Tinh thần hiệp nghĩa của người xưa



Tác giả: Lưu Hà

[ChanhKien.org]

Vào một số giai đoạn đặc biệt trong lịch sử sẽ có những quan lại tàn ác xuất hiện. Ví như vào thời kì của Hoàng hậu Võ Tắc Thiên, để khống chế triều đình và người dân, bà cũng bắt đầu sử dụng những quan lại tàn ác để bức hại những nhân sỹ phản đối mình, thậm chí bức hại cả những người liên quan đến họ. Cho dù vậy, vẫn còn rất nhiều nhân sĩ hiệp nghĩa dám đứng lên phản kháng lại những điều bất công trên đời.

Vào thời nhà Đường ở Lương Châu, Triệu Trì Mãn đảm nhiệm chức quan Trưởng sử, ông là người thân của quan đại thần Trưởng Tôn Vô Kỵ. Thượng thư Bộ lễ là Hứa Kính Tông chiểu theo tâm ý của Hoàng hậu Võ Tắc Thiên mà hãm hại Trưởng Tôn Vô Kỵ. Ông ta lo rằng nếu giữ lại Triệu Trì Mãn sẽ gây bất lợi cho mình, nên đã vu cho Triệu Trì Mãn và Trưởng Tôn Vô Kỵ cùng nhau âm mưu phản bội triều đình, ông ta cho gọi Triệu Trì Mãn đến Trường An rồi tống giam vào nhà ngục dùng cực hình tra khảo. Triệu Trì Mãn khẳng khái chính nghĩa nói với Thượng thư Bộ lễ: “Giết ta thì dễ, nhưng để làm ta thay đổi lời khai, thừa nhận ta cùng Trưởng Tôn Vô Kỵ âm mưu phản loạn thì không thể được. Xin hãy tâu lên Hoàng thượng rằng ta nguyện ý thay Trưởng Tôn Vô Kỵ nhận tội này”. Triệu Trì Mãn sau đó đã chết trong nhà ngục, thi thể của ông bị đem vứt ở Tây thành, không người thân nào của ông dám đến nhận thi thể.

Tướng quân Vương Phương Dực đã cảm thán nói rằng: “Ngày xưa Loan Bố khóc thương cho Bành Việt bị sát hại, đây là nghĩa cử coi trọng tình nghĩa; Chu Văn Vương hạ lệnh chôn cất hài cốt đã mục rữa, cũng là đang thi hành một nền chính trị nhân đức vĩ đại nhất. Đoạn tuyệt nghĩa khí với bằng hữu, che đậy lòng nhân đức của quân vương, người như thế sao có thể phục vụ quốc vương đây?”. Vừa dứt lời, ông liền cho người đến Tây thành mang thi thể của Triệu Trì Mãn về mai táng theo đúng lễ nghĩa. Đường Cao Tông nhận thấy hành động của Vương Phương Dực đúng là một cử chỉ hiệp nghĩa, sau khi nghe xong vụ việc này cũng không truy xét và tra hỏi thêm nữa (trích từ sách “Đại Đường tân ngữ” của Lưu Túc đời Đường).

Cử chỉ nghĩa hiệp của Triệu Trì Mãn nguyện chết thay cho Trưởng Tôn Vô Kỵ, xả thân vì nghĩa; Tướng quân Vương Phương Dực cũng tiếp bước Triệu Trì Mãn, không sợ bị bức hại mà hồng dương tinh thần hiệp nghĩa ra thế gian, những nghĩa cử này đều thật xuất sắc. Hoàng đế Đường Cao Tông không những không trách tội, ngược lại cũng cho rằng đó là cử chỉ hiệp nghĩa. Đây đều là những tấm gương đáng quý mà chúng ta cần phải học hỏi.

Dịch từ: http://big5.zhengjian.org/node/265039



Ngày đăng: 12-10-2021

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.