Nói về “Đức”



Tác giả: An Nguy

[ChanhKien.org]

Hai chữ “Đạo” và “Đức” thường đi cùng với nhau. Hiện nay có nhiều người lý giải rất trừu tượng về “Đạo” và cũng rất mơ hồ khi lý giải về “Đức”.

Nói đến “đức”, người ta liền liên tưởng đến đạo đức, nghĩ đến “Đạo đức kinh”, nghĩ đến đức cao vọng trọng, nghĩ đến tích đức, tổn đức. Nhưng để nói cụ thể thì đại đa số mọi người rất khó giảng giải rõ ràng, vì có nhiều điều chỉ có thể ngầm hiểu, chứ không thể biểu đạt bằng lời.

Lý giải về đức của con người hiện nay đã khác rất nhiều so với hàm nghĩa ban đầu. Trong quá khứ, người mà có thể giảng về đạo đức trước mặt mọi người, thì người ta sẽ khởi tâm kính ngưỡng đối với người ấy, sẽ muốn học tập theo luân lý đạo đức cao thâm của người ấy. Hiện nay nếu bạn nói với một số thanh niên về đạo đức, họ sẽ hỏi lại rằng: Đạo đức bao tiền một cân? Như thể đạo đức cũng có thể dùng giá trị kinh tế để đo lường, dường như chỉ có thứ gì tính được bằng tiền thì mới là điều mà con người mong muốn truy cầu nhất. Trong quá khứ giảng tích đức hành thiện, mọi người sẽ học cách làm sao để tích công đức, hành thiện quả.

Đức tuy vô hình, con người không thể nhìn thấy sự tồn tại của đức, nhưng con người sẽ thể hội được sự tốt đẹp của nó. Khi một người tích công đức, hành thiện quả, người ấy sẽ sinh ra tâm từ bi, bản tính lương thiện cũng khởi lên, như thế tinh thần của người đó sẽ phấn chấn, tấm lòng rộng mở. Khi một người làm những việc tổn đức, họ sẽ cảm thấy buồn chán, thống khổ, bi thương. Vì vậy mà tinh thần cũng ủ rũ, lòng dạ trở nên hẹp hòi nhỏ bé.

Kỳ thực, mối liên hệ giữa đức và thân thể người khăng khít với nhau như hình với bóng. Lấy một ví dụ: Đức của con người giống như một loại tiền vạn năng, đức tích được càng nhiều, bạn có thể dùng nó để đổi lấy càng nhiều thứ. Bạn muốn làm quan thì có thể làm quan, bạn muốn phát tài thì sẽ phát tài, bạn muốn sự nghiệp thì sự nghiệp sẽ thành công, bạn muốn con cháu đầy đàn thì tâm tưởng ý thành, bạn muốn sống thọ thì sẽ thọ tỷ Nam Sơn. Nếu như bạn có đức lớn thì thế hệ con cháu, gia tộc của bạn đều nhờ đức của bạn mà hưng thịnh. Bạn muốn điều gì, chỉ cần bạn có đủ đức, bạn có thể đổi được hết thảy hạnh phúc mà con người mong muốn có được.

Ngược lại, nếu bạn có ít đức, thì hết thảy sự khôn ngoan và nỗ lực của bạn đều trở thành vô ích, làm cho bạn hao tinh tổn lực, khổ tâm phiền não, mà cũng không thể có được những điều mà bạn muốn có. Một số nhân sĩ thành công, đã đem những kinh nghiệm thành công của họ viết lại thành sách, làm kinh nghiệm để quảng bá. Nhưng nếu bạn làm theo những kinh nghiệm của họ, bạn sẽ vĩnh viễn làm không được. Kinh nghiệm của những người thành công thì người thất bại cũng từng dùng cả, hơn nữa người thất bại còn chiếm đa số, chỉ có điều vì thất bại rồi nên nhiều người không nói về bài học thất bại của họ, cũng không có ai quan sát kết cục của những người thất bại. Những ai đã ngoài tứ tuần sẽ phát hiện rằng: có rất nhiều những người đồng niên, bạn học, đồng nghiệp, chiến hữu trong những năm thanh niên, họ không nhất định là người thông minh hay có học thức hơn bạn, nhưng bước ra ngoài xã hội, không cần phải nỗ lực nhiều, con đường họ đi dường như có một số việc ngẫu nhiên, nhưng chỉ cần họ thực hiện thì tâm nghĩ sự thành, trở thành người có sự nghiệp thành công. Đây cũng là bởi đức nhiều mà đạt được.

Đức có thể biến hóa. Bạn thông qua cái gọi là nỗ lực để kiếm tiền, làm quan, hưởng thụ cuộc sống mỹ mãn hay hạnh phúc nơi nhân gian thì đức của bạn sẽ giảm bớt. Nếu như bạn chịu khổ, chịu tội, chịu bị đả kích, đức của bạn sẽ được tăng thêm.

Đức có thể chuyển hóa. Khi bạn có được những thứ mà người khác nên có, bạn sẽ phải dùng đức để bồi thường, bạn nhẫn chịu cơn tức giận của người khác, bị người khác chiếm hữu những thứ thuộc về danh lợi của bạn, người khác cũng sẽ phải dùng đức để trao đổi cho bạn.

Đức có thể mang theo. Con người không chỉ sống có một đời. Tất cả những thứ như danh lợi, tài sản trong đời của bạn, khi bạn rời khỏi nhân gian, bạn không thể mang chúng theo được, khi sinh không mang theo đến, khi tử không mang theo đi. Nhưng có hai thứ là có thể mang theo, một là đức, hai là nghiệp. Cho dù bạn chuyển sinh làm người, làm động vật hay thực vật, chúng sẽ luôn theo bạn qua đời này kiếp khác.

Đối với người không tu hành mà nói, đức có thể hoán đổi thành hết thảy những điều hạnh phúc mà con người truy cầu. Người mà đời trước chịu khổ nhiều, thì đổi lại đời này sẽ gặp nhiều niềm vui và may mắn.

Đối với người tu hành mà nói, vị sư phụ có năng lực có thể giúp đệ tử của họ chuyển hóa đức thành công, đức càng lớn, công càng cao. Đức càng nhiều, tầng thứ tu được sẽ càng cao, cuối cùng đạt tới công thành viên mãn.

Dịch từ: http://big5.zhengjian.org/node/64090



Ngày đăng: 18-04-2022

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.