Nguồn gốc của ngày Tết



Tác giả: Tường Long

[ChanhKien.org]

Tết là ngày hội truyền thống long trọng nhất và đặc sắc nhất trong dân gian Trung Quốc và Á Đông. Tương truyền ngày Tết bắt nguồn từ lịch Vạn Niên (trong tiếng Trung, ngày Tết gọi là “quá niên” – qua năm mới).

Kỳ thực, từ thời kỳ viễn cổ ở Trung Quốc đã có khái niệm về “năm”. Cách viết chữ niên (年: năm) trong chữ giáp cốt ở phần trên có bộ hoà (禾: lúa, thóc), phần dưới có bộ nhân (人: con người). Lối viết chữ niên (年) theo thể kim văn cũng tương đồng với thể giáp cốt. Hiện tại người ta đã khám phá ra được chữ hòa (禾) trong thể giáp cốt nhìn giống hình ảnh trĩu nặng đè oặt xuống, có thể thấy rằng, nó tượng trưng cho một mùa sản xuất ngũ cốc bội thu.

Chữ niên (年) trong thể giáp cốt

Vậy chữ nhân (人) ở dưới chữ niên (年) thì giải thích thế nào? Xem xét thể chữ giáp cốt, chữ niên (年) giống như một người đang đội một bông kê nặng trĩu trên đầu.

Tương truyền vào thời viễn cổ, con người tuy rằng đã biết một năm có bốn mùa, nhưng việc phân ra các tiết khí không chuẩn xác. Khi đó, một người tên là Vạn Niên muốn tính toán và điều chỉnh lại tiết khí, nên ông đã nghĩ đủ mọi phương pháp để tính toán thời gian. Một ngày nọ, ông lên núi đốn củi, trong lúc ngồi dưới bóng cây nghỉ ngơi, ông quan sát thấy sự dịch chuyển của bóng cây dưới ánh nắng, nhờ đó ông đã dựa vào bóng ảnh mặt trời và thiết kế ra chiếc đồng hồ mặt trời có thể tính toán chính xác giờ trong ngày. Về sau, nhờ sự gợi mở từ những giọt nước chảy tí tách trên vách núi, ông đã bắt tay vào làm ra một chiếc đồng hồ nước năm tầng để tính toán thời gian. Sau nhiều lần tính toán lặp đi lặp lại như vậy, Vạn Niên phát hiện rằng cách nhau hơn 360 ngày sẽ bắt đầu một vòng lặp lại của bốn mùa, độ dài ngắn trong một ngày sẽ lặp lại một lần. Vua Tổ Ất khi đó biết được việc này thì rất vui mừng, ông đã cho tu sửa lầu Nhật Nguyệt ở trước đàn tế trời đồng thời xây dựng đài Nhật Quỹ (đồng hồ mặt trời) và đình Lậu Hồ (đồng hồ nước), hy vọng Vạn Niên có thể đo được chuẩn xác quy luật của mặt trăng và mặt trời cũng như thời gian của ngày và đêm.

Mười mấy năm trôi qua, một lần trong lúc Tổ Ất bước lên đàn Nhật Nguyệt, ông nhìn thấy bức bích họa trên vách có khắc một bài thơ:

Nhật xuất nhật lạc tam bách lục,

Chu nhi phục thuỷ tòng đầu lai;

Thảo mộc khô vinh phân tứ thời,

Nhất tuế nguyệt hữu thập nhị viên.

Dịch nghĩa:

Mặt trời mọc rồi lặn 360 lần,

Cứ như vậy mà lặp lại tuần hoàn;

Cỏ cây héo khô rồi xanh tốt phân làm bốn mùa,

Một năm thì có 12 lần trăng tròn.

Biết được Vạn Niên đã thành công sáng lập nên hệ thống lịch Pháp, vua Tổ Ất đích thân lên lầu Nhật Nguyệt để thăm hỏi Vạn Niên. Lúc này, Vạn Niên đã râu tóc bạc phơ chỉ lên bầu trời và nói với vua Tổ Ất rằng: “Hiện tại chính là lúc trăng đã tròn 12 lần, năm cũ đã qua, năm mới lại đến. Thỉnh cầu quốc vương định ra một lễ tiết”. Vua Tổ Ất nói: “Vậy hãy gọi thời khắc đầu năm mới này là quá niên (qua năm) đi”. Như vậy ngày Tết đã được định ra. Để kỷ niệm công tích của Vạn Niên, vua Tổ Ất đã đổi tên lịch Thái Dương (lịch mặt trời) thành “lịch Vạn Niên”, đồng thời phong cho Vạn Niên là “Nhật Nguyệt thọ tinh”. Nghe nói, hiện nay hình ảnh ông Thọ mà mọi người treo trong nhà vào mỗi dịp Tết đến chính là hình của ông Vạn Niên đức cao vọng trọng.

Theo ý nghĩa truyền thống thì ngày Tết bắt đầu từ lễ tế Chạp ngày mùng 8 tháng Chạp hoặc là lễ cúng ông Táo ngày 23, 24 tháng Chạp, kết thúc vào ngày Tết Nguyên tiêu 15 tháng Giêng. Ở một số địa phương người ta coi cả tháng Giêng là tết. Mỗi năm từ ngày 23 đến ngày 30 tháng Chạp của âm lịch, theo dân gian gọi đó là thời gian “tảo trần nhật” (ngày quét bụi), cho nên mới có câu nói dân gian: ngày 24 tháng Chạp quét sạch bụi trong phòng. Bởi vì chữ trần (塵: bụi, vết nhơ) đồng âm với chữ trần (陳: bài trí, sắp đặt), cho nên tục tảo trần trong năm mới có hàm nghĩa là “trừ trần bố tân” (bỏ đi cái cũ, bày xếp cái mới), ý nghĩa của nó là đem quét sạch những “vận nghèo” và “vận rủi” ra ngoài. Theo ghi chép trong cuốn Lã Thị Xuân Thu, vào thời đại vua Nghiêu vua Thuấn ở Trung Quốc đã xuất hiện phong tục tảo trần đón năm mới.

Thời điểm quan trọng của năm mới là đêm giao thừa và ngày mùng một tháng Giêng, bởi vì đây là ngày đầu tiên của năm mới, ngày đầu xuân, ngày đầu tháng Giêng, cho nên nó được gọi là ngày “tam nguyên”. Ngoài ra, bởi vì ngày này còn có buổi sáng của đầu năm, đầu tháng, đầu ngày, nên được gọi là “tam triều”. Cũng bởi vì nó là sóc nhật (ngày mùng một) đầu tiên, nên còn gọi nó là “nguyên sóc” (người Trung Quốc gọi mùng một hàng tháng là sóc).

Vào ngày mùng một tháng Giêng, mọi người thường chúc tụng năm mới. Tuy nhiên từ ngày mùng một đến mùng năm thì đa số các gia đình đều không tiếp đãi phụ nữ, gọi là “kỵ môn”, chỉ cho đàn ông ra ngoài chúc Tết. Phụ nữ cần phải đợi sau ngày mùng sáu mới có thể ra ngoài thăm hỏi mọi người. Phong tục chúc Tết đã có từ triều đại nhà Hán, sau triều đại nhà Đường và nhà Tống thì đã trở nên hết sức thịnh hành, có một số nơi người ta không cần phải đích thân đi chúc mà có thể gửi thiệp chúc Tết. Vào thời Đông Hán gọi là “thứ” (danh thiếp), tên cổ gọi là “danh thứ”. Sau triều Minh, người ta thường dán một túi giấy đỏ lên trước cửa, chuyên để nhận danh thiếp, gọi là “môn bạc”.

Kể từ đó, còn có rất nhiều cách nói khác như mùng hai thờ cúng Thần Tài, mùng năm khai trương cửa hàng. Đến hết Tết Nguyên tiêu vào ngày 15 tháng Giêng là xem như đã hết Tết.

Kỳ thực, dịp lễ Tết là một dịp trọng đại để mọi người đón chào cái mới, tiễn đưa cái cũ. Vào ngày này, người ta ngoài việc rũ bỏ những căng thẳng và mệt nhọc trong năm qua, thì việc quan trọng nhất là thờ cúng Thần linh và ông bà tổ tiên, đón một năm mới tốt lành cho bản thân và gia đình.

Dịch từ: http://big5.zhengjian.org/node/79715



Ngày đăng: 02-02-2022

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.