Trân quý cơ duyên và kiên định chính niệm



[ChanhKien.org]

Con kính chào Sư phụ tôn kính,

Chào các bạn đồng tu.

Tôi có cơ duyên bước vào tu luyện từ năm 2008, đến nay đã bước trên con đường tu luyện được hơn 10 năm, nhìn lại quãng thời gian đã trôi qua tôi thấy bản thân nhiều khi vẫn chưa thực thi được tốt, tuy nhiên tôi luôn minh bạch rằng cần phải đặt Đại Pháp lên hàng đầu, tu luyện ở ví trí số một, hoàn thành sứ mệnh của đệ tử Đại Pháp thời kỳ Chính Pháp, chân chính thực tu, dũng mãnh tinh tấn để không phụ sự khổ độ của Sư phụ từ bi vĩ đại. Hồi tưởng lại quá trình tu luyện, hôm nay tôi xin chia sẻ một vài trải nghiệm và thể ngộ cá nhân của mình.

1. Cơ duyên tu luyện

Lúc nhỏ tôi đã được gia đình bán vào cửa Phật vì thấy khó nuôi, 2 tháng tuổi đã phải đi cấp cứu, 3 tuổi mới biết đi vì thế mà trước khi đắc Pháp tôi đã nhiều lần đi chùa, đứng trước tượng Phật tôi thường thành tâm kính bái, cũng không cầu xin gì nhiều, trong tâm chỉ mong rằng bản thân được khỏe mạnh, học hành tấn tới. Cũng chính vì cơ duyên đó nên tôi là một người luôn tin vào Thần Phật. Liên quan đến tu luyện, thiện ác, tốt xấu và những điều siêu thường phải nói đến bộ phim Tây Du Ký, nó đã khắc sâu trong tâm trí tôi từ lúc còn nhỏ. Nhiều cảnh tượng trong bộ phim đã để lại trong tôi ấn tượng sâu sắc, cảm hóa lòng người ví như cảnh tượng Đường tăng từ từ thả một con kiến trên tay xuống đất, hoặc khi xem những cảnh thần thông biến hóa của Tôn Ngộ Không, tôi thấy thật huyền diệu và có lúc còn nghĩ trong tương lai tôi cũng có thể có những “thần thông” đó.

Mùa hè năm 2008 tại đơn vị công tác, trong một lần hữu duyên tôi đã biết đến cuốn sách Chuyển Pháp Luân, khi đọc đến đoạn:

“Sự việc này chúng tôi giảng xuất ra, cũng là phải mất bao nhiêu phí tổn mới được đồng ý giảng. Tôi đã chỉ ra chỗ mê từ thiên cổ, bí mật trong những bí mật tuyệt đối không thể giảng, chỉ ra căn bản của các loại phương pháp tu luyện trong tu luyện lịch sử. Chẳng phải tôi đã giảng rằng [nó] liên quan đến lịch sử uyên nguyên rất thâm sâu hay sao? Chính là nguyên nhân ấy. Chư vị thử nghĩ, hỏi gia nào, môn nào mà không tu luyện như thế? Bản thân chư vị tu tới tu lui mà chư vị không có công, chư vị chẳng đáng buồn lắm ư! Nhưng biết oán ai đây?” (Chuyển Pháp Luân – Bài giảng thứ tám, Ai luyện công thì đắc công)

Tại thời khắc đó tôi như bừng tỉnh, như là người đang thoát ra khỏi chỗ mê từ thiên cổ, tôi như cảm nhận được “nỗi buồn” đó, “tu mà như không”, tôi đã khóc, thực sự đã không cầm được những giọt nước mắt trong hạnh phúc khi nhận ra rằng đây chính là điều mà sinh mệnh của tôi hằng chờ đợi, là một Pháp môn tu luyện giúp “tôi” thực sự có thể trở về. Sau đó tôi liên hệ với hai học viên Pháp Luân Công trong cơ quan và có buổi chia sẻ đầu tiên. Tôi đã chính thức bước trên con đường tu luyện kể từ đó.

2. Kiên định thực tu, vượt qua những khảo nghiệm ban đầu

Thử thách đầu tiên đối với tôi là bỏ hút thuốc. Tôi có thói quen hút thuốc lá từ hồi học Trung học phổ thông, do hay thức đêm ôn bài nên hình thành thói quen hút thuốc để cho tỉnh táo, và rồi thói quen này đã theo tôi và trở thành một người nghiện thuốc lá cho đến khi tôi đắc Đại Pháp.

Sau khi phát nguyện chân chính tu luyện tôi đã quyết định bản thân cần phải thay đổi. Là một người làm trong lĩnh vực công nghệ thông tin tôi tiếp cận với rất nhiều thứ trên Internet, đã lưu rất nhiều hình ảnh, phim và ca nhạc của người thường và rồi không một chút do dự tôi quyết định xóa sạch tất cả những thứ đó. Sau đó tôi thấy bản thân chuyển biến sang một trạng thái khác, tinh thần cảm thấy rất sảng khoái, không còn thấy buồn ngủ khi ngồi làm việc, đặc biệt là cái cảm giác muốn hút thuốc nó biến đâu mất và bệnh viêm xoang cũng không cánh mà bay không lâu sau đó. Sau này tôi hiểu rằng đó là cơ thể được Sư phụ thanh lọc khi bước vào tu luyện Đại Pháp. Nhưng mọi thứ dường như không đơn giản như thế, đều có những thử thách xem có kiên định vượt qua hay không. Vào buổi sáng khi đi làm sớm, ngồi quán nước trà đá thấy người khác hút thuốc tôi lại cảm thấy có dư vị, trong tâm vẫn quẩn quanh ý nghĩ muốn mua điếu thuốc hút, sau một hồi chần chừ cuối cùng tôi đã quyết định đi về văn phòng và nghe nhạc, chìm vào trong âm nhạc, từng âm điệu của bài Phổ Độ như lan tỏa trong thân tâm, và thật kỳ diệu sau bản nhạc tôi thấy thật thanh tịnh và dư vị đó cũng hoàn toàn biến mất, đó cũng là lần đầu tiên tôi cảm nhận thấy sức mạnh của âm nhạc Đại Pháp. Sau này tôi cũng thường xuyên nghe nhạc Thần Vận và cảm thấy thật tốt. Thời gian đầu do nhận thức Pháp chưa sâu, coi việc xả bỏ chấp trước vào tình là không còn quan tâm gì đến gia đình nữa, điều đó đã góp phần dẫn đến các mối quan hệ trong gia đình trở nên căng thẳng. Sau khi học Pháp nhiều hơn, tôi hiểu được tầm quan trọng của việc hướng nội và dần dần có thể nhớ được các Pháp lý chỉ đạo tu luyện trong Chuyển Pháp Luân, điều đó giúp tôi giải quyết các mâu thuẫn ngày càng tốt hơn. Có nhiều lần đứng trước áp lực từ phía gia đình, công an và chính quyền bắt tôi buông bỏ tu luyện và không đi phát tài liệu nữa, với tín tâm kiên định vào Pháp tôi đã nguyện rằng “dù có đánh đổi bằng bất cứ điều gì tôi vẫn luôn kiên định tu luyện và làm tốt ba việc của Đệ tử Đại Pháp”.

Nhận thấy tôi có nhiều thay đổi về tâm tính, buông bỏ những thói quen xấu và quan tâm hơn đến người khác dần dần những người trong gia đình tôi cũng bước vào tu luyện Đại Pháp.

Tôi nhận thấy rằng trong tu luyện việc cân bằng cuộc sống trong gia đình cũng rất quan trọng, qua việc chứng thực Pháp tốt tại gia đình, sở làm hay trong các mối quan hệ xã hội, là giúp người thân, bạn bè và xã hội nhận thấy được vẻ đẹp và lợi ích của Đại Pháp qua đó cũng chính là tạo nên một môi trường bình hòa cho bản thân tu luyện và làm tốt hơn ba việc của đệ tử Đại Pháp.

3. Bảo trì trạng thái tu luyện như thuở đầu

Thời gian cứ thế trôi qua, bước trên con đường tu luyện với bao thăng trầm tôi cũng đã vượt qua nhiều khảo nghiệm tâm tính và tín tâm kiên định vào Đại Pháp, nhưng để có thể duy trì trạng thái tinh tấn thường hằng tôi nhận thấy rằng không dễ. Trong một số năm gần đây khi trạng thái công việc có sự thay đổi, tôi có sự tự do hơn về thời gian từ đó cũng nảy sinh nhân tố mới, tôi trở nên giải đãi và có phần phóng túng bản thân. Kết quả biểu hiện ra là trạng thái tu luyện không được tốt, không cảm nhận được sự thuần tịnh như thuở đầu và điều này cũng ảnh hưởng đến kết quả làm ba việc.

Sư phụ giảng:

“Khi chư vị đến thế gian này đã ký [thệ] ước với tôi, chư vị phát thệ cần cứu độ những chúng sinh đó, chư vị mới có thể trở thành đệ tử Đại Pháp, chư vị mới có thể làm việc này, nhưng chư vị không có làm tròn [thệ ước]. Chư vị không có hoàn toàn làm tròn [thệ ước], trên lưng mà chư vị đang gánh vác vô lượng vô số chúng sinh được phân phối cho chư vị, một quần thể sinh mệnh rất lớn ấy, mà chư vị không cứu độ, thế thì sao đây?! Đó chỉ đơn giản là một vấn đề tu luyện không tinh tấn thôi sao? Đó là phạm tội cực đại cực đại! Tội lớn vô tỷ!” (Giảng Pháp tại Pháp hội New York 2016)

Qua học Pháp tôi nhận thấy tính nghiêm trọng của vấn đề bản thân không tu luyện tinh tấn, cũng nhận thức sâu sắc hơn về sự vinh diệu và sứ mệnh cũng như trách nhiệm trọng đại của đệ tử Đại Pháp thời kỳ Chính Pháp. Tôi hướng nội và nhận ra rằng một lần nữa mình cần phải thay đổi, chính là biến hoàn cảnh hiện tại thành hoàn cảnh để tu luyện. Tôi đã tận dụng thời gian hàng ngày không phải đi lại ngoài đường để luyện công đầy đủ hơn, tận dụng thời gian rảnh đặt ra các kế hoạch để hoàn thành những việc còn dang dở trong nhiều năm qua và cũng dành thời gian để suy nghĩ thấu đáo hơn về từng vấn đề trong tu luyện. Tôi nhận thấy để có thể làm tốt việc này, làm tròn thệ ước, hoàn thành sứ mệnh thì cần phải bảo trì trạng thái tu luyện như thuở đầu, tuy nhiên thuở đầu thì thường không có nhiều hạng mục công việc, điều mà tôi nhận thấy là cần bảo trì tâm thái thuần tịnh của người tu luyện, cần phải tinh tấn thực tu. Bảo trì trạng thái tu luyện như thuở đầu, chính là trạng thái dũng mãnh tinh tấn không ngừng.

Tôi cũng ý thức được rằng mình cần phải đối đãi nghiêm túc hơn nữa trong việc học Pháp và phát chính niệm. Khi học Pháp cần phải loại bỏ tất cả tạp niệm trong tư tưởng, dùng chính niệm khống chế tư tưởng của bản thân, bảo trì tâm thái thuần tịnh để học Pháp. Khi phát chính niệm cần tập trung tinh lực, bảo trì trạng thái thanh tỉnh, lý trí, niệm lực tập trung, lớn mạnh. Với quyết tâm hơn nữa, tôi đã đặt ra cho mình những nguyên tắc và sự kỷ luật để khắc chế bản thân, trong mọi hoàn cảnh ý thức được rằng mình là người tu luyện.

Thời kỳ mới tu luyện nhà tôi cách điểm luyện công khá xa, tôi thường dậy sớm, đi xe máy hơn 10km để đến điểm luyện công vào các buổi sáng, các buổi học Pháp chung vào tối thứ 5 và chủ nhật hàng tuần thường cũng phải đi rất xa. Sau này thì điều kiện luyện công và học Pháp thuận lợi hơn, điểm luyện công tập thể ngay dưới sân chung cư, lớp học Pháp chung cũng là tòa nhà bên cạnh nhưng trái lại tôi lại không duy trì được việc luyện công đầy đủ. Lấy lại tinh thần tu luyện như thuở đầu, loại bỏ những tư tưởng phụ diện như lấy cớ công việc bận rộn hay thức đêm nhiều buổi sáng uể oải. Đến giai đoạn hiện tại tôi đã có thể duy trì thường hằng việc luyện công tập thể ngoài trời từ lúc 3h40′ sáng, duy hộ các buổi học Pháp chung vào các buổi tối trong tuần. Khi lấy lại được phong độ tu luyện như thuở đầu tôi nhận thấy rằng mỗi ngày được học Pháp và luyện công thật là may mắn và là hạnh phúc của sinh mệnh.

Sư phụ giảng:

“Ngoài ra cũng cần thu xếp thái độ thật ngay chính đối với Đại Pháp, phải thật sự coi mình là người tu luyện, tinh tấn thế nào, đối đãi với Pháp ra sao, tu như thế nào, bao gồm cả tỷ lệ thời lượng nhiều ít chư vị [dành để] đọc sách; đều không được coi nhẹ, hơn nữa càng trọng yếu; bởi vì đó chính là con đường của chư vị, con đường mà chư vị phải đi. Chư vị chính là từ trong xã hội người thường mà bước ra, chư vị chính là cần phải cùng với Chính Pháp, có trách nhiệm với chúng sinh; do vậy mới tu luyện như thế này.” (Giảng Pháp tại các nơi VII, Giảng Pháp tại Pháp hội Canada [2006])

Sư phụ giảng về “tỷ lệ thời lượng nhiều ít chư vị [dành để] đọc sách”, tôi ngộ ra rằng mỗi ngày thời gian dành cho luyện công là hơn 2 tiếng, vậy thì thời gian đọc sách (học Pháp) cũng cần phải sắp xếp cho tốt. Tôi thấy thời lượng hiện tại tôi dành để đọc sách là chưa đáp ứng được yêu cầu vậy nên tôi cũng đang sắp xếp tăng thời lượng và chất lượng cho việc học Pháp.

Về phương diện này tôi cũng đang sắp xếp học thêm tiếng Trung và đọc sách Chuyển Pháp Luân tiếng Trung, tôi nhận thấy rằng nếu tôi có thể đọc được Pháp của Sư phụ nguyên văn nguyên gốc thì thật là hạnh phúc. Năm 2009 tôi có cơ hội cùng một vài học viên khác trong cơ quan tham gia lớp học tiếng Trung được giáo viên kèm riêng nhưng rồi do công việc bận rộn tôi đã bỏ lỡ nửa chừng, vài năm sau tôi lại có cơ hội cùng một số học viên khác đi học thêm tiếng Trung tại Trung tâm ngoại ngữ nhưng kết quả cuối cùng cũng bỏ dở nửa chừng, cách đây khoảng gần 2 năm tôi lại có cơ hội cùng 2 học viên nữa tham gia một khóa tiếng Trung từ sơ cấp với mục đích để có thể học Pháp tiếng Trung nhưng rồi cuối cùng đến giai đoạn hiện tại tôi thấy 2 đồng tu đi cùng tôi đã có thể nhìn thẳng mặt chữ đọc khá trôi chảy sách Chuyển Pháp Luân tiếng Trung nhưng tôi thì vẫn mới chỉ ở lớp vỡ lòng. Nhìn lại những cơ hội tôi đã bỏ lỡ quả thật là rất đáng tiếc. Dịp gần đây tôi lại một lần nữa có cơ hội tham gia vào các khóa học tiếng Trung, cùng thời gian đó tôi cũng có cơ duyên tham gia vào một Hạng mục giảng thanh chân tướng cho người Trung quốc và cần có chút vốn tiếng Trung nên tôi lại được tham gia lớp đào tạo tiếng Trung liên tục trong hơn 1 tháng. Lần này thực sự là một dịp đã giúp tôi bứt phá rất nhiều, khả năng phát âm tiếng Trung của tôi đã có sự cải thiện rõ rệt, tôi cũng đã có thể tham gia học Chuyển Pháp Luân tiếng Trung cùng các đồng tu hải ngoại, mặc dù tôi mới đang ở những bước đi đầu tiên trên con đường học Pháp tiếng Trung nhưng lần này thực sự là một cơ duyên. Khi tôi hiểu được thêm những nội hàm thâm sâu đằng sau từng chữ từng chữ tiếng Trung trong Kinh sách của Sư phụ tâm tôi cũng thấy như rộng mở hơn, cũng thời gian này tôi có thể duy trì việc luyện công thường hằng, trạng thái tu luyện cũng tốt hơn. Dù chưa có nhiều trải nghiệm nhưng tôi thực sự cảm nhận được lợi ích và tầm quan trọng của việc học Pháp bằng tiếng Trung. Nghĩ lại tôi thấy thật hối tiếc quãng thời gian hơn 10 năm đã qua tôi đã bỏ lỡ nhiều cơ hội đến vậy. Khác những lần trước, lần này tôi đã đặt cho mình một kế hoạch với mục tiêu cụ thể và tôi xuất nguyện sẽ kiên định thực hiện mục tiêu đó đến cùng.

4. Tín Sư tín Pháp, kiên định chính niệm, bài trừ can nhiễu

Tháng 5 năm 2014 tôi đăng ký đi tham dự Pháp hội New York, trong lần đầu xin visa đi Mỹ do tôi còn nhiều chấp trước và cái tâm muốn đi tham dự Pháp hội chưa đủ mạnh và thuần chính nên tôi đã bị trượt visa. Sau lần thất bại này tôi thấy rằng bản thân cần phải đột phá trong tu luyện và đặt quyết tâm cho lần sau. Trước khi vào phỏng vấn một đồng tu đi cùng đã nhận ra rằng trong hồ sơ của tôi có vấn đề, các mã vạch đã không được in đúng mà thay vào đó là một loạt các hình ảnh vỡ dạng no-image, lúc đó tôi thấy rằng mọi người vào cửa phỏng vấn thì hồ sơ của họ đều được quét mã vạch để lấy thông tin, khi phát hiện ra vấn đề này trong tâm tôi máy động và có phần lo lắng, tôi có suy nghĩ nếu bây giờ mình quay về mà in lại hồ sơ thì trễ mất, lỡ buổi phỏng vấn này và kết quả không biết sẽ thế nào. Nhưng ngay sau đó tôi đã trấn tĩnh lại, đặt tín tâm vào Sư phụ, xuất ra một niệm “Tham dự Pháp hội là việc Thần thánh và chính đáng của đệ tử Đại Pháp, tôi phủ nhận mọi an bài và can nhiễu của cựu thế lực, tôi đạt hay không thì chỉ có Sư phụ tôi mới là người quyết định”. Với tín tâm kiên định và không nghĩ đến nó nữa, cuối cùng cũng đến lượt tôi qua cửa nộp hồ sơ, khác hoàn toàn với những người khác, khi cầm hồ sơ của tôi nhân viên Đại sứ quán chỉ lật xem rồi cho qua mà không hề cần quét mã vạch và kết quả cuộc phỏng vấn cũng thành công. Tôi nhận ra rằng vào những thời điểm then chốt thì việc vứt bỏ những quan niệm người thường, phủ nhận hoàn toàn sự tham dự, an bài, can nhiễu của cựu thế lực cũng như đặt niềm tin tuyệt đối vào Sư phụ và Pháp là rất trọng yếu cho việc vượt quan. Vượt qua rồi thì mới thấy mọi thứ chỉ là giả tướng.

5. Tâm nguyện và cơ duyên làm việc trong Kênh truyền thông

Là một lập trình viên máy tính, khó khăn đối với tôi không phải là vấn đề kỹ thuật mà vấn đề đối với tôi là làm sao giữ được chữ “Chân” trong công việc, là làm sao bảo đảm được đúng thời hạn bàn giao sản phẩm. Bởi nhiều vấn đề tôi thường “nước đến chân mới nhảy”, gần hết hạn rồi mới thực sự có thể tập trung để hoàn thiện, nhiều lúc thì hoàn thành kịp thời hạn nhưng nhiều lúc thì công việc bị trễ. Tôi nhận thấy rằng việc này trong công ty người thường cũng khó mà chấp nhận còn đối với tiêu chuẩn của người tu luyện thì càng phải có yêu cầu cao hơn. Tôi nhận thấy về phương diện này tôi cần phải đề cao, chính là cần phải hoàn thành tốt công việc đúng thời hạn. Tôi hướng nội nhận thấy rằng vấn đề này do nhiều yếu tố của bản thân, một là yếu tố văn hóa đảng là hay tìm cớ biện minh khi công việc bị trễ, hai là đôi khi tôi ôm đồm nhiều việc, giống câu chuyện “gấu bẻ bắp ngô”, ba là không bảo trì được trạng thái tinh tấn thường hằng, tu luyện không tốt quay ngược lại ảnh hưởng đến công việc cũng không tốt. Tôi đã nhận ra các vấn đề này và đang từng bước đề cao trong tu luyện, sắp xếp cho chính lại mọi việc.

Nhiều lúc tôi cũng có trải nghiệm về Pháp lý ‘Sự bán công bội’ mà Sư phụ giảng:

“Đệ tử Đại Pháp rốt cuộc là đệ tử Đại Pháp. Hãy thực hiện một cách rất vững vàng thiết thực điều chư vị nên làm, nhiều kinh nghiệm hơn thì sẽ làm được tốt. Làm kỹ thuật thì nắm vững kỹ thuật là khả dĩ rồi. Có một số điều là không nhất định học theo như thế đâu. Kỳ thực đệ tử Đại Pháp dù làm gì, hãy dụng tâm hơn một chút thì ‘sự bán công bội’. [Nếu] chư vị bảo tôi xem xét, [thì] tôi nói là vấn đề dụng tâm.” (Giảng Pháp ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới [2014])

Khi tôi bảo trì được trạng thái tu luyện tinh tấn và đặt tâm vào công việc tôi thấy rằng có nhiều việc tôi chỉ cần 2 tiếng đồng hồ để hoàn thành công việc đã ra trong 1 ngày.

Viết đến đây tôi nhớ lại một câu nói của đồng tu phụ trách bên Epoch Times Tiếng Anh: “bạn đã được an bài làm lập trình viên máy tính, hãy hoàn thành tốt sứ mệnh của mình”. Trong những năm qua, tôi đã có những trải nghiệm một cách rõ ràng rằng miễn là tôi có tâm nguyện thì Sư phụ sẽ an bài mọi thứ. Kết lại tôi nhận thấy rằng để gia tăng sức mạnh cứu người, hoàn thành tốt vai trò và sứ mệnh của bản thân, tôi cần phải tu tốt chính mình như những lời Sư phụ đã giảng:

“Đương nhiên, làm kênh truyền thông mà nói, cần làm tốt những việc nên cần làm, đó chính là tu tốt chính mình. Cho nên tu luyện ấy, đối với mọi người mà nói, đối với mỗi từng đệ tử Đại Pháp tham gia kênh truyền thông mà nói, thì tu luyện là ở vị trí số một. Bởi vì tu luyện của chư vị tốt-xấu thế nào là quyết định sức mạnh cứu người của chư vị, chư vị tu luyện tốt-xấu thế nào cũng quyết định hiệu quả công tác của chư vị; đây là nhất định. Trải qua kinh nghiệm bấy nhiêu năm, mọi người đều có thể hội sâu sắc; đệ tử Đại Pháp ở các ngành các nghề, kể cả đệ tử Đại Pháp [làm] kênh thông tấn, đều giống nhau, đang tranh thủ hết sức về [phương diện] tu luyện chính mình, rất nhiều việc đều làm ít công to. Cho nên chúng ta không thể lơ là tu luyện. Đây là việc ở vị trí số một.” (Pháp hội Tân Đường Nhân và Đại Kỷ Nguyên năm 2018)

Cuối cùng chúc kênh truyền thông Epoch Times nói chung và kênh truyền thông Epoch Times Tiếng Việt nói riêng sẽ trở thành kênh truyền thông lớn nhất thế giới như những gì Sư phụ đã giảng trong “Giảng Pháp tại Pháp hội New York 2015”:

“Tôi từng giảng cho người phụ trách kênh thông tin, tôi nói rằng tương lai chư vị khẳng định sẽ là các kênh thông tấn lớn nhất thế giới. Chư vị làm kênh thông tin cho tốt [là] trách nhiệm trọng đại, những gì mà đệ tử Đại Pháp làm, tương lai [sẽ được] xã hội nhân loại lưu truyền, và các kênh thông tin của chư vị cũng sẽ được lưu truyền một mạch về sau, trở thành kênh thông tấn chủ yếu của xã hội nhân loại. Bởi vì khi nhân loại biết được chư vị cứu họ, mọi người hãy nghĩ xem, đối với các hạng mục mà đệ tử Đại Pháp làm, họ sẽ đối đãi như thế nào? Họ sẽ coi đó là vinh diệu.”

Con xin cảm tạ Sư phụ!

Cảm ơn các bạn đồng tu.

Trên đây là bài chia sẻ của tôi nếu có điều gì chưa phù hợp với Pháp thì xin các đồng tu từ bi chỉ giúp.

Hợp thập!

Bài chia sẻ tại hội giao lưu kinh nghiệm tu luyện hạng mục Epoch Times Tiếng Việt.



Ngày đăng: 03-07-2021

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.