Tinh tuyển «Thiên gia thi»: “Tĩnh dạ tứ” của Lý Bạch



Tác giả: Ban biên tập Chánh Kiến

[Chanhkien.org] Lời ban biên tập: Để hoằng dương văn hóa Thần truyền Trung Quốc và thanh trừ văn hóa tà đảng, các đệ tử Đại Pháp trong lĩnh vực giáo dục đã biên soạn một bộ tài liệu giáo khoa văn hóa chính thống. Chúng tôi hoan nghênh các đồng tu gia nhập và cộng tác trong việc biên soạn bộ tài liệu giáo khoa này.

*  *  *  *  *

Tài liệu giáo khoa văn hóa chính thống: Tinh tuyển «Thiên gia thi»

Tĩnh dạ tứ

Lý Bạch

Sàng tiền minh nguyệt quang,
Nghi thị địa thượng sương.
Cử đầu vọng minh nguyệt,
Đê đầu tư cố hương.

[Tác giả]

Lý Bạch, tự Thái Bạch, là người Tứ Xuyên triều Đường, quê gốc ở Cam Túc. Sinh vào năm Đại Túc đầu tiên thời Võ Hậu (năm 701 SCN), mất vào năm Bảo Ưng đầu tiên thời vua Đại Tông (năm 762 SCN), hưởng thọ 62 tuổi. Năm lên 5 tuổi theo cha chuyển đến sống ở làng Thanh Liên, huyện Giang Du, tỉnh Tứ Xuyên, hiệu là Thanh Liên cư sĩ. Năm 15 tuổi bắt đầu tu Đạo thần tiên, năm 25 tuổi rời khỏi Tứ Xuyên, ngao du khắp nơi. Năm 42 tuổi đến Trường An, Hạ Tri Chương đọc thơ xong than ông là tiên mắc đọa xuống trần, rồi tiến cử cho Đường Huyền Tông. Sau ba năm được cung phụng, ông bị phe quyền quý của Dương Quý Phi gièm pha, phải rời kinh thành. Lý Bạch thiên tài siêu nhiên, thơ ca chứa đầy ý vị thần tiên phiêu dật, người đời gọi là “Thi Tiên”.

[Chú thích]

(1) sương (霜): hơi nước gần mặt đất ngưng tụ lại, khi nhiệt độ dưới điểm đóng băng (0 độ C) thì kết lại thành bông tuyết màu trắng.

(2) cử (举): ngẩng lên.

[Ngữ dịch]

Ánh trăng sáng chiếu phía trước giường,
Nghi là sương kết trên mặt đất.
Ngẩng đầu lên nhìn ánh trăng sáng,
Bất giác cúi đầu nhớ cố hương.

Dịch thơ:

Trăng sáng rọi đầu giường,
Dưới đất ngỡ là sương,
Ngẩng đầu nhìn trăng sáng,
Cúi đầu nhớ cố hương.

[Giai thoại bài thơ]

Người lữ khách xa quê hương nửa đêm tỉnh dậy, nhầm ánh trăng sáng rọi dưới đất là màn sương trắng. Lúc này mới hiểu rõ giữa trăng sáng và cố hương không có gì khác biệt, nhìn trăng nhớ quê hương, cúi đầu than thở, chỉ muốn trở về nhà! Đây là một bài thơ ngắn tuyệt đẹp thiên cổ, ngôn ngữ thiển bạch mà thần vận siêu phàm, tựa như tuyệt phẩm của Thần, vì thế Hạ Tri Chương mới than Lý Bạch là thần tiên giáng trần.

Lý Bạch cả đời tu Đạo, năm 15 tuổi bắt đầu tìm Tiên cầu Đạo, do đó tư tưởng Đạo gia có ảnh hưởng rất lớn đối với ông. Đạo gia đề cao chữ “Chân”, Lý Bạch thuần chân tự nhiên, tính cách siêu phàm thoát tục cũng biểu hiện trong thơ của ông. Những bài thơ về thiên nhiên thuần tịnh, với nhân tâm phức tạp khác nhau, đã xúc động chỗ sâu thẳm nhất trong sinh mệnh con người, khiến người ta nảy sinh tâm muốn phản bổn quy chân. Chẳng trách ai ai cũng cảm động trước những bài thơ lưu danh thiên cổ của ông.

Dịch từ:

http://www.zhengjian.org/zj/book/html/qjs/p027.htm



Ngày đăng: 22-09-2011

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.