Cúi đầu, nhận sai, xin lỗi



Tác giả: Đệ tử Đại Pháp tại Hà Bắc, Trung Quốc

 

[ChanhKien.org] Trong hơn 20 năm tu luyện, tôi vẫn luôn bài trừ tâm oán hận, tâm tranh đấu và chấp trước vào tình thân quyến. Tuy nhiên, mỗi khi gặp khảo nghiệm tâm tính, liền bị nhân tâm khống chế, dẫn động, rơi vào trong vòng xoáy của tranh đấu, chỉ trích, oán hận, luôn không vừa lòng với người khác, luôn cho rằng đó là lỗi của người khác, không nghĩ ra phải hướng nội tìm.

Khi đọc bài viết “Học cách xin lỗi” của đồng tu đăng ngày 9 tháng 3 năm 2020 trên trang Minh Huệ Net, bài viết đã khích lệ tôi rất nhiều. Đồng tu viết: “Đôi khi tôi biết rõ là bản thân mình sai rồi, trong lòng biết là sai nhưng cũng không thừa nhận, không mở miệng xin lỗi”. Nghĩ lại chẳng phải cũng giống bản thân tôi sao? Trong lòng rất cố chấp cảm thấy không ai xứng đáng để mình xin lỗi, càng không nói đến việc nói lời xin lỗi ai. Tôi nhận ra rằng, lý do tôi vẫn chưa tu bỏ được những tâm chấp trước này là vì tôi chưa tìm thấy được căn nguyên của chúng, căn nguyên này chính là không chịu cúi đầu, không nhận sai, không xin lỗi. Đây là do nhiều năm bị nhồi nhét văn hóa đảng đã hình thành nên trong tôi tâm thái cố chấp mạnh mẽ, tự cho mình là đúng, khinh miệt coi thường người khác, không nghĩ đến cảm nhận của người khác…… Tu luyện đã nhiều năm như vậy, tôi vẫn tự cho rằng bản thân tu luyện rất tốt, Pháp cũng đã học rất nhiều lần, Pháp lý cũng đã minh bạch ra khá nhiều, liền cảm thấy mình là người siêu thường khác với những người bình thường. Tuy nhiên, khi gặp mâu thuẫn, khi nhân tâm bị kích động, những biểu hiện lúc đó như biện bạch tranh đấu, chỉ trích, thù hận, v.v. đã hoàn toàn tách rời với Chân – Thiện – Nhẫn, không phù hợp với biểu hiện của người tu luyện. Lúc này, cho dù đó có phải là lỗi của tôi hay không, nếu buộc tôi cúi đầu, thừa nhận sai lầm của mình và xin lỗi, đó thực sự là chuyện hoang đường, hoàn toàn không làm được điều đó.

Tại nơi làm việc, không chỉ một người nói điều này với tôi: “Bạn đã chịu phục ai chưa! Hay vẫn chỉ trong tình trạng là kẻ tám lạng người nửa cân!” Mỗi khi nghe điều này, tôi đều biện bạch thanh minh, phủ nhận rằng tôi đã cư xử theo cách đó. Thật ra, khi nhìn lại, tôi thực sự như vậy: Tâm thái cố chấp mạnh mẽ, tự cho mình là đúng, khinh miệt coi thường và không nghĩ đến cảm nhận của người khác, lúc đó không có mấy người có thể lọt vào mắt tôi. Một cái tâm bất hảo mà bên trong mang đầy tranh đấu, oán hận, tật đố v.v. liệu có thể biểu hiện ra bên ngoài sự tường hòa được không?

Nhận thức được vấn đề gốc rễ này, tôi cảm thấy nội tâm nhẹ hơn rất nhiều, đồng thời tự hỏi bản thân: cúi đầu, thừa nhận sai lầm, xin lỗi thế nào đây? Thực sự khó như thế sao? Sai thì phải cúi đầu nhận sai, xin lỗi một lời, sửa đi là được thôi. Chẳng phải tu luyện là hướng nội mà tìm vấn đề của mình sao? Ngay cả khi không phải là lỗi của mình, tôi thấy rằng vẫn phải tìm ra vấn đề của bản thân, huống chi mâu thuẫn bắt nguồn từ chính mình? Hướng nội tìm mới có thể thực sự giải quyết vấn đề, mới thực sự có thể đạt được đề cao trong quá trình tu luyện.

Những cố chấp trong tâm là quan niệm cạnh tranh được hình thành trong văn hóa tà đảng, tất cả mọi thứ phải là đầu tiên, dần dần hình thành tâm sỹ diện, tâm hư vinh, tâm danh lợi, tâm tật đố mạnh mẽ. Tà Đảng Trung Cộng chính là đào tạo mọi người thành đấu sĩ, vì lợi ích cá nhân mà không từ thủ đoạn nào, cuối cùng làm cho con người tiến tới hủy diệt. Do đó, phải nhất định quét sạch triệt để các độc tố văn hóa của tà đảng trong tâm mình, dùng Đại Pháp Chân – Thiện – Nhẫn để không ngừng thuần tịnh bản thân, tu bỏ tâm thái cố chấp cao cao tại thượng, vững bước đi tốt con đường tu luyện Chính Pháp, hoàn thành sứ mệnh trợ Sư Chính Pháp.

Một chút nhận thức ở giai đoạn hiện nay, mong các đồng tu từ bi chỉ rõ.

 

Dịch từ: http://big5.zhengjian.org/node/257796



Ngày đăng: 20-07-2020

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.