Các thể ngộ tu luyện trong ngành Kinh doanh và Tiếp thị truyền thông



Tác giả: Một đệ tử Đại Pháp

[ChanhKien.org]

Sau khi đọc thông cáo “Vấn đề tu luyện thông qua tu luyện giải quyết – Vấn đề công ty thông qua công ty giải quyết” trên trang web của Minh Huệ, tôi có đôi lời muốn chia sẻ với mọi người.

Có một đoạn trong thông cáo đó như sau: “Trong những hạng mục và công ty hữu hình này, vừa có tiền và vật, lại vừa có chức vị và sự phân công công tác, đã trở thành lửa thử vàng cho rất nhiều người. Có người phó xuất một cách vô tư, cũng có người cầu danh cầu lợi; có người nhất tâm cứu người, cũng có người bàng quan mà làm người bình luận và phán xét; có người kiên trì khắc phục khó khăn, tiến về phía trước, cũng có người thuận theo thời thế chỉ mong cầu thoả mãn bản thân”.

Tôi từng có thâm niên làm việc trong lĩnh vực kinh doanh và tiếp thị truyền thông. Hồi đó, tôi bắt đầu công việc vì nó cho phép tôi toàn tâm toàn ý tham gia vào một dự án của Đại Pháp mà không cần lo lắng nhiều về việc quản lý thời gian.

Sau một thời gian làm việc trong ngành, tôi nhận ra công việc kinh doanh vất vả hơn các công việc khác, vì hiệu suất của nhân viên kinh doanh sẽ được đánh giá bằng tổng doanh số bán hàng trong khi các công việc truyền thông khác thường không có những đánh giá như vậy. Hơn nữa, nếu bạn không thể tạo ra đủ doanh số, bạn sẽ được yêu cầu rời khỏi vị trí. Nhiều học viên đến làm việc một thời gian rồi rời đi. Không có nhiều người có thể trụ lại vị trí này trong một thời gian dài.

Nhưng tôi đã cố gắng để có thể trụ lại mảng kinh doanh và tiếp thị và đạt hiệu suất khá tốt. Do đó, tôi đã trở nên tự mãn. Có vẻ như với tôi dự án giảng chân tướng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết, nguyên nhân là do tôi chấp trước vào việc chứng thực bản thân. Tôi cảm thấy công việc kinh doanh của mình có thể mang lại cho tôi cảm giác thành tựu. Tôi không phải là nhân viên kinh doanh duy nhất cảm thấy như vậy. Các đồng nghiệp của tôi nói với tôi rằng họ cũng có cảm giác tương tự.

Khi mà công việc kinh doanh của tôi ngày càng thuận lợi hơn, tôi bắt đầu khinh thường những nhân viên kinh doanh không có thành tích tốt bằng mình. Tôi bắt đầu đánh giá các học viên trong phòng kinh doanh bằng hiệu suất bán hàng của họ. Tôi đã quá chấp trước vào danh vọng và lợi nhuận, bởi vì làm tốt sẽ có lợi, đồng thời sẽ được người khác khen ngợi. Hồi đó, tôi thích giao lưu với các học viên có cùng quan niệm với tôi và không muốn nói chuyện với các học viên không đồng tình với tôi, đó chẳng phải là chấp trước vào tình sao?

Tôi thấy mình tương đối may mắn khi có được thành tích tốt như vậy. Trong rất nhiều dự án giảng chân tướng, tôi cảm thấy mình đã tìm thấy dự án có giá trị nhất. Công việc bán hàng của tôi tương đối suôn sẻ nhờ một lượng khách hàng ổn định được tích lũy sau nhiều năm làm việc trong lĩnh vực này, vậy nên tôi cũng khá hài lòng. Tôi cứ mãi ở trong vùng an toàn của mình và hình thành nên một số quan điểm, sở thích và chấp trước nhất định. Đặc biệt hơn, tôi chỉ làm những gì mà tôi muốn hay kết giao với những người mà tôi thích. Tôi cũng đã phán xét người khác.

Trong những năm gần đây, thành phố của tôi, giống như hầu hết các khu vực khác trên thế giới, đã phải đối mặt với tình trạng suy thoái. Tôi đã không thể đạt hiệu suất làm việc tốt như trước đây. Tất nhiên, có nhiều nguyên nhân khách quan, chẳng hạn như sự suy thoái của truyền thông báo giấy, sự thay đổi trong quan hệ truyền thông khách hàng hay sự phổ biến của các phương tiện truyền thông độc lập. Tôi như thể đang đối mặt với một thị trường hoàn toàn mới khi mà cơ sở khách hàng thân thiết đã trở thành những người hoàn toàn khác lạ. Khó khăn thế này cũng là điều tôi chưa bao giờ ngờ tới. Khó khăn trước đây là khó khăn xoay quanh khách hàng cụ thể, chỉ cần tôi tìm ra phương pháp phù hợp thì hầu như khó khăn nào tôi cũng có thể vượt qua. Nhưng lần này là khó khăn của cả một thị trường đang trên đà suy thoái. Tất cả các phương pháp tôi từng vận dụng trong quá khứ đều không thành công. Khó khăn ngày càng gia tăng khiến tôi cảm thấy thiếu tự tin vào bản thân. Tôi không còn động lực để có thể nỗ lực bắt đầu lại từ con số không tròn trĩnh.

Tôi cảm thấy thật bối rối khi đọc đoạn “Có người kiên trì khắc phục khó khăn, tiến về phía trước, cũng có người thuận theo thời thế chỉ mong cầu thỏa mãn bản thân” trong thông cáo của Minh Huệ. Đúng vậy, tôi đã trở nên thỏa mãn và chấp trước vào danh lợi với nguồn khách hàng ổn định trong quá khứ. Khi thời thế thay đổi và phải đối diện với nhiều thử thách, tôi đã không muốn kiên trì vượt qua khó khăn.

Dù đã làm việc trong lĩnh vực kinh doanh và tiếp thị trong nhiều năm, tôi cũng cảm thấy mình đã vượt qua vô số khó khăn và áp lực. Tuy nhiên, sau khi tìm được nguồn khách hàng ổn định, tôi vẫn ở trong vùng an toàn của mình và không muốn thử sức với bất kỳ điều gì mới hay vượt qua những trở ngại mới. Đầu tiên tôi trở nên tiêu cực khi đối mặt với thị trường đang suy thoái. Tôi phàn nàn và bào chữa cho mình. Tôi đổ lỗi cho thị trường suy thoái, Internet và ban lãnh đạo. Tôi nghĩ rằng ban lãnh đạo đã làm một công việc kém hiệu quả, chẳng hạn như họ không đủ sáng tạo và họ đã kỳ vọng quá cao vào sản phẩm của chúng tôi. Tuy nhiên, tất cả điều này là do tôi chấp trước vào tâm an dật. Tôi không muốn có bất kỳ khổ nạn nào.

Sư phụ đã giảng trong Càng về cuối càng tinh tấnTinh tấn yếu chỉ III:

“Bởi vì xã hội nhân loại là một thế giới mà khổ nạn và hưởng thụ lợi ích cùng có, [nên] cuộc đời con người ta có rất nhiều khổ nạn, bất kể chư vị có nhiều tiền đến mấy, [thuộc về] giai tầng xã hội nào đi nữa. Vì thống khổ làm con người khó chịu, từ đó con người, dù tự nhận ra hay không tự nhận ra, đều sẽ đối kháng với khổ nạn; mục đích là mong muốn được sống hạnh phúc hơn một chút; vậy nên khi truy cầu hạnh phúc, con người sẽ hình thành [ý tưởng] làm sao cho bản thân không phải chịu thiệt thòi, sống tốt ra sao, thế nào mới có thể vươn lên hàng đầu ‘công thành danh toại’ trong xã hội này, làm sao để hưởng thụ được nhiều, làm sao để trở thành kẻ mạnh hơn, v.v. Vì thế, cùng với lúc có được một số kinh nghiệm, thì cũng hình thành những quan niệm nhân sinh; kinh nghiệm qua thực tế lại còn khiến quan niệm trở nên ngoan cố hơn.”

Bên cạnh việc hướng nội để đề cao tâm tính, tôi cũng muốn chia sẻ một số hiện tượng mà tôi đã thấy trên một số hạng mục truyền thông. Rất nhiều hiện tượng được hình thành do các chấp trước mà Sư phụ đã giảng cho chúng ta trong nhiều bài giảng khác nhau: Nhiều học viên có tư tưởng của người thường. Họ trở nên tự mãn khi đạt được một số thành tích và cảm thấy ghen tị nếu mình làm không tốt bằng người khác. Một số đang chứng thực bản thân thay vì chứng thực Pháp. Các học viên thậm chí còn tranh giành tài nguyên với nhau. Một số người thì hợp tác không tốt. Một số người thì phàn nàn về ban lãnh đạo và không muốn lắng nghe ban lãnh đạo. Mặt khác, ban lãnh đạo không cảm thấy cần có trách nhiệm với nhân viên của mình và thích giao công việc cho nhân viên mới vì họ dễ bảo hơn. Các biểu hiện khác nhau của văn hóa đảng cũng tồn tại trong các phương tiện truyền thông. Ví dụ, một số người muốn đạt kết quả nhanh chóng. Một số người quá coi trọng về danh tiếng của mình. Một số người thổi phồng sự thật. Một số người bỏ cuộc rất nhanh trong khi một số khác không tin tưởng lẫn nhau và phàn nàn về nhau, còn có người thì chấp trước vào các dự án giảng chân tướng. Một số người chấp trước vào danh vọng, tư lợi và quyền lực, có người còn thành lập các nhóm khác nhau. Và một số người có mối quan hệ bất chính với bạn khác giới của họ. Cá nhân tôi hiểu nguyên nhân dẫn đến nhiều vấn đề tồn tại như vậy là do một số học viên làm việc trong ngành truyền thông với mục đích thỏa mãn cái tôi hơn là phó xuất.

Làm việc trong lĩnh vực truyền thông có thể khiến phơi bày nhiều chấp trước. Chỉ bằng cách tu luyện chân chính, chúng ta mới có thể làm tốt trong lĩnh vực truyền thông.

Tôi xin được kết thúc bằng lời dạy của Sư phụ trong kinh văn Một đòn nặngTinh Tấn Yếu Chỉ:

“Đại Pháp không có danh, không có lợi, không có quan chức, chỉ là tu luyện.”

Trên đây là những thể ngộ trong tầng thứ sở tại của cá nhân, nếu có điều gì không phù hợp với Pháp xin đồng tu từ bi chỉ rõ.

Dịch từ:

http://www.pureinsight.org/node/7476

http://www.zhengjian.org/node/253455



Ngày đăng: 05-02-2022

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.