Nhận thức chung về thơ (2): Ngắt câu (Cú đậu)



Tác giả: Văn Tư Cách

[ChanhKien.org]

Thời xưa có một gia đình, một ngày nọ trời mưa, họ có một vị khách đến chơi. Người chủ nhà không muốn cho khách ở lại, liền viết một mảnh giấy đưa cho người khách: “Hạ vũ thiên lưu khách, thiên lưu ngã bất lưu.” (nghĩa là: Trời mưa giữ khách ở lại, nhưng trời giữ chứ tại hạ không giữ). Sau khi người khách đọc lời nhắn, liền yên tâm ở lại nhà của chủ nhà, không có mảy may ý nghĩ cần phải đi. Chủ nhà thấy rất kỳ lạ, liền không nhẫn được hỏi người khách: “Ông không thấy tin nhắn tôi đưa sao?” “Đọc rồi, đọc rồi mà”. “Vậy tại sao ông còn chưa đi?” “Đó không phải tấm lòng tốt của ông đó sao?” “ Ông,…?” người khách lại cầm mẩu tin lên, đọc sang sảng “Hạ vũ thiên, lưu khách thiên, lưu ngã bất? lưu!” (nghĩa là: Ngày trời mưa, ngày giữ khách, giữ tôi không? giữ lại!) sau đó nói, “Tôi còn chưa hỏi ông mà ông đã trả lời trước cho tôi rồi.”.

Thời Trung Quốc thời cổ đại không có ký hiệu dấu ngắt câu, cứ viết nối tiếp không có khoảng cách, vì vậy điều đầu tiên cần làm khi đọc một đoạn văn chính là “ngắt câu” (tức lài tìm xem từ đâu đến đâu là một câu). Nhà thơ Hàn Dũ trong tác phẩm “Sư thuyết” nói: “Thầy dạy học vỡ lòng cho trẻ nhỏ, là phải dạy đọc sách và cách ngắt câu”. Trong đó “cú đậu”(句讀: chữ “đậu” 讀 ở đây đọc cùng âm đậu 逗 có nghĩa là dừng ngắt) chính là “ngắt câu” và “ngừng ngắt trong câu” (bao gồm “dấu phẩy” và khoảng ngừng ngắn giữa câu mà không sử dụng ký hiệu gì). Ngắt câu mà đọc sai sẽ sinh ra hiểu lầm. Mỗi cách “đọc” khác nhau của câu “Hạ vũ thiên lưu khách, thiên lưu ngã bất lưu.” làm cho ý nghĩa cũng hoàn toàn tương phản. Một số tài liệu cổ đã bị người đời sau giải thích hoàn toàn khác đi, tạo thành không ít hỗn loạn, nguyên nhân chính là người đời sau có sự bất đồng về ngắt câu.

Cách tạo câu trong thơ ca đã được cố định (ở đây chúng ta chỉ xem xét các bài thơ 5 chữ, 7 chữ và các bài từ có lời từ cố định), do đó chúng ta chỉ nói về cách “đọc”. Từ ngữ của tiếng Hán rất đặc biệt, một âm là 1 từ, từ ghép có hai âm tiết cũng là do từ đơn âm tiết tổ hợp thành, vì vậy cách “đọc” thơ đều là do “đọc 1 từ” và “đọc 2 từ” tổ hợp mà thành: cho dù là thể thơ có số lượng chữ trong câu thơ cố định hay thể thơ có số chữ trong mỗi câu thơ không đều nhau thì đều có thể phân nhỏ về các loại hình thức tổ hợp “đọc 1 chữ” và “đọc 2 chữ”; hơn nữa nói chung thì trọng âm khi “đọc 2 chữ” rơi vào từ thứ nhất, như thế đã cố định “nhịp điệu” và “tiết tấu” của một bài thơ hoặc một bài từ.

Để thuận tiện, chúng tôi dùng chữ in đậm để biểu thị chữ khi đọc nhấn mạnh, chữ in thường biểu thị cho từ đọc nhẹ, sử dụng dấu gạch ngang “-” biểu thị khoảng dừng giữa các từ; khi mới học đọc thơ nên đọc lớn những chỗ nhấn mạnh và khoảng dừng thơ, như thế sẽ dễ dàng dần dần bồi dưỡng sự mẫn cảm đối với nhịp điệu và tiết tấu của thơ. Xin mời các bạn đọc tốc độ chậm bài thơ sau đây, cố gắng làm nổi bật sự khác nhau của đọc nhấn mạnh và đọc nhẹ, và cũng kéo dài thỏa đáng khoảng dừng giữa các từ.

登鸛雀樓(王之渙): 白日依山盡, 黃河入海流。 欲窮千裡目, 更上一層樓。

Đăng quán tước lầu

(Vương Chi Hoán)

Bạch nhật y sơn tận,

Hoàng Hà nhập hải lưu.

Dục cùng thiên ký mục,

cánh thượng nhất tầng lầu.

Tạm dịch nghĩa:

Bạch nhật dần khuất sau núi,

Sông Hoàng Hà chảy vào biển.

Mắt muốn nhìn xa ngàn dặm,

Hãy lên thêm một tầng lầu.

Cách đọc: Bạch nhật– y sơn — tận, Hoàng Hà — nhập hải — lưu. Dục cùng — thiên lý — mục, Cánh thượng — nhất tầng —lầu.

Cách đọc mỗi câu thơ trên là: 2-2-1, trong đó 2 biểu thị “đọc 2 chữ”, 1 biểu thị “đọc 1 chữ”. Nhưng 3 chữ cuối cùng trong bài thơ 5 chữ và 7 chữ không phải lúc nào cũng được sắp xếp 2-1, một số có thể có cách sắp xếp là 1-2, ví dụ:

相思 (王維):

紅豆生南國, 春來發幾枝? 願君多採擷, 此物最相思。

Tương tư

(Vương Duy)

Hồng đậu sinh nam quốc,

Xuân lai phát kỉ chi?

Nguyện quân đa thái hiệt,

Thử vật tối tương tư.

Tạm dịch nghĩa:

Đậu đỏ sinh ở nước nam,

Xuân đến nẩy mấy cành?

Chàng muốn thì hái thật nhiều,

Vật ấy rất tương tư.

Cách đọc Hồng đậu — sinhNam Quốc, Xuân lai — phátkỉ chi? Nguyện quân — đathái hiệt, Thử vật — tốitương tư.

Cách đọc 4 câu thơ này đều là 2-1-2.

Một số câu thơ căn cứ theo ý nghĩa của nó chỉ có 1 cách đọc, ví dụ “Hồng đậu sinh nam quốc”, nên đọc là 2-1-2, nếu như đọc theo 2-2-1 thì sẽ thành “Hồng đậu – sinh nam – quốc” thì không đúng, bởi vì “sinh nam” không phải là một từ 2 âm tiết có ý nghĩa. Nhưng có một số câu thơ thì cả 2 cách đọc đều có ý nghĩa, ví dụ như câu “Hoàng Hà nhập hải lưu”. Vì vậy nên đọc cách nào thì cần nhìn hoàn cảnh toàn bộ bài thơ mà quyết định. Cách đọc bài thơ 7 chữ chỉ là thêm một lần đọc 2 chữ vào trước câu 5 chữ là được. Nói chung, cách đọc câu thơ của thơ 5 chữ và 7 chữ không ngoài 4 cách sau đây, sự kết hợp của chúng sẽ cấu thành nhịp điệu và tiết tấu của tất cả các bài thơ 5 chữ và 7 chữ:

Cách đọc thơ 5 chữ: 2-2-1 hoặc 2-1-2 Cách đọc thơ 7 chữ: 2-2-2-1 hoặc 2-2-1-2

Trong quá trình sáng tác thơ, tác giả sẽ (hữu ý hoặc vô ý) sử dụng lặp lại nhiều lần các khái niệm và phương pháp đọc thơ. Nếu sử dụng tốt thì sẽ gia tăng tính cảm thụ âm nhạc cho thơ ca, khiến cho việc đọc được trôi chảy vang vang hơn, được lưu loát tâm bổng hơn. Để củng cố khái niệm và phương pháp đọc câu, chúng tôi đưa ra vài ví dụ dưới đây, nếu độc giả hứng thú có thể căn cứ ví dụ để làm thử các bài tập.

Ví dụ 1. Sử dụng phương pháp đổi cách ngắt câu để biến thể thơ tứ tuyệt thành bài thơ “câu dài ngắn” (thơ tạp ngôn có số chữ không đều nhau).

早發白帝城 李白

朝辭白帝彩雲間, 千裡江陵一日還。 兩岸猿聲啼不住, 輕舟已過萬重山。

Tảo phát Bạch Đế thành

(Lý Bạch)

Triêu từ Bạch Đế thái vân gian,

Thiên lý Giang Lăng nhất nhật hoàn.

Lưỡng ngạn viên thanh đề bất trú,

Khinh chu dĩ quá vạn trùng san.

Tạm dịch nghĩa:

Sáng rời thành Bạch Đế trong quảng cảnh bầu trời có mây ngũ sắc,

Vỏn vẹn chỉ trong một ngày đã vượt ngàn dặm thành về đến Giang Lăng,

Hai bờ vang lên tiếng vượn hót không ngưng,

thuyền nhẹ đã vượt qua vạn trùng núi non.

Sửa thành thể câu dài ngắn:

Triêu từ Bạch Đế,

Thái vân gian thiên lý,

Giang Lăng nhất nhật hoàn.

Lưỡng ngạn viên thanh,

Đề bất trú khinh chu,

Dĩ quá vạn trùng san.

Tạm dịch nghĩa:

Sáng rời thành Bạch Đế,

trong quảng cảnh bầu trời có mây ngũ sắc đi nghìn dặm,

Giang Lăng một ngày ta trở về.

Tiếng vượn hai bờ sông, hót không ngưng vời thuyền nhẹ,

đã vượt qua vạn trùng núi non.

Ghi chú: số từ trong câu sau khi chỉnh sửa là cân đối, nhưng nội hàm cơ bản của thơ gốc vẫn được bảo lưu.

Ví dụ 2. Sử dụng phương pháp tương tự để biến thể bài thơ tứ tuyệt sau.

清明 杜牧

清明時節雨紛紛, 路上行人慾斷魂。 借問酒家何處有, 牧童遙指杏花村。

Thanh minh

(Đỗ Mục)

Thanh minh thời tiết vũ phân phân,

Lộ thượng hành nhân dục đoạn hồn.

Tá vấn tửu gia hà xứ hữu,

Mục đồng diêu chỉ Hạnh Hoa thôn.

Tạm dịch nghĩa:

Thời tiết Thanh minh mưa lất phất,

Người đi trên đường cõi lòng tan nát.

Xin hỏi nơi nào có quán rượu,

Trẻ chăn trâu chỉ thôn Hoa Hạnh ở đằng xa.

Sửa thành thể câu dài ngắn:

Thanh minh thời tiết,

vũ phân phân lộ thượng,

hành nhân dục đoạn hồn.

Tá vấn tửu gia hà xứ hữu mục đồng

diêu chỉ Hạnh Hoa thôn.

Tạm dịch nghĩa:

Thời tiết Thanh Minh, Mưa lất phất trên đường,

Người đi tan nát cõi lòng.

Xin hỏi quán rượu, ở đâu có mục đồng,

chỉ thôn Hoa Hạnh ở đàng xa.

Ghi chú: số lượng chữ trong câu thơ sau khi sửa đổi là cân đối, nhưng nội hàm trong thơ gốc đã bị biến mất: thơ nguyên gốc nói mục đồng giúp người bộ hành tìm quán rượu, còn trong thể câu dài ngắn nói rằng quán rượu giúp người bộ hành tìm mục đồng.

Hai ví dụ sửa thơ trên đây đều ví dụ cho việc bảo lưu câu thơ, thứ tự câu của bài thơ nguyên gốc ban đầu. Nếu như được thay đổi thứ tự giữa câu với câu, từ với từ, thì kết quả sẽ phong phú đa dạng, mà công việc của nhà thơ là từ bức tranh phong phú muôn hình vạn trạng này mà chọn ra 1 bức yêu thích nhất để đưa ra cho độc giả.

Luyện tập: dựa theo phương pháp nêu ở hai ví dụ trên để sửa hai bài thơ Đường dưới đây, đáp án tham khảo sẽ được chúng tôi đăng trong phần cuối của bài viết tiếp theo. Chú ý, cải biến thì câu dài ngắn không nhất định là số chữ cân đối.

涼州詞 王之渙

黃河遠上白雲間, 一片孤城萬仞山。 羌笛何須怨楊柳, 春風不度玉門關。

Lương Châu từ

(Vương Chi Hoán)

Hoàng Hà viễn thượng bạch vân gian,

Nhất phiến cô thành vạn nhận san.

Khương địch hà tu oán “dương liễu”

Xuân phong bất độ “Ngọc Môn Quan”

Tạm dịch nghĩa:

Xa xa sông Hoàng Hà (như) trên vầng mây trắng,

Một thành lẻ loi giữa vạn dặm núi non.

Tiếng sáo của người Khương sao ai oán “dương liễu” (1),

Gió mùa xuân chẳng đến Ngọc Môn Quan.

(Chiết dương liễu là một khúc nhạc nổi tiếng từ thời Hán, khi tiễn biệt nhau thì 2 người bẻ cành liễu tặng nhau để kỷ niệm)

山行 杜牧

遠上寒山石徑斜, 白雲深處有人家。 停車坐愛楓林晚, 霜葉紅於二月花。

Sơn hành

(Đỗ Mục)

Viễn thượng hàn sơn thạch kính tà,

Bạch vân thâm xứ hữu nhân gia.

Đình xa tọa ái vân phong lâm vãn,

Sương diệp hồng vu nhị nguyệt hoa.

Tạm dịch nghĩa:

Xa xa núi lạnh đường đá cheo leo,

Nơi mây trắng thâm sâu có ngôi nhà.

Dừng xe ngồi ngắm rừng phong chiều tà,

Lá gặp sương rơi đỏ hơn cả hoa tháng hai.

Dịch từ: https://big5.zhengjian.org/node/19858



Ngày đăng: 13-07-2022

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.