao tiếp qua lại giữa với người”.
(Nguyên văn: Bạch thượng thám huyền cổ, trung quan nhân thế, hạ sát giao đạo. (Trích Tống đới thập ngũ quy hành nhạc tự))
Tổng kết: Trọng điểm của học là gắng sức khổ công học đến nơi đến chốn, nghiên cứu sâu chỗ ảo diệu của những điểm then chốt của kiến thức, và hỗ trợ nhau nhiều hơn để tăng thêm sự hiểu biết.
Nhạc Phi
Nhạc Phi là người trầm lặng ít nói, nhà nghèo nhưng chuyên cần học tập, đặc biệt yêu thích hai bộ sách Xuân Thu Tả Truyện và Tôn Ngô Binh Pháp. Ông thu nhặt cành cây làm nến chiếu sáng, đọc sách học tập thậm chí cả đêm không ngủ.
(Nguyên văn: trầm hậu quả ngôn, gia bần lực học, vưu hảo Tả Thị Xuân Thu, Tôn Ngô Binh Pháp. Gia bần, thập tân vi chúc, tụng tập đạt đán bất mị. (Trích Tống sử))
“Nhạc Phi đọc sách không câu nệ vào chỗ nghiên cứu phân tích chương tiết, tách đoạn, chấm câu. Một khi lĩnh hội được tinh hoa cốt yếu trong cuốn sách thì có thể tạm thời đặt sách xuống. Khi học tập ngôn ngữ văn tự, thuận tay không chú ý cầm quyển sách lên để kiểm tra nội dung của sách, Nhạc Phi có thể thuận miệng nói ra đại ý nội dung của đoạn đó hoặc việc xử lý đúng sai của các nhân vật liên quan đến các sự kiện lịch sử, giống như là đã đọc kỹ và suy nghĩ cẩn thận chi tiết mà nói ra vậy”.
Chú thích: Lấy Xuân Thu Tả Truyện mà Nhạc Phi yêu thích làm ví dụ, trong sách đề cập rất nhiều đến sự tương tác qua lại trong ngoại giao của các vương chủ, tướng quân, tể tướng của các quốc gia thời Xuân Thu, các sự kiện lịch sử về việc sử dụng mưu trí, cuốn sách này cần phải đọc kỹ, suy nghĩ nhiều lần mới có thể hiểu được, đoạn này cho thấy tài năng suy đoán của Nhạc Phi.
(Nguyên văn: nhiên ư thư bất nê chương cú, nhất kiến đắc yếu lĩnh, triếp khí chi. Vy ngôn ngữ văn tự, sơ bất kinh ý, nhân thủ nhi tụng chi, tắc biện thị phi, tích nghĩa lý, nhược tinh tư nhi đắc giả. (Trích Tứ khố toàn thư, Nhạc Phi hành thực biên niên))
Tổng kết: Trọng điểm của việc học là không để bị ảnh hưởng bởi hoàn cảnh khó khăn, phải nỗ lực chịu khó quyết tâm học tập, không câu nệ vào bản thân câu chữ, mà cần chú trọng suy đoán và thấu hiểu.
Hốt Tất Liệt
Ảnh Nguyên Thế Tổ Hoàng đế, trong bộ sưu tập của Bảo tàng Cung điện Quốc gia, Đài Bắc. (Phạm vi công cộng)
“Trước khi Hốt Tất Liệt lên ngôi, lúc ở nhà đã không ngừng suy nghĩ làm thế nào khi lên ngôi hoàng đế có thể có thể tha hồ phát huy tài năng, vì vậy, ông đã tìm gặp những lão thần từng nhậm chức phiên vương trước đây và những người có học thức cao trong thiên hạ để thỉnh giáo họ về chính đạo trị quốc”.
(Nguyên văn: đế tại tiềm để, tư đại hữu vi ư thiên hạ, duyên phiên phủ cựu thần cập tứ phương văn học chi sĩ, vấn dĩ trị đạo. (Trích Nguyên sử Thế Tổ bản kỷ))
Tổng kết: Trọng tâm của việc học là thỉnh giáo học hỏi từ những tiền bối có nhiều kinh nghiệm.
Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/279531
Ngày đăng: 18-01-2023
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.