Bàn về mối quan hệ giữa bộ ba kinh điển vỡ lòng truyền thống Đệ Tử Quy, Tam Tự Kinh và Thiên Tự Văn (Phần 4.1)



Tác giả: Đổng Hân

[ChanhKien.org]

4. Thiên Tự Văn chí thiện chí mỹ

Thiên Tự Văn có thể nói là bức tranh hài hòa vũ trụ mênh mông và sinh mệnh hạnh phúc, là nhân sinh viên mãn của “Hoàng đệ tử”. Xưa nay bộ sách đều được đánh giá rất cao, bởi vì những điều được viết ra trong sách thực sự vô cùng hay. Trước tiên, Thiên Tự Văn không những có trị trí quan trọng trong giáo dục vỡ lòng, mà cả trong văn hóa truyền thống, Thiên Tự Văn cũng có ảnh hưởng rất lớn trong nghệ thuật thư pháp. Có một nhà thư pháp tên là Trí Vĩnh đặc biệt yêu thích Thiên Tự Văn. Trí Vĩnh là cháu bảy đời của Vương Hy Chi (nhà thư pháp nổi tiếng thời Đông Tấn trong lịch sử Trung Quốc), cả đời ông đã chép 800 quyển Thiên Tự Văn để tặng chùa chiền. Hoàng đế Tống Huy Tông, người sáng tạo ra Sấu kim thể (một kiểu chữ viết trong nghệ thuật thư pháp), cũng đã viết rất nhiều tác phẩm thư pháp Thiên Tự Văn. Rất nhiều nhà thư pháp có văn hóa cao cũng đều thích viết Thiên Tự Văn. Điều này chứng tỏ sự tốt đẹp cao nhã của Thiên Tự Văn, đồng thời cũng mở rộng ảnh hưởng của Thiên Tự Văn trong xã hội.

Thiên Tự Văn chí thiện chí mỹ, là bộ kinh điển truyền thống ưu tú về giáo dục trẻ em, là cuốn sách tốt nhất, nội dung tinh tế, văn từ mỹ lệ; đây cũng là bộ sách mà hoàng gia sử dụng, là cuốn sách rất nổi tiếng. Trong đề mục của Thiên Tự Văn có chữ “sắc” trong “Sắc viên ngoại tán kỵ thị lang Chu Hưng Tự”. Tại sao lại có thêm chữ “sắc” (sắc chỉ của nhà vua)? Đây là cuốn sách do hoàng đế chiếu lệnh viết, chiếu lệnh in ấn, chiếu lệnh cho hoàng tử học tập sử dụng, cho nên bộ sách có tính quyền uy rất lớn. Bằng tư tưởng thống nhất xuyên suốt, mạch lạc rõ ràng, lời văn trau chuốt, Thiên Tự Văn tập hợp các loại tri thức vào bộ sách; văn phong tinh tế, ngôn từ mỹ lệ, thực sự không có bộ kinh điển giáo dục trẻ em nào có thể sánh được.

Không sánh được là do đã cách quá xa nên không theo kịp, từ nội hàm đến cảnh giới đều như vậy. Cổ nhân đánh giá rằng: “Chỉ giới hạn ở 1.000 chữ mà xuyên suốt mọi đạo lý, không một chút sai sót, như múa nghê thường trên mẩu gỗ, như kéo tơ dài từ búi sợi rối”, đây là lời đánh giá vô cùng cao về Thiên Tự Văn. Với số lượng 1.000 chữ đã được định rõ này thì không thể dư thừa, không thể viết ra những nội dung loạn tạp, hơn nữa còn phải thông suốt, quả là rất khó! Trên mẩu gỗ rộng một tấc mà múa được một điệu nghê thường vô cùng đẹp mắt, mọi người thử nghĩ xem, chẳng phải yêu cầu vô cùng cao đó sao? Hy vọng rằng chúng ta cũng có thể làm được như vậy, múa một điệu múa, hát một bài hát, hoặc giảng một bài học, cần đạt được chí thiện chí mỹ, khiến mọi người phải trầm trồ khen ngợi.

Vì sao lại so sánh với việc kéo tơ dài từ búi sợi rối? Cũng giống như Tam Tự Kinh, Thiên Tự Văn dường như bao hàm rất nhiều nội dung, nhưng lại khái quát cho mọi người rất rõ ràng. Chỉ với hơn 1.000 chữ nhưng đã nói rất rõ ràng việc chuyên cần học tập, giống như kéo tơ dài từ búi sợi rối, mới đầu nhìn thấy rất rối loạn, khó có thể tìm ra đầu mối, nhưng nếu chúng ta chú tâm làm thì sẽ giải quyết được, thật sự tuyệt vời. Ngày nay giáo viên dạy học thật không dễ dàng, người xưa nói: “Lão sư yếu truyền đạo thụ nghiệp giải hoặc” (người thầy là người truyền đạo, dạy nghề và giải thích những nghi vấn), nhưng ngày nay thầy giáo luôn phải tự hỏi mình rằng: Tôi có truyền Đạo không? Tôi có hiểu Đạo không? Hơn nữa ngày nay trong những người đi học thì bậc “thượng sỹ” không nhiều, đa phần họ chỉ thích nghe điều mình thích, điều dễ nghe, có chút không hợp với suy nghĩ của mình thì không nghe nữa, từ bỏ luôn. Truyền Đạo thật không dễ dàng, nói nhẹ thì không có tác dụng, nói nặng thì có người không chịu nổi. Có nhiều điều muốn nói mà không thể tùy ý nói ra, vẫn phải nói rõ ý nghĩa để mọi người hiểu rõ, lại không thể nói thẳng, nhưng đã là người thầy thì phải bỏ công sức ra giảng cho rõ.

Mọi người phải có tín tâm, Chu Hưng Tự là tấm gương cho chúng ta về mặt này. Người ta bảo không thích giảng như vậy! Được thôi, vậy bạn nói thế này; họ lại nói không muốn nghe cái này. Được rồi. Bạn liền nói thế khác, bảo đảm vẫn có thể nói có đạo lý, để người nghe thăng hoa, đề cao. Đây chính là người có chí việc ắt thành, điều mà bạn muốn làm, nhất định sẽ làm được. Mảnh gỗ rộng một tấc mà người bình thường cho rằng không thể múa ở trên đó được, nhưng có người lại nói có thể múa được, thậm chí còn múa rất đẹp nữa. Như vậy khi làm việc đúng đắn chân chính, chúng ta nhất định phải có tín tâm!

Chúng ta xem câu chuyện Lạn Tương Như mang ngọc bích của họ Hòa trở về nước Triệu. Mang ngọc đi sứ nước Tần mà vẫn có thể mang ngọc trở về nước Triệu là một chuyện vô cùng khó khăn, nói thẳng ra ai đi người đó chết. Đã mang ngọc đi đến nước người thì làm sao đem được ngọc trở về, làm sao để không bị vua Tần giết, hoặc giả nếu bỏ lại ngọc để trở về nước Triệu thì cũng bị vua Triệu giết, nhiệm vụ này có thể nói là ai đi người đó chết. Người bình thường không làm được, ai phải đi đều phải chết, nhưng Lạn Tương Như có thể đi, đến nước Tần không những không bị giết mà trở về còn được thăng quan, tiếng thơm muôn đời.

Ông quả là bậc Thánh hiền! Người khác đều sợ hãi chỉ nghĩ cho mình, chỉ có Lạn Tương Như nghĩ cho từng người, lo nghĩ cho nước Triệu, lo nghĩ cho nước Tần, lo nghĩ cho người dân nước Tần, lo nghĩ cho nhân dân nước Triệu. Hai bên đánh nhau chẳng phải sẽ có người chết sao! Tần Thủy Hoàng cướp đoạt ngọc bích, cái danh ấy quả là xấu; vì một viên ngọc quý mà hai nước đánh nhau, tử thương vô số, thì lại càng là đại ác. Nhưng Lạn Tương Như lại có thể xử lý tốt, ông lo nghĩ cho vua Triệu, mà cũng lo nghĩ cho vua Tần. Người bình thường mà gặp chuyện này, chỉ nghĩ đến vua Tần đã sợ hãi, sao còn lòng dạ nghĩ cho vua Tần, chỉ nghĩ làm sao để mình giữ được cái đầu, phải vậy không? Lạn Tương Như có tấm lòng rộng lớn, ông không sợ. Ông là người đại thiện nên được trời phù hộ, không ai có thể làm hại ông được. “Thiên đạo vô thân, thường dữ thiện nhân” (Đạo trời không có thân quen, thường giúp người thiện), “Hoàng Thiên vô thân, duy đức thị phụ” (Ông Trời không thân với ai, chỉ trợ giúp người đức độ), trời phù hộ người lương thiện.

Lại nói về Quan Vân Trường qua năm ải chém sáu tướng, ngày nay ai có thể qua năm ải chém sáu tướng không? Mấy nghìn quân đánh một người mà không bắt được, liệu có thể như vậy sao? Người bình thường sẽ nói là không thể được. Sáu người trấn thủ năm ải kia đều là tướng, không lẽ họ đều là kẻ ngốc sao? Quan Vũ còn đem theo gia quyến Lưu Bị, lẽ nào lại không bắt được ông ấy sao? Dù có võ công cao cũng không thể thoát được. Nhưng Quan Vân Trường vẫn xông lên, chẳng phải là chỉ dựa vào chính khí của mình? Đó là nghĩa! Ông là người có chính khí to lớn.

Những bậc Thánh hiền thời xưa như Chu Hưng Tự, Lạn Tương Như, Quan Vân Trường v.v. trong lịch sử đã làm nên những việc mà người thường cho rằng tuyệt đối không thể làm được. Vậy nên, mỗi người chúng ta nên có tín tâm, có lòng đại thiện vị công, thì không có gì là không làm được, bởi vì Trời, Thần, Phật là vạn năng, đấng tạo hóa không gì không làm được. Không thể làm được là do quan niệm của chúng ta cho rằng không thể, bạn không thể làm được cũng không phải là bạn không thể làm được, là do có những nhân tố gây chướng ngại khiến bạn không thể làm được, bạn thử ngẫm xem có phải là đạo lý như vậy hay không? Chúng ta thử nghĩ kỹ xem, điều người khác cho là không thể, nhưng bậc Thánh Hiền lại làm được. Việc mang ngọc bích trở về nước Triệu là việc ai đi người đó chết, nhưng Lạn Tương Như có thể mang về được, lại còn được thăng quan. Thiên Tự Văn 1000 chữ không trùng lặp viết thành văn chương, Chu Hưng Tự chỉ một đêm viết xong, lưu truyền thiên cổ, vì vậy nói rằng hôm nay mọi người đều có thể làm tốt được, chính là cái ý đó, vốn không gì không làm được. Người ta nhìn nhận rằng không làm được, nhưng bạn lại thấy rằng làm được, và thực sự đã làm được, vậy thì bạn quá vĩ đại rồi.

Điều muốn nói với mọi người ở đây là, mỗi người chúng ta đều sẵn có năng lực “Múa nghê thường trên mẩu gỗ, kéo tơ dài từ sợi rối” này. Có thứ gây trở ngại, ngăn cản chúng ta, đó là để tấm lòng của chúng ta mở rộng hơn nữa, thiện lương hơn nữa. Lại nói về chuyện Lạn Tương Như và Liêm Pha, Liêm Pha không phục muốn gây chuyện với Lạn Tương Như, làm một người bình thường cũng thật không dễ, nếu sợ thì có thể lánh mặt, nhưng lúc gặp bất chợt thì sao? Đánh, đấu với Liêm Pha thì cũng không được, cả hai đều thiệt; nhưng cuối cùng Liêm Pha lại quỳ gối đến tạ tội với Lạn Tương Như là vì sao? Là vì tấm lòng rộng lớn và sự thiện lương đại nhẫn! Mọi người đều đã biết câu chuyện này, vì thế mọi người càng nên minh bạch và làm được theo đạo lý này.

Có một số việc làm không thành, là vì bạn cần phải Thiện hơn nữa, có như vậy khi mọi người đều cho rằng việc này làm không thành thì bạn lại làm thành công. Chu Hưng Tự tuyệt đối không nghĩ đến công danh lợi lộc của mình, ông cũng không nghĩ đến việc lấy lòng Hoàng đế. Mọi người nhìn nhận ông là người quang minh chính đại, đã để lại cho đời những điều tốt đẹp. Lúc này ông chỉ có một tâm niệm ”tri thức của thần cũng chỉ biết được mấy trợ từ ngữ khí như yên, tai, hồ, dã mà thôi”, và Trời đã giúp ông. Mỗi người hoàn toàn có đủ năng lực, bạn cảm thấy khó là vì bạn đã tự giới hạn mình ở bề mặt. Ngay từ đầu đã cân nhắc mò mẫm, chủ yếu chỉ nghĩ đến lợi ích, được mất, v.v…, tức là từ đầu đã bị vây khốn, trói buộc rồi.

Trời sinh ta thì tất có chỗ hữu dụng, Sáng thế chủ sẽ cấp trí tuệ cho mỗi người chúng ta. Có thể bạn không thông minh, nhưng bạn có một tấm lòng thiện lương, Ông Trời nhất định sẽ cấp trí huệ cho bạn. Làm thầy cô giáo, trong quá trình truyền Đạo dạy nghề, bạn càng giảng thì trí huệ sẽ càng lớn, người ta nói những chuyện mù mờ thì bạn lại có thể giảng minh bạch, chính là nói cái ý tứ này.

(Còn tiếp)

Dịch từ: http://big5.zhengjian.org/node/152890



Ngày đăng: 17-08-2022

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.