Điều quan trọng trong sinh mệnh là gì?
Tác giả: Trần Tĩnh
[Chanhkien.org]
(1)
Hồi nhỏ tôi từng nghe kể một câu chuyện, nói về một người phụ nữ lớn tuổi, bước vào một cánh cửa, sau khi bước ra khỏi cánh cửa đó, người phụ nữ từ một bà lão đã trở thành một cô gái trẻ xinh đẹp.
Thuở nhỏ, nghe những chuyện như vậy tôi thấy thật buồn cười. Sau này khi đã trưởng thành, nhớ lại câu chuyện này, tôi lại có suy nghĩ khác. Đó là thể ngộ bắt nguồn từ sinh mệnh bản thân mình. Những ngày này do một số chuyện và áp lực mà tôi không lường trước được, khiến tâm tôi có chút rối loạn, nhưng may thay dẫu rằng như vậy, tôi vẫn khá trầm tĩnh, cũng chính những áp lực này đã khiến tôi suy nghĩ rất nhiều.
Bởi những suy nghĩ đó, sáng nay sau khi tỉnh giấc, tôi đột nhiên phát hiện ra một cái tôi hoàn toàn mới, đó là cái tôi hoàn toàn khác với cái tôi của ngày hôm qua, cảm giác đó giống như bắt đầu kể cho bạn nghe một câu chuyện ban đầu vậy: cánh cửa khép lại, cái bộ dạng xấu xí của ngày hôm qua đã biến mất; một cánh cửa khác mở ra, từ đó bước ra một con người hoàn toàn xinh đẹp. Thời khắc đó tôi cảm thấy lòng mình nhẹ nhàng và vui vẻ, có cảm giác tươi mới của một người đã trút bỏ hết những gánh nặng và bụi bẩn. Hơn nữa, cảm giác này không chỉ xuất hiện một lần, mà rất nhiều lần. Có lẽ đó là sự huyền diệu của sinh mệnh, con người tuy rằng không tốt, nhưng nếu một sinh mệnh có thể hướng nội tìm trong bản thân, có thể luôn luôn hướng nội tìm những thiếu sót, bỏ đi mặt ma tính của mình, kết quả có lẽ là điều tốt đẹp mà bản thân chúng ta cũng không thể hình dung được, thực sự không thể hình dung được vẻ đẹp đó.
Trong sinh mệnh có điều quan trọng nhất, đó là điều gì? Tôi nghĩ rằng nên là như vậy, chính là khi không ngừng xét lại chính mình. Trong con người vốn dĩ thiện ác cùng tồn tại, nên khi hành sự, mặt không tốt cũng sẽ nổi lên, vậy nên luôn xét lại hành vi của bản thân là điều vô cùng quan trọng. Như vậy sẽ khiến mình làm việc ít sai sót hơn. Từ đó trong quá trình không ngừng tu chính bản thân mà thành tựu chính mình, mang tới cho mình một tương lai tốt đẹp.
Sau khi khép lại cánh cửa, gạt nước mắt cáo biệt bản thân mình ngày hôm qua, thì cũng là lúc mở rộng một cánh cửa khác và lại mở thêm một cánh cửa tiếp theo. Mỗi ngày đều tự xét lại bản thân, vứt bỏ ma tính và củng cố Phật tính của mình.
Đối với sinh mệnh của chúng ta mà nói: “Điều gì mới thật sự là thứ quan trọng nhất đây?” Có lẽ bạn có thể kể ra rất nhiều thứ như: tiền bạc, mỹ nữ, quyền lực, v.v., nói như vậy cũng không sai, nhưng những thứ này đều là vật ngoại thân, bạn có thể sở hữu được nó, cũng có thể mất nó. Nhưng việc tu dưỡng bản thân và đề cao cảnh giới tinh thần của bản thân sẽ vĩnh viễn thuộc về chúng ta.
Khi nãy tôi cho một người bạn xem bài văn của mình, anh nêu ra ý kiến khác về việc tôi dùng đi dùng lại từ “phản tỉnh” (tự kiểm điểm), anh ấy đã đưa ra ý kiến bất đồng, anh cảm thấy “phản tỉnh” mang chút phong vị của văn hóa đảng, “phản tỉnh”—từ này đôi lúc là bị động, thậm chí là có tính ép buộc; nhưng “tự tỉnh” (tự xét mình) thì lại khác, tự xét là bản thân chủ động hướng nội mà tìm những khuyết điểm và thiếu sót. Khi bạn tôi nói vậy, tôi mới giật mình tỉnh ngộ, nhớ lại ngày trước khi còn trong nhà ngục đen tối của tà đảng, những kẻ tà ác đó nhốt người trong một cửa hiệu nhỏ, thậm chí là vừa dùng cực hình vừa bắt người đó phải “phản tỉnh”, đương nhiên đó không thực sự được coi là phản tỉnh, đó là cưỡng chế con người phải phục tùng mọi thứ của tà ác, từ đó cam tâm tình nguyện làm nô lệ cho kẻ khác cả về tinh thần và thể xác. Khẩu hiệu “vĩ đại, quang vinh, đúng đắn” của tà đảng đều là sự dối trá, là cường quyền, nô dịch, là tội ác, v.v., cho nên nó ắt sẽ bị tiêu diệt.
(2)
Vài ngày trước, có một việc xảy ra khiến tâm tôi rất không thoải mái. Hôm đó tôi tỏ ra rất vô lễ trước mặt cấp trên, vì tôi vô cùng bất mãn với một vài cách làm của ông nên đã chất vấn ông ngay trước mặt mọi người. Sau khi sự việc xảy ra, tôi không hề thấy hối hận. Dù rằng ngày hôm sau tôi đã viết một bức thư xin lỗi, nói là thư xin lỗi nhưng là thư chỉ trích mới đúng, và còn nói bản thân tôi không hối hận khi đã làm như vậy.
Tuy nhiên vài ngày sau, dẫu tôi nghĩ mình có lý, nhưng trong tâm tôi lại thấy không thoải mái. Những ngày đó tôi đau khổ bắt đầu tự suy ngẫm lại bản thân, trước kia tôi cũng tự xét mình, nhưng lần này tôi thấy thỉnh thoảng mới tự xét mình là chưa đủ, tôi phải luôn biết tự xét bản thân mới được. Bởi vì bản thân mình làm rất nhiều việc vượt ra ngoài khuôn phép, cũng chính là do không có thời gian tự xét bản thân, vì đã tích tụ rất nhiều nhân tố phụ diện, nên đến khi áp lực tới, tự mình không thể tháo gỡ được. Kỳ thực đây là sự bùng phát của ma tính, giống như câu mà mọi người thường nói, “Kích động là ma quỷ!”
Ban đầu khi xung đột với cấp trên tôi vẫn thấy mình có lý, nhưng khi từ từ suy ngẫm thì lại không phải như vậy, tôi nêu ra ý kiến không phải là sai, nhưng lại có vấn đề về khẩu khí và thiện tâm, hơn nữa tôi lại chất vấn cấp trên ngay trước mặt mọi người như vậy quả thực là không nên. Sau khi hiểu ra đạo lý này, tôi quyết định thành khẩn xin lỗi cấp trên, nếu không tâm tôi sẽ thấy bứt rứt không yên.
Khi nói chuyện với một người bạn về tự xét mình, không ngờ anh còn hiểu thấu hơn tôi, anh nói: “Cách nghĩ của chúng ta chắc chắn là không hoàn thiện, nên cần không ngừng phủ định và vứt bỏ quan niệm tự ngã, khi thấy mình không sai, mình đã đang nguy hiểm rồi.” Kỳ thực trong quá trình chúng ta trưởng thành, chúng ta đã dệt cho bản thân bao nhiêu tầng lưới? Tầng tầng lớp lớp lưới đó đã trói chặt chúng ta trong tự ngã. Chúng ta bị kẹt trong tấm lưới ấy cũng giống như ếch ngồi đáy giếng, hết thảy mọi cảnh giới và phong cảnh bên ngoài đều không liên quan tới chúng ta.
(3)
Khi chúng ta soi gương, chắc chắn ai cũng thích nhìn thấy bản thân mình xinh đẹp hay phong độ nho nhã, nhưng điều mâu thuẫn thường xảy ra là chúng ta cũng thích giữ lại vài yếu tố khiến chúng ta không đẹp, đây chính là chỗ mâu thuẫn của con người, nhưng cũng không mâu thuẫn, đó là do chúng ta vẫn chưa hiểu rõ một số đạo lý.
Quả thật trong mỗi con người vốn dĩ hai mặt thiện ác cùng tồn tại, nên khi chúng ta nhìn thẳng vào bản thân, hãy dám đối mặt với những thiếu sót của mình, tuy rằng chúng ta không hoàn thiện, nhưng chúng ta phải hoàn thiện bản thân từng chút một, đây là quá trình tu thân. Trong tâm chúng ta có thể có một chút những cảm xúc tiêu cực như giận dữ, oán hận, đau khổ và phiền não, nhưng trong tâm chúng ta cũng có thể sinh ra một chút từ bi, thiện niệm; việc luôn luôn tự xét bản thân, hướng nội tìm thiếu sót của bản thân, chính là đang ức chế những nhân tố tiêu cực đó hình thành, còn nếu những nhân tố tiêu cực tích tụ nhiều thì sẽ có chuyện xấu xảy ra.
Xét từ góc độ của nhân quả, khi một sinh mệnh có thể hướng nội tìm, đó mới thật sự là có trách nhiệm với bản thân, vì chúng ta gieo gì sẽ gặt nấy, vốn dĩ trong sinh mệnh sẽ có rất nhiều vấn đề. Khi đang viết bài này, tôi đột nhiên nhớ tới cảnh tượng trong giấc mơ, tôi mơ thấy một vài bông hoa xinh đẹp nhưng lại đông cứng giữa ngày hè oi ả; tới sáng tỉnh giấc, nhớ lại cảnh tượng kỳ lạ trong giấc mơ đó, tôi đã có chút lo lắng, nghĩ đến những bông hoa đẹp trong thế giới tâm linh của chúng ta, chúng vẫn còn nở rộ hay đã bị những con người, những sự việc lạnh lùng làm tổn thương mà đóng băng lại?
Và từ thời khắc này tôi có thể làm gì cho bạn đây? Thưa các bạn độc giả của tôi, hôm qua tôi vẫn lười biếng không kịp viết ra bài này, còn giây phút này đây tôi nghĩ việc tôi có thể làm là kịp thời viết ra và chia sẻ với các bạn những thể ngộ trong nội tâm mình. Ở nơi thế gian lạnh giá, điều chúng ta có thể làm không phải là oán hận, mà là thức tỉnh; giống như một sinh mệnh có thể tự xét bản thân, đó mới là sinh mệnh xuất sắc nhất, là ánh mặt trời chói lọi, huy hoàng và vĩnh hằng.
Dịch từ:
http://www.zhengjian.org/node/119478
Ngày đăng: 07-09-2013
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.