Khải thị từ câu chuyện cổ



Tác giả: Đệ tử Đại Pháp Đại Lục

[ChanhKien.org]

Trong tập truyện cổ Grimm có một câu chuyện tên là Cái đinh như sau:

Có một thương nhân ở phiên chợ nọ buôn bán rất đắt khách, hàng hoá được bán hết sạch và túi tiền của anh đã đầy ắp. Anh muốn về tới nhà trước khi trời tối, bèn cột túi tiền lên lưng con ngựa rồi lên đường.

Đến trưa, anh dừng chân nghỉ ngơi một lát trong thành phố. Khi anh định đi tiếp thì người đầy tớ dắt ngựa đến báo: “Thưa ông, một cái đinh của móng ngựa ở chân trái sau đã rơi mất rồi”. Người thương nhân trả lời: “Cứ để nó đi, cái móng sẽ chẳng bị long ra đâu, ta phải về nhà trước khi trời tối, ta đương muốn mau chóng lên đường đây”.

Đến chiều người thương nhân lại bảo anh đầy tớ cho ngựa ăn, anh ta đi vào phòng bẩm: “Thưa ông, cái móng ở chân trái sau của con ngựa đã bị long mất rồi, hãy để tôi mang nó tới chỗ thợ rèn”. Người thương nhân đáp: “Cứ để nó đi! Chỉ còn vài dặm nữa thôi, con ngựa này còn đi được, ta phải về nhà gấp”.

Người thương nhân cưỡi ngựa đi tiếp, nhưng chẳng bao lâu con ngựa bắt đầu bước khập khiễng, một lúc sau nó bắt đầu loạng choạng, cuối cùng ngã khuỵu xuống đất và bị gãy chân. Người thương nhân đành phải xuống ngựa, dỡ túi tiền trên lưng nó xuống rồi đi bộ về nhà. Mãi đến khuya mới về được đến nhà. Anh này bực dọc nói: “Xúi quẩy thật! Cũng tại cái đinh chết tiệt này”.

Câu chuyện này khiến tôi liên tưởng đến sự tu luyện của các đệ tử Đại Pháp, trong lúc bận rộn đồng thời làm tốt ba việc chúng ta cũng không thể xem nhẹ việc tống khứ các tâm chấp trước và đề cao tâm tính của bản thân. Nếu không, các tâm chấp trước sẽ bành trướng lên và phát triển khi chúng ta buông lơi, thậm chí chúng còn ảnh hưởng đến ba việc. Giống như người thương nhân trong câu chuyện cho rằng thời gian cấp bách, chiếc đinh của cái móng ngựa bị rơi mất cũng chẳng sao, kết quả là một chút “thiếu sót” ấy ngày càng lớn, cuối cùng ảnh hưởng tới cả hành trình. Chỗ khác biệt ở đây là phải mất thời gian đóng thêm đinh vào cái móng ngựa, còn việc tống khứ chấp trước không tốn quá nhiều thời gian, chỉ cần trong tư tưởng xem trọng việc trừ bỏ chấp trước là đủ.

Tôi có thể hội rằng, khi cái vật chất chấp trước ấy được loại bỏ đi rồi thì trong tâm đột nhiên có một cảm giác sáng tỏ thông suốt. Khi cảnh giới được đề cao thì nội tâm càng thuần tịnh hơn, tư tưởng càng khoáng đãng hơn, trí huệ cũng ào ào tuôn như suối chảy, vì vậy ba việc cũng làm được tốt hơn. Không những không mất thời gian mà còn làm được “sự bán công bội” (làm ít mà thành công nhiều)!

Dịch từ:

http://www.pureinsight.org/node/4489

https://www.zhengjian.org/node/42683



Ngày đăng: 21-08-2022

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.