Thử giải “Tây Du Ký” (3)



Tác giả: Đàn Trần

TayDuKy

[Chanhkien.org]

4. Luân hồi và nhân quả

Đường Tăng tu hành mười kiếp, đương nhiên là trong luân hồi chuyển sinh thành người mười lần để tu hành. Đường Thái Tông sau khi từ địa phủ trở về, ông thấy được con người đều có sinh tử luân hồi. Đường Thái Tông khi ở địa phủ còn đến nơi gọi là “Lục đạo luân hồi”, trong truyện nói về lục đạo luân hồi như sau: “Người hành thiện được thăng hoa lên Tiên đạo, người tận trung siêu sinh vào Quý đạo, người có hiếu tái sinh vào Phúc đạo, người công bằng vẫn được sinh vào Nhân đạo, người tích đức chuyển sinh vào Phú đạo, kẻ ác độc phải vào Quỷ đạo”.

Nói về luân hồi, ắt phải bàn về nhân quả, các ví dụ về phương diện này trong truyện có rất nhiều. Đường Tăng vì khinh mạn Phật Pháp, nên phải trải qua tu hành mười kiếp. Trong hồi thứ 81 “Trấn Hải tự tâm viên tri quái, Hắc Tùng lâm tam chúng tầm sư” có nói rằng, bởi vì Đường Tăng không nghe Phật giảng Pháp mà lại ngủ gật, nên lỡ chân dẫm phải một hạt gạo, do đó mới bị ốm ba ngày. Tôn Ngộ Không năm xưa nhảy từ lò Bát Quái ra, đạp đổ lò luyện đan, những mảnh vỡ vẫn còn dư hỏa rơi xuống hạ giới biến thành Hỏa Diệm Sơn.

Thầy trò Đường Tăng gặp trở ngại ở nước Ô Kê, vua nước Ô Kê nhờ làm việc thiện bố thí đồ ăn chay cho tăng nhân nên Phật tổ Như Lai phái Văn Thù Bồ Tát độ ông về Tây. Bồ Tát liền biến thành một tăng nhân, nói vài câu để khảo nghiêm ông, nhưng lại bị ông trói lại, bị ngâm ba ngày ba đêm trong sông Ngự Thủy. Cho nên mới có nạn quốc vương nước Ô Kê ở dưới nước ba năm. Quận Phượng Tiên nước Thiên Trúc, ba năm không có mưa, người dân phải bán cả con cái đi, cuộc sống cùng cực không biết nói sao. Nguyên nhân là do quận hầu của quận Phượng Tiên đem đồ chay cúng Trời đổ cho chó ăn, bị Ngọc Đế nhìn thấy, Ngài lập ra một ngọn núi gạo cao 10 trượng, để cho một con gà mổ từng hạt; một núi bột cao 20 trượng, để cho một con chó nhỏ liếm từng chút một; treo một cái khóa vàng, dùng một ngọn lửa đốt cái chốt khóa. Đợi đến khi gà nhặt hết gạo, chó liếm hết bột, đèn đốt đứt chốt khóa, mới cho phép có mưa. Sau này, Thiên Sư nói với Ngộ Không cách thiện giải, vị quận hầu kia một mặt quy y Phật môn; một mặt mời các thầy tu bản xứ lập đàn làm chay đốt hương kính Phật, tạ ơn trời đất, tự mình chịu trách nhiệm vì đã gây ra tội; mặt khác lại bảo người dân đốt hương niệm phật. Chỉ một niệm như thế, mà làm cho núi gạo núi bột đều biến mất và chốt khóa cũng đứt, và quận Phượng Tiên đã có mưa lớn.

5. Tu luyện và bệnh tật

Tôn giáo hiện đại đã sớm loạn từ lâu rồi, dùng nhận thức của bản thân mà giải thích loạn kinh Phật. Có những người sống ở thế gian nhất tâm hướng Đạo, từ lâu cũng không biết không cảm thấy rằng đã tự trộn lẫn bản thân mình vào trong người thường rồi. Ví như nói về cứu độ chúng sinh, vốn là để cho người ta tu luyện, từ đó mà đạt được sự giải thoát của sinh mệnh. Nhưng có nhiều người lại coi việc trị bệnh cho người khác là cứu độ chúng sinh. Một ví dụ nữa đó là thái độ đối với bệnh tật, người thường có bệnh đương nhiên cần phải uống thuốc, nhưng là một người tu luyện, chính là người vượt khỏi người thường rồi. Về việc người tu luyện đối đãi như thế nào với bệnh tật, trong “Tây Du Ký” đã nói rất rõ ràng.

Hồi thứ 21 “Hộ Pháp thiết trang lưu Đại Thánh, Tu Di linh cát định phong ma”, Tôn Ngộ Không bị chuột lông vàng Hoàng Phong thổi gió làm cho đau mắt, nước mắt cứ chảy ra; khi nhìn thấy người do Già Lam hộ Pháp hóa thành, lúc xin thuốc trị mắt Ngộ Không còn nói: “Không giấu chi ngài, thầy tôi bảo rằng, người xuất gia chúng ta trước giờ không có bệnh, không biết sao lại đau mắt.

Hồi thứ 55 “Sắc tà dâm hí Đường Tam Tạng, Tính chính tu trì bất hoại thân”, Bát Giới bị con bọ cạp chích độc, Tôn Ngộ Không mời Mão Nhật Tinh Quân đến hàng yêu. Trư Bát Giới nói với Tinh Quân: “Thứ lỗi thứ lỗi! Thân tôi mắc bệnh, không thể hành lễ.” Tinh Quân nói: “Ngài là người tu hành, mắc bệnh gì chứ?”

Hồi thứ 81 “Trấn Hải tự tâm viên tri quái, Hắc Tùng lâm tam chúng tầm sư”, Đường Tăng cảm thấy “hoa mắt đầu choáng váng, xương cốt toàn thân đau nhức”. Ngộ Không hỏi Đường Tăng bị sao, ông nói: “Lúc nửa đêm, ta dậy đi tiểu quên không đội mũ, chắc là bị trúng gió.” Trong ba ngày đó, Đường Tăng cảm thấy bệnh tình càng ngày càng nặng, muốn viết “di thư” cho vua Đường. Tôn Ngộ Không nói ra căn nguyên của bệnh: “Chỉ vì sư phụ khinh mạn Phật Pháp, nên mới có đại nạn này.” Ba ngày sau, Đường Tăng không còn chứng bệnh gì nữa.

Ba ví dụ kể trên đã nói rõ một vấn đề, đó chính là người chân chính tu luyện thì không có bệnh. Dẫu có xuất hiện những cái gọi là “chứng bệnh” gì đi nữa, đối với người tu luyện mà nói, thì hoặc là để hoàn trả tội nghiệp, hoặc là do sư phụ an bài để khảo nghiệm sự kiên định đối với tu luyện. Nhưng một số người thường không tu luyện lại không hiểu được việc người tu luyện có biểu hiện của bệnh mà không uống thuốc. Thực ra đây chẳng phải cũng là một khảo nghiệm hay sao? Người cổ đại có một kiểu nhận thức tương đối chính diện đối với việc tu luyện, nhưng ngày nay trong môi trường như thế này, người ta không cách nào lý giải được người tu luyện không uống thuốc. Thậm chí một số phương tiện truyền thông bị chính phủ thao túng lại càng tuyên truyền vu cáo một cách không có trách nhiệm. Cho nên với con người ngày nay, đặc biệt là người tu luyện trong thế tục, những khảo nghiệm gặp phải lại càng nhiều càng khó.

6. Thiện ác nhất niệm, Phật ở trong tâm

Khi Tôn Ngộ Không nhảy ra từ lò Bát Quái và xảy ra cuộc đại chiến với chúng thần, trong “Tây Du Ký” miêu tả Ngộ Không như thế này: “Có thể thiện, cũng có thể ác, thiện ác trước mắt do mình gây ra. Khi thiện thành Phật thành Tiên, chỗ ác không lông cũng cắm sừng”. Khi Ngộ Không hướng thiện, tiêu dao tự tại ở Thiên Cung, được các thần xưng huynh gọi đệ, chính là một tản tiên; khi làm việc ác, thú tính bộc lộ ra hết, rất ngông cuồng ngạo mạn, chính là một con khỉ hung ác.

Trước khi Quan Âm Bồ Tát phụng pháp chỉ của Phật Như Lai tìm người đi thỉnh kinh, Phật Như Lai đưa cho Bồ Tát ba cái vòng và nói: “Bảo vật này gọi là “Khẩn cô nhi” (vòng dùng lúc khẩn cấp), mặc dù là ba cái giống nhau, nhưng cách dùng khác nhau. Ta có ba bài chú ngữ của “Kim, khẩn, cấm”. Nếu như trên đường gặp phải yêu ma thần thông quảng đại, con phải khuyên nó học hỏi điều tốt, làm đệ tử người đi thỉnh kinh. Nếu nó không nghe, có thể đeo cái vòng này lên đầu nó. Vòng này tự sẽ bám chặt vào đầu. Kẻ bị niệm chú ngữ, mắt sưng, đầu đau như muốn nứt ra. Để quản giáo nó bước vào Phật môn.” Trong ba chiếc vòng này thì một cái ở trên đầu Tôn Ngộ Không, nhìn thấy rất rõ, chính là để Tôn Ngộ Không nghe lời Đường Tăng. Bởi vì Ngộ Không tượng trưng cho tâm của Đường Tăng, nên phải quản chắc cái tâm của mình mới được, do đó Ngộ Không đeo một cái “Khẩn cô nhi”. Khi Bồ Tát thu phục Hắc Hùng Tinh (gấu tinh màu đen), Ngài đeo lên đầu nó lại là một cái “Cấm cô nhi”. Câu chuyện thu phục gấu tinh được ví như người tu luyện cần phải giữ gìn ‘chân tinh nguyên khí’ của chính mình. Trong ngũ hành, màu sắc mà thận tạng đối ứng là màu đen, tinh dịch tồn tại ở thận của con người, dùng Hắc Hùng Tinh để chỉ tinh dịch của người tu luyện, cho nên cần phải “cấm”. Trước khi thu phục Hắc Hùng Tinh, Bồ Tát đã biến thành một yêu quái, Ngộ Không nhìn thấy liền nói: “Tuyệt quá! Tuyệt quá! Là yêu tinh Bồ Tát hay Bồ Tát yêu tinh đây?” Bồ Tát cười nói: “Ngộ Không, Bồ Tát hay yêu tinh, âu chỉ là một niệm. Nếu luận về nguồn gốc, thì đều thuộc về không có.”

Bồ Tát nói rõ rằng, Bồ Tát và yêu tinh chỉ sai biệt ở một niệm. Đối với người tu luyện mà nói, chính là khiến những tà niệm vọng niệm bất chính, bất hảo từ bản chất mà biến thành thiện niệm, chính là tu bỏ từng niệm từng niệm, thì người tu luyện tự nhiên sẽ tu thành chính quả. Như vậy, từ khía cạnh này mà nói, Bồ Tát cũng chính là thể hiện của tiên thiên chính giác khi Ngộ Không hướng tâm tu. Do đó, Hắc Hùng Tinh bị Bồ Tát thu phục mang đi, đó chỉ là thủ pháp nghệ thuật tượng trưng của tác giả, thực ra là chỉ rằng Đường Tăng đã đạt đến cảnh giới “cấm dục”. Khi Bồ Tát thu phục Hồng Hài Nhi, chiếc vòng cuối cùng Ngài dùng là “Kim cô nhi”. Hồng Hài Nhi được ví von là hình tượng hóa cho tâm hỏa quá vượng của Tôn Ngộ Không. Thầy trò Đường Tăng muốn qua được quan này, đương nhiên cần phải dập tắt tâm hỏa. Trong truyện khi nói về Tôn Ngộ Không có dùng từ “kim công”, cũng là dùng để chỉ cái tâm, bởi vì tâm thuộc tính hỏa, hỏa khắc kim, Hồng Hài Nhi cũng nhiều lần dùng lửa thiêu Tôn Ngộ Không. Từ góc độ khác mà nói, Hồng Hài Nhi cũng lại là thể hiện của “xích tử chi tâm”, tu luyện Đạo gia giảng rằng tu luyện “phục quy vu anh nhi” (quay trở về hình hài trẻ sơ sinh), một khi anh nhi bị thu phục, cũng chính là chỉ tâm hư hỏa (lửa giả) đã tu bỏ đi rồi, mà một bộ phần tâm tu thành cũng đã là “kim thân bất hoại” rồi, cho nên “Kim cô nhi” mới được đeo trên đầu của Hồng Hài Nhi. Rõ ràng Hắc Hùng Tinh, Hồng Hài Nhi đều đi theo Bồ Tát, thực ra đều ở trên thân của Đường Tăng. Hắc Hùng Tinh ở sau núi Lạc Già, chỗ này là chỉ mặt lưng thận tạng của thân thể người, Hồng Hài Nhi theo gót Bồ Tát, chính là chỉ trong tâm của Đường Tăng.

Chương nói về Đường Tăng cứu Tôn Ngộ Không ra khỏi núi Ngũ Hành Sơn, phần mở đầu viết rằng “Phật tức tâm hề tâm tức Phật”; trong hồi thứ 85 “Tâm viên đố mộc mẫu, Ma chủ kế thôn thiền”, Ngộ Không nói với Đường Tăng: “Phật tại Linh Sơn mạc viễn cầu, Linh Sơn chỉ tại nhữ tâm đầu. Nhân nhân hữu cá Linh Sơn tháp, Hảo hướng Linh Sơn tháp hạ tu.” (Phật tại Linh Sơn không cầu đâu xa, Linh Sơn chính ở trong tâm của thầy. Mỗi người đều có một tháp Linh Sơn, Hướng vào tháp Linh Sơn ấy mà tu). Đường Tăng nói: “Đệ tử, sao ta không biết? Nếu dựa vào bốn câu này, thiên kinh vạn điển, cũng chỉ là tu tâm.” Cho nên từ góc độ này mà nói, Linh Sơn và Linh Đài Phương Thốn sơn có gì khác biệt? Phật Như Lai ở Linh Sơn xa xôi, lại nằm ngay tại trong tâm của chính bản thân mình. Đường Tăng trải qua mười vạn tám ngàn dặm, một cân đẩu vân của Ngộ Không cũng là mười vạn tám ngàn dặm. Với Tôn Ngộ Không mà nói việc đến Linh Sơn cũng chỉ là một niệm. Trong truyện cũng có câu: “Nếu có thể một niệm hợp với chân tu, diệt tận biết bao tội nghiệp dơ bẩn; còn có một niệm thiện từ, làm chấn động trời cao; trở về trời chỉ giống như một niệm.”

Là một tác phẩm văn học mà nói, chỉ có viết dài dòng như thế này thì mới có thể triển hiện ra quá trình cùng sự tuyệt vời sinh động của tu luyện. Tôn Ngộ Không tranh đấu với Lục Nhĩ Mi Hầu (khỉ sáu tai), thực ra chính là chân ngã và giả ngã đấu tranh với nhau. Bản tính tiên thiên đó là tự kỷ thuần chính, nhưng con người nơi trần thế hình thành các loại quan niệm và cảm thụ, nó cấu thành tự kỷ, nhưng được gọi là tự kỷ hậu thiên. Đối với một việc tốt và xấu, người ta thường cân nhắc đắn đo, đây cũng là quá trình tự kỷ tiên thiên và tự kỷ hậu thiên đang thuyết phục nhau. Với người mà quan niệm hậu thiên quá mạnh, người đó đã hoàn toàn bị quan niệm hậu thiên che đậy rồi, cũng chính là đã đánh mất tự kỷ hậu thiên rồi, loại người này về cơ bản không tin vào tu luyện. Người ta trong quá trình tu luyện chính là phải trừ bỏ tất cả những quan niêm hậu thiên hình thành. Nhưng có khi quan niêm hậu thiên lại ngoan cố chiếm cứ tư tưởng của người đó. Chỉ khi nào bản thân hoàn toàn tĩnh lặng lại, bản tính tiên thiên mới có thể trừ bỏ quan niệm hậu thiên. Cho nên Lục Nhĩ Mi Hầu và Tôn Ngộ Không đại chiến tới mức không phân được thật giả, chỉ có thể dưới sự giám chiếu của bản tính đại giác mới có thể phân biệt ra được. Lúc này Phật Như Lai xuất hiện, cũng có thể coi là sự thể hiện chân thực Phật tính của Tôn Ngộ Không.

(còn tiếp…)

Dịch từ:

http://www.zhengjian.org/node/128190



Ngày đăng: 10-04-2014

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.