Họ vẫn kiên định suốt 17 năm bất chấp gió mưa băng tuyết
Tác giả: Một đệ tử Đại Pháp ở hải ngoại
[ChanhKien.org]
Các học viên Pháp Luân Công thỉnh nguyện trước Đại sứ quán Trung Quốc tại Toronto
Sáng sớm tinh mơ, trước cửa một viện dưỡng lão ở quận Đông của Toronto, một bà cụ có dáng người ốm và thấp bé đang đứng chờ xe buýt. Tên của bà là Đỗ Linh Mai, năm nay 80 tuổi. Lịch trình hàng ngày của bà là đón xe buýt đến Đại sứ quán Trung Quốc ở trung tâm thành phố.
Đại sứ quán Trung Quốc tọa lạc trên đại lộ St George, đây là một con đường khá yên tĩnh nhưng nằm gần đại lộ Bloor là nơi tấp nập hơn. Ước tính mỗi năm có hơn 10.000 phương tiện giao thông và khách bộ hành đi qua Đại sứ quán này. Kể từ mùa hè năm 2000, đây đã trở thành nơi mà bà Mai ghé đến hàng ngày. Bà và những đồng tu đã cùng nhau dựng biểu ngữ và phát tờ rơi ở đây trong 17 năm qua.
Thân tâm khỏe mạnh và an lạc nhờ luyện tập Pháp Luân Công
Trước khi về hưu vào đầu thập niên 90, bà Đỗ Linh Mai đã từng làm việc tại một xưởng sản xuất giày dép. Bà đã mắc nhiều căn bệnh như: đau thắt lưng, sốt cỏ khô, dễ mắc cảm lạnh v.v. Cứ mỗi độ mùa xuân sang hoặc mùa thu tới là các dây chằng của bà lại căng lên và da dẻ cực kỳ ngứa ngáy khó chịu. Cơn đau lưng cũng gây khó khăn cho bà trong việc đi lại và nằm ngủ. Bà đã cố tìm đến những bác sĩ từ Trung y cho đến Tây y, đã thử nhiều phương thuốc khác nhau, nhưng đều vô hiệu. Bà cũng đã thử tập nhiều môn khí công nhưng các triệu chứng bệnh cũng chỉ suy giảm rất ít, còn cơn đau lưng thì vẫn rất dữ dội.
Bà Đỗ Linh Mai đứng trước Đại sứ quán Trung Quốc
Vào năm 1995, một nữ học viên Pháp Luân Công là Tương Tuyết Mai trong thời gian thăm gia đình tại Toronto đã tổ chức lớp học chín ngày tại nhà và mang Pháp Luân Công tới Toronto. Năm 1996, bà Mai đã gặp một phụ nữ ở trạm y tế và được giới thiệu về Pháp Luân Công.
Vào thời điểm đó, bà phải chứng kiến mẹ của mình vật lộn với bệnh tật, nằm liệt giường trong đau đớn khôn nguôi. Bà Mai thầm ước mình sẽ không phải chịu đựng số phận tương tự khi mình về già. Với mục đích chữa bệnh khỏe người, bà đã tập “thử nghiệm” với Pháp Luân Công. Một hôm, không nhớ rõ là ngày nào, bà bỗng cảm thấy cơn đau lưng đã ngưng hẳn, và cơn đau đầu cũng biến mất, tất cả sự đau đớn trên thân thể bà đã biến mất sau một đêm.
Học viên Pháp Luân Công không chỉ luyện năm bài công pháp mà còn được yêu cầu phải sống theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn. Ban đầu, bà Mai lo ngại rằng mình không thể nào tuân theo nguyên lý ấy được, nhưng bà đã nỗ lực thay đổi bản thân mình. Bà không còn bực bội và nóng nảy mỗi khi gặp chuyện trái ý nữa; bà cũng buông bỏ ham muốn về lợi ích và đốt hết tất cả giấy nợ của bạn bè cũng như giấy đòi lại tiền mua hàng. Bà cũng đã tự nguyện chăm sóc cho người mẹ già đang mang bệnh của mình. Dần dần, họ hàng của bà thấy rằng bà đã hòa nhã và dễ gần hơn. Khi người tư vấn tài chính của bà chứng kiến những thay đổi ấy, vị này cũng đã bắt đầu luyện tập Pháp Luân Công.
Thỉnh nguyện ôn hòa trước Đại sứ quán Trung Quốc
Ngày 20 tháng 07 năm 1999, cựu lãnh đạo của đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lúc bấy giờ là Giang Trạch Dân đã phát động cuộc đàn áp có hệ thống đối với Pháp Luân Công ở Trung Quốc. Rất nhiều học viên đã bị bắt và cầm tù tại các trại giam và trung tâm tẩy não. Chiến dịch tuyên truyền của truyền thông Trung Quốc đã lan rộng đến các quốc gia trên thế giới. Vào thời điểm đó, có khoảng 150 học viên Pháp Luân Công ở Toronto. Nhiều học viên, cũng giống bà Mai, chưa có được hiểu biết sâu sắc về ý nghĩa của tu luyện nên đã có cảm tưởng như bị đánh một cú trời giáng. Họ thật sự sốc: “Tại sao môn tu luyện tốt như vậy lại bị cấm ở Trung Quốc?”
Ngày 24 tháng 07 năm 1999, các học viên ở Toronto đã gửi bức thư thỉnh nguyện đầu tiên đến Đại sứ quán Trung Quốc
Các học viên đã tình nguyện gửi thư tay dưới hình thức thỉnh nguyện đến Đại sứ quán Trung Quốc và đến các lãnh đạo của chính phủ Trung Quốc. Bà Mai đã tham gia nhóm thỉnh nguyện phía trước Đại sứ quán Trung Quốc. Họ thuần túy nghĩ rằng chính phủ Trung Quốc sẽ lắng nghe tiếng nói của họ. Nhưng cuộc đàn áp vẫn cứ tiếp diễn và ngày càng xấu xa hơn với số lượng báo cáo các tình huống bức hại học viên mỗi lúc một nhiều lên.
Ngày 21 tháng 01 năm 2000, học viên Pháp Luân Công ở tỉnh Sơn Đông là Trần Tử Tú đã bị tra tấn đến chết. Tin tức này gây chấn động trong cộng đồng học viên ở Toronto. Một vài học viên Tây phương đã bắt đầu biểu tình tuyệt thực bên ngoài Đại sứ quán Trung Quốc. Không lâu sau đó những học viên Trung Quốc khác đã tham gia cùng họ.
Khi ấy, bà Mai vừa mới nghỉ hưu. Bà là một trong những người đầu tiên tham gia thỉnh nguyện ôn hòa trước Đại sứ quán Trung Quốc và tình nguyện làm công tác điều phối. Họ chia ra mỗi phiên thỉnh nguyện kéo dài bốn tiếng đồng hồ vào ban ngày. Những học viên bận đi làm sẽ thay ca vào các phiên ban đêm; một vài sinh viên cũng tới tham gia trong vài giờ vào buổi chiều sau khi tan học.
Nhóm thỉnh nguyện bao gồm cả học viên già lẫn trẻ này đã khởi động cuộc thỉnh nguyện luân phiên trong 24 giờ.
Kiên định trong gió, mưa, băng, tuyết
Đại sứ quán Trung Quốc là cửa sổ của ĐCSTQ mở ra nước ngoài. Sự xuất hiện của những học viên Pháp Luân Công tất nhiên đã khiến họ rất lo ngại. ĐCSTQ đã vận dụng mọi biện pháp trong phạm vi quyền lực của họ nhằm ngăn cản các học viên bằng cách dựng hàng rào chắn, giăng biểu ngữ, dùng thùng nước tưới hoa để đổ nước lên người các học viên v.v. Vì thế bà Mai và các học viên đã phải mặc áo mưa trong khi ngồi thiền định.
Mùa đông ở Toronto cực kỳ lạnh giá, có khi nhiệt độ xuống thấp đến âm 20~30 độ C. Chỉ ở ngoài trời 15 phút thôi cũng đã khó chịu lắm rồi. Nhưng bà Mai và các học viên vẫn duy trì tại vị trí ấy hàng giờ đồng hồ liên tục. Họ còn dựng lên một chỗ trú nhỏ bằng gỗ chỉ vừa một người ngồi để thiền định trong đó, còn các học viên khác phải ngồi bên ngoài. Sau đó, chỗ trú đã bị dẹp bỏ do sự can thiệp của Đại sứ quán Trung Quốc. Các học viên ở phiên thỉnh nguyện đêm phải thay phiên nhau vào trong xe hơi để sưởi ấm.
Mùa đông năm 2002, các học viên Pháp Luân Công thỉnh nguyện hòa bình trước Đại sứ quán Trung Quốc ở Toronto
Các học viên đã nhét những vật làm ấm vào trong găng tay; một số thì nấu chín khoai tây rồi mang đến phiên thỉnh nguyện đêm, giúp những đồng tu ở đó giữ ấm trong cái lạnh buốt giá.
Có lần một cơn bão đã xô một cái cây to ngã xuống gần đó, nhưng các học viên vẫn kiên định tiếp tục ngồi thiền tĩnh lặng. Khi tuyết rơi mỗi lúc một nhiều hơn, tuyết đã đóng một lớp dày trên người họ. Tuy nhiên chính đống tuyết ấy đã che gió cho họ và họ không cảm thấy lạnh cho lắm.
Một hôm nhiệt độ hạ thấp xuống âm 30 độ C vào lúc nửa đêm, một số học viên thấy quá lạnh không thể ở lại nổi. Họ quyết định sẽ hạ biểu ngữ và về nhà. Ngay khi họ sắp sửa rời đi thì một học viên tên Hướng đã cùng vợ mang chăn lông đến. Thế là mọi người không bỏ cuộc và tiếp tục ở lại đó cùng nhau hoàn thành phiên thỉnh nguyện đêm.
Chứng kiến cái lạnh và sự ấm áp ở nơi nhân thế
Cứ như vậy, cho dù trời lạnh đến đâu đi nữa, vẫn luôn có học viên Pháp Luân Công thỉnh nguyện tại vị trí ấy. Họ đã tạo nên một cảnh tượng độc nhất vô nhị đối với người qua đường trong những tháng mùa đông. Tất cả cư dân ở đó đều rất chấn động và bắt đầu chú ý đến thông điệp của các học viên. Một số người còn đến hỏi thông tin vào lúc nửa đêm; một số người Tây phương đã mỉm cười và biểu lộ sự ấm áp như chào hỏi, nói “Vạn sự tốt lành cho bạn!”, hoặc đến bắt tay các học viên và nói “Tôi hiểu các bạn”. Một số đến và đặt tay lên ngực, nói: “Tôi đứng về phía các bạn”. Số khác thì đưa ngón tay cái lên và nói: “Tốt lắm, các bạn phải kiên trì nhé!”
Một nhân viên vệ sinh cứ nhất quyết mua cà phê mời họ vào mỗi buổi chiều; một số người Trung Quốc thì mang cà phê đến vào ban đêm. Khi một tài xế chạy ngang qua và nhìn thấy các học viên đang ngồi dưới mưa tầm tã trong đêm tối, ông đã quay đầu xe và mua cà phê; và một một quan chức chính phủ từ Đại sứ quán Trung Quốc đã chìa tay ra khỏi áo khoác và đưa ngón tay cái lên khi ông đi ngang qua một học viên.
Các học viên Pháp Luân Công biểu tình ôn hòa trước Đại sứ quán Trung Quốc
“Khó nhất là vào ban đêm. Không có nhà vệ sinh để đi. Một số học viên đến ba ngày sau còn chưa thấy hết lạnh. Và chúng tôi phải nhẫn chịu sự coi thường và bạo hành của một số người Trung Quốc không hiểu chân tướng”, bà Mai kể lại, “Rất khó chịu đựng, một số học viên đã bật khóc”.
“Nhưng tôi chưa từng khóc dù chỉ một lần!” Gương mặt bà Mai biểu lộ sự kiên định. “So với những học viên đang bị bức hại trong môi trường hà khắc ở Trung Quốc, những gì chúng tôi trải qua ở đây chưa là gì cả”.
Bà Mai thường trải nghiệm được những điều kỳ diệu: “Trong khi trời đang rét căm căm, nhưng chân tôi lại ấm lên mỗi khi ngồi thiền”. “Đó là lý do vì sao tôi có thể ngồi đến cuối phiên thỉnh nguyện. Nếu không thì rất khó để cầm cự trong vài tiếng đồng hồ”.
Chừng nào cuộc bức hại chưa kết thúc thì chúng tôi chưa dừng biểu tình
Thời gian thấm thoắt trôi qua và năm 2017 đã đến. Bà Mai và các học viên vẫn kiên định trước Đại sứ quán Trung Quốc trong 17 năm qua. Họ duy trì việc biểu tình luân phiên 24 giờ cho đến năm 2009, và sau đó chuyển sang các phiên buổi sáng. Ba ngày trước, bà Mai không còn làm người điều phối nữa, nhưng bà vẫn đến Đại sứ quán Trung Quốc ít nhất sáu ngày mỗi tuần.
Trong gần 18 năm qua thế giới đã thay đổi rất nhiều. Cuộc đàn áp Pháp Luân Công của ĐCSTQ đã thu hút được sự quan tâm của thế giới. Những học viên ở Toronto, từ số lượng ít ỏi ban đầu, đã phát triển lên đến hàng ngàn người. Sau từng ấy năm, khi các học viên đi đến những ngôi làng nhỏ ở ngoại ô, một số người vẫn còn hỏi: “Có phải các bạn là những người biểu tình trước Đại sứ quán Trung Quốc không?”
Hình ảnh của bà Đỗ Linh Mai “đứng vững” trước Đại sứ quán Trung Quốc chỉ là một ví dụ nhỏ trong số những hoạt động ôn hòa phản bức hại của các học viên Pháp Luân Công trên toàn thế giới. Trong 18 năm qua, các học viên ở Toronto đã bắt kịp với các học viên Pháp Luân Công trên khắp thế giới, và đã tạo nên nhiều kỳ tích làm cảm động trời đất.
“Chừng nào cuộc đàn áp chưa chấm dứt, các hoạt động phản đối bức hại của chúng tôi sẽ chưa dừng lại”, bà Mai nói tiếp, “Tôi sẽ tiếp tục bước trên con đường mà tôi biết là đúng đắn”. Bà tin rằng: Tà ác nhất định sẽ bị đánh bại, và công lý chắc chắn sẽ được thực thi!!
Dịch từ: http://www.pureinsight.org/node/7252
Ngày đăng: 30-10-2017
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.