Cảm nghĩ về giáo dục mầm non
Tác giả: Thanh Hà
[ChanhKien.org]
Một hôm có một khách hàng đến cửa hàng của tôi, đó là một nữ giáo viên trung tuổi. Tôi vừa bán hàng vừa trò chuyện với cô ấy, chúng tôi nói về giáo dục ở nhà trường. Cô ấy nói chuyện về một trường mẫu giáo. Đó là một trường mẫu giáo rất nổi tiếng dành cho giới quý tộc ở thành phố chúng tôi. Cô ấy nói rằng giáo viên mẫu giáo dạy trẻ em biết chữ và nhận biết đồ vật, không giống như khi chúng tôi còn nhỏ, cô giáo dạy chúng tôi nhận biết con bò, con ngựa, cái xe đạp. Còn họ bắt đầu dạy trẻ em phân biệt những chiếc xe hơi sang trọng như Rolls-Royce và BMW ngay khi chúng mới xuất hiện, họ nuôi dưỡng khuyến khích các em nhỏ truy cầu cuộc sống vật chất cao sang ngay từ khi còn nhỏ.
Tôi giật mình sửng sốt nói rằng, chẳng phải triết lý giáo dục kiểu này là đào tạo trẻ em thành những kẻ mưu lợi hay sao? Các trường mẫu giáo cần phải chú trọng đến việc trau dồi phẩm hạnh, suy nghĩ và hành vi thói quen tốt cho trẻ. Cô giáo này cũng đồng ý với quan điểm của tôi.
Tôi đã từng đọc sách giáo khoa cũ của Trung Hoa Dân Quốc. Sách giáo khoa cũ văn hay tranh đẹp, ngôn ngữ súc tích nhưng quan niệm nghệ thuật sâu sắc. Những nguyên lý đối nhân xử thế đầy ẩn ý giống như ánh nắng ấm áp chiếu rọi tâm hồn trẻ thơ.
Ví dụ, trong bài “Con nhện đan lưới”, trong hình minh họa, một đứa trẻ sáu hoặc bảy tuổi nhìn thấy một con chuồn chuồn rơi trong mạng nhện, nó gỡ mạng nhện và giải cứu con chuồn chuồn nhỏ. Bên cạnh có ghi: Hãy luôn giữ thức ăn cho lũ chuột, đừng thắp đèn vì những con bướm đáng thương.
Lời văn và hình ảnh minh họa chứa đựng lòng thiện lương, nhân ái, từ bi, giống như mưa mùa xuân, thấm đẫm tâm hồn trẻ thơ.
Một ví dụ khác là bài “Đừng tham lam”, trong ảnh là đứa trẻ thò tay vào lọ để lấy kẹo, trong tay cầm một nắm lớn, tay đầy kẹo nên không thể rút ra khỏi lọ được, nó sốt ruột bật khóc. Người mẹ bên cạnh chỉ nói một câu: “Con đừng tham lam, bốc nắm nhỏ thì có thể lấy được ra”.
Chỉ một câu nói đã dạy trẻ em phải biết kiềm chế ham muốn vật chất và không được tham lam.
Trong bài “Vẻ đẹp của tự nhiên”, có hai chị em nhà họ Trịnh, cô chị thích sự mộc mạc, nói rằng mộc mạc mới là đẹp, cô em thích trang điểm nên nói rằng trang điểm mới là đẹp. Cả hai tranh cãi không thôi, bèn hỏi mẹ thì mẹ nói: “Mộc mạc, thuần khiết là nét đẹp tự nhiên, và lại giữ được vệ sinh. Trang điểm là vẻ đẹp nhân tạo và xa xỉ, vì vậy mẹ thích vẻ đẹp mộc mạc, thuần khiết”.
Người mẹ không cao giọng mà chỉ rủ rỉ nói về đạo lý, thì đứa bé sẽ hiểu rằng mộc mạc, thuần khiết là đẹp nhất. Thử nghĩ sâu hơn, vẻ ngoài của con người thế nào thì phẩm hạnh của con người cũng là thế ấy.
Sách giáo khoa cũ của thời kỳ Trung Hoa Dân Quốc toát lên ánh hào quang tinh thần của văn hoá truyền thống 5000 năm Trung Hoa, đã nuôi dưỡng tâm hồn bao thế hệ trẻ thơ. Như một nhà văn đã nói: “Nhìn lại thời kỳ Trung Hoa Dân Quốc, thời đó tuy có chiến tranh loạn lạc liên tục, nhưng có sự êm đềm thanh bạch, tường hòa tĩnh lặng của thế giới tinh thần”. Trong những năm tháng chiến tranh hỗn loạn như thế, nhưng lại xuất hiện nhiều thầy giáo giỏi có phong thái cốt cách.
So với Trung Hoa Dân Quốc, thì tâm hồn của trẻ em ngày nay ở Trung Quốc đại lục thực sự ngập chìm trong thảm họa. Văn hóa đảng mà trẻ em được học đầy rẫy giả tạo, độc ác và bạo lực. Lớn lên trong nền văn hóa thô tục, độc ác này, tất nhiên đạo đức sẽ bại hoại và hành vi cũng sẽ thấp kém. Ở Trung Quốc ngày nay, giả tạo, xấu xa, gian dối, tranh đấu, giết người, đồi trụy, cờ bạc và tham lam như một dòng hỗn loạn ào ạt xuất hiện, đó chính là kết cục thảm hại của văn hóa đảng.
Chỉ khi hương thơm của nền văn hóa truyền thống 5000 năm Trung Hoa lan tỏa khắp nơi trên vùng đất Trung Nguyên, thì trẻ em ở Trung Quốc đại lục mới lĩnh hội được vẻ đẹp và sự thiện lương của bản tính con người.
Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/266671
Ngày đăng: 29-05-2021
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.