Ban Chiêu và cuốn sách “Nữ giới”
Tác giả: Lam Nguyệt
[ChanhKien.org] Ban Chiêu là con gái của nhà văn Ban Bưu thời Đông Hán, là em gái của Ban Cố người biên soạn sách Tiền Hán Thư và là em gái của Ban Siêu tác giả sách Đầu bút tòng quân.
Ban Chiêu xuất thân trong gia đình học vấn uyên bác, bà là người đoan chính và tài năng văn chương phong phú, bà đã dùng phương pháp huấn dụ (lời dạy bảo, khuyên nhủ của người bề trên) để viết cuốn sách Nữ giới[1] dành cho các cô gái trong gia đình, cuốn sách đưa ra những quy tắc đạo đức cho người con gái trong lập thân, xử thế, được người đương thời sôi nổi truyền tụng và học tập, trở thành cuốn sách học vỡ lòng để giáo dục người con gái qua từng triều đại Trung Quốc cho đến những năm đầu Quốc Dân, Ban Chiêu cũng được người đời ca tụng là “Khổng phu tử trong phái nữ”.
Ban Chiêu dạy bảo người con gái lấy vẻ nhu mì, mềm yếu làm nét đẹp của mình, lấy sự cung thuận, khiêm nhường làm đức hạnh, Thiên hành kiện, Địa thế khôn (Trời vận động mạnh mẽ, Đất có tính nhu hoà), Đại Đạo có âm dương, con người phân thành nam nữ, trong sách Nữ giới giảng rằng: “Âm dương có đặc tính khác nhau, nam nữ có phẩm hạnh khác nhau. Dương lấy cương làm chủ, âm lấy nhu làm chủ, nam giới quý ở đức tính kiên cường, nữ giới đẹp ở vẻ mềm yếu”, “Đạo vợ chồng là âm dương hoà hợp, thông với Thần linh, kính tín trời đất, cũng chính là luân lý con người”. Đồng thời, trong sách cũng chỉ rõ nếu như âm dương không hợp, vợ chồng bất hoà, thì không còn ân nghĩa, đạo đức “Chồng không hiền đức, thì không dẫn dắt được vợ; vợ không hiền đức, thì không hỗ trợ được cho chồng. Chồng nếu không dẫn dắt được vợ, thì sẽ mất đi uy nghiêm, vợ nếu không phụ tá được chồng, thì sẽ mất đi đạo nghĩa”.
Người phụ nữ thời cổ đại đa số đều không tham gia vào việc xã hội, mà chỉ làm chủ gia đình mình, vì vậy Ban Chiêu cho rằng người phụ nữ cần thức khuya dậy sớm, siêng năng, chăm lo việc nhà, chuyên tâm may vá dệt vải, nấu ăn ngon tiếp đãi khách. Trong giao tiếp với cha mẹ, anh em chồng cần khiêm tốn, nhường nhịn, khoan dung, vui vẻ hoà nhã, không được tranh chấp đúng sai, mâu thuẫn là không thể tránh khỏi, cần luôn tìm nguyên nhân ở bản thân mình: “Bản thân mỗi người không phải thánh nhân, khó tránh khỏi không phạm lỗi lầm! Nhan Hồi đáng quý ở chỗ biết sửa sai, vì vậy Khổng Tử khen ngợi Nhan Hồi cùng một sai lầm không phạm lại lần thứ hai, huống chi là phụ nữ!” “Khiêm tốn là đức hạnh căn bản, nhu thuận là phẩm chất của người phụ nữ. Có được hai đức tính này là đủ để gia đình hoà hợp rồi”.
Phong trào “nữ quyền” nổi lên vào thời cận đại, đặc biệt là sau Đại cách mạng văn hoá, người ta nhấn mạnh nam nữ đều như nhau, cuốn sách Nữ giới của Ban Chiêu bị phê phán là xiềng xích tinh thần của lễ giáo phong kiến, rất nhiều người phụ nữ truy cầu “giải phóng”, cá tính mạnh mẽ lấn át người khác, đi ngược lại đức tính nhu thuận trời ban cho người phụ nữ, lấy sở đoản của bản thân so sánh với sở trường của nam giới. Chúng ta thường nghe thấy các đấng mày râu oán trách rằng: “Tôi muốn lấy vợ là một người phụ nữ, nhưng cô ấy đã không dịu dàng lại cũng không biết quét nhà nấu cơm, cả ngày cứ chạy ra khỏi nhà, nói còn to hơn cả tôi, chỉ cần có lý là tranh đấu đến cùng, anh nói xem tôi cần cô ấy làm gì?” Vì điều này mà người phụ nữ đánh mất đi sự tôn trọng, yêu thương và bảo vệ của người chồng, có khó khăn vất vả cũng không dám nói, gia đình không hoà thuận, lại còn phải làm việc vất vả ngoài xã hội, cuối cùng khiến cho thân thể và tâm trí đều mệt mỏi.
Người phụ nữ truyền thống coi trọng đức tính cung kính, nhu thuận, mềm yếu, thuận theo đạo trời mà không ngừng phát triển, mà làm nên những câu chuyện truyền thuyết bất hủ, giúp cho nền văn minh Hoa Hạ phồn vinh rực rỡ, Ban Chiêu, Thái Văn Cơ, Trác Văn Quân, Lý Thanh Chiêu được liệt vào tứ đại tài nữ thời cổ đại, Ban Chiêu năm 14 tuổi gả cho Tào Thế Túc, phu thê khiêm nhường hỗ trợ bù đắp cho nhau, sinh được mấy người con trai gái, cuộc sống hạnh phúc mỹ mãn, sau cái chết của người anh trai Ban Cố, bà tiếp tục một mình viết “Hán Thư”, được mời vào trong cung làm thầy dạy cho hoàng hậu và phi tần. Bà là một người phụ nữ lỗi lạc, đức hạnh, tài năng cùng với địa vị xã hội của bà mấy ai có thể so được? Cho dù thời đại biến đổi ra sao, cuốn sách Nữ giới vẫn là bài học quý giá đối với người phụ nữ đương thời.
Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/68371
[1] Chú thích của Chánh Kiến tiếng Việt: Hiện chúng tôi chưa dịch cuốn sách “nữ giới” này ra tiếng Việt, độc giả có thể tìm kiếm các bản dịch có sẵn trên mạng để tham khảo.
Ngày đăng: 05-11-2020
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.