Bàn về giấc mơ (3/12) : Giấc mơ báo trước sự ra đời



Tác giả: Chiếu Viễn

[ChanhKien.org] Tiếp theo phần 2

3. Giấc mơ báo trước sự ra đời

Những giấc mơ báo trước về sự ra đời của một người nào đó xảy ra trước khi người đó chào đời, cha mẹ, ông bà của người đó, thậm chí một người khác đã nằm mơ thấy lai lịch, đặc điểm, cá tính, tiền đồ,… thậm chí sứ mệnh lịch sử của người đó. Ví dụ, trước khi Lý Bạch sinh ra, mẹ ông đã từng mơ thấy Thái Bạch Kim Tinh, vì thế bà đặt tên con là Lý Bạch, tự Thái Bạch. Trước khi thi nhân thời Bắc Tống là Quách Tường Chính chào đời, mẹ ông đã mơ thấy Lý Bạch. Thuở nhỏ Quách Tường Chính từng đến thăm Mai Nghiêu Thần, một thi nhân nổi tiếng theo chủ nghĩa hiện thực giảng dạy tại Quốc Tử Giám, Quách Tường Chính gửi thơ của mình cho Mai Nghiêu Thần xem, Mai Nghiêu Thần đọc xong kinh ngạc nói: “Đây chính là thiên tài, đúng là hậu sinh của Thái Bạch!” và sáng tác bài thơ “Thái Thạch Nguyệt” tặng cho Quách Tường Chính. Khi đó các danh sỹ trên thi đàn như Trịnh Hải, Phan Hưng Tự cũng ca ngợi Quách Tường Chính là “Giang Nam hựu hữu trích tiên nhân”, “Nhân nghi Thái Bạch thị trùng sinh” (Thần Tiên lại giáng hạ xuống vùng Giang Nam; Lẽ nào là Thái Bạch chuyển sinh).

Những ví dụ sau đây đa phần đều mang màu sắc dự ngôn, nhưng lại có điểm khác biệt so với những dự ngôn thông thường, cho nên khi giới thiệu tới độc giả, chúng tôi xếp chúng vào một thể loại giấc mơ.

Ví dụ 1: Đường Thúc Ngu thời nhà Tấn là con trai của Châu Võ Vương, em trai của Châu Thành Vương. Mới đầu, khi Châu Võ Vương và mẹ của Thúc Ngu gặp nhau, mẹ của Đường Thúc Ngu mơ thấy ông Trời nói với Châu Võ Vương rằng: “Ta cho con sinh một đứa con trai, tên là Ngu, ta ban cho nó Đường quốc (Đường quốc là một nước chư hầu từ thời Hạ Thương Châu cho đến thời Xuân Thu Chiến Quốc).” Sau đó Võ Vương phu nhân sinh hạ một bé trai, nhìn thấy trong lòng bàn tay bé trai quả nhiên có ghi chữ “Ngu”, cho nên bé trai được đặt tên là “Ngu”. Sau khi Châu Võ Vương tạ thế, Châu Thành Vương kế vị (lúc này Châu Thành Vương còn nhỏ tuổi, Châu Công tức Cơ Đán là chú của Châu Thành Vương làm phụ chính phò tá Châu Thành Vương), nước Đường xảy ra bạo loạn, Châu Công chiếm được Đường quốc. Một hôm, Châu Thành Vương và Thúc Ngu chơi trò chơi, Thành Vương cắt một chiếc lá cây ngô đồng thành hình ngọc khuê đưa cho Thúc Ngu và nói: “Ta phong cho đệ phần đất này”. Thế là sử quan thỉnh xin chọn một ngày đẹp để phong Thúc Ngu làm chư hầu. Châu Thành Vương nói: “Ta chỉ nói đùa với đệ ấy thôi!” Sử quan nói: “Thiên tử không nói chơi bao giờ. Chỉ cần nói ra, sử quan liền ghi chép lại đúng sự thật, làm theo đúng nghi lễ, rồi mở tiệc ăn mừng.” Vậy là Châu Thành Vương phong Đường quốc cho Thúc Ngu. Đường quốc ở phía đông Hoàng Hà và Phần Hà, chu vi 100 dặm, cho nên gọi là Đường Thúc Ngu, họ Cơ, tự Tử Vu. (Theo quyển 39 “Tấn Thế Gia”, Sử Ký)

Ví dụ 2: Vệ Tương Công trị vì nước Vệ thời kỳ Xuân Thu Chiến Quốc, tạ thế năm 535 TCN. Vệ Tương Công có một người tiểu thiếp rất được ông sủng ái, khi cô mang thai từng mơ thấy có người nói với cô: “Ta là Khang Thúc, ta nhất định sẽ để con trai cô được hưởng uy quyền của nước Vệ, con trai của cô sẽ lấy tên là ‘Nguyên’.” Cô tiểu thiếp này tỉnh dậy vô cùng kinh ngạc, liền đi hỏi Khổng Thành Tử. Khổng Thành Tử nói: “Khang Thúc chính là người khai sáng ra nước Vệ.” Đến khi cô tiểu thiếp sinh con, quả đúng là một bé trai, cô bèn đem chuyện trong mộng kể lại cho Vệ Tương Công. Tương Công nói: “Đây là an bài của Trời!” Thế là ông đặt tên con là Nguyên, do lúc đó vợ chính của Tương Công chưa sinh con trai, ông bèn lập cậu bé Nguyên làm con trai trưởng, đặt là Vệ Linh Công. (Theo “Vệ Khang Thúc Thế Gia”, quyển 37 “Vệ Khang Thúc Thế Gia Đệ Thất”, Sử Ký)

Ví dụ 3: Khi xưa, vua nước Yên là Tàng Đồ có một người cháu gái tên là Tàng Nhi, gả cho Vương Trọng ở Hòe Lý. Sau khi cô sinh hạ được một người con trai là Vương Tín và hai người con gái thì Vương Trọng qua đời; Tàng Nhi bèn tái giá đến nhà họ Điền người Trường Lăng, sinh được hai người con trai là Điền Hòa và Điền Thắng. Đến thời Hán Văn Đế, con gái lớn của Tàng Nhi được gả cho Kim Vương Tôn và sinh được người con gái là Kim Tục. Khi Tàng Nhi xem bói vận mệnh cho con trai và con gái, thầy bói nói: “Hai người con gái của cô đều có có số mệnh cao quý.” Tàng Nhi liền đòi lại con gái từ nhà Kim Vương Tôn, Kim Vương Tôn vô cùng tức giận, không muốn chia tay vợ. Nhưng cuối cùng Tàng Nhi vẫn đưa con gái lớn vào cung thái tử, cô sinh được người con trai là Lưu Triệt. Khi cô mang thai Lưu Triệt từng mơ thấy Mặt Trời tiến vào trong bụng cô. (Theo Tư Trị Thông Giám)

Ví dụ 4: Chuyện về Hán Vũ Đế Lưu Triệt, trong Thái Bình Quảng Ký còn có ghi chép như sau, đoạn ghi chép này mô tả lại cảnh trong giấc mơ của Hán Cảnh Đế Lưu Khởi, cha của Hán Vũ Đế:

Hoàng đế Hán Hiếu Vũ Lưu Triệt là con trai của Hán Cảnh Đế Lưu Khởi, trước khi Vũ Đế sinh ra, Cảnh Đế nhìn thấy một con rồng màu đỏ từ trong mây bay xuống và tiến thẳng vào trong cung Sùng Phương Các. Cảnh Đế giật mình tỉnh giấc. Ông liền đến Sùng Phương Các, ngẩng đầu lên nhìn, quả nhiên có một con rồng màu đỏ đang bay lượn trong không trung che phủ hết các cửa sổ của Sùng Phương Các. Các phi tần trong cung cũng nhìn thấy trên Sùng Phương Các có áng mây màu đỏ lờ mờ che phủ. Sau khi áng mây đỏ tan đi, liền nhìn thấy một con rồng đỏ lượn vòng giữa xà ngang trong cung.

Cảnh Đế liền triệu vị thầy bói là Diêu Ông đến thỉnh giáo, Diêu Ông nói: “Đây là điềm báo đại cát đại lợi. Tại Sùng Phương Các này nhất định sẽ xuất sinh ra một người nắm giữ vận mệnh của quốc gia, người ấy sẽ bình định dị tộc Di, Địch ở phương bắc, làm cho vận nước hưng thịnh, trở thành một vị minh chủ trong thời kỳ hưng thịnh của vương triều họ Lưu. Nhưng vị minh chủ này cũng sẽ làm ra rất nhiều chuyện kỳ quái.”

Sau đó Cảnh Đế lại mơ thấy một vị nữ Thần hai tay bưng Mặt Trời trao cho Vương phu nhân (con gái lớn của Tàng Nhi), Vương phu nhân liền nuốt Mặt Trời vào bụng. Vương phu nhân mang thai 14 tháng mới sinh ra Vũ Đế, Cảnh Đế nói: “Ta mơ thấy khói mây màu đỏ hóa thành rồng đỏ, thầy bói nói là điềm báo cát tường, cho nên đứa con trai này có thể lấy tên là “Cát”.

Khi Vũ Đế được ba tuổi, Cảnh Đế bế con trên đầu gối, biết đứa bé này vô cùng thông minh, liền hỏi con rằng có muốn làm hoàng đế hay không. Vũ Đế nói: “Việc này là do Thiên thượng an bài, không phải do bản thân con quyết định. Nhưng mà con muốn hằng ngày ở trong cung, vui chơi bên phụ thân, con nhất định sẽ không xấc xược vô lễ mà sẽ làm tận trách nhiệm của người con.” Cảnh Đế nghe xong, trong lòng lại càng thêm kinh ngạc, từ đó ông rất chú ý dạy dỗ bồi dưỡng đứa bé này.

Ví dụ 5: Thời Tam Quốc, năm thứ 20 Kiến An, trước khi Can phu nhân sinh con trai cho Lưu Bị, đặt tên là Lưu Thiền. Một đêm có một con hạc bay đến đậu ở trên cung điện, cất cao hơn 40 tiếng hót rồi bay về hướng tây. Lúc sắp sinh, mùi hương kỳ lạ bay khắp phòng. Ban đêm, Can phu nhân nằm ngủ mơ thấy mình ngẩng mặt lên nuốt sao Bắc Đẩu, vì thế mà mang thai, cho nên bà đặt tên mụ cho con là A Đẩu. (Theo hồi 34, Tam Quốc Diễn Nghĩa)

Ví dụ 6: Theo Tấn Thư ghi chép, Hiếu Vũ Hoàng Đế triều Tấn là Tư Mã Diệu, tự Xương Minh, ông là con trai thứ 3 của Giản Văn Đế. Lúc đầu, Giản Văn Đế từng nhìn thấy có lời sấm nói: “Tấn tộ tận Xương Minh” (Đời nhà Tấn kết thúc ở Xương Minh). Trước khi Tư Mã Diệu ra đời, Lý thái hậu mơ thấy có vị Thần nói với bà: “Con sẽ sinh một bé trai, lấy tự là Xương Minh”. Khi Tư Mã Diệu chào đời cũng là lúc bình minh, cho nên có tên là Xương Minh. Giản Văn Đế sau này mới minh bạch được hàm nghĩa của câu sấm năm xưa, ông đau xót mà rơi lệ. (Sau khi Tư Mã Diệu qua đời không lâu, vận nước của triều Tấn dần dần đi xuống, chiến loạn liên miên, hai mươi mấy năm sau, triều Tấn diệt vong).

Ví dụ 7: Thời Bắc Chu, Hứa quốc công Vũ Văn Quý, tự Vĩnh Quý, tổ tiên của ông là người Đại Cức, Xương Lê, về sau di cư đến Hạ Châu (nay là vùng đông bắc huyện Tịnh Biên, tỉnh Thiểm Tây). Cha của ông là Vũ Văn Mạc Đậu Can, trong những năm Bảo Định vì lập công lao to lớn nên được truy phong làm Trụ quốc đại tướng quân, thiếu phó, Hạ Châu sách sử, An Bình quận công. Khi mẹ của Vũ Văn Quý mới mang thai ông, bà mơ thấy có một ông lão tay bế một đứa bé đưa cho bà và nói: “Ta ban cho con đứa bé này để con trường thọ và được hưởng phú quý.” Sau khi Vũ Văn Quý chào đời, hình dáng trông rất giống với đứa bé trong giấc mơ, vì thế mà lấy tên chữ là Vĩnh Quý. Từ nhỏ Vĩnh Quý đã bái sư học kinh sử, về sau có chí kiến lập sự nghiệp, liền bỏ văn tập võ. Những năm cuối Chính Quang Hiếu Minh Đế triều Bắc Ngụy, quân dân sáu trấn ở phương bắc không chịu được sự bóc lột của trấn tướng, cuối cùng nổ ra cuộc khởi nghĩa lớn, sáu trấn trong ngoài Trường Thành nhanh chóng bị quân khởi nghĩa khống chế. Khi quân khởi nghĩa của Phá Lục Hàn Bạt Lăng ở Ốc Dã trấn (nay thuộc Ngũ Nguyên ở Nội Mông Cổ) tấn công Hạ Châu, thứ sử Hạ Châu Nguyên Tử Ung triệu gọi Vũ Văn Quý giữ thành, nhận chức trách thống lĩnh quân. Về sau, Vũ Văn Quý dưới quyền lãnh đạo của Nhĩ Chu Vinh tham gia trấn áp quân khởi nghĩa của Cát Vinh, nổi tiếng nhờ vào khả năng tác chiến dũng mãnh nên được đề bạt làm biệt tướng, sau đó làm đại đô đốc, rất được Chu Văn Đế trọng dụng. (Theo Bắc Sử)

Ví dụ 8: Bắc Ngụy Tuyên Vũ Đế Nguyên Khác (483 – 515) thời kỳ Nam Bắc triều, là con thứ của Bắc Ngụy Hiếu Văn Đế Nguyên Hồng, mẹ ruột của ông là Văn Chiêu hoàng hậu Cao Chiếu Dung, ông là vị hoàng đế thứ tám triều Bắc Ngụy, tại vị năm 499 đến năm 515. Năm xưa, mẹ của Nguyên Khác từng mơ thấy Mặt Trời đuổi theo, bà trốn dưới gầm giường, Mặt Trời biến thành rồng, quấn mấy vòng quanh người bà, Cao Chiếu Dung tỉnh lại hồi hộp sợ hãi không ngớt, sau đó bà mang thai; ngày mùng 05 tháng 04 nhuận, năm thứ bảy Thái Hòa (năm 483), Cao Chiếu Dung sinh hạ Nguyên Khác. (Theo quyển 4 “Ngụy Bản Ký đệ tứ”, Bắc Sử)

Ví dụ 9: Thượng Quan Chiêu Dung triều Đường, khi mẹ cô mới mang thai cô, từng mơ thấy có một vị Thần Tiên đưa cho bà một cái cân rất lớn, dùng nó có thể cân cả thiên hạ. Sau khi Thượng Quan Chiêu Dung chào đời được hai tháng, người mẹ Trịnh Thị nói đùa với con: “Con chính là người cân đo cả thiên hạ có đúng không?” Đứa bé liền ê a trả lời: “Đúng!” Thời thơ ấu gia đình gặp nạn, Thượng Quan Chiêu Dung theo mẹ Trịnh Thị vào Dịch Đình (nơi ở của các phi tần trong cung). Năm 14 tuổi, Chiêu Dung thông minh nhanh nhẹn, hiểu biết sâu rộng, tỏ ra là một người tài hoa không ai sánh kịp. Hoàng hậu Tắc Thiên nghe nói vậy liền muốn kiểm tra cô, thấy cô vừa nhấc bút đặt lên giấy, văn chương lập tức tuôn ra, giống như đã chuẩn bị sẵn trong đầu. Từ năm Vũ Châu Thông Thiên cho đến trước khi kiến lập Cảnh Long Văn Quán, cô chưởng quản công việc viết chiếu thư cho Võ Tắc Thiên. Các kế sách lớn của triều đình, xét xử việc quan trọng, phần nhiều đều do cô xem xét quyết định. Còn về việc tìm kiếm nhân tài xuất chúng, chiêu mộ người giỏi văn chương, cô lại càng dốc hết sức mình để làm. Suốt thời gian đó, trong nước xuất hiện nhiều nhân sĩ giỏi văn chương, triều đình cũng ít thấy những vị quan không học hành. Hơn 20 năm đó, người dân sống cảnh thanh bình, của rơi ngoài đường không ai nhặt, đây là nhờ công lao phò tá triều chính của Thượng Quan Chiêu Dung. Nhưng những năm cuối đời, cô lại câu thông với băng đảng bên ngoài cung giở trò mánh khóe, vì thế đã trở thành nhân vật nguy hiểm của triều đình, khi Đường Huyền Tông dẫn quân dẹp loạn, Thượng Quan Chiêu Dung đã tự sát. (Theo Cảnh Long Văn Quán Ký)

Ví dụ 10: Tiết Hạ người Thiên Thủy là người học rộng tài cao hiếm có trên đời. Khi mang thai ông, mẹ ông từng mơ thấy có người đưa đến một rương quần áo và nói: “Cô nhất định sẽ sinh một đứa con trai tài đức sáng suốt, được đế vương tôn sùng.” Bà ghi nhớ kỹ thời gian mơ giấc mơ này, Tiết Hạ chào đời và khi lớn đến khoảng 20 tuổi quả nhiên học thức hơn người. Ngụy Văn Đế cùng ông đàm luận cả ngày không nghỉ. Tư tưởng của ông sâu sắc, cách dùng từ hoa mỹ, không có vấn đề gì làm khó được ông. Ngụy Văn Đế nói: “Năm xưa Công Tôn Long được coi là có tài tranh biện, nhưng ông ta bảo thủ mà lại cuồng vọng. Hôm nay những điều khanh nói đều là những lời của thánh nhân, chỉ có thế hệ Tử Du, Tử Cống (học trò của Khổng Tử) mới sánh kịp. Nếu thầy Khổng Tử ở nước Ngụy thì nhất định sẽ đến thăm khanh.” Nói xong, Ngụy Văn Đế tự tay đề chữ “Nhập Thất Sinh” cho Tiết Hạ. Về sau ông trở thành Mật thư thừa (một chức quan). Nhà ông rất nghèo, Ngụy Văn Đế cởi áo của mình đưa cho ông, điều này giống với giấc mơ của mẹ ông. Khi đó ông rất nổi danh, là người hào hoa phong nhã được người đời ngưỡng mộ. (Theo Vương Tử Niên Thập Di Ký)

Ví dụ 11: Quán Vân Thạch (1286 – 1324) còn gọi là Tiểu Vân Thạch Hải Nhai, là tác gia Tản khúc thời nhà Nguyên, là một thi nhân và văn nhân nổi tiếng người dân tộc Duy Ngô Nhĩ, ông tinh thông Hán văn, lại có văn võ song toàn. Mẹ của ông là Liêm Thị, từng mơ thấy có vị Thần đưa một ngôi sao lớn cho bà nuốt vào bụng, sau đó bà lập tức mang thai. Đến khi sinh con, đứa bé thần thái khác thường, khi được 23 tuổi, sức khỏe hơn người, về sau nhiều lần lập kỳ công, được mời làm học sĩ hàn lâm, Trung phụng đại phu và Tri chế cáo đồng tu quốc sử. (Theo Nguyên Sử)

Ví dụ 12: Mẹ của Trương Thuyết thời Đường từng mơ thấy một con chim Ngọc Oanh từ hướng đông nam bay tới lao vào bụng bà, sau đó bà mang thai Trương Thuyết, về sau Trương Thuyết quả nhiên được phong làm Tể tướng. (Theo Khai Nguyên Thiên Bảo Di Sự)

Ví dụ 13: Dương Hoán, tự Hoán Nhiên, người Phụng Thiên, Càn Châu, là một nhà văn và nhà chính trị nổi tiếng triều Nguyên. Mẹ của Dương Hoán trước lúc chuyển dạ có mơ thấy ánh Mặt Trời từ hướng đông nam chiếu thẳng đến, rồi bỗng nhiên một vị Thần giáng lâm. Vị Thần đó tay cầm bút đưa cho đứa bé trong bụng. Một lúc sau, Dương Hoán cất tiếng khóc chào đời. Bởi vì có điềm báo trước, nên mẹ của ông lấy tên cho ông là “Hoán” (một trong 64 quẻ trong Kinh Dịch), ứng với quẻ tượng của sự văn vẻ. Về sau Dương Hoán quả nhiên thành tựu sự nghiệp văn học hơn người. (Theo “Dương Hoán truyện”, Nguyên Sử)

Ví dụ 14: Ngu Tập (1272 – 1348) là một trong bốn nhà nho nổi tiếng triều Nguyên; là một học giả, thi nhân nổi tiếng, tên là Bá Sinh, hiệu là Đạo Nguyên, được mọi người gọi là Thiệu Am tiên sinh. Cha của Ngu Tập là Ngu Cấp lấy vợ tên Dương Thị, Dương Thị là con gái của Quốc tử tế tửu Dương Văn Trọng. Do đã lấy vợ nhiều năm nhưng chưa có con, nên Ngu Cấp và Dương Văn Trọng đã đến Hành Sơn khu Nam Nhạc bái Phật cầu tự. Khi Ngu Tập sắp ra đời, buổi sáng sớm Dương Văn Trọng tỉnh dậy, sau khi mũ áo chỉnh tề rồi ông ngồi ngủ một giấc, mơ thấy một vị Đạo sĩ đến trước cửa, sau đó có người đến bẩm báo: “Nam Nhạc chân nhân đến gặp”. Tỉnh dậy thì nghe được tin vợ mình đã sinh được một bé trai, trong lòng thấy vô cùng kinh ngạc. (Theo Nguyên Sử)

Ví dụ 15: Lã Tư Thành (1923 – 1357), tự Trọng Thực, người Bình Định, là một đại thần tương đối nổi tiếng triều Nguyên. Ông từng nhậm các chức Ngự sử, Thị giảng học sĩ kiêm Quốc tử tế tửu ở Tập Hiền Viện, Hồ Quảng tham chính, Trung thư tham tri chính sự, Tả thừa sau chuyển sang Ngự sử trung thừa, Hàn lâm học sĩ của Quốc tử giám, quan kiểm duyệt biên sử ở viện Hàn lâm quốc sử, v.v. Lã Tư Thành tính tình cương trực, quật cường, dám khuyên can thẳng lời. Các tác phẩm nổi tiếng của ông có Giới Hiên Tập, Lưỡng Hán Thông Kỷ, Chính Điện Cử Yếu, Lĩnh Nam Tập. Mẹ ông là Phùng Thị từng mơ thấy một người đàn ông quấn khăn trùm đầu màu đen, mặc áo trắng, thắt dây đai màu đỏ, bước nhanh đến trước mặt bà hai tay chắp lễ nói: “Ta chính là Văn Xương Tinh.” Tỉnh dậy, Tư Thành liền chào đời, trong mắt có mang theo luồng ánh sáng thần kỳ, ai nhìn thấy cũng cảm thấy vô cùng kỳ lạ. (Theo Nguyên Sử)

Ví dụ 16: Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương, nguyên quán ở huyện Bái (nay thuộc tỉnh Giang Tô), sau đó chuyển đến Câu Dung, rồi lại chuyển đến Tứ Châu. Cha tên là Chu Thế Trân, lúc đầu từ Tứ Châu chuyển đến Chung Ly, Hào Châu, và sinh được bốn người con, Chu Nguyên Chương là con thứ hai. Mẹ ông họ Trần, khi mới mang thai ông, bà mơ thấy có vị Thần cho mình một viên thuốc. Khi được cầm trong lòng bàn tay, viên thuốc đó phát ra ánh sáng lấp lánh, bà liền nuốt vào bụng rồi tỉnh lại, khi tỉnh lại trong miệng vẫn còn vị thơm của thuốc. Đến khi sinh Chu Nguyên Chương, ánh sáng đỏ khắp phòng, từ đó ban đêm nhiều lần có ánh sáng chiếu rọi. Hàng xóm nhìn từ xa sợ hãi tưởng cháy nhà nên chạy tới giúp đỡ, nhưng khi đến nơi thì không thấy có gì cả. Sau khi Chu Nguyên Chương trưởng thành, dáng vẻ tài năng đều xuất chúng, tướng mạo phi thường, chí hướng cao xa, người khác nhìn khó mà đoán biết. (Theo “Thái Tổ Bản Ký”, Minh Sử)

Ví dụ 17: Minh Tuyên Tông Chu Chiêm Cơ (1398 – 31/01/1435) người Hán, là vị hoàng đế thứ năm của triều Minh. Ông là con trai trưởng của Minh Nhân Tông Chu Cao Sí, thuở nhỏ Chu Chiêm Cơ rất được ông nội Chu Lệ và cha yêu mến, khen ngợi. Trước hôm Chu Chiêm Cơ chào đời, Minh Thành Tổ Chu Lệ mơ thấy Thái Tổ Chu Nguyên Chương đưa cho ông một miếng ngọc lớn rồi nói: “Truyền cho con cháu, vĩnh thế hưng thịnh.” Khi Tuyên Tông đầy tháng, Minh Thành Tổ trông thấy nói: “Đứa bé này tràn đầy khí khái anh hùng, giống với giấc mơ của ta.” Khi hơi lớn một chút, Tuyên Tông đã thích thơ, kiến thức hơn người. (Theo “Tuyên Tông Bản Ký”, Minh Sử)

Ví dụ 18: Lý Tự Thành là người Mễ Chỉ, Thiểm Tây. Tổ tiên Lý Tự Thành nhiều đời cư trú tại Hoài Viễn Bảo, trại Lý Kế Thiên. Cha là Lý Thủ Trung, sau khi lấy vợ nhiều năm vẫn chưa có con, liền lên núi Hoa Sơn cầu khấn, rồi ông mơ thấy Thần nói với mình rằng: “Ta cho Phá Quân Tinh làm con trai ngươi.” Rồi sau đó sinh được người con trai là Lý Tự Thành. Lý Tự Thành thuở nhỏ tên là Ngải Thị Mục Dương, lớn lên giữ chức Ngân Xuyên Dịch Trạm của một trạm lính. Lý Tự Thành giỏi cưỡi ngựa bắn tên, hung ác vô lại, nhiều lần phạm pháp. Tri huyện Yến Tử Tân bắt Lý Tự Thành về quy án, khi sắp bị dồn vào chỗ chết, Lý Tự Thành thoát được và từ đó trở thành kẻ đồ tể. Những năm cuối Thiên Khải (niên hiệu Minh Hy Tông Chu Do Hiệu (1621 – 1627)), phe cánh của Ngụy Trung Hiền là Kiều Ưng Giáp làm tuần phủ Thiểm Tây, Chu Đồng Mông làm tuần phủ Diên Tuy, họ tham ô không làm tròn trách nhiệm, không chịu xét xử đạo tặc, từ đó đạo tặc bắt đầu làm loạn. (Theo “Truyện về Lý Tự Thành”, Minh Sử)

Ví dụ 19: Vương Thủ Nhân (Vương Dương Minh) được gọi là “nhà Nho toàn năng”, nổi tiếng là một nhà tư tưởng, nhà văn học, nhà triết học và nhà quân sự. (Ông là người phát triển học phái Lục Vương tâm học – một học phái của Nho giáo). Vương Thủ Nhân cũng là người tinh thông Nho gia, Đạo gia, Phật gia.

Mẹ của Vương Thủ Nhân mang thai ông 14 tháng mới sinh. Khi mang thai Vương Thủ Nhân, bà của ông mơ thấy có vị Thần Tiên cưỡi mây ngũ sắc đưa một đứa bé xuống, cho nên bà mới đặt tên cho cháu trai mình là Vân. Đến năm năm tuổi, Vương Thủ Nhân vẫn chưa biết nói, có một người biết Đạo thuật đến vỗ về rồi đổi tên ông thành Thủ Nhân, từ đó Vương Thủ Nhân mới biết nói. Năm 14 tuổi, ông từng đến chơi gần vùng Cư Dung Quan và Sơn Hải Quan. Ông thường hay trà trộn vào người dân đi ra khỏi vùng biên cương, để phóng tầm mắt quan sát địa hình núi sông. Đến năm 20 tuổi, ông trúng cử khoa thi hương, từ đó sự nghiệp học hành của ông tiến triển tốt.

Ví dụ 20: Sử Khả Pháp, tự Hiến Chi, nguyên quán ở Đại Hưng, nhưng ông lại là người huyện Tường Phù. Nhà ông được hưởng phong thường áo gấm truyền đời. Ông nội là Sử Ưng Nguyên, thi đỗ khoa thi hương, khi làm tri châu tại Hoàng Bình đã làm rất nhiều việc tốt cho bách tính. Ông từng nói với con trai Sử Tòng Chất rằng: “Gia đình ta nhất định sẽ hưng vượng”. Vợ của Tòng Chất mơ thấy Văn Thiên Tường đến nhà, rồi mang thai, sinh hạ Sử Khả Pháp. Khả Pháp từ nhỏ đã nổi tiếng hiếu thuận. Năm Sùng Trinh (1628) Sử Khả Pháp thi đỗ tiến sĩ và nhận lệnh làm thôi quan ở phủ Tây An, không lâu sau được thăng chức làm Hộ bộ chủ sự. Sử Khả Pháp cũng từng làm Viên ngoại lang và Lang trung. (Theo “Truyện về Sử Khả Pháp”, Minh Sử)

Ví dụ 21: Vũ Minh hoàng hậu Lâu Chiêu Quân nước Bắc Tề (501 – 562), người Bình Thành, quận Đại (nay thuộc Đại Đồng, Sơn Tây), dân tộc Tiên Ty, là con gái của Tư đồ Lâu Nội Can, vợ của Bắc tề vương Điện Cơ Nhân – Cao Hoan, là mẹ ruột của Bắc Tề vương Văn Tuyên Đế – Cao Dương. Năm thứ 10 Thiên Bảo (niên hiệu của Văn Tuyên Đế), Cao Ân kế vị, sau đó bị phế truất. Lâu Chiêu Quân được phong làm Thái hoàng thái hậu. Thái hậu có tổng cộng sáu người con trai và hai người con gái, khi mang thai đều có giấc mộng báo trước: mang thai Văn Tương bà mơ thấy có một đoạn thân rồng bị đứt; khi mang thai Văn Tuyên, bà mơ thấy một con rồng lớn có dáng vẻ làm người ta kinh sợ, đầu và đuôi nối liền trời đất, mở miệng ra thì mắt chuyển động; khi mang thai Hiếu Chiêu thì mơ thấy một con rồng trên mặt đất; khi mang thai Vũ Thành thì mơ thấy rồng đang tắm dưới biển; mang thai hai người con gái (sau đều làm hoàng hậu) đều mơ thấy có trăng tiến nhập vào trong bụng; khi mang thai hai vị vương là Tương Thành vương và Bác Lăng vương, bà đều mơ thấy có chuột chui vào trong quần áo. Khi hoàng hậu chưa băng hà, có bài đồng dao nói “Người mẹ của cửu long sau khi chết không được để tang.” Đến khi bà băng hà, Vũ Thành không thay đổi quần áo, mà vẫn mặc y bào màu đỏ như thường ngày. Không lâu sau, ông ta lên Tam Đài, tổ chức tiệc rượu tấu nhạc. Con gái của hoàng đế dâng lên y bào màu trắng, hoàng đế tức giận ném xuống dưới đài. Hòa Sĩ Khai thỉnh cầu cho dừng tấu nhạc, hoàng đế vô cùng tức giận, đánh Hòa Sĩ Khai. Hoàng đế đứng thứ chín trong các anh em, điều này ứng nghiệm với câu đồng dao trên. (Theo Bắc Tề Thư)

Ví dụ 22: Cha của Vương Tằng thời Tống, mỗi khi nhìn thấy trên mặt đất có tờ giấy có chữ, ông đều thu gom lại rồi dùng hương thơm rửa sạch sau đó mới đốt bỏ đi. Ông thường hay phát nguyện trong tâm rằng: “Hy vọng con cháu ta có thể hiển vinh nhờ tài văn chương.” Một buổi tối, ông mơ thấy Khổng Tử vỗ lưng mình rồi nói: “Ngươi tôn trọng những giáo lý của ta và chăm chỉ thực hành như vậy! Chỉ đáng tiếc là ngươi đã lớn tuổi rồi, không thể có được thành tựu gì nữa, sau này ta sẽ cho Tăng Sâm chuyển sinh vào nhà ngươi, để làm rạng rỡ tổ tiên nhà ngươi.” Không lâu sau, quả nhiên nhà ông sinh được một người con trai, vì thế mà ông đặt tên cho con là “Tăng”, về sau Vương Tăng thi đỗ Trạng nguyên. (Theo Sâm Học Đại Thành Văn Tập)

Những giấc mơ báo trước sự ra đời luôn tồn tại từ xưa đến nay ở khắp mọi nơi, những giấc mơ như vậy được ghi chép rất nhiều trong các sách sử, rất nhiều bậc đế vương, tướng lĩnh, quan thần và những văn nhân nổi tiếng trước khi chào đời thì mẹ hoặc người thân của họ đã có những giấc mơ báo trước về họ. Những cảnh tượng trong giấc mơ phản ánh một cách rõ nét đặc điểm tính cách, sự nghiệp tương lai của họ, thậm chí có giấc mơ còn ẩn chứa những bí ẩn của sinh mệnh. Ví như mẹ của Sử Tư Pháp sau khi mơ thấy Văn Thiên Tường đến nhà thì mang thai, rồi sinh ra Sử Tư Pháp, hai người này lại có đặc điểm cá tính và những trải nghiệm cuộc sống rất giống nhau, phải chăng chúng ta có thể liên tưởng đến Sử Tư Pháp chính là lần chuyển sinh vào triều Minh của Văn Thiên Tường? Vậy liên tưởng đến bản thân chúng ta, phải chăng chúng ta cũng đều có lai lịch và sứ mệnh của mình trong đời này?

(Còn tiếp)

Dịch từ:

http://www.zhengjian.org/2015/04/23/144903.说梦(3):与出生有关的梦.html



Ngày đăng: 14-10-2015

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.