Thử giải “Tây Du Ký” (1)
Tác giả: Đàn Trần
[Chanhkien.org] “Tây Du Ký” từ khi ra đời đến nay vẫn luôn nhận được sự yêu mến của mọi người. Người ta không chỉ yêu thích các hình tượng nhân vật trong đó, tình tiết trong đó, mà cả tinh thần lạc quan hướng thiện thể hiện trong tác phẩm. Nhận thức của người Trung Quốc đối với tu luyện, Thần Phật, thế giới thiên quốc, yêu ma quỷ quái, rất nhiều đều có liên quan với “Tây Du Ký”. Về nội hàm và ý nghĩa chính của “Tây Du Ký” luôn có nhiều cách nói khác nhau và phức tạp, khó có thể đưa ra được kết luận. Sau khi tu luyện, tôi đã có một tầng nhận thức tương đối sâu, hôm nay chỉnh lý lại, mong muốn chia sẻ cùng quý độc giả.
I. Quá trình tu luyện của Tôn Ngộ Không
1. Bản lai diện mục của Tôn Ngộ Không
Mở đầu Tây Du Ký là nói về xuất thân của Tôn Ngộ Không, do một tảng đá tiên hấp thụ linh khí của trời đất và tinh hoa của nhật nguyệt mà sinh ra, theo cách nói của Bồ Đề Lão Tổ thì là “Trời Đất sinh ra”. Mục đích tác giả viết về Thạch Hầu này cũng được nói rất rõ ràng, trong truyện có câu thơ như sau: “Tá noãn hóa hầu hoàn Đại Đạo, Giả tha danh tính phối đan thành.” Lại nói, “Lịch đại nhân nhân giai chúc thử, Xưng thánh xưng vương nhậm tung hoành.” Vậy nên từ góc độ này mà nói, tác giả viết về quá trình Thạch Hầu cầu Đạo và tu luyện, cũng là đang giảng giải về quá trình tu luyện của một người.
Mỹ Hầu Vương từ Đông Thắng Thần Châu, đi qua Nam Thiêm Bộ Châu, cuối cùng tìm được Tu Bồ Đề Tổ Sư ở Tây Ngưu Hạ Châu. Con đường xa xôi thế này dù sao cũng chỉ là quá trình một người cầu Đạo trải qua, nhưng cuối cùng tìm được Tổ Sư ở nơi nào? Trong truyện viết là, “Linh Đài Phương Thốn sơn, Tà Nguyệt Tam Tinh động”. Ý hai câu này là nói về một chữ “tâm”, từ xưa người ta thường nói tâm thành “Linh Đài”, còn “Phương Thốn” cũng là để chỉ tâm, “Tà Nguyệt Tam Tinh động” lại càng dễ hiểu hơn, “Tam Tinh” (ba ngôi sao) chính là ba nét chấm của chữ “tâm” (心), “Tà Nguyệt” (vầng trăng khuyết) chính là nét móc nằm ngang. Mỹ Hầu Vương trải qua bao nhiêu gian khổ nguy hiểm, cuối cùng trong tâm của mình đã tìm được “chân Pháp” để tu luyện.
Câu nói này rất phù hợp với cách nói của Phật gia, chính là “Phật tại tâm trung”, tức “tâm là Phật”. Nhưng không phải nói rằng trong tâm có ông Phật, mà là nói phải hướng nội mà tu, hướng vào trong tâm của mình mà tu, thì mới tu thành Phật được. Bước đường Mỹ Hầu Vương dù đi qua được bao nhiêu, trải qua bao nhiêu năm tháng, cuối cùng tự trong tâm mình đã ngộ được chân Pháp chân Đạo. Vậy sư phụ Tu Bồ Đề Tổ Sư của Tôn Ngộ không là ai? Ông lẽ nào lại có thể ở trong tim của Mỹ Hầu Vương?
Trong truyện viết về Tôn Ngộ Không, có rất nhiều chỗ đều nhắc đến chữ “tâm viên” (tâm viên – ví một người nông nổi, tâm trí bất an như loài khỉ loài vượn luôn chạy nhảy). Hồi thứ 7 “Bát Quái lư trung đào đại thánh, Ngũ Hành sơn hạ định tâm viên” còn một câu tụng nữa: “Viên hầu đạo thể giả nhân tâm, Tâm tức viên hầu ý tứ thâm.” Vậy thì, Tôn Ngộ Không là “tâm viên” của ai? Thực ra Đường Tăng, Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, Sa Hòa Thượng, Bạch Long Mã, năm vị này hợp lại chính là một người. Tôn Ngộ Không chính là tượng trưng cho cái tâm của Đường Tăng.
Xét về Tôn Ngộ Không không thể xét một cách đơn nhất riêng lẻ, Tôn Ngộ Không là những mảnh ghép tượng trưng cho nhiều hình tượng. Một mặt là thể hiện hình tượng hóa của cái tâm con người, mặt khác lại thể hiện ra một người trong tu luyện với ý chí và thân thể mạnh mẽ (cương dương), trong truyện dùng chữ “kim công” chính là để chỉ về Tôn Ngộ Không. “Kim công” là theo cách nói về ngũ hành đối ứng với ngũ tạng trong thân thể người; thỉnh thoảng còn dùng nó để nói về dục trong “lục dục”, ví dụ như, câu thơ mở đầu hồi thứ 17 viết: “Lục bàn thể tương lục bàn binh, Lục dạng hình hài lục dạng tình; Lục ác lục căn duyên lục dục, Lục môn lục đạo đổ thâu doanh”. Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, Sa Hòa Thượng, và ba yêu ma khác chính là chỉ lục dục của con người. Khi Bồ Đề Lão Tổ đặt tên cho Tôn Ngộ Không, ông đã nói: “Tử giả, nhi nam dã; hệ giả, anh tế dã. Chính hợp anh nhân chi bổn luận. Giáo nhĩ tính ‘Tôn’ bãi”. Điều này xét từ góc độ khác có thể thấy rằng một người khi tu luyện đến một tầng thứ nhất định nào đó, thì nguyên anh được sinh ra tại đan điền. Đối với Hoa Quả sơn và Thủy Liêm động mà nói, đó chính là tượng trưng cho thân thể và trái tim của Tôn Ngộ Không. Thạch Hầu sau khi nhảy qua tấm màn bằng nước đã vào được trong Thủy Liêm động, Thủy Liêm được nhắc đến trong truyện, chính là, “Kiều hạ chi thủy, xung quán vu thạch khiếu chi gian, đảo quải lưu xuất khứ, già bế liễu kiều môn” (Nước dưới cây cầu, xông qua huyệt giữa núi đá, chảy ngược ra ngoài, che lấp đi cửa lên cầu), đây cũng là miêu tả hình tượng hóa chữ “tâm”. Tôn Ngộ Không sau khi ngộ Đạo và trong cuộc đại chiến với Thiên binh Thiên tướng, đã phong hai con Xích Khào Mã Hầu và hai con Thông Bối Viên Hầu làm kiện tướng, đó cũng là tứ chi của Tôn Ngộ Không. Cho nên trong khi đại chiến với các vị thần, 72 yêu vương đều có thể bị bắt đi, nhưng 4 kiện tướng này bao gồm cả bầy khỉ, không có một con nào bị bắt đi. Nhưng trước khi Tôn Ngộ Không bị bắt giữ, bốn kiện tướng và bầy khỉ đã bị làm cho phân tán rời rạc.
Tôn Ngộ Không là “tâm viên” của Đường Tăng, Tu Bồ Đề lại ở trong tâm của Tôn Ngộ Không, vậy rốt cuộc Đường Tăng và Tu Bồ Đề có quan hệ thế nào? Trong “Tây Du Ký” nói rằng Đường Tăng là đồ đệ thứ hai của Phật Thích Ca Mâu Ni – Kim Thiền Tử – chuyển sinh. Nhưng trong mười đại đệ tử của Phật Thích Ca Mâu Ni lại không có người nào tên Kim Thiền Tử, điều này nói rõ rằng tác giả dùng cái tên “Kim Thiền Tử” không có thật chỉ là để lấy ý trong “Kim Thiền thoát xác”. Mà trong mười đại đệ tử của Phật Thích Ca Mâu Ni lại đúng có vị tên là “Tu Bồ Đề”. Tôn Ngộ Không bị đè dưới núi Ngũ Hành Sơn khi đó là thời Vương Mãng cướp ngôi nhà Hán. Từ khi Tôn Ngộ Không sinh ra đến khi sinh tâm học Đạo đã ở trong núi trải qua hơn 500 năm, rồi đến khi cầu Đạo học Đạo lại trải qua mấy chục năm, cứ tính như thế, thì Tôn Ngộ Không chính là sinh ra trong thời đại Phật Thích Ca Mâu Ni truyền Pháp. Từ một góc độ khác mà xét, Tôn Ngộ Không bị đè dưới núi Ngũ Hành Sơn 500 năm, cũng vừa khớp với thời gian Đường Tăng tu hành 9 kiếp trước. Lai lịch nguyên gốc của Tôn Ngộ Không, Đường Tăng, Tu Bồ Đề là cùng một thời đại, thông qua miêu tả như trong truyện, ba vị này cũng có thể xem là một người.
Bồ Đề Lão Tổ dùng thước đánh vào đầu Ngộ Không ba cái, Ngộ Không liền ngộ được rằng Tổ Sư muốn bảo mình rằng sau canh ba đi học nghệ. Thực ra chuyện này xuất phát từ điển cố “Lục Tổ đàn kinh”, Lục tổ Huệ Năng từng làm bài kệ, “Bồ Đề bản vô thụ, Minh kính diệc phi đài; Bản lai vô nhất vật, Hà xứ nặc trần ai?” (Bồ Đề vốn chẳng phải cây, Gương sáng cũng chẳng phải đài; Xưa nay không có vật gì, Nơi nào không dính bụi trần?) Sau khi Ngũ tổ thấy được Huệ Năng đã có thể ngộ được bản tính, ông sợ Huệ Năng bị người khác hại, nên đã xóa bài kệ đi. Hôm sau, Ngũ tổ lặng lẽ tìm đến Huệ Năng, thấy Huệ Năng đang giã gạo, Ngũ tổ nói vài lời xong, rồi dùng thiền trượng gõ vào cối đá ba cái, đoạn rời đi. Lúc đó Huệ Năng đã hiểu được ý của Ngũ tổ, nên đến canh ba nửa đêm, ông lặng lẽ đến chỗ của Ngũ tổ; Ngũ tổ dùng áo cà sa che ánh sáng của ngọn đèn trước cửa sổ, và giải thích kinh “Kim Cương” cho Huệ Năng. Huệ Năng cuối cùng đã ngộ được hết vạn pháp, không rời tự tính. “Tự tính” ở đây chính là chỉ bản tính của con người, trong “Kim Cương Kinh”, “tự tính” được gọi là “Bồ Đề”. Tâm Bồ Đề được nói đến trong Phật giáo chính là để chỉ bản tính tiên thiên thuần khiết của con người.
Mà “Kim Cương Kinh” chính là ghi lại lời đối thoại của Phật Thích Ca Mâu Ni với tôn giả Tu Bồ Đề. Tu Bồ Đề vốn là đệ tử thứ mười của Phật Thích Ca, được gọi là “Giải không đệ nhất”, Bồ Đề Tổ Sư đặt tên cho Ngộ Không là “Ngộ Không” cũng là điều dễ hiểu. Thực ra từ góc độ khác mà nói, đây cũng là Ngộ Không tự đặt tên cho mình mà thôi. Ngay cả Đường Tăng cũng khen Tôn Ngộ Không, nói rằng “tâm không” mà Tôn Ngộ Không giải được là “vô ngôn ngữ văn tự, nãi thị chân giải” (không có lời nói chữ viết, chính là giải được thật sự). Đương nhiên, Kim Thiền Tử và Tu Bồ Đề có phải là một người hay không, chúng ta không cần phải đưa ra kết luận này. Đúng cũng được mà không đúng cũng được, họ chỉ là có mối quan hệ như vậy, Phật gia giảng chính là một chữ “không”, là cái gọi là “vạn Pháp không tướng”. Kỳ thực tác giả sắp đặt như vậy, còn có dụng ý sâu xa hơn nữa, chúng ta hãy từ từ bàn luận.
2. Sự tu luyện của Tôn Ngộ Không
Mấu chốt của tu luyện chính là tu tâm. Khi Bồ Đề Tổ Sư hỏi Ngộ Không tên là gì, Ngộ Không nói: “Ngã vô danh, nhân nhược mạ ngã, ngã dã bất não, nhược đả ngã, ngã dã bất sân, chỉ thị bồi cá lễ nhi tựu bài liễu. Nhất sinh vô tính” (Con không có danh tính. Nếu người khác chửi con, con không thấy phiền não; nếu người khác đánh con, con cũng không tức giận; chỉ là lấy lễ đáp lại là được. Một đời không có tên.) Điều này xem ra giống như vô ý đổi chủ đề, nói về Ngộ Không trong quá trình cầu Đạo cũng đã là đang tu tâm rồi. Chính vì có tâm tính cao như vậy, nên Ngộ Không mới có thể nhanh chóng ngộ Đạo.
Bồ Để Lão Tổ truyền thụ cho Ngộ Không “Hiển mật viên thông chân diệu quyết”, từ tên gọi mà nói, chính là gộp mật quyết tu luyện của cả hiển giáo và mật giáo trong Phật giáo làm một. Nhưng nội dung trong đó lại hoàn toàn là nội dung tu luyện của Đạo gia. Trong đó: “Nguyệt tàng ngọc thố nhật tàng ô, tự hữu quy xà tương bàn kết. Tương bàn kết, tính mệnh kiên, tức năng hỏa lý chủng kim liên. Toàn thốc ngũ hành điên đảo dụng, công hoàn tùy tác Phật hòa Tiên.” Ở đây bao hàm các thuật ngữ và quy luật tu luyện của Đạo gia. “Nguyệt tàng ngọc thố, nhật tàng ô” có ý là, khi chu thiên vận hành thì nước ở bể thận dâng lên, khí ở tim giáng xuống, từ đó mà đạt được thủy hỏa hòa hợp, cũng chính là nói thủy hỏa ký tế (ký tế – một quẻ trong Bát Quái). Bởi vì thủy thuộc quẻ Khảm trong Bát Quái, nên dùng chữ “nguyệt” (mặt trăng) để hình dung. Hình quẻ của quẻ Khảm (☵) là một hào dương ở giữa hai hào âm, “ngọc thố” chính là chỉ một hào dương kia. Tim trong ngũ hành thuộc về hỏa, nên dùng “nhật” (mặt trời) để ví, hỏa là quẻ Ly (☲), hình quẻ Ly là một hào âm ở giữa hai hào dương, một hào âm kia cũng chính là “ô” (con quạ). Quy xà tương bàn kết, là chỉ âm dương hòa hợp. “Ngũ hành điên đảo dụng” là chỉ thủy thăng hỏa giáng, mộc chìm xuống, kim nổi lên, mà lại dùng thổ (đất) để điều hòa. Điều này cũng là phù hợp với thuyết “hậu thiên trở về tiên thiên” trong tu luyện của Đạo gia. Kết hợp với điều nói ở phần sau của “Tây Du Ký” là “Linh Quy hấp tận Kim Ô huyết” thì có thể hiểu được ngay: Đạo gia cho rằng, con người trước khi sinh ra, thận tạng đối ứng với quẻ vị là Khôn (☷), tâm tạng đối ứng là Càn (☰), quẻ Khôn là ba hào âm tạo thành, quẻ Càn do ba hào dương tạo thành. Con người khi sinh ra, quẻ Khôn liền biến thành quẻ Khảm, quẻ Càn biến thành quẻ Ly. Từ đó quẻ Khảm lấy dương bổ sung vào trong quẻ Ly, quẻ Ly biến thành quẻ Càn. “Kim Ô huyết” trong cách nói “Linh Quy hấp tận Kim Ô huyết” là chỉ hào âm trong quẻ Ly, đặt trong quẻ Khảm, liền biến thành quẻ Khôn. Đây chính là thuyết hậu thiên quay trở về tiên thiên, cũng chính là ý trật tự ngũ hành thay đổi.
Kỳ thực, sau khi Bồ Đề Tổ Sư truyền thụ phương pháp tu luyện cho Tôn Ngộ Không, sư đồ Đường Tăng tu luyện trong khi đi thỉnh kinh, thì trên cơ bản chiểu theo phương pháp tu luyện này mà đi. Bồ Đề Tổ Sư truyền thụ cho Tôn Ngộ Không cách tránh “tam tai” trong “thiên lôi, âm hỏa, bị phong”, trong đó toàn là thuật ngữ tu luyện của Đạo gia. Trong truyện cũng nhiều lần nhắc đến Tôn Ngộ Không tu thành “Thái Ất tản tiên”.
Ngộ Không học Đạo trở về, việc làm đầu tiên chính là tiêu diệt “Hỗn thế ma vương”. Giới tu luyện giảng, con người có Phật tính, cũng có ma tính, tu luyện chính là quá trình trừ bỏ ma tính, củng cố Phật tính. Vậy Ngộ Không ngộ được bản tính, đương nhiên cần phải thanh trừ ma tính của chính mình. “Hỗn thế ma vương” này chính là tượng trưng cho ma tính của Ngộ Không. Thực ra từ chính mỗi người mà nói, ai mà không có tư tưởng và đặc trưng của hỗn thế (thế gian hỗn loạn). Trong truyện nói rằng Hỗn thế ma vương trú ở phía Bắc Hoa Quả sơn trong“Tam giới khảm nguyên sơn, Từ dưỡng ngũ hành thủy tạng động” thực ra chính là chỉ về bộ phận thận tạng. Thận tạng của thân thể con người trong ngũ hành là thuộc về tính thủy. Mà “Khảm” (☵) trong tám quẻ của Bát Quái lại là chỉ thủy, phương vị thuộc hướng Bắc. Từ chỗ này chúng ta có thể nhìn ra Hoa Quả sơn chính là tượng trưng cho thân thể của Tôn Ngộ Không. Tên hiệu của Hỗn thế ma vương kia và ma tính trong thân người cũng rất phù hợp với nhau. Cho nên, Ngộ Không tiêu diệt Hỗn thế ma vương cũng là một phương diện trong tu luyện của bản thân. Tiêu đề trong hồi này: “Ngộ triệt Bồ Đề chân diệu lý, Đoạn ma quy bản hợp nguyên thần”, chính là nói rõ về vấn đề này.
Quá trình Ngộ Không lấy của Long Vương cây Kim Cô bổng, miêu tả làm cho người ta cảm thấy như thân ở trong cảnh, kỳ thực đó cũng chỉ bất quá là tầng thứ tu luyện của Ngộ Không biểu hiện ra như ý mà thôi. Trong truyện nói Ngộ Không từ Thủy Liêm động dưới cầu Thiết Bản mà trực tiếp xuống đáy biển, dưới đáy biển nhìn thấy cây sắt “Định hải thần châm”, cũng gọi là “Như ý Kim Cô bổng”. Ở đây tác giả dùng một cách nói ẩn dụ, là chỉ về định lực và tầng thứ của Tôn Ngộ Không. Bình thường mà nói, thông thường gọi huyệt hội âm là đáy biển, Tôn Ngộ Không từ Thủy Liêm động nhảy trực tiếp xuống biển, đó là nói lên hình tượng hóa của Tôn Ngộ Không khi nhập định. Lại nói về cây sắt định hải thần châm, nó chính là định sự nông sâu của sông biển, làm binh khí cũng chính là thành gậy sắt như ý.
Tôn Ngộ Không được phong làm Bật Mã Ôn cũng là có dụng ý. Trong sách ví Tôn Ngộ Không là “tâm viên”, ví Bạch Long Mã thành “ý mã”, có câu thơ như thế này: “Mã viên hợp tác tâm hòa ý, Khẩn phược thuyên lao mạc ngoại tầm”. Trong câu tiêu đề khái quát nội dung của “Tây Du Ký” có câu, “Ý mã ức tâm viên”, cũng là đạo lý này. Tôn Ngộ Không ở trên trời trông nom thiên mã (ngựa trời), ý nghĩa chính là chỉ tâm của một người cần phải quản chắc cái ý của chính mình, không được để tâm mình suy nghĩ lung tung.
Sau khi Tôn Ngộ Không được phong làm Tề Thiên Đại Thánh, trong Tề Thiên Đại Thánh phủ còn thiết lập ra hai ti: một ti gọi là ‘An Tịnh ti’, một gọi là ‘Ninh Thần ti’. An tịnh và ninh thần chính là để cho Ngộ Không an tâm định thần. Từ một góc độ khác mà nói, Tôn Ngộ Không tự phong làm “Tề Thiên Đại Thánh” cũng có đạo lý. Đạo gia tu luyện coi thân thể người là một tiểu vũ trụ, sau khi người ta tu luyện đắc Đạo, chính từ tự thân mà nói, thì thọ mệnh của người đó sánh ngang với trời, hợp nhất với trời, gọi là Tề Thiên Đại Thánh cũng chính là chỉ ý này. Có điều “Tây Du Ký” là một tác phẩm văn học, là lấy hình thức văn nghệ để truyền tải nội dung, cho nên biểu hiện bề mặt viết rất hấp dẫn và phức tạp, thực chất biểu hiện ra lại là có dụng ý khác. Lại nói thêm, việc Tôn Ngộ Không tự đặt biệt hiệu cho mình, cũng là để cho bản tính kiêu ngạo được biểu hiện ra.
Tôn Ngộ Không sau khi bị bắt cho vào lò Bát Quái để luyện, đó cũng là biểu hiện của một loại hình thức tu luyện khác, Hỏa nhãn kim tinh (đôi mắt lửa sáng ánh kim), Đồng đầu thiết tý (đầu cứng như đồng, tay dẻo như thiếc), cũng là trải qua quá trình luyện trong lò Bát Quái mà thành.
Bảy hồi đầu của “Tây Du Ký” viết về xuất thân và quá trình tu luyện của Tôn Ngộ Không. Xem sự dũng mãnh và uy lực mạnh mẽ của Tôn Ngộ Không khi đại náo Thiên Cung, đó cũng là một hình thức biểu hiện của tu luyện. Trong toàn cuốn sách, phần này là hấp dẫn người đọc nhất, Thần tướng khắp trời mà không làm thế nào bắt được một con khỉ. Xem Tôn Ngộ Không học Đạo tiên, mượn binh khí, ăn đào tiên, uống ngự tửu, trộm tiên đan, đánh bại Na Tra, đại chiến Nhị Lang, trong lò Bát Quái luyện mắt vàng, chơi đùa hung dữ trong tay Phật Tổ, thật làm cho người ta hét lên khoái chí. Trong hình thức biểu hiện nhiều lần lặp lại tình huống, điều ẩn giấu chính là nội hàm của một người tu luyện.
Tu luyện Đạo gia coi thân thể người là một tiểu vũ trụ, sự tu luyện của Tôn Ngộ Không là hoàn thành chính trên thân thể mình. Thực ra, sự tu luyện của bất kỳ ai cũng là tu luyện thân và tâm của chính mình. Vậy Thiên Cung mà Tôn Ngộ Không đại náo nằm ở đâu? Đó chính là đầu của Tôn Ngộ Không, sau khi nhảy ra từ lò Bát Quái, Tôn Ngộ Không nói với Phật Như Lai rằng muốn ngồi ở Linh Tiêu Bảo Điện, thay thế Ngọc Hoàng Đại Đế. Linh Tiêu Bảo Điện nằm ở đâu? Chính là Nê Hoàn Cung của con người, chủ nguyên thần của người ta chính là ở đó. Tôn Ngộ Không muốn đuổi Ngọc Hoàng Đại Đế đi, làm sao được cơ chứ? Giống như một người, nếu không có chủ nguyên thần, thì những điều khác chẳng cần bàn tới nữa; chủ nguyên thần làm chủ và điều khiển hết thảy tâm và thân một người, sự ngông cuồng của Tôn Ngộ Không chính là tới mức không biết trời cao đất dày là gì, vậy thì đến lúc bị mắc kẹt dưới núi Ngũ Hành Sơn rồi.
3. Sự kiêu ngạo của Tôn Ngộ Không
Sự kiêu ngạo của Tôn Ngộ Không thật đáng để chúng ta bàn luận một chút. Tôn Ngộ Không xuất thân tại nước Ngạo Lai ở Đông Thắng Thần Châu, điều này nói rõ rằng Tôn Ngộ Không vốn sinh ra đã kiêu ngạo. Vào đến Thủy Liêm Động được bầy khỉ bái làm Vương. Bản thân là một con khỉ đá, lại tự xưng là “Mỹ Hầu Vương”. Trên Thiên Đình được phong làm Bật Mã Ôn, kiêm chức quan nhỏ, đại náo Thiên Cung, rồi tự xưng là Tề Thiên Đại Thánh, cuối cùng cuồng vọng đến mức muốn đuổi cả Ngọc Hoàng Đại Đế đi, để ngồi thay vị trí của ông. Trong tay Phật Như Lai nhảy cân đẩu vân, cho rằng đã đến tận cuối trời, để lại ký hiệu cũng ghi là “Tề Thiên Đại Thánh đã đến nơi đây”, cái tâm ngạo mạn đã lộ rõ ra ngoài.
Thực ra cái tâm ngạo mạn của Tôn Ngộ Không cũng là ám chỉ và nhắc nhở con người thế gian. Con người sống ở thế gian, theo cách nói của tôn giáo thì đều là có “tội” cả. Nhưng mà, thế gian lại vốn là một không gian mê, con người lại không biết tất cả những gì của bản thân mình đều là do Thần Phật trông nom bảo hộ, một khi có được bản sự rồi, liền bắt đầu cho rằng mình là duy nhất. Đặc biệt trong tu luyện, sự ngạo mạn này chính là bất kính đối với Thần Phật. Với người tu luyện, tất cả mọi thứ của bản thân mình đều là do Thần Phật an bài, diễn hóa, chăm nom bảo hộ, cũng là nói bản thân mình chính là một sinh mệnh mà Thần Phật tạo ra. Một người có cái tâm kiêu ngạo rồi, lại không chỉ là kiêu ngạo đối với một sự việc nào đó thôi, mà là trong tất cả các hành vi của người đó đều thể hiện ra tâm ngạo mạn. Trong “Tây Du Ký” có nói, Đường Tăng là Kim Thiền Tử – đệ tử thứ hai của Phật Thích Ca Mâu Ni, chỉ vì khinh mạn Phật Pháp mà bị đọa xuống hạ giới. Kim Thiền Tử vì sao khinh mạn Phật Pháp, đó chẳng phải là ông có tâm kiêu ngạo mới dẫn đến việc ông dám khinh mạn Phật Pháp hay sao? Kết cục cuối cùng là bị đày xuống hạ giới, tu hành lại từ đầu. Sự cuồng ngạo của Tôn Ngộ Không cũng rơi vào kết cục là bị đè dưới núi Ngũ Hành Sơn trong 500 năm.
(còn tiếp…)
Dịch từ:
http://www.zhengjian.org/node/128188
Ngày đăng: 27-03-2014
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.