Lời tiên tri của Hermes



Tác giả: Đệ tử Đại Pháp

[Chanhkien.org] Học thuyết của Hermes chiếm một vị trí trọng yếu trong nền văn hóa Tây phương thời kỳ đầu. Hermes là một vị Thần trong thần thoại Hy Lạp, được coi là sứ giả của Thượng Đế. Còn trong lịch sử, ông được cho là một nhà tiên tri, gọi là Hermes Trismegistus. Học thuyết của Hermes trong văn hóa Hy Lạp và La-tinh được tập kết trong tác phẩm Hermetica. Nhà khảo cổ học nổi tiếng, người đặt nền móng cho cổ vật học Ai Cập là Flinders Petrice cho rằng Hermetica có từ năm 500-200 TCN, là bản dịch tiếng Hy Lạp của triết học cổ Ai Cập. Còn nguyên bản Ai Cập thì không cách nào khảo chứng, và theo suy đoán thì có lẽ đã sớm bị hủy trong chiến tranh. Đã không có manh mối nguyên văn Ai Cập, thì vì sao người ta cho rằng Hermetica là bắt nguồn từ Ai Cập? Ấy là bởi vì trong sách luận thuật và dẫn chứng rất nhiều sự việc diễn ra tại Ai Cập, thậm chí sớm hơn Ai Cập, và rất nhiều là miêu tả cuộc sống tại lưu vực sông Nile. Bởi vậy Hermetica tuy là văn bản Hy Lạp, nhưng lại là học thuyết của Ai Cập. Năm 1924, nhà sử học Scott Walter đã biên dịch cuốn sách sang tiếng Anh và xuất bản, trong đó lược bớt một lượng lớn nội dung huyền bí liên quan đến thuật giả kim; tuy nhiên, chính nội dung này lại có thể giúp chúng ta liễu giải toàn diện nguồn gốc và thực tiễn tư tưởng của Hermes. Cuốn sách được tái bản năm 1994 bởi nhà xuất bản Shambhala.

Hermes Trismegistus, tranh khảm trên nền Nhà thờ lớn Siena.

Luận thuật của Hermes là một trong những ghi chép sớm nhất của văn minh nhân loại lần này liên quan đến nhận thức về vũ trụ và sinh mệnh. Hermes có một vũ trụ quan hoàn chỉnh, với những nhận thức rất sâu sắc về vũ trụ, đời sống vĩnh hằng, Thần, thời gian, con người và vận mệnh của thế giới. Ở đây chỉ xin liệt kê vài quan điểm để quý độc giả tham khảo.

“Không có gì nằm ngoài ý chí của Thần, và Ngài có tất cả. Ý nguyện của Ngài đều là tốt đẹp, là thiện”.

“Tất cả những gì Ngài mong muốn thì Ngài đều có, và Ngài chỉ mong muốn những gì Ngài đã có”.

“Đó chính là Thần, vũ trụ là hình tượng của Ngài; Thần là thiện, vũ trụ cũng như vậy”.

Đồng thời, Hermes tin rằng Chủ Thần (God) là Đấng Sáng Tạo của hết thảy sinh mệnh. Nhưng một khi sinh mệnh sinh ra, thì nó ắt phải phù hợp với Pháp bất biến của vũ trụ (Eternal Law, hoặc gọi là God Law) để duy trì.

“Tiến trình của thời gian cũng hoàn toàn do Pháp (God Law) quy định”.

“(Thời gian) chiểu theo hết thảy những gì trong trình tự đổi mới tốt đẹp đã định sẵn của vũ trụ”.

“Hết thảy đều nằm trong tiến trình này, bất kể là trên Thiên Đàng hay dưới mặt đất”.

“Vĩnh hằng không chịu hạn chế của thời gian, nhưng thời gian lại chịu đủ loại hạn chế, theo vòng tuần hoàn lặp đi lặp lại”.

Hermes cho rằng tư tưởng con người là thấp kém, nhưng trí tuệ của Thần là thánh khiết, vĩnh hằng. Từ đoạn thoại dưới đây, chúng ta có thể thấy thái độ của nhà tiên tri đối với hết thảy những gì ông nhìn thấy. Ông hiểu biết sâu sắc về sự vĩ đại của Thần và sự hạn chế của năng lực bản thân, bởi vậy trong tâm ông sung mãn kính sợ và cảm kích đối với Thần.

“Cảnh tượng Thiên Đàng mà con người chúng ta thấy, cũng giống như xuyên qua một màn sương đen kịt, mà chỉ phù hợp với trạng thái tư tưởng của con người. Năng lực của chúng ta, các sự vật mà chúng ta nhìn thấy, đều vô cùng nhỏ bé và hữu hạn, nhưng thật may là chúng ta có thể nhìn thấy”.

“Cảnh giới của chúng ta là thấp như vậy, nhưng điều mà chúng ta đối diện thì thật huy hoàng”.

Bởi vậy không khó để phát hiện Hermes không giống một hiền triết “trầm tư suy ngẫm”, một triết gia “trích dẫn kinh điển”. Bản Hermetica tiếng Hy Lạp bao gồm rất nhiều nội dung giả kim thuật, chứng tỏ luận thuật của ông bắt nguồn từ trải nghiệm thực tiễn và thăng hoa nhận thức lý tính. Những đoạn trích dưới đây là luận thuật của ông đối với tương lai — hay ‘tiên tri’. Nó đến từ linh ảnh (vision) mà ông tận mắt nhìn thấy, đồng thời tư tưởng về quan hệ nhân quả của nó cũng nhất trí với học thuyết của ông.

Trong lời tiên tri của mình, ông đã truyền tới chúng ta một thông điệp rõ ràng: Để hướng sự chú ý của chúng ta về Thần, rằng trong tương lai sẽ có một đoạn thời gian mà tự nhiên sẽ mất cân bằng, và sinh hoạt của con người cũng sẽ đảo lộn, dẫn tới sự sụp đổ thế giới tinh thần của nhân loại, với chiến tranh, ôn dịch, bệnh tật chết người, tai họa tự nhiên, hạn hán và các loại tai họa khác.

“Ồ, còn có Ai Cập, tín ngưỡng tôn giáo sẽ không tồn tại nữa, tôn giáo chỉ là một câu chuyện trống rỗng mà thôi. Những đứa trẻ sẽ không lại tin tôn giáo nữa, những gì còn lại chỉ là sự thành kính ngoan đạo khắc trên đá mà thôi. Khi ấy con người sẽ chán ngán đời sống tâm linh, họ sẽ không lại tin trên thế giới còn có việc đáng nhận được sự tôn kính của con người, hay có vật gì hay người nào đáng được sùng bái. Con người sẽ tin rằng tôn giáo là gánh nặng cho họ, họ rồi sẽ miệt thị tôn giáo. Họ sẽ không lại tha thiết với thế giới này nữa — một kiệt tác không gì sánh được của Thượng Đế. Con người sẽ quên mất sự tồn tại của Thượng Đế Toàn Năng. Trong đại hồng thủy, nạn đói, ôn dịch, bệnh tật mới, chiến tranh và các loại tai họa khác, tất cả tôn giáo rồi sẽ sụp đổ. Chỉ khi ấy, người ta mới chuyển cái nhìn của mình về phía Thượng Đế”.

“Khi bóng tối chiếm lĩnh ánh sáng, [người ta] sẽ sống mà không bằng chết, không ai trong đó sẽ nhìn thấy ánh mặt trời. Những người thành kính sẽ bị cho là mắc bệnh thần kinh, còn những kẻ bất kính Thần sẽ được coi là thông minh; những kẻ bị điên sẽ được cho là dũng sĩ, còn những kẻ ác ôn thì sẽ được coi là người tốt. Đến nỗi nói về linh hồn bất tử hoặc sinh mệnh lẽ ra là vĩnh sinh, thì họ đều phá ra cười, họ cho rằng đó là giả. Không ai sẽ lại tin hoặc nói về tôn kính và ngoan đạo đối với Thần. Trái đất sẽ không vững chắc nữa, biển lớn sẽ không có thuyền bè nữa, bầu trời sẽ không có sao phù hộ nữa, tinh cầu sẽ không theo trật tự quỹ đạo nữa, nước trên mặt đất sẽ hủ hoại, đất đai sẽ trở nên cằn cỗi, không khí sẽ ngừng lưu động. Sau tai họa, thế giới sẽ già yếu. Không có tôn giáo, tất cả sẽ không theo quy luật nào, những thứ tốt sẽ biến mất. Đây sẽ là một thời kỳ hỗn loạn, tất cả giá trị đạo đức sẽ dần dần biến mất, tư tưởng con người sẽ đầy rẫy tà ác, bóng đêm sẽ bao phủ linh hồn chúng ta, khiến người ta sẽ không nhận ra lỗi lầm của mình. Một xã hội xiêu vẹo sẽ sản sinh, con người sẽ hướng tới sự hỗn loạn tinh thần. Tư tưởng và hành vi của họ sẽ không lại có yêu thương nữa, mà đầy rẫy tư tâm ích kỷ. Con người sẽ truy cầu cuộc sống vật chất tới cực độ, khiến họ thoát ly thế giới tinh thần. Một vương triều hắc ám sẽ đản sinh. Con người sẽ bị các chính trị gia ích kỷ, hủ bại và tà ác thống trị, họ sẽ chỉ có hứng thú với quyền lực và tiền bạc. Tự nhiên sẽ mất đi sự quân bình. Đại nạn rồi sẽ giáng xuống, bởi vì người ta gieo gì thì sẽ gặt nấy”.

“Khi tất cả những thứ này giáng xuống, một vị Thượng Sư, Phụ Thân hay Thượng Đế (Chủ Thần), vị Thần tối cao vô thượng sáng tạo tất cả rồi sẽ tới uốn nắn hết thảy. Ngài sẽ đưa những kẻ lạc đường quay trở lại. Thủy tai, hỏa tai, chiến tranh, ôn dịch rồi sẽ xuất hiện, cuối cùng quét sạch tà ác. Như vậy, toàn bộ thế giới sẽ khôi phục về nguyên trạng, vũ trụ sẽ trở thành nơi đáng được triều bái và tôn kính. Tới khi ấy con người sẽ kính bái, ca ngợi và chúc phúc Thần. Sau khi vũ trụ mới đản sinh, tất cả sẽ được dựng lại, trở nên tốt đẹp và thần thánh. Đây chính là ý chí của Thượng Đế. Bởi vì ý nguyện của Thượng Đế là không có điểm khởi đầu, nó vĩnh viễn là một dạng như vậy. Chủ Thần sẽ dùng ý chí của mình để dựng nên một con đường tinh thần chính xác cho thời đại mới”.

Dịch từ:

http://zhengjian.org/zj/articles/2001/10/14/12034.html



Ngày đăng: 13-04-2012

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.