Hoàn cảnh gian khổ và an dật



Tác giả: Đệ tử Đại Pháp tại Đại Lục

[ChanhKien.org]

Đêm hôm trước, tôi đột nhiên nghĩ tới chủ đề gian khổ và an dật, muốn viết ra chia sẻ cùng các đồng tu. Nhớ lại những ngày đầu của cuộc bức hại, cả hai vợ chồng tôi cùng bị đưa vào trại lao động cưỡng bức một cách phi pháp và bị kết án, gia đình tôi mất đi nguồn sống, người già, trẻ nhỏ không còn nơi nương tựa. Khi ấy, bầu trời như sụp đổ vậy.

Tôi nhớ rằng trước khi bị giam giữ phi pháp trong trại lao động cưỡng bức, đã có một khoảng thời gian tôi phải bỏ nhà ra đi, ly tán tha phương. Lúc ấy, để tránh sự truy bắt của tà ác, tôi thậm chí đã phải sống nơi hoang dã, trú trong sơn động, khất thực xin ăn, gian khổ không cách nào hình dung. Mặc dù vậy, tôi lại cảm giác giai đoạn tu luyện này vô cùng thuần tịnh. Ban đêm ở trong sơn động, tôi lót cỏ tranh để nằm và đắp một chiếc chăn nhỏ mang theo bên mình. Những lúc không có sơn động để trú thân, tôi ngủ luôn ngoài trời, lấy đất làm chiếu, lấy trời làm chăn. Ban ngày, tôi viết thư giảng chân tướng gửi người thân, bạn bè, đồng nghiệp và những người quen biết. Đến đêm, tôi lặng lẽ chạy về thành phố và gửi thư đi. Tôi nhớ có một người bạn của tôi sau khi nhận được thư chân tướng mà tôi gửi đã ngay lập tức báo cho gia đình tôi: “Mọi người đừng lo, anh ấy đã gửi thư cho tôi rồi”.

Sau khi trở về từ trại lao động cưỡng bức, tôi nhớ rằng tiền lương tháng của mình chưa đến 1.000 nhân dân tệ. Vợ tôi đã bị mất lương kể từ ngày bị bắt cóc. Tôi chia lương của mình thành bốn phần: một phần để trả nợ, một phần đề phòng lúc khẩn cấp, một phần dành cho tài liệu giảng chân tướng, và 200 tệ còn lại làm sinh hoạt phí. Mỗi ngày, tôi chỉ ăn bánh bao hấp với dưa chua, có hôm thì ăn mỳ với muối. Ban ngày thì tôi đi làm, ban đêm lại cùng đồng tu về nông thôn phát tài liệu giảng chân tướng, trong gian khổ mà đắm mình trong tu luyện, trạng thái tu luyện vô cùng tốt.

Những năm gần đây, hoàn cảnh đã có thay đổi. Tôi chuyển vào thành phố, sống trong căn hộ chung cư, lương tăng gấp mấy lần. Các con tôi thu nhập cũng rất tốt. Kể từ khi vợ tôi bị bức hại mà qua đời, các con tôi đã hết lòng hiếu thảo với tôi, quần áo chất đầy tủ, đồ ăn cần gì có nấy. Tôi đã có cuộc sống đầy đủ sung túc, an hưởng tuổi già. Tuy nhiên, trong tâm tôi lại thấy ngày càng khó chịu, bứt rứt không yên. Sau khi mất đi hoàn cảnh gian khổ, tôi sống một cuộc sống an dật, ngày càng rời xa tu luyện. Tôi ngày càng cảm thấy bản thân không còn đang trong tu luyện mà đang sống như một ông lão an hưởng tuổi già. Tình cảm sâu nặng của các con đã khiến tâm an dật của tôi trở nên trầm trọng, xa rời trạng thái tinh tấn, làm ba việc trở nên buông lơi, nhục thân liên tục xuất hiện vấn đề.

Sư phụ giảng:

“Nếu như đến tận bây giờ chư vị vẫn chưa rõ thế nào là đệ tử Chính Pháp, thì không thể từ trong ma nạn trước mắt này mà bước ra được, thì sẽ bị tâm [mong] cầu yên ổn của con người thế gian dẫn đến tà ngộ. Sư phụ vẫn luôn đau lòng trước những vị bị rớt xuống; đa số là bị cái tâm này làm huỷ hại mà rớt xuống.” (“Đệ tử Đại Pháp trong thời kỳ Chính Pháp”, Tinh tấn yếu chỉ II)

Tôi rất lo lắng, sợ rằng bản thân vì hãm trong an dật mà bị hủy hoại. Tôi nhận thức sâu sắc rằng chịu khổ và tiêu nghiệp là bản chất của tu luyện, còn an dật và hưởng thụ là những thứ cần tu bỏ. Làm sao một người tu luyện có thể tu thành trong an dật và hưởng thụ đây? Chớ để bị tâm an dật hủy rớt, đây là điều mà mỗi đồng tu lớn tuổi đều cần phải cảnh giác. Huống hồ, đệ tử Đại Pháp thời kỳ Chính Pháp còn mang sứ mệnh trên thân. Nếu như không thể hoàn thành sứ mệnh và thệ ước của bản thân thì quả là một vấn đề to lớn!

Gần đây, khi thấy các con tiêu xài hoang phí (nhất là chi tiêu cho tôi) mà không trân quý, tôi lại lo lắng. Tôi đã nhiều lần nói với các con rằng, tiền bạc khó kiếm, cần đề phòng những lúc nguy nan, nhưng chúng không nghe, cho rằng tôi quan niệm cổ hủ và có chấp trước vào lợi ích. Tôi là người từ trong gian khổ bước ra, đã trải qua những ngày từng chia lẻ từng đồng xu cắc bạc, sao có thể không biết trân quý đồng tiền kiếm được đây? Không thể phủ nhận rằng có sự khác biệt giữa các thế hệ về quan niệm, triết lý sống, và tập quán sinh hoạt. Tiết kiệm là một đức tính truyền thống, và điều này cũng không có gì là sai, những người cao tuổi chúng ta cũng cần có trách nhiệm giáo dục con cháu!

Khi hoàn cảnh chuyển biến, điều kiện trở nên tốt hơn thì tâm an dật cũng theo đó mà xuất hiện. Có lẽ một số đồng tu lớn tuổi ít nhiều cũng có thể bị ảnh hưởng bởi cái tình với con cái, bị tâm cầu an dật can nhiễu, mà mắc kẹt trong đó khó thoát ra. Trên đây là thể ngộ của cá nhân tôi, viết ra chia sẻ cùng các đồng tu, có chỗ nào thiếu sót, mong các đồng tu từ bi chỉ chính.

Dịch từ:

https://www.pureinsight.org/node/7630

https://www.zhengjian.org/node/266427



Ngày đăng: 25-10-2022

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.