Tự đại, tự ti và khiêm nhường



Tác giả: Đệ tử Đại Pháp

[ChanhKien.org] Tôi xin chia sẻ một chút cảm nghĩ gần đây về mối quan hệ và sự khác nhau giữa tự đại, tự ti và khiêm nhường.

Tự đại là khi con người cảm thấy mình có sở trường về một số phương diện nào đó, từ đó mà coi thường người khác. Còn tự ti là khi con người cảm thấy mình có thiếu sót, khiếm khuyết về một số phương diện nào đó mà cho rằng mình không bằng người khác. Cả hai loại cảm xúc này cùng tồn tại, là do người ta dùng quan niệm người thường để so sánh bản thân với người khác, từ đó sinh ra cảm giác thấy mình cao hơn hoặc thấp hơn người khác.

Do đó, tự đại và tự ti thường cùng tồn tại trong một con người. Để khiến cho người khác phải tôn trọng mình, người tự ti nỗ lực tích lũy những điều tốt đẹp trên thế gian (kỹ năng, của cải, danh tiếng, quyền lực, mối quan hệ, v.v.) để chứng tỏ bản thân. Sau này nếu họ thực sự thành công thì thoắt một cái họ sẽ biến thành người tự đại, nhưng vẫn ở trong cùng một tầng thứ đó thôi.

Tự đại là một loại tâm rất không tốt, thậm chí là khởi nguồn của “tự tâm sinh ma”. Các đồng tu khi tham gia một hạng mục có thể có cảm giác như thế này, lúc mới tham gia, thường trong họ tâm khá thuần tịnh, nhưng sau một thời gian dài, nhất là sau khi có được thành công ở một số phương diện, những lời khen ngợi và khẳng định mà họ nhận được thường khiến họ khuếch đại nhân tâm. Như Sư phụ đã giảng trong Chuyển Pháp Luân:

Bình thường chư vị thấy họ rất tốt; khi chưa có bản sự gì nơi xã hội người thường, thì tâm danh lợi của họ rất nhẹ. Rồi một khi nổi danh, thông thường họ rất dễ bị tâm danh lợi can nhiễu; họ cảm thấy năm tháng đời này còn là một chặng đường rất dài, còn cần chạy vạy này khác, [còn cần] phấn đấu một phen để đạt được một mục tiêu nào đó nơi người thường.

Khiêm nhường không liên quan đến tự ti, khiêm nhường là một tâm thái không dùng quan niệm của mình để so sánh bản thân với người khác. Đó là tâm thái của một sinh mệnh vượt ra ngoài thế giới trần tục, đối diện với Thần và chúng sinh bằng chân ngã của mình.

Trong các tiết mục biểu diễn của Thần Vận hàng năm đều có một tiết mục về tiểu hòa thượng. Trong chùa, tiểu hòa thượng là người có địa vị thấp nhất, bị coi thường nhất, chịu khổ nhiều nhất, nhưng tiểu hòa thượng lại không tính toán được mất với người khác, chính nhờ có thái độ khiêm nhường đó mà được Thần coi trọng nhất.

Người tự đại chỉ là miệng hùm gan thỏ, còn người khiêm nhường mới thực sự có sức mạnh, người tu luyện nên càng tu càng khiêm nhường.

Một chút thể ngộ của bản thân, xin từ bi chỉ ra những điều chưa phù hợp.

Hợp thập!

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/251090



Ngày đăng: 08-09-2019

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.