Thử giải “Tây Du Ký” (4)



Tác giả: Đàn Trần

TayDuKy

[Chanhkien.org]

7. Sự an bài các ma nạn và nguyên do

Thầy trò Đường Tăng trải qua 81 nạn mới đến được Tây Thiên. Sự an bài những ma nạn này nhìn bề ngoài là đi qua những nơi nào đó, gặp phải những ma nạn như thế nào đó, nhưng các an bài này lại đều không phải là không có căn cứ, mà là căn cứ vào sự tu luyện của con người và việc tu luyện tâm tính mà an bài. Những nơi đi qua và các ma nạn gặp phải đều có liên quan đến tâm tính của bản thân và nội tạng hoặc huyệt vị của thân thể. Lấy một vài ví dụ từ khi Tôn Ngộ Không quy thuận Đường Tăng trở về sau thì có thể thấy được rất rõ ràng.

Ngộ Không thuộc tâm, một khi tâm quy chính, tự nhiên sẽ cần phải thanh trừ lục căn, cho nên mới gọi là “lục căn thanh tịnh”. Lục căn trong Phật giáo là chỉ mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Trong truyện lần lượt dùng tên của sáu tên cướp (lục tặc) để hình dung lục căn, đó là: Nhãn Khán Hỷ (Mắt thấy mừng), Nhĩ Thính Nộ (Tai nghe giận), Tỵ Khứu Ái (Mũi ngửi thích), Thiệt Thường Tư (Lưỡi nếm nghĩ), Thân Bổn Ưu (Thân vốn lo), Ý Kiến Dục (Ý thấy muốn). Ngộ Không đánh chết sáu tên cướp này, thực ra là miêu tả hình tượng hóa về cách làm cho lục căn được thanh tịnh.

Ngộ Không làm “tâm viên” đương nhiên phải chịu sự quản thúc của chủ nguyên thần là Đường Tăng, cho nên Đường Tăng mới được Bồ Tát truyền thụ cho “Khẩn cô nhi chú” (thần chú xiết chặt), “Khẩn cô nhi chú” này cũng được gọi là “Định tâm chân ngôn”, hiển nhiên là nhắm vào Tôn Ngộ Không. Khóa chắc được tâm viên rồi, tiếp theo là thu phục Bạch Long Mã. Đề mục của hồi này có câu “Ý mã thu cương”. Khóa chắc được tâm thì cũng là nắm được ý rồi, chính là “tỏa tâm viên thuyên ý mã” (khóa tâm vượn, buộc ý ngựa). Ý chịu sự quản thúc của tâm, Tôn Ngộ Không trước kia xuất thân là chức quản mã (Bật Mã Ôn), tâm ý tương hợp, tự nhiên như một.

Sau khi tâm ý tương hợp, cả Tôn Ngộ Không và Bạch Long Mã cùng chủ nhân (Đường Tăng) đi Tây Thiên thỉnh kinh, cũng là bắt đầu chân chính tu luyện. Vậy thì lúc này điều phải làm được là cấm dục, đây cũng là dụng ý của việc đeo “Cấm cô chú” (thần chú vòng cấm) cho Hắc Hùng Tinh. Cấm được dục rồi, đương nhiên phải thu phục việc tham luyến mỹ sắc của Trư Bát Giới. Người ta khi chiểu theo giới luật mà tu luyện, thì tâm tính tự nhiên sẽ được nâng cao, khi này Đường Tăng cũng đã đến lúc chiểu theo điều cốt lõi trong kinh điển Phật giáo, tức “Tâm Kinh” mà tu trì bản thân rồi.

Phần trước đã nói, tu luyện trên đường đi thỉnh kinh, rất nhiều đều là dựa vào lý luận tu luyện của Đạo gia. Tôn Ngộ Không và Trư Bát Giới đại biểu cho sự hòa hợp của âm dương trong cơ thể, là không rời khỏi tác dụng của tì tạng, Sa Hòa Thượng chính là khởi tác dụng của tì tạng. Bởi vì tì (lá lách) trong ngũ hành thuộc về thổ, màu sắc là màu vàng, thêm nữa Sa Hòa Thượng về thuộc tính lại là nhân hậu và hài hòa, ông còn được gọi là ‘hoàng bà’, tức có ý là ‘người mai mối’. Trước khi thu phục Sa Hòa Thượng, Tôn Ngộ Không và Trư Bát Giới hợp tác cùng đại chiến với Hoàng Phong quái, bởi vì ‘kim công’ và ‘mộc mẫu’ thiếu mất sự điều hòa của ‘hoàng bà’, nên mới có trận đại chiến với Hoàng Phong quái. Yêu quái Hoàng Phong bị thu phục rồi, cũng là đến lúc thu phục Sa Hòa Thượng.

Thầy trò Đường Tăng và Bạch Long Mã, năm vị tập hợp đầy đủ rồi, thì bắt đầu quan khảo nghiệm đầu tiên của việc chân chính tu luyện, cũng là khảo nghiệm về tâm sắc dục, đây chính là nguồn gốc của “Tứ thánh thí thiện tâm” (thử thiện tâm của bốn vị thánh tăng). Quan ải này qua rồi, ngũ tạng của thân thể cũng tự nhiên an định yên ổn; đối với người tu luyện mà nói, tại tầng thứ này đã bắt đầu xuất nguyên anh. “Ngũ Trang” trong “Ngũ Trang quán” thực chất là chỉ ngũ tạng trong thân thể người. Quả nhân sâm có hình dáng giống như đứa trẻ, chính là nói về nguyên anh. Bởi vì nguyên anh được sinh ra ở bộ vị đan điền khi người ta tu luyện đến một tầng thứ nhất định, là thứ thuộc về tiên thiên, cho nên nói rằng thuộc tính của nguyên anh và ngũ hành là thuộc tính tương úy (thuật ngữ trong Trung y, chỉ độc tố hoặc tác dụng phụ của một vị thuốc có thể hạ thấp hoặc loại bỏ bởi một vị thuốc khác).

Trong Phật gia nguyên anh được gọi là Phật thể, cũng được gọi là thân kim cương bất hoại. Sau khi nguyên anh được sinh ra, tự nhiên cần phải thanh trừ thây ma trên người, đó chính là chương tiết nói về ba lần đánh chết Bạch Cốt Tinh.

Ở trên nói về những lý luận trong tu luyện của Phật gia, những lý luận của Đạo gia còn có nhiều hơn. Đạo gia tu luyện giảng về thông chu thiên, chu thiên của Đạo gia cũng được gọi là “hà xa chu thiên” (chạy xe vòng quanh sông), trong “Tây Du Ký” cũng có thể hiện (chẳng hạn đoạn nói về đấu phép tại Xa Trì quốc). Khi Ngộ Không đến Nam Hải mời Bồ Tát đi hàng phục Hồng Hài Nhi, Ô Quy hành lễ với Bồ Tát, Bồ Tát nói không cho Thiện Tài Long Nữ và Ngộ Không cầm bình tịnh thủy đi cùng nhau, bởi vì Long Nữ tướng mạo xinh đẹp, Bồ Tát sợ Ngộ Không khởi tà niệm, Ngộ Không nói: “Từ trước đến nay không làm việc như vậy”. Sau đó Bồ Tát cho Ngộ Không đi trước, Ngộ Không nói: “Đệ tử không dám trổ tài trước mặt Bồ Tát. Nếu lộn cân đầu vân, lộ ra thân thể, sợ Bồ Tát mắng con bất kính.” Những lời này làm cho người đọc không nhịn được cười, nhưng lại ẩn chứa thời gian thông chu thiên, hiện tượng dương khởi khi chân khí đi qua âm bộ. Đồng thời cũng thuyết minh rằng, chỗ Bồ Tát ở chỉ có Thiện Tài Long Nữ, để lại “phục bút” cho việc thu Hồng Hài Nhi làm Thiện Tài Đồng Tử sau này.

Tiếp theo là bắt Đà Long tại sông Hắc Thủy, chính là nói về quá trình nguyên khí đi qua mệnh môn. Bởi vì màu sắc đối ứng với thận tạng trong ngũ hành là màu đen, mệnh môn ở giữa hai thận, thầy trò Đường Tăng đi qua sông Hắc Thủy cũng chính là đi qua huyệt mệnh môn. Do mạch đốc thuộc dương, khí hậu được miêu tả trong truyện cũng là “tam dương chuyển vận, mãn thiên minh mị khai đồ họa”(ba mạch dương vận chuyển, khắp trời mở ra đẹp đẽ như tranh vẽ). Tiếp theo là qua quan giáp tích. Vị trí của giáp tích là ở phía lưng hai bên cột sống, từ mỏm gai đốt sống cổ thứ nhất đến mỏm gai đốt sống lưng thứ năm, mỗi mỏm gai đều sang hai bên khoảng một đốt ngón tay. Trong truyện dùng ‘tiểu lộ’ (con đường nhỏ) để ví về huyệt giáp tích, nói rằng tiểu lộ nằm ở giữa hai cửa ải lớn, đường ở dưới ải đều là dốc thẳng đứng, 500 vị hòa thượng không kéo được chiếc xe chở đầy ngói qua. Tôn Ngộ Không dùng thần thông, kéo chiếc xe qua hai cửa ải, xuyên qua huyệt giáp tích.

Khi qua quan này, ba con yêu quái Hổ Lực Đại Vương, Lộc Lực Đại Vương và Dương Lực Đại Vương đấu phép thuật cùng Tôn Ngô Không và bị diệt trừ, điều này nói lên ý nghĩa thực sự, đó là: khi chu thiên vận hành qua huyệt giáp tích, không thể dùng ngoại lực, dùng ý quá nhanh, quá mạnh, quá yếu đều không được, mà chỉ căn cứ một niệm của bản tính, tự nhiên sẽ qua. Nếu không sẽ nhập sang bàng môn.

Qua được huyệt giáp tích, theo đường đi của chu thiên thì sẽ tiếp tục đi lên, trong truyện miêu tả là đến sông Thông Thiên. Sông Thông Thiên ý nói là huyệt bách hội trên đỉnh đầu, tả về sông Thông Thiên trong truyện có câu thơ “Trường lưu quán bách xuyên” (dòng chảy dài thông suốt trăm con sông), mà huyệt bách hội trên thân thể chính là nơi kinh mạch giao hội, huyệt vị này lại nằm ở ngay trên đỉnh đầu, có thể nói đây là nơi tương thông với trời. Nê Hoàn Cung lại là nơi đối ứng với huyêt bách hội trong đại não, cũng chính là nơi chủ nguyên thần trú ngụ, tên của yêu quái kia là “Linh Cảm Đại Vương” cũng đã nói rõ hơn về điểm này. Đến sông Thông Thiên, thì con đường thỉnh kinh đi được một nửa rồi, tức là đã đi được năm vạn bốn nghìn dặm. Nơi này lại chính là đỉnh đầu của con người, cũng chính là điểm giao hội của hai mạch nhâm và đốc. Bên bờ sông Thông Thiên có Trần Gia trang, có anh em Trần Trừng và Trần Thanh; Trần Trừng có một cô con gái tám tuổi tên Nhất Xứng Kim; Trần Thanh có một cậu con trai bảy tuổi tên là Trần Quan Bảo. Thầy trò Đường Tăng cứu được cũng chính là đôi trai gái này. Đương nhiên, đây cũng là một cách ví von, một nam một nữ này chính là chỉ “anh nhi sá nữ phối âm dương”. Trương Tam Phong từng có câu: “Hoàng bà dẫn khứ anh nhi, thượng nê hoàn, thấu huyền quan, anh nhi sá nữ lưỡng đoàn viên”. Còn có người nói: “Huyệt giáp tích trên thân người, ví như sông Ngân trên trời. Sông Ngân ngăn cách nhưng lại có Linh Thước làm cầu, còn có cách nói là bắc cầu Hỉ Thước. Lưỡi của người cũng gọi là cầu Hỉ Thước. Phàm khi tạo đan, thì lấy hoàng bà dẫn nguyên anh lên nê hoàn, cùng sá nữ giao hội, nên cũng nói là lên cầu Hỉ Thước.”

Khi qua quan này, có chương tiết nói về Linh Cảm Đại Vương dùng thần thông làm tuyết rơi đông cứng sông Thông Thiên. Trong “Cửu chuyển kim đan tu luyện pháp”, khi tu luyện đến bước xuất nguyên anh này, trong định sẽ phát hiện vùng nê hoàn cho đến bách hội giống như là khoảng trống hư không, nhưng lại có cảnh tượng nhiều hoa tuyết bay. Trong “Tây Du Ký” nhiều lần nhắc đến tu luyện “Cửu chuyển kim đan thuật”, ví dụ, sau khi Tôn Ngộ Không lấy trộm kim đan của Thái Thượng Lão Quân, Lão Quân nói với Ngọc Đế: “Trong Đạo cung của Thần, luyện được một ít ‘cửu chuyển kim đan’, để Bệ Hạ làm ‘Đan nguyên đại hội’, không ngờ bị kẻ trộm lấy mất.” Ngay cả Trư Bát Giới tự kể lại với Tôn Ngộ Không về kiếp trước của mình cũng nói: “Đắc truyền cửu chuyển đại hoàn đan, Công phu trú dạ vô thời khuyết”; Tôn Ngộ Không còn nói khoác về Kim Cô bổng của mình: “Bổng thị cửu chuyển tấn thiết luyện, Lão Quân thân thủ lư trung đoàn” (gậy sắt là thép tinh luyện qua chín lần, do đích thân Lão Quân luyện trong lò). Cuối cùng một nạn bổ sung thêm cho Đường Tăng cũng là tại sông Thông Thiên, có câu thơ như sau: “Bỉnh chứng tam thừa túy xuất nhập, Đan thành cửu chuyển nhâm chu toàn”.

Qua được sông Thông Thiên rồi, Ngộ Không, Bát Giới, Sa Tăng vì tâm trộm cắp nên mới dẫn đến tai họa. Yêu quái là con trâu xanh của Lão Quân đã trộm Kim Cương trác của ông rồi xuống nhân gian tác quái. Kim Cương trác này cũng là vật Thiên Linh Cái năm xưa Lão Quân dùng để đánh Ngộ Không; vật này xuất hiện ở đây, chính là ý nói chu thiên cần phải thông qua đỉnh đầu rồi.

Độc giả khi đọc đến đoạn Tôn Ngộ Không đại náo Thiên Cung đều biết, Thần tướng khắp trời nhưng không làm gì được Ngộ Không, đó là biểu hiện hình tượng hóa một người khi tu luyện đến bộ phận đầu, tại vị trí này cần thông khiếu quá quan (thông huyệt vị). Ví dụ “Minh Thiên cổ” (đánh trống trời) trong tu luyện truyền thống, chính là dùng hai tay bịt kín hai tai lại, ngón tay đặt tại huyệt ngọc chẩm gõ nhẹ; mà Lôi phủ trong Thiên Cung chính là chỉ mũi người. Nơi ở “cung Đâu Suất” của Thái Thượng Lão Quân là ở bên trên ba mươi ba tầng trời. Khi xưa Tôn Ngộ Không tại nơi đây đã bị đẩy vào lò Bát Quái, về bản chất là chỉ đỉnh đầu của con người. Tê Giác Đại Vương cản trở thầy trò Đường Tăng là do con Thanh Ngưu (trâu xanh) của Thái Thượng Lão Quân biến hóa thành, nơi ở của nó là động Kim Đâu thuộc núi Kim Đâu, có thể coi là tên gọi khác của cung Đâu Suất. Tôn Ngộ Không mời Thiên Vương, Lôi Công, Hỏa Đức, Thủy Bá, gặp Phật Như Lai, mời thập bát La Hán, giống như năm xưa Ngộ Không đại náo Thiên Cung, thực chất là miêu tả hình tượng hóa khi chu thiên vận hành quá quan thông khiếu. Cuối cùng Lão Quân dùng Kim Cương trác xỏ mũi trâu xanh và chế phục được nó, việc này được ví von như khi chu thiên vận hành đến mũi vậy.

Trên đường thỉnh kinh đi qua Tây Lương nữ quốc, bởi vì Đường Tăng và Bát Giới đã uống nước sông Tử Mẫu mà có thai khí, đây là chỉ trong tu luyện đã nhập bàng môn. Đường Tăng và Bát Giới trong ngũ hành đều thuộc tính thủy, thuật ngữ trong tu luyện gọi là ‘hống’ (thủy ngân), Tôn Ngộ Không là “kim công”, thuật ngữ trong tu luyện cũng gọi là ‘diên’ (chì). “Chân diên hợp chân hống” (chì tinh khiết kết hợp với thủy ngân tinh khiết), tự nhiên sẽ sinh ra tiên đan. Nhưng Đường Tăng và Bát Giới lại uống nước, cho nên mới có tà thai. Có tà thai rồi thì làm thế nào? Chính là dùng nước suối Lạc Thai ở động Phá Nhi núi Giải Dương để phá giải. Nước suối này chính là chỉ nước bọt của người, thuật ngữ trong tu luyện gọi là ‘kim tân ngọc dịch’. Động Phá Nhi bị Như Ý chân tiên đổi tên thành Tụ Tiên am. Am là nơi cư trú của ni cô, Như Ý chân tiên là thân nam, cớ sao lại đổi tên như vậy? Bởi vì thủy trong Bát Quái có quẻ tượng đối ứng là Khảm (☵) với một hào dương ở giữa hai hào âm, chính là ý nói trong am có một thân thể nam cư trú. Tôn Ngộ Không vì sao không dùng phân thân để chống lại Như Ý chân tiên, để chân thân đi lấy nước? Bởi vì ‘chân diên chân hống’ bắt buộc phải qua sự điều hòa của thổ mẫu, do đó ắt phải là Sa Hòa Thượng đi lấy nước mới giải được tà thai. Trong “Tây Du Ký” có câu thơ viết: “Chân diên nhược luyện tu chân thủy, Chân thủy điều hòa chân hống can. Chân hống chân diên vô mẫu khí, Linh sa linh dược thị tiên đan. Anh nhi uổng kết thành thai tượng, Thổ mẫu thi công bất phí nan. Thôi đảo bàng môn tông chính giáo, Tâm quân đắc ý tiếu dung hoàn.”

Hai nạn theo sau của thầy trò Đường Tăng ở Nữ Nhi quốc xem ra có liên quan đến việc vượt qua quan sắc, đương nhiên đây cũng chỉ là một phương diện, thực chất lại là sự miêu tả hình tượng hóa khi chu thiên vận hành đến bộ vị tâm tạng.

Tình tiết câu chuyện Tôn Ngộ Không ba lần mượn quạt Ba Tiêu rất hấp dẫn người đọc, nếu đặt trong kết cấu chỉnh thể của “Tây Du Ký” và sự sự an bài việc tu luyện thân thể người, thì đó chẳng qua chỉ là thông qua điều tức để đạt được sự điều chỉnh của các tạng trong thân thể. Uy lực của quạt Ba Tiêu lớn như thế, miêu tả như vậy kỳ thực cũng là chỉ bộ phận lưỡi của người. Trong tu luyện truyền thống, có một cách hô hấp nạp thải khí gọi là “lục tự ca quyết”, sáu chữ này lần lượt là “hư, ha, hô, xi, suy, hi”, ứng với tạng phủ kinh lạc lần lượt là ‘can, tâm, tì, phế, thận, tam tiêu’. Khi tu luyện yêu cầu mũi hít vào mồm thở ra. Sáu chữ này dường như hoàn toàn tương đồng với khẩu quyết của bà La Sát dùng để biến lớn quạt Ba Tiêu là “xi, hư, a, hấp, hi, suy, hô”. Trong tu luyện đều cần phải “đáp Thước Kiều” (nối cầu Hỉ Thước), chính là lưỡi đặt hàm trên. Lúc thổ nạp hô hấp, khi hít khí vào lưỡi chạm hàm trên, khi thở khí ra bởi vì phải làm khẩu hình tương ứng với âm thanh phát ra, nên đầu lưỡi tự nhiên cũng rời khỏi vị trí hàm trên. Đây cũng là nguyên do dẫn đến việc Tôn Ngộ Không ba lần mượn quạt Ba Tiêu. Mà lưỡi lại là ‘tâm chi miêu’ (gốc của tâm), trong ngũ hành thuộc tâm, thuộc tính hỏa, do đó nói dùng quạt Ba Tiêu quạt tắt ngọn lửa Hỏa Diệm Sơn chính là mượn điều tức để đạt đến ‘bình tức tâm hỏa’ (khiến lửa giận lắng lại).

Ngộ Không nói “Ngưu Vương bản thị tâm viên biến” (Ngưu Ma Vương vốn do tâm viên biến thành); con trai Ngưu Ma Vương là Hồng Hài Nhi cũng tượng trưng cho tâm hỏa; vợ của Ngưu Ma Vương là La Sát phu nhân giữ Hỏa Diệm Sơn cũng là chỉ về tâm hỏa. Có thể thấy gia đình nhà Ngưu Ma Vương đều có liên qua đến tâm. Dùng quạt Ba Tiêu để quạt nước mưa dập tắt lửa Hỏa Diêm Sơn, điều này lại vừa phù hợp với câu nói trong tu luyện của Đạo gia là “thủy hỏa ký tế” (nước lửa đã xong). Cho nên khi câu chuyện này kết thúc, trong “Tây Du Ký” có viết rằng: “Bốn thầy trò Đường Tam Tạng đi riêng một con đường, nước lửa đã cứu xong, tiết trời trở nên mát lạnh, mượn được quạt quý thuần âm, quạt hơi lửa nóng để qua núi.

Câu chuyện này còn có ngụ ý khác nữa, đó chính là chu thiên trong khi vận hành đi qua “tam tiêu”. Tam tiêu phân chia thành thượng tiêu, trung tiêu và hạ tiêu, dường như bao gồm tất cả lục phủ ngũ tạng của thân thể người. Tam tiêu là một phủ đặc thù, nó là con đường thủy cốc trong thân thể, có đường nước khai thông, có tác dụng vận hành thủy dịch. Tam tiêu trong ngũ hành thuộc về hỏa. Nhưng đối ứng với mật quyết điều tức của bà La Sát cũng không chỉ để chỉ tâm. Trong truyện cũng nhiều lần nhắc đến, nói rằng chỉ có dùng quạt Ba Tiêu quạt tắt ngọn lửa, quạt đến khi có mưa, mới có thể trồng trọt có thu hoạch, từ đó mới có được ngũ cốc để dưỡng sinh.

Tác giả rất chú ý đến việc sắp xếp tình tiết câu chuyện, phần trước có nói đến người tu luyện tu đến tầng thứ nhất định sẽ xuất nguyên anh, sau đó mấy phần tiếp đều viết về những gì có liên quan tới nguyên anh hoặc liên quan đến tâm, cho đến khi viết về thông chu thiên. Tiếp về sau, phần cuối lại viết về thất tình. Bởi vì không thỏa mãn được tình, liền sinh ra hận. Rồi lại viết về lục dục. Những điều này đều là có quy luật tuần hoàn.

Khi chu thiên vận hành, lúc thầy trò Đường Tăng lần đầu tiên vượt quan về tâm, chính là dùng Hồng Hài Nhi; lần thứ hai là mẹ của Hồng Hài Nhi – Thiết Phiến công chúa; từ đó về sau, khi vượt qua mỗi quan thì trong tiêu đề đều dùng “sá nữ cầu dương”. Từ nam đến nữ, từ già đến trẻ, trong tu luyện thì càng ngày càng trở nên thuần tịnh.

Có thể thấy sự sắp xếp tình tiết trong “Tây Du Ký” là vô cùng độc đáo, không chỉ là chu thiên vận hành, mà một số bộ phận đặc thù của thân thể cũng cần phải luyện, ngay cả thân thể cũng cần phải thanh lý. Ví dụ hồi 65 và hồi 66 viết về Hoàng Mi quái, chính là chỉ hệ sinh sản của con người. ‘Đoản nhuyễn lang nha bổng’ (gậy răng sói mềm ngắn) mà Hoàng Mi quái sử dụng chính là chỉ dương vật của nam giới, bảo bối ‘đáp bao’ (túi đắp) mà hắn sử dụng rõ ràng chính là âm nang người. Phật Di Lặc nói đây là “Hậu thiên đại tử, tục danh hoán tố nhân chủng đại” (cái túi của sau này, tục danh gọi là túi đựng giống người). Phật Di Lặc bảo Tôn Ngộ Không dụ Hoàng Mi quái ra, “Ngài viết lên lòng bàn tay của Hành Giả một chữ ‘cấm’, bảo Hành Giả nắm tay lại, nhìn thấy yêu tinh hãy giơ tay trước mặt nó, nó liền đi theo.” Ý nghĩa của chữ ‘cấm’ này, với chữ ‘cấm’ ở phần trước nói về việc đeo ‘Cấm cô chú’ cho Hắc Hùng Tinh là giống nhau.

Hồi thứ 67, trong truyện viết về hẻm Hi Thị (con đường nhỏ có nhiều hồng rụng bị thối nát) ở Đà La trang (thôn Đà La), thực ra chính là chỉ ruột người, gọi là ‘Hi Thị’ chẳng qua là đồng âm với ‘hi thỉ’ (phân lỏng). Trong hẻm Hi Thị có Hồng Lân Đại Mãng (con mãng xà lớn có vảy màu đỏ), chính là nói về hồi trùng (giun sán trong ruột người). Đương nhiên cần phải giết chết nó. Qua quan này may là nhờ Bát Giới biến thành cái đầu lợn lớn đi trước ủi để mở đường mới qua được.

Đến cuối cùng, tới được Linh Sơn rồi, còn phải qua bến đò Lăng Vân. Khi Ngộ Không đẩy Đường Tăng lên thuyền không đáy, thân thể nơi trần thế (nhục thân) của đường Tăng liền tự nhiên thoát rơi ra, chính là ứng với ý “Kim Thiền thoát xác”.

8. Những câu thơ, hồi mục và ẩn dụ hình tượng hóa tiết lộ nội hàm tu luyện

Nhiều người đọc “Tây Du Ký” chỉ chú trọng tình tiết, gặp thơ từ liền bỏ qua, gặp tiêu đề mỗi hồi cũng bỏ qua không chú ý. Thực ra trong đó thật sự tiết lộ mối liên hệ giữa câu chuyện và đạo lý tu luyện. Hồi thứ 14 “Tâm viên quy chính, Lục tặc vô tung” (Lòng vượn theo đường chính, Sáu giặc mất tăm hơi), chỉ Tôn Ngộ Không là tâm đã quay trở về trong tâm của chủ nhân, “lục tặc” là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý đã bị đoạn đứt gốc rễ. Hồi thứ 72 “Bàn Tơ động thất tình mê bản, Trạc Cấu tuyền Bát Giới vong hình” (Động Bàn Tơ bảy tình mê gốc, Suối Trạc Cấu Bát Giới mất hình). Trong hồi này viết về bảy con nhện tinh, tác giả dùng bảy con nhện tinh (thất tinh) để ví thất tình của của con người. Câu kết hồi thứ 40 “Vị luyện anh nhi tà hỏa thắng, Tâm viên mộc mẫu cộng phù trì”, ở đây dùng ‘tâm viên’ mà lại không dùng ‘kim công’ để đối ứng với ‘mộc mẫu’, bởi vì mộc khắc kim, Hồng Hài Nhi đại biểu cho tâm hỏa (lửa giận, tâm oán hận), tâm hỏa đang vượng, cho nên không dùng ‘kim công’ mà dùng ‘tâm viên’ để chỉ Tôn Ngộ Không. Câu “cộng phù trì” nói rất hay, nhưng không phải là trừ dứt Hồng Hài Nhi không cần nữa, mà là cần phải giúp đỡ Hồng Hài Nhi quy chính, bởi vì Hồng Hài Nhi cũng là một phần tâm của người tu luyện.

Hồi thứ 55 viết về một con bọ cạp độc trêu đùa dâm dục Đường Tăng, bị Tôn Ngộ Không mời Mão Nhật Tinh Quân đến tiêu diệt. Tiếp theo, hồi thứ 56 có bài thơ mở đầu, “Linh Đài vô vật vị chi thanh, Tịch mịch toàn vô nhất niệm sinh. Viên mã lao thu viên phóng đãng, Tinh thần cẩn thận mạc tranh vinh. Trừ lục tặc, ngộ tam thừa, Vạn duyên đô bãi tự phân minh. Sắc tà vĩnh diệt siêu chân giới, Tọa hưởng Tây phương Cực Lạc thành.” Sau khi thầy trò nhận sắc phong của Phật Như Lai có câu thơ thế này: “Nhất thể chân như chuyển lạc trần, Hợp hòa tứ tướng phục tu thân. Ngũ hành luận sắc không hoàn tịch, Bách quái hư danh tổng mạc luận. Chính quả chiên đàn quy Đại Giác, Hoàn thành phẩm chức thoát trầm luân. Kinh truyền thiên hạ ân quang khoát, Ngũ thánh cao cư bất nhị môn.”

Tôn Ngộ Không đánh chết mấy tên cướp, Đường Tăng liền đuổi Ngộ Không đi. Dẫn đến cuộc tranh đấu giữa Lục Nhĩ Mi Hầu và Tôn Ngộ Không, thực chất là cuộc tranh đấu giữa chân ngã và giả ngã. Sau khi Lục Nhĩ Mi Hầu bị đánh chết, có câu thơ như thế này: “Trung đạo phân ly loạn ngũ hành, Hàng yêu tụ hội hợp nguyên minh. Thần quy tâm xá thiền phương định, Lục thức khư hàng đan tự thành”. Lời mở đầu hồi tiếp theo là một bài tụng, viết rằng: “Tam Tạng vâng lệnh Bồ Tát, thu nhận Hành Giả, cùng Bát Giới Sa Tăng cắt đứt ‘nhị tâm’, khóa chặt viên mã, đồng tâm hiệp lực, nhanh bước đến Tây Thiên.” Chỗ này người đọc có thể hiểu được, hơn nữa cách nói ‘nhị tâm’ trong câu đề mục ở hồi này “Nhị tâm giảo loạn đại càn khôn, Nhất thể nan tu chân tịch diệt” đã nói rất rõ ràng ‘nhị tâm’ là thế nào.

Những điều được ví von trong “Tây Du Ký” có rất nhiều, từ đầu truyện đến cuối truyện đều có. Viết về yêu quái, có rất nhiều là dùng để ví tâm chấp trước của con người, chẳng hạn dùng sợi tơ nhện để ví về sợi tơ tình của con người, dùng Lục Nhĩ Mi Hầu để ví về các quan niệm hậu thiên hình thành nên nhân tâm của con người. Ngay cả nơi ở của yêu tinh phần lớn cũng được dùng để ví von, ví như động Bàn Tơ, thôn Đà La, động Ba Tiêu ở Hỏa Diệm Sơn, động Không Đáy ở núi Hãm Không, động Ba Nguyệt ở núi Uyển Tử, v.v.

(còn tiếp…)

Dịch từ:

http://www.zhengjian.org/node/128191



Ngày đăng: 17-04-2014

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.