Bàn về mối quan hệ giữa bộ ba kinh điển vỡ lòng truyền thống Đệ Tử Quy, Tam Tự Kinh và Thiên Tự Văn (Phần 1)



Tác giả: Đổng Hân

[ChanhKien.org]

Mục lục:

1/ Đặc điểm cơ bản của Đệ Tử Quy, Tam Tự Kinh và Thiên Tự Văn.

2/ Quy tắc đệ nhất thiên hạ – phong thái Đệ Tử Quy.

3/ Chuyên cần học tập là kim chỉ nam của Tam Tự Kinh.

4/ Thiên Tự Văn toàn thiện toàn mỹ

5/ Mối quan hệ bổ trợ giữa Đệ Tử Quy, Tam Tự Kinh và Thiên Tự Văn.

6/ Hậu ký… Tân Thiên Tự Văn – ca ngợi hồng ân Chính Pháp của Sư tôn

Chào quý vị!

Hôm nay chúng ta cùng bàn luận một chút về các giáo trình vỡ lòng kinh điển truyền thống là Đệ Tử Quy, Tam Tự Kinh và Thiên Tự Văn, bộ ba cuốn kinh điển vỡ lòng mà người xưa dùng để giáo dục trẻ em, phân tích đặc trưng của từng bộ và mối quan hệ bổ trợ của các cuốn sách này.

Nói đến Đệ Tử Quy thì mọi người biết ngay cuốn sách có bảy phần, vậy còn Tam Tự Kinh và Thiên Tự Văn giảng về điều gì? Chúng tôi hôm nay sẽ dùng sơ đồ đơn giản, dễ hiểu để mô tả rõ cho quý vị. Chỉ nhìn qua quý vị sẽ có thể ghi nhớ và hiểu rõ được, nếu muốn dạy cho con trẻ thì quý vị phải hiểu rất rõ mới được.

Đầu tiên, Đệ Tử Quy, Tam Tự Kinh, Thiên Tự Văn là giáo trình căn bản vỡ lòng về đạo đức truyền thống Trung Hoa, được gọi chung là Đệ-Tam-Thiên. Nếu đặt cho nó một cái tên khác thì chúng ta có thể gọi là “Đệ Tử Quy Thần thánh”, bởi vì bộ ba kinh điển này đều trên nghìn chữ, nên cũng có thể gọi chúng là: “Thiên Tự Văn Thần thánh”. Chúng ta gộp ba bộ kinh điển này thành một chỉnh thể, rồi thêm các nội dung cơ bản của văn hóa truyền thống, thì sẽ khiến cho nội hàm của “Đệ Tử Quy Thần thánh” trở nên vô cùng rộng lớn, có lợi cho việc khai mở đạo đức toàn xã hội.

1. Đặc điểm cơ bản của Đệ Tử Quy, Tam Tự Kinh và Thiên Tự Văn

Đệ-Tam-Thiên, mỗi bộ kinh điển có nét đặc sắc khác nhau, tóm lược như sau:

Đệ Tử Quy do Lý Dục Tú biên soạn vào những năm Khang Hy đời nhà Thanh, cách đây 300 năm, được ca ngợi là “Nhân sinh đệ nhất bộ, thiên hạ đệ nhất quy” (bộ quy tắc tốt nhất đặt nền tảng cho những bước đi đầu tiên của đời người). Vì cuốn sách giảng về các quy phạm hành vi cơ bản nhất của con người một cách cụ thể, rõ ràng, cho nên sau khi ra đời, cuốn sách đã được các phủ, địa phương, châu, huyện áp dụng rộng rãi làm sách giáo khoa cho trẻ em, có ảnh hưởng vô cùng rộng lớn.

Tam Tự Kinh được ca ngợi là quán quân kinh điển giáo dục trẻ em truyền thống, đây cũng là bộ sách giáo dục trẻ em có số người sử dụng nhiều nhất và có ảnh hưởng lớn nhất trong suốt 700 năm từ thời Nam Tống đến nay.

Thiên Tự Văn do Chu Hưng Tự đời Hậu Lương thời Nam Bắc Triều sáng tác theo lệnh Lương Vũ Đế. Bộ sách hoa lệ ưu mỹ, khí độ phi phàm, là bộ sách xuất sắc nhất trong các kinh điển giáo dục trẻ em truyền thống, bất kỳ bộ sách giáo dục trẻ em nào khác cũng không thể sánh nổi. Tất nhiên trong ba bộ sách này thì Thiên Tự Văn có thời gian lưu truyền lâu nhất, đã có lịch sử 1.500 năm rồi.

Chúng tôi sẽ bàn về sự khác nhau giữa Đệ Tử Quy, Tam Tự Kinh, và Thiên Tự Văn trên hai phương diện tổng thể và đối tượng giáo dục.

Đầu tiên về mặt tổng thể, Đệ Tử Quy chú trọng vào nỗ lực thực hành, quy phạm tỉ mỉ; Tam Tự Kinh chú trọng mở mang kiến thức, tri thức rộng lớn. Thiên Tự Văn chú trọng thiên nhân hợp nhất, không ngừng tu dưỡng bản thân, đạt đến viên mãn viên dung.

Đặc điểm của Đệ Tử Quy là giảng về quy phạm hành vi đạo đức; ví dụ, cuốn sách giảng rất cụ thể từng việc nhỏ như gõ cửa, kéo rèm phải làm như thế nào, ưu điểm của Đệ Tử Quy là rất rõ ràng, tỉ mỉ. Thực tế đến thời kỳ Minh Thanh, con người về tổng thể đạo đức không còn tốt nữa, lòng dạ hẹp hòi hơn thời Hán Đường, đạo đức tụt dốc nghiêm trọng. Các bậc thánh hiền giảng ở cảnh giới thấp hơn, giảng cụ thể hơn, là vì muốn tốt cho con người.

Có bài thơ đã ca ngợi sự vĩ đại của Lý Dục Tú như sau:

Phản Minh thanh quá hậu chính khí tán, Thiên luân tẫn tang nhân hà thảm? Thiện lưu thiên bát đoan phương tự, Huyền nhai tẫn xử hảo quy phản.

Dịch nghĩa:

Hết thời Minh Thanh chính khí suy, Mất đi thiên luân con người thảm mức nào? Thiện lưu nghìn năm tám chữ chính, Tận cùng vách núi quay về với sự tốt đẹp.

Cảnh giới của người học càng cao thì các bậc thánh hiền càng giảng khái quát, không giảng cụ thể, nếu phải dạy gõ cửa như thế nào thì thực sự người học có phần quá ngốc rồi, như vậy phải giảng đến mức độ nào? Thiên Tự Văn có trước Đệ Tử Quy trên 1000 năm, do đó Thiên Tự Văn bắt đầu từ cảnh giới mênh mông và tâm thái an hòa, không giảng từng hành vi cụ thể, người học tự nhiên sẽ rất có trí tuệ, mỗi vị hoàng tử nhỏ đều là người rất cao nhã. Nội dung của Thiên Tự Văn đều là những câu như “Thúc đái căng trang” (Đai lưng cẩn thận nghiêm trang), “Dung chỉ nhược tư” (Dung mạo nghiêm chỉnh như lúc trầm tư), “Hóa bị thảo mộc” (Sự cảm hóa bao trùm lên cả cỏ cây). Hoàng tử học rồi sẽ tự nhiên cẩn thận đoan chính, tự tin bình hòa, thong dong an định, từ đó đi đứng, làm việc đều quy củ, vì hoàng tử đã thấm nội hàm đó, nên không cần nói các hành vi cụ thể kia. Đây là một so sánh giữa Đệ Tử Quy và Thiên Tự Văn, có thể nói mỗi kinh điển đều có mặt mạnh của mình.

Tam Tự Kinh nhấn mạnh thế gian vạn vật phong phú, tri thức mênh mông. Vì Tam Tự Kinh tập trung vào “quảng kiến văn” (kiến thức rộng lớn) nên sách giảng vô cùng phong phú, phức tạp. So với Đệ Tử Quy, thì tri thức trong Tam Tự Kinh giảng rộng hơn, phức tạp hơn rất nhiều, tam tài, tứ phương, ngũ cốc, lục súc, thất tình, bát âm, cửu tộc, cái gì cũng có. Cũng đề cập rất nhiều đến các tấm gương cần cù học tập, có bậc Thánh, có bậc Hiền, lại cũng có người đạo đức chưa thật tốt. So sánh mà nói thì Thiên Tự Văn rất hoàn mỹ.

Thiên Tự Văn thực sự là một bức tranh về vũ trụ rộng lớn, sinh mệnh hạnh phúc, là sự viên dung hoàn mỹ; đây mới thực sự là bộ sách thể hiện được thần thái văn hóa truyền thống Trung Hoa, thiên nhân hợp nhất, chí thiện chí mỹ. Vũ trụ tươi đẹp, có cảm ân; sinh mệnh trưởng thành, có tự cường; thiên hạ thái bình, có trách nhiệm; vật chất phồn vinh, có đạm bạc; đời người hạnh phúc, có trân quý. Thiên Tự Văn ngôn từ ưu mỹ, hành văn trôi chảy, đối với học sinh hay nhà văn đều rất có lợi ích; lời văn của Thiên Tự Văn súc tích chặt chẽ, từng chữ như vàng, tương đương với 250 câu thành ngữ nhưng lại bao hàm tri thức vô cùng phong phú. Điều đáng ca ngợi nhất chính là ý nghĩa giáo hóa đạo đức được khéo léo lồng trong vẻ đẹp của tự nhiên, xuyên suốt từ đầu đến cuối, liền mạch, thực sự quá mỹ hảo.

Ba bộ kinh điển giáo dục trẻ em truyền thống Đệ-Tam-Thiên mỗi bộ có đặc sắc riêng, do đó đều được lưu truyền lâu dài, ảnh hưởng sâu rộng.

Tiếp theo chúng ta nói về sự khác nhau của Đệ-Tam-Thiên từ góc độ đối tượng giáo dục. Đệ Tử Quy là lời của Khổng Tử giảng cho người quân tử. Tam Tự Kinh là lời giáo huấn của bậc sỹ đại phu lưu lại cho học trò. Thiên Tự Văn là do Chu Hưng Tự theo lệnh của Lương Vũ Đế viết cho hoàng tử.

Đệ Tử Quy giảng cho bậc quân tử, là lời răn dạy quân đệ tử phải biết yêu thương quảng đại nhân dân. Quân đệ tử là con cháu của bậc quân vương, nên gọi tắt là quân tử.

Tam Tự Kinh là giảng cho sĩ tử, là kim chỉ nam cho sĩ đệ tử chuyên cần học tập, sách dạy chuyên cần học tập như thế nào. Thời cổ đại có từ “sĩ đại phu”, thời xưa người đọc sách, giới trí thức được gọi là “sĩ”, là một tầng lớp trong xã hội cổ đại. Thời nhà Hạ Thương Chu có các đẳng cấp khác nhau là thiên tử, chư hầu, khanh đại phu và sĩ; sĩ là một trong số đó. “Luận ngữ” giảng về múa “bát dật vũ ư đình”. Bát dật là đội múa mà chỉ bậc thiên tử mới được sử dụng, gồm 8×8=64 người. Đội múa cho chư hầu có 6×6=36 người, đại phu có 4×4=16 người, sĩ thì 2×2=4 người, những người khác thì không có tư cách dùng đội múa.

Thời xưa tất nhiên còn có nhiều quy định cụ thể hơn nữa cho các tầng lớp khác nhau, như quy định các giai tầng thờ cúng tổ tiên như thế nào hay thờ bao nhiêu đời. Đương nhiên thời xưa người có học có ảnh hưởng rất lớn đến xã hội, nhưng không nhất định họ đều làm quan lớn, những người làm quan xuất thân từ người có học sẽ có sự khác biệt với quân tử. Do đó có thể nói, Tam Tự Kinh là kim chỉ nam cho sĩ đệ tử chuyên cần học tập.

Thiên Tự Văn là do Chu Hưng Tự soạn cho con của Hoàng đế, đây là những hoàng tử có nhân sinh viên mãn. Ở đây chúng ta nhấn mạnh là hoàng tử, cho nên chúng ta cần phân biệt quân tử, sĩ tử và hoàng tử. Trên thực tế, cấp bậc có cao thấp khác nhau. Do đó cha của sĩ đệ tử mới nhấn mạnh “Thượng chí quân, hạ trách dân. Dương anh thanh, hiển phụ mẫu. Quang ư tiền, dụ ư hậu” (Trên gắng giúp vua, dưới vì lợi dân. Thanh danh lừng lẫy, vinh hiển mẹ cha) hay “ngã giáo tử, duy nhất kinh” (Ta dạy bảo con, chỉ Tam Tự Kinh), họ đều chú trọng những điều này. Nhưng hoàng đế thì không dạy con như vậy, phải dạy cho hoàng tử những điều rộng lớn hơn, hơn nữa còn phải nỗ lực ở nhiều phương diện. Nội hàm hướng đến sự rộng lớn, làm hoàng đế thì phải rộng lớn.

Khổng Tử nói với học trò, nếu muốn học trồng rau, trò đi tìm nông dân trồng rau, ta không bằng họ. Khổng Tử dạy điều gì? Ông là thầy của các bậc đế vương ngàn đời này, ông dạy nhân đức. Mọi người nghĩ xem, nếu hoàng đế nướng một chiếc bánh, có lẽ bánh sẽ bị dính nát, ông nướng bánh kém xa người đầu bếp của ông, ông không biết làm việc đó. Nhưng cũng không phải có ý nói rằng là hoàng đế thì cái gì cũng không biết làm hoặc làm hoàng đế cái gì cũng biết mới tốt. Trên thực tế, ông có biết nấu ăn, giặt giũ hay không thì cũng không phải vấn đề trọng yếu, mà ông có dẫn dắt được nhân dân coi trọng đạo đức hay không mới là việc trọng yếu. Đối với một vị hoàng đế, bữa ăn của ông thịnh soạn hay tiết kiệm cũng không phải là vấn đề trọng yếu, vậy ông dẫn dắt người dân làm gì? Trọng đạo đức. Đương nhiên trọng đạo đức nên ông cũng sẽ không lãng phí thức ăn.

Lại nói chuyện Trịnh Hòa thám hiểm Tây Dương, nếu đứng trên góc nhìn của người hiện đại thì quả thực là đó là việc ngốc nghếch. Bởi vì các nhà hàng hải phương Tây đời sau đi đến đâu cũng để kiếm tiền, chứ không tặng lễ vật như Trịnh Hòa. Trịnh Hòa đi biển Tây Dương, triều Đại Minh còn làm được những việc rộng lớn như vậy, thật đáng để học tập! Đại Minh có khí phách như thế, cho đi nhiều mà nhận lại ít, nên kết quả là đến đâu cũng là cảnh quốc thái dân an, thiên hạ thái bình. Sau khi Trịnh Hòa đi biển Tây Dương thì thực sự hết hải tặc.

Hiện nay Somali vẫn còn hải tặc. Bạn thử nghĩ xem, chúng ta có đầu đạn hạt nhân, còn có vệ tinh bay trên quỹ đạo, mà không trị được hải tặc. Vậy khoe khoang những thứ đó có tác dụng gì! Trịnh Hòa đi biển Tây Dương, hôn quân của một nước nhỏ bị ông trừ khử, kẻ đoạt ngôi vị bị trừng trị. Đi đến đâu buôn bán cũng cho người ta nhiều hơn, như thế chẳng phải lỗ vốn sao? Lỗ vốn hay không đã có ông trời làm chủ! Những năm đầu Vĩnh Lạc, Trung Quốc liên tiếp được mùa mấy năm, quốc gia có lương thực đầy đủ, sung túc.

Cho đi nhiều mà nhận lại ít, đó chính là tấm lòng rộng lớn của ông. Trịnh Hòa đi biển Tây Dương, thực ra còn đi qua Đông Dương, Nhật Bản. Hoàng Đế Đại Minh ban ấn phong cho vua Nhật Bản, việc ban ấn phong này có ý nghĩa gì? Chính là Thiên tử Đại Minh công nhận ông là quốc vương Nhật. Quý vị có khí phách như vậy, người ta dám đánh quý vị không?

Do đó Đệ Tử Quy giảng là tầng đạo lý luân thường, dạy người ta tu thân cần phải làm tốt các việc tiểu tiết; nhưng trong cuộc đời còn cần tề gia trị quốc bình thiên hạ, cần tu thân một cách toàn diện. Một số hành vi cụ thể trong Đệ Tử Quy chỉ là khởi điểm, là bộ phận nhỏ, muốn bình thiên hạ vẫn còn rất nhiều, rất nhiều đạo lý cần phải giảng. Quý vị thấy trong Thiên Tự Văn miêu tả “Cao quan bồi liễn” (Mũ đội cao, đi bằng xe có người phụ tá) và “biện chuyển nghi tinh” (quan nhỏ đi lại bên dưới nhiều như sao) đó là một cảnh tượng thế nào? Dân chúng nhìn thấy quan huyện đã cảm thấy kính nể, thế nhưng ở đây quan lớn nhiều như sao, quần tinh hội tụ chói sáng, có bao nhiêu anh hùng hào kiệt! Những người không có tấm lòng quảng đại, những kẻ nhát gan đứng ở chỗ ấy nhìn thôi hẳn đều phải sợ hết mức. Hoàng đế ngồi trên cao trông thật uy nghiêm, thật là tài giỏi, tấm lòng quảng đại, cảnh giới không cao có thể được như thế sao? Không đủ đức hạnh có thể được như thế sao? Không có trách nhiệm có thể được như thế sao?

Cùng là giảng phép tắc cho đệ tử, Khổng Tử chỉ viết hai mươi mấy chữ, Lý Dục Tú dùng 1.080 chữ, họ đều là thánh hiền, nhưng đối với những người khác nhau, các bậc thánh hiền đều cố gắng làm điều tốt nhất cho họ. Đối với trẻ con chưa hiểu sự đời, thì mới cần quy định cụ thể việc nào làm như thế nào. Nếu như ngày nay thì phải nói đi vệ sinh xong phải dội nước, trên xe buýt gọi điện phải nói nhỏ một chút, chơi game không được quá mấy tiếng đồng hồ…., thì mấy vạn chữ cũng không viết hết. Vì sao chúng tôi giảng Đệ Tử Quy thần thánh? Ở đây không có ý nói con người có cao thấp sang hèn như thế nào, mà là nói thế giới này vô cùng rộng lớn, vũ trụ lại càng mênh mông vô biên; trong tam tài Thiên-Địa-Nhân thì Nhân là vô cùng vĩ đại, vì vậy chúng tôi đều coi mọi người là con của “Thánh Hoàng”; học sinh của chúng ta khi lên lớp sẽ nói “mọi người chúng ta đều là những tiên nữ trải hoa”, thì lòng dạ mọi người cũng nhất định sẽ càng rộng lớn.

Dịch từ: http://big5.zhengjian.org/node/152888



Ngày đăng: 16-07-2022

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.