Trải nghiệm của một đệ tử Đại Pháp trẻ tuổi về việc đắc Pháp và giảng chân tướng



Tác giả: Một đệ tử Đại Pháp tại Florida, Mỹ

[ChanhKien.org]

1. Đắc Pháp khi còn nhỏ

Vào đầu năm 1999, khi còn đang học tiểu học, tôi và gia đình của tôi đã có cơ duyên đắc Pháp. Khoảng năm 2001, tôi mới thực sự chân chính tu luyện, đó là khi tôi bắt đầu chiểu theo các nguyên lý của Pháp để chỉ đạo tu luyện.

Khi cuộc bức hại xảy ra, cha tôi ủng hộ mẹ tôi tu luyện nhưng lại không ủng hộ tôi. Bởi vậy, tôi phải cố gắng tạo ra môi trường tu luyện cho bản thân. Phòng ngủ của tôi hướng ra ban công thông với phòng khách. Vào giờ nghỉ trưa của mẹ tôi, mẹ sẽ bật nhạc luyện công trong phòng khách và mở cửa ban công để tôi có thể nghe được nhạc từ phòng ngủ của mình. Nhờ vậy, chúng tôi có thể luyện công nhóm mỗi ngày.

Vào buổi tối, tôi đọc một nửa bài giảng trong Chuyển Pháp Luân trước khi đi ngủ. Thỉnh thoảng cha sẽ kiểm tra tôi, cứ mỗi khi nghe thấy tiếng bước chân, tôi sẽ lập tức tắt đèn và trùm chăn lên người. Thời gian học Pháp của tôi không nhiều nhưng chất lượng lại rất tốt.

Trong những năm học cấp hai, tôi ngồi chung bàn với một bạn học thường có cư xử không đúng mực. Mỗi ngày vào cuối giờ học, cậu ta luôn làm rơi hộp bút của tôi xuống đất; tôi không thể làm gì để có thể ngăn cậu ấy. Có lần tôi hỏi cậu: “Tại sao bạn lại làm rơi hộp bút của mình?” Cậu ta không nói gì, chỉ cười toe toét và tiếp tục làm rơi hộp bút của tôi. Tôi đã giận tới mức không nói nên lời. Tôi tự nhủ, là một người tu luyện, mình nên nhẫn. Tôi nhặt hộp bút lên mỗi lần cậu ta làm rơi. Tôi phải gọt bút chì mỗi đêm bởi phần lõi chì thường vỡ ra từng mảnh. Việc này tiếp diễn trong một học kỳ thì cậu ta dừng lại.

2. Giảng chân tướng và vượt qua nỗi sợ hãi

Tôi hiểu rằng là một người tu luyện, giảng chân tướng là điều cần phải làm. Tuy nhiên, trong một thời gian dài, tôi không thể vượt qua nỗi sợ hãi. Vào đầu năm 2002, khi tôi đọc bài “Giảng Pháp trong chuyến đi quanh Bắc Mỹ [2002]” của Sư phụ và đã rơi lệ. Sau đó, trái tim tôi trở nên tĩnh lặng và từ bi. Tôi quyết định phải loại bỏ nỗi sợ hãi.

Sợ hãi là một chấp trước, nhưng nó chỉ là sự phản chiếu của các chấp trước khác. Điều chúng ta thực sự sợ chính là sợ mất danh tiếng, tiền bạc, sợ bị tổn thương, hoặc thậm chí sợ mất đi sinh mệnh.

Vượt qua nỗi sợ thật đơn giản. Mỗi lần trước khi giảng chân tướng tôi sẽ tự hỏi bản thân một câu hỏi: “Nếu mình không thể đến trường và mất đi mọi thứ trong cuộc đời, mất đi tương lai sáng lạn, và vào trại giam trẻ vị thành niên hoặc thậm chí là nhà ngục, thì mình có tiếp tục đi cứu người không?” Khi nỗi sợ trào dâng, tôi sẽ phát chính niệm để loại bỏ nó cho tới khi tôi có thể nói “có” mà không chút do dự. Lúc đó, tôi biết mình đã sẵn sàng làm việc thứ ba.

Câu hỏi này dường như rất đơn giản, nhưng tôi đã dành vài tuần tự hỏi bản thân trước khi bắt đầu giảng chân tướng. Tôi kiên trì với việc học Pháp và phát chính niệm.

Vậy ai là người đầu tiên tôi giảng chân tướng? Chính là người bạn ngồi chung bàn đã từng làm rơi hộp bút ngày nào. Sau câu chuyện làm rơi hộp bút, chúng tôi đã thực sự trở thành bạn tốt của nhau, cùng chơi bóng đá mỗi ngày.

Một hôm sau trận bóng, chúng tôi cùng nhau đạp xe về nhà. Tôi không giảng chân tướng trực tiếp cho cậu ấy, nhưng tôi đưa cho cậu ấy một số tài liệu giảng chân tướng khi chúng tôi chia tay. Sau đó, nỗi sợ hãi và áp lực bủa vây tôi. Tôi cảm thấy như đang cố giữ thăng bằng giữa một cơn giông bão mịt mù. Tôi sẽ ngã gục nếu tôi mất cảnh giác. Tất cả những gì tôi có thể làm là học Pháp và phát chính niệm.

Ngày hôm sau chúng tôi gặp nhau, thật ngạc nhiên khi cậu ấy đã tiếp nhận nhiều hơn tôi mong đợi. Suy ngẫm lại, những sợi dây liên kết giữa con người thật thú vị. Có thể cậu ấy đã làm rơi hộp bút của tôi để tạo một mối nhân duyên. Cậu ấy đã thoái Đoàn ở trường trung học và thoái Đảng ở trường đại học. Tôi không cần phải nói nhiều để giảng chân tướng cho cậu ấy. Thậm chí cậu ấy còn giúp tôi khi tôi thuyết phục một người bạn chung thoái Đảng và các tổ chức liên đới của nó. Kể từ đó, tôi bắt đầu giảng chân tướng trực diện cho bạn bè, các bạn cùng lớp và thầy cô giáo.

Ở đại lục có chương trình giảng dạy chính trị vu khống Đại Pháp. Những điều đó đôi khi là được giảng dạy trên lớp hoặc được đưa vào các bài thi. Tôi tự nhủ: “Mình nên làm gì? Mình không thể để sự vu khống tiếp diễn”. Khi vấn đề này diễn ra trong lớp học, tôi quyết định đối mặt trực tiếp với nó. Tôi phát chính niệm để loại bỏ nỗi sợ hãi. Sau khi cố gắng lấy lại chính niệm, nỗi sợ của tôi đã tan biến.

Tôi đứng dậy chia sẻ với thầy giáo và cả lớp. Tôi mở đầu với cuộc Đại Cách mạng Văn hóa, vụ thảm sát Thiên An Môn, và tiếp tục với cuộc đàn áp Pháp Luân Công. Lúc đó, tôi lo lắng tới mức bàn tay ướt đẫm mồ hôi. Ngạc nhiên thay, thầy giáo nhìn tôi với một nụ cười và không ngắt lời của tôi. Tôi đã chia sẻ đến cuối buổi học. Kể từ đó, thầy không giảng những nội dung phản đối Đại Pháp trong lớp học của tôi nữa. Các bài kiểm tra cũng không chứa bất kỳ nội dung không tốt nào về Đại Pháp nữa.

Bên cạnh niềm vui giảng chân tướng cứu chúng sinh, là niềm hạnh phúc ngập tràn khi tôi tình cờ gặp bạn đồng tu. Một lần, tôi đưa tài liệu giảng chân tướng cho một người bạn chơi bóng đá. Cậu ấy kéo tôi sang một bên và hỏi: “Bạn tập môn này à?” Tôi nói: “Mẹ mình tập.” Cậu mỉm cười: “Cha mình cũng tập”. Thấy rằng đã gặp một đồng tu tôi nói: “Thật ra, mình cũng tập”. Cậu ấy mỉm cười: “Mình cũng thế”. Thật đáng tiếc là tôi đã quá quen với việc tu luyện một mình lúc đó. Tôi không biết cách chia sẻ với các đồng tu khác và không phối hợp để tạo ra một môi trường tu luyện tốt hơn cho chúng tôi.

Tôi thường nghĩ: mặc dù tôi có cơ hội giảng chân tướng với mọi người xung quanh, nhưng còn hàng ngàn học sinh và giáo viên tại trường tôi thì sao đây? Làm thế nào để tôi có thể giúp nhiều người được đắc cứu hơn? Tôi sẽ không thể giảng chân tướng cho từng người. Ở trường tôi, đa số học sinh đạp xe tới trường và để trong một nhà xe lớn. Khi tôi đang bỏ tài liệu giảng chân tướng vào giỏ xe đạp thì một nhân viên bảo vệ của nhà trường bắt gặp. Anh ta nói: “Cuối cùng thì tôi cũng bắt được cậu. Có phải cậu là người đã bỏ tài liệu vào giỏ xe của mọi người?” Tôi không nói gì cả. Anh ta đưa tôi tới văn phòng hiệu trưởng.

Đầu óc tôi trống rỗng. Nỗi sợ và áp lực vây quanh. Trên đường tới văn phòng hiệu trưởng, tôi tiếp tục phát chính niệm, loại bỏ mọi chấp trước người thường. Nhà trường đã biết tôi tu luyện Pháp Luân Công được vài năm bởi vì giáo viên tiếng Anh của tôi đã báo cáo về tôi khi cô nhận công việc mới. Cô đã giao tài liệu giảng chân tướng của tôi cho nhà trường. Nhà trường cũng biết về việc giảng chân tướng của tôi trong lớp học chính trị. Họ đã bảo vệ tôi và hy vọng rằng tôi sẽ tiếp tục tu luyện Đại Pháp tại nhà. Tôi rất cảm khích vì lòng tốt của họ.

Lên cấp ba tôi đi học xa nhà và sống với những học sinh khác. Ở Trung Quốc, các trường trung học quản lý học sinh rất nghiêm ngặt. Giờ đi ngủ là 10:30 tối và có rất ít thời gian rảnh rỗi. Thật khó để sắp xếp thời gian luyện công. Hơn nữa, địa điểm cũng là một vấn đề. Tôi phải luyện công trong khu vực nhà tắm, nơi ít người qua lại nhất trong trường. Một phòng tắm ở Trung Quốc không đủ rộng để luyện được bài 1 và 5. Để học Pháp, tôi phải tìm một góc để đọc các phiên bản điện tử của sách Đại Pháp trên một thiết bị. Không có môi trường tu luyện, trạng thái tu luyện của tôi bị trượt dài. Việc giảng chân tướng của tôi cũng ngày càng ít hơn.

Tôi đã ở trong trạng thái tu luyện như vậy cho tới khi có cơ hội đi du học. Nhờ có việc học Pháp và luyện công nhóm, tôi còn có cơ hội tham gia quảng bá Thần Vận, từng bước một tôi lấy lại chính niệm; điều này tựa như việc tôi tu luyện lại từ đầu.

David Matas là một trong những người điều tra chính về việc thu hoạch nội tạng, ông đã bay từ Canada tới thành phố nhỏ của chúng tôi tại Florida để nói chuyện về chủ đề này. Khi nhìn thấy ông, tôi nghĩ: “Ngay cả một người thường cũng đang nỗ lực để giúp chúng ta. Ông đã làm được nhiều hơn tôi, một người tu luyện”. Tôi rất cảm động, nhưng cũng cảm thấy có lỗi. Sẽ không có lý do gì để tôi có thể chểnh mảng trong việc tu luyện và nỗ lực chứng thực Pháp.

3. Giảng chân tướng cho chính phủ

Khi tôi tới Florida, tôi đã tham gia hạng mục giảng chân tướng cho chính phủ. Tôi không tự tin lắm khi nói tiếng Anh. Tôi đã không biết cách để tương tác một cách thích hợp với các chính trị gia có đầy kinh nghiệm. Lòng tự trọng thấp khiến tôi cảm thấy tự ti khi giao tiếp với những người có địa vị.

Cảm xúc bên trong khuyên nhủ tôi đừng làm điều đó. Nhưng lý trí thì nói, là một người tu luyện, tôi không thể để cảm xúc làm chủ hành vi của mình. Tôi nên đánh giá mọi việc dựa trên Pháp, chứ không phải bằng cảm xúc. Tôi tự nhủ: “ Tôi cần thực hiện điều này nếu nó được cho là việc nên làm dựa theo Pháp”.

Hồi tưởng lại, tôi thấy rằng Sư phụ đã an bài cho chúng ta. Những người khác nhau có sự an bài khác nhau, mỗi người đều có sự sắp xếp phù hợp với tính cách từng người. Người nghị sĩ mà tôi giảng chân tướng đã biết được chân tướng và ủng hộ Nghị quyết 343 lên án nạn cưỡng bức mổ cướp nội tạng. Tôi quyết định tham dự nhiều hoạt động tranh cử của ông ấy hơn với một suy nghĩ đơn giản là vừa giúp vừa cảm ơn người nghị sĩ này. Tôi không giỏi trong việc giao tiếp, vậy nên tôi nghĩ mình sẽ nói ít mà làm nhiều.

Tôi đã tham gia cuộc đi bộ vận động bầu cử trong năm đó. Ở một sự kiện, bên cạnh các nhân viên của nghị sĩ thì chỉ có tôi là tình nguyện viên duy nhất. Trong giờ nghỉ trưa vị nghị sĩ đi tới bàn tôi và trò chuyện với tôi; ông hỏi về cha mẹ của tôi và cuộc bức hại mà tôi đã trải qua ở Trung Quốc đại lục. Trong lúc chuyện trò, tình cờ phát hiện ra rằng gia đình của hai chúng tôi đã cùng sống trong một thành phố tại miền bắc Hoa Kỳ. Ngoài ra, trường cũ của tôi nằm cạnh trường cũ của cha mẹ ông ấy.

Các chính trị gia là giới tinh hoa trong xã hội Mỹ, họ có hiểu biết sâu rộng. Tôi đã gặp khó khăn trong việc tương tác với họ một cách thích hợp. Tôi đã nghĩ đi nghĩ lại về điều này nhiều lần và nghĩ về cách tôi hành xử. Tôi đã không biết cách để vượt qua.

Dựa vào trải nghiệm này, tôi nhận ra tôi không cần phải thay đổi bản thân để “hòa nhập”. Tôi chỉ cần cư xử theo tiêu chuẩn một người tu luyện. Trong một xã hội phức tạp như hiện nay, sự chân thành và thiện lương mới là những điều khiến người ta cảm động. Mọi người sẽ nghe thấy và nhìn những lời nói, hành động của tôi. Vị nghị sĩ đã nhắc tới tôi trong bài phát biểu chiến thắng của ông tại cuộc bầu cử. Tôi đã có thêm nhiều người bạn và được mời tham dự nhiều bữa tối và thậm chí trong lễ Tạ Ơn.

Tôi cùng ăn bánh mì kẹp xúc xích với vị nghị sĩ và giám đốc khu vực của ông sau một sự kiện năm ngoái. Tôi nói với vị nghị sĩ về mẹ của một người tu luyện địa phương đang bị bức hại. Vị nghị sĩ chia sẻ với tôi rằng ông muốn giúp chúng tôi nhiều hơn và ông ủng hộ tự do tín ngưỡng. Ông đã mời tôi tham dự bữa tối Giáng Sinh cùng gia đình của ông, trong bữa tối hôm ấy ông đã nói với các thành viên trong gia đình về cuộc bức hại Pháp Luân Công.

Tôi cũng gặp một nghị sĩ khác trong một bữa ăn tối kỷ niệm ngày sinh của tổng thống Hoa Kỳ Abraham Lincoln. Nghị sĩ này là một Lãnh đạo của một đảng chiếm đa số trong Quốc hội. Ông đã viết một lá thư cho lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc một năm trước kêu gọi trả tự do cho một người thân trong gia đình của một học viên đang bị giam trong tù. Tôi chân thành cảm ơn ông ấy và nói rằng những gì ông làm rất có ý nghĩa và quan trọng với những người ở cách nửa vòng trái đất. Ông trả lời chân thành: “Bạn đã khiến một ngày của tôi thật tốt đẹp.” Người nghị sĩ này cũng đã thành lập Tổ chức Nạn nhân của Chủ nghĩa Cộng Sản.

Điều tôi học được từ trải nghiệm là: đừng để cảm xúc người thường làm chủ bản thân. Khi mọi chuyện suôn sẻ tôi đã rất vui vẻ và khi gặp trở ngại thì tôi lại nản lòng. Cảm xúc của tôi tựa như một quả lắc đồng hồ. Một khi để cảm xúc lấn át, chúng ta không thể đưa ra những nhận định và hành động lý trí.

Tôi tự nhủ: “Tôi không muốn bị cảm xúc người thường thao túng!” Con người có cảm xúc vì họ có tình. Cảm xúc là sự phản chiếu của tình. Và tôi thường bị tác động bởi những hiện tượng bề mặt, khi tôi chấp trước vào kết quả và sẽ đi lệch khỏi cơ điểm cứu chúng sinh. Hôm nay tôi có thể vui vẻ vì một điều nào đó và ngày mai có thể buồn bã vì chính sự việc đó. Bất kể tôi đang vui, buồn, giận, hoặc hoan hỉ, tôi cần xem xét điều gì đã đưa tôi tới cảm xúc này. Liệu tôi có đang chứng thực bản thân không? Liệu những suy nghĩ của tôi phù hợp với Pháp không? Liệu tôi đang chứng thực Pháp với cảm xúc người thường hay với chính niệm của một người tu luyện?

“Vì con người có ‘tình’, nóng giận là ‘tình’, ưng ý là ‘tình’, yêu là ‘tình’, hận cũng là ‘tình’; vui thích làm điều [nào đó] là ‘tình’, không thích làm điều [nào đó] cũng là cái ‘tình’ ấy; thấy người này hay người kia dở, yêu thích làm gì đó hoặc chẳng yêu thích làm gì đó, hết thảy đều là ‘tình’; người thường chính là vì cái ‘tình’ ấy mà sống.” (Chuyển Pháp Luân, “Bài giảng thứ sáu”)

4. Tôi muốn trở thành người như thế nào?

Câu hỏi này tôi đã tự hỏi mình trong một thời gian dài.

Hồi còn học cấp hai, tôi mong muốn trở thành một người kiến thức, hiểu biết sâu rộng. Khi học cấp ba tôi muốn trở thành một người độc lập, quyết đoán. Sau này, tôi muốn trở thành một người trưởng thành và có trách nhiệm. Tuy nhiên, tôi không nghĩ những kiểu người đó là người mà tôi thực sự muốn trở thành.

Tôi đã có cơ hội giao lưu với các nghệ sĩ trong Đoàn Nghệ thuật Thần Vận. Họ lưu diễn thế giới với một lịch trình dày đặc. Tôi đã thấy họ luyện tập các nhạc cụ ở các góc của nhà hát hoặc thậm chí những tầng hầm tăm tối. Tôi thấy họ học thuộc Pháp, luyện công, và phát chính niệm. Tôi nhận ra tôi muốn trở thành một người giống như họ, một người chân tu trợ Sư chính Pháp!

Tôi đã gặp gỡ nhiều đồng tu, một số người thì lớn tuổi hơn và một số thì trẻ tuổi hơn tôi, tất cả chúng tôi đều bước vào tu luyện với những lý do khác nhau và cơ duyên khác nhau. Một số đối đãi tu luyện như một thói quen bắt buộc học từ cha mẹ. Một số nhìn nhận tu luyện như một chỗ dựa tinh thần; một số coi việc tu luyện là nghiêm túc và tinh tấn đề cao. Tôi nghĩ, đến một thời điểm nhất định mỗi chúng ta sẽ tự hỏi bản thân rằng: “Mình muốn trở thành người như thế nào?” Nếu bạn cũng đang suy nghĩ về việc này, chúng ta hãy cùng nhau trở thành những người chân tu trợ Sư chính Pháp, “Hãy nỗ lực tinh tấn, một mạch đến viên mãn.” (Tinh Tấn Yếu Chỉ, “Ngộ”)

Con xin cảm tạ Sư phụ tôn kính! Cảm ơn các bạn đồng tu!

Dịch từ:

http://www.pureinsight.org/node/7448

http://www.zhengjian.org/node/245215



Ngày đăng: 21-11-2021

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.